Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 5475

  • Tổng 2.955.224

Những giải pháp nâng cao chất lượng giám sát thực hiện Nghị quyết của HĐND về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm ở thành phố Đồng Hới

Post date: 22/02/2019

Font size : A- A A+
 

(Tham luận của HĐND thành phố Đồng Hới tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã năm 2018)

 

Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật hoạt động giám sát của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả chức năng quyết định và giám sát của Hội đồng nhân dân. Luật Đầu tư công ngày 18/6/2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015) được xem là công cụ đổi mới quan trọng về quản lý nhà nước, đã quy định rất rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp đối với lĩnh vực đầu tư công.

 

 

Đồng chí Thái Khắc Hưng - Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đồng Hới trình bày tham luận tại Hội nghị

 

Thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND Thành phố và quy định của Luật đầu tư công, gần ba năm qua kể từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND thành phố Đồng Hới đã tích cực đổi mới trong việc thực hiện chức năng quyết định và giám sát nói chung và lĩnh vực đầu tư công nói riêng.


Trong thực hiện chức năng quyết định: Đã bám sát các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân và Luật đầu tư công năm 2014, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, văn bản của UBND Tỉnh chỉ đạo thực hiện việc lập dự toán ngân sách Nhà nước và đầu tư công hàng năm; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của UBND Tỉnh về xử lý nợ đọng XDCB để thực hiện chức năng quyết định thông qua nghị quyết về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn và hàng năm của Thành phố. Đã ban hành Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND ngày 16/10/2015 thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 (nguồn vốn NS thành phố quản lý). Cho đến nay, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố đã được rà soát, điều chỉnh, bổ sung 2 lần (lần 1: Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND ngày 29/7/2016 v/v bổ sung Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND ngày 16/10/2015; Lần 2: Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 v/v điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND). Ngoài ra, ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công hàng năm để UBND Thành phố có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.


Trong thực hiện chức năng giám sát: Trên cơ sở đề xuất của các Ban HĐND, Ban thường trực UBMT Tổ quốc Việt Nam thành phố Đồng Hới, của đại biểu HĐND, ý kiến của nhân dân, cử tri, Thường trực HĐND thành phố Đồng Hới đã rà soát, xem xét, lựa chọn và trình HĐND ban hành Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND hàng năm trong đó có các nội dung giám sát về đầu tư công. Thông qua hoạt động giám sát để kiểm chứng tính đúng đắn, phù hợp, đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết về đầu tư công đã được HĐND thành phố Đồng Hới ban hành, cụ thể:


- Về giám sát thường xuyên: Thẩm tra các Báo cáo, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm do UBND thành phố Đồng Hới trình thông qua tại các kỳ họp; Để thực hiện công tác thẩm tra có chất lượng hiệu quả, Thường trực HĐND đã chỉ đạo, giao Ban kinh tế -xã hội trực tiếp làm việc với các cơ quan chuyên môn liên quan thẩm tra, làm rõ những nội dung, trường hợp cần thiết tổ chức kiểm tra thực tế để nắm bắt đầy đủ, từ đó cho ý kiến làm cơ sở quan trọng để HĐND thực hiện chức năng quyết định. Xem xét các văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã liên quan đến đầu tư công có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật; Xem xét việc trả lời và giải quyết của các cơ quan chức năng đối với Thông báo kết luận của Chủ tọa kỳ họp về những nội dung liên quan đến Đầu tư công; Giám sát tại các kỳ họp thông qua thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn; Giám sát thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri.


- Về giám sát chuyên đề: Thường trực HĐND thành phố Đồng Hới đã tổ chức giám sát chuyên đề sau: Năm 2016 đã giám sát tình hình nợ công về xây dựng cơ bản của một số xã phường trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Năm 2017 đã giám sát tình hình thực hiện các đề án xã hội hóa do thành phố ban hành: Đề án xã hội hóa xây dựng vĩa hè thành phố Đồng Hới giai đoạn 2016 - 2020; Đề án xã hội hóa xây dựng hệ thống đường giao thông quy mô nhỏ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020; Đề án xã hội hóa xây dựng hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020; Năm 2018, sẽ tiến hành giám sát chuyên đề: Tình hình nợ công và xử lý nợ công XDCB các dự án do UBND Thành phố làm chủ đầu tư, các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, nợ công về các dự án hạ tầng phát triển quỹ đất do UBND các xã phường làm chủ đầu tư, công tác thanh quyết toán các dự án đầu tư hạ tầng phát triển quỹ đất của thành phố Đồng Hới (từ 1/1/2016 đến 30/6/2018) - thời gian thực hiện: quý 4/2018 (đã đưa vào Nghị quyết của HĐND thành phố Đồng Hới).


Ban kinh tế -xã hội HĐND thành phố Đồng Hới giám sát chuyên đề: Năm 2016: giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công các dự án do ngân sách thành phố bố trí vốn; Tình hình nợ công về đầu tư xây dựng cơ bản của một số UBND xã phường, đơn vị liên quan thuộc thành phố; Năm 2017: giám sát tình hình thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công của thành phố Đồng Hới và việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016.


Tóm tắt một số tình hình và việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm tại thành phố Đồng Hới như sau: Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố xây dựng với tổng nguồn vốn là: 2.045,5 tỷ đồng, dự kiến đầu tư 427 dự án, ngoài ra bố trí trả nợ vay ngân sách tỉnh về kiên cố hóa kênh mương: 15,6 tỷ đồng; Dự phòng: 55,1 tỷ; Chuẩn bị đầu tư: 21,5 tỷ; Chi đầu tư hạ tầng phát triển quỹ đất: 1.359,7 tỷ (Tỉnh và thành phố thực hiện); trong đó hàng năm bố trí vốn lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ theo chỉ tiêu được giao. Năm 2016, đã thực hiện đầu tư mới 59 dự án; thực hiện bố trí vốn cho 109 dự án (bao gồm 59 dự án khởi công mới và 50 dự án hoàn thành, chuyển tiếp) với tổng số vốn bố trí 149,77 tỷ đồng. Tổng số giải ngân trong năm ước đạt 128,7 tỷ đồng. Năm 2017, đã thực hiện đầu tư mới 62 dự án; thực hiện bố trí vốn cho 134 dự án (bao gồm 62 dự án khởi công mới và 72 dự án hoàn thành, chuyển tiếp) với tổng số vốn bố trí 145,38 tỷ đồng. Tổng số giải ngân tính đến 31/1/2018 là 111,38 tỷ đồng (đạt 76,6% KH giao). Năm 2018, đã thực hiện đầu tư mới 47 dự án, thực hiện bố trí vốn cho 83 dự án (bao gồm 47 dự án khởi công mới và 36 dự án hoàn thành, chuyển tiếp) với tổng số vốn bố trí 143,99 tỷ đồng.


Qua giám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của thành phố cho thấy: Việc thẩm tra đã giúp cho việc ban hành kế hoạch phù hợp mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp các quy định hiện hành của nhà nước. Đã thẩm tra công tác bố trí nguồn vốn đối với dự án, ưu tiên bố trí xử lý dứt điểm không còn nợ đọng; khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải; đề cao vai trò của khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, đây là điều kiện rất cần thiết đảm bảo các dự án có chất lượng, hiệu quả, đúng định hướng phát triển. Thông qua hoạt động giám sát, đã đánh giá những kết quả đạt được trong việc thực hiện đầu tư của các chủ đầu tư, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch Đầu tư công của thành phố, nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như việc tham mưu theo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, đơn vị, địa phương thuộc đối tượng giám sát, từ đó có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với đơn vị, kiến nghị các cấp, các ngành có liên quan khắc phục, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Những nội dung đã giám sát gồm: công tác giải phóng mặt bằng các dự án; vấn đề nợ công XDCB trong đó có nợ đọng, nợ tạm ứng, việc giải ngân kế hoạch vốn, việc quyết toán dự án hoàn thành của các chủ đầu tư và việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành của các cơ quan chuyên môn và UBND Thành phố. Tiến hành theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.


Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được còn bộc lộ một số khó khăn, bất cập đó là: Luật Đầu tư công mới ban hành, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 lần đầu được triển khai và đưa vào thực hiện, thời gian, nội dung xây dựng kế hoạch quá gấp do vậy quá trình xây dựng kế hoạch còn chưa sát, phải rà soát và trình HĐND thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nhiều lần;
- Nguồn vốn để làm căn cứ xây dựng kế hoạch trung hạn và hàng năm: ngoài nguồn vốn ngân sách được giao hàng năm thì nguồn vốn chủ yếu là từ nguồn thu tiền sử dụng đất (được hưởng tỷ lệ điều tiết theo Nghị quyết của HĐND Tỉnh). Nguồn thu này do nhiều chủ đầu tư trên địa bàn thực hiện (như các Sở, đơn vị thuộc Tỉnh; UBND thành phố Đồng Hới; các DN nhà đầu tư được Tỉnh giao v.v.) do vậy còn khó khăn ở khâu xác định, thẩm tra để xây dựng kế hoạch cũng như trong quá trình thực hiện đều phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư.


- Qua giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công đã cho thấy: Tiến độ triển khai một số dự án, việc giải ngân vốn, công tác quyết toán dự án hoàn thành vẫn còn chậm. Một số dự án hạ tầng đầu tư phát triển quỹ đất đã lâu nhưng đến nay chưa bán đấu giá được do không có người mua dẫn đến chưa có nguồn vốn để trả nợ XDCB; việc xây dựng kế hoạch vẫn còn chưa sát, còn trùng dự án vì vậy một số dự án phải hủy bỏ không đầu tư…


Để triển khai hiệu quả Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Luật đầu tư công năm 2014, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm yêu cầu đặt ra đối với hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát đầu tư công trên địa bàn, Thường trực HĐND thành phố Đồng Hới xin trao đổi một số giải pháp sau đây:


Thứ nhất: Cần phải nhận thức sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật hoạt động giám sát của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 nói chung và những quy định đối với HĐND trong Luật Đầu tư công năm 2014 và các Nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công nói riêng. Phải hiểu đúng và đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân các cấp đối với đầu tư công từ đó thực hiện tốt yêu cầu của chức năng quyết định và chức năng giám sát của HĐND đối với hoạt động đầu tư công.


Thứ hai: Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân đối với nội dung liên quan đến đầu tư công (thẩm tra các Báo cáo, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm; thẩm tra các dự án cần HĐND cho ý kiến… do UBND cấp huyện, cấp xã trình trước các kỳ họp của HĐND các cấp). Đây là nội dung rất quan trọng để HĐND đưa ra quyết định đúng đắn, đảm bảo Nghị quyết của HĐND về thông qua kế hoạch đầu tư công do UBND các cấp trình phù hợp, đúng mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đúng các quy định pháp luật của Nhà nước về đầu tư công. Để phục vụ tốt công tác thẩm tra cần chủ động nắm bắt thông tin, đề nghị cơ quan chức năng cung cấp các báo cáo, những nội dung quan trong cần thiết báo cáo theo đề cương để phục vụ công tác thẩm tra, cung cấp các tài liệu cơ sở; Thực hiện tốt việc chuẩn bị thẩm tra, đây là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng. Nội dung này bao gồm: Việc nghiên cứu, nắm đầy đủ, đúng chế độ chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến đầu tư công; kết quả nghiên cứu nội dung báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình thẩm tra, xác định rõ đối tượng, phạm vi, đối chiếu số liệu, rà soát kiểm tra các tài liệu cơ sở của các dự án trình kèm theo kế hoạch; kết quả công tác khảo sát thực tế tại các cơ quan đơn vị, khảo sát thực tế nội dung được phản ánh; việc thu thập tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra từ nhiều nguồn có đối chiếu và kiểm chứng, từ tổng hợp ý kiến của nhân dân, của đại biểu HĐND để thực hiện công tác thẩm tra; Việc đôn đốc cơ quan có liên quan trình hồ sơ tài liệu cần thẩm tra để có thời gian nghiên cứu, thẩm tra phù hợp các quy định của pháp luật.


Thứ ba: Nâng cao chất lượng công tác giám sát việc thực hiện Nghị quyết về Đầu tư công. Để thực hiện tốt hoạt động này cần thực hiện tốt việc lựa chọn nội dung, chuyên đề giám sát để trình HĐND thông qua nghị quyết làm cơ sở thực hiện. Việc lựa chọn đúng nội dung, thời điểm, đối tượng cần giám sát có ý nghĩa rất quan trọng. Trong giám sát phải tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm. Việc lựa chọn nội dung nên tập trung vào một số vấn đề: Giám sát việc phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật các dự án (để đánh giá công tác phê duyệt đã đảm bảo đúng quy định và thời gian làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn hàng năm hay chưa, đảm bảo đã phê duyệt đầy đủ các dự án hay chưa), giám sát công tác thực hiện đầu tư (để đánh giá tiến độ, kết quả đầu tư như thế nào để có giải pháp khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, điều chuyển kế hoạch vốn nếu có), giám sát công tác giải ngân của các cơ quan liên quan: Tài chính, Kho bạc, Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan (để đánh giá hoạt động giải ngân sử dụng vốn đầu tư công), giám sát nợ XDCB và việc thực hiện các giải pháp xử lý nợ đọng XDCB …


Trong quá trình giám sát phải tuân thủ các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND từ khâu xây dựng ban hành kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát, các biểu mẫu (chi tiết và tổng hợp khái quát được vấn đề giám sát) gửi cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát yêu cầu báo cáo. Thực hiện việc rà soát các báo cáo của các cơ quan, đơn vị địa phương đã gửi; Thành lập đoàn giám sát, tùy vào nội dung để mời thành phần am hiểu về lĩnh vực giám sát cùng tham gia; Tiến hành hoạt động giám sát theo trình tự quy định; Thông báo kết quả giám sát; Giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị đối với các cơ quan đơn vị thuộc đối tượng giám sát; Báo cáo kết quả giám sát với HĐND.


Phương thức giám sát phải phù hợp với từng nội dung, vấn đề, đối tượng, thời điểm giám sát; thành phần tham gia đoàn giám sát phải hiểu biết lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, các thành viên đoàn giám sát cần tích cực nghiên cứu để phát hiện, kiến nghị khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh công tác quản lý.Trong quá trình giám sát cần đi sâu, tìm hiểu kỹ tình hình thực hiện tại cơ sở, yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết để từ đó mới có cơ sở rút ra những kết luận đúng và đề xuất kiến nghị hợp lý, tránh tình trạng giám sát chung chung mang tính hình thức. Hoạt động giám sát chỉ có chất lượng, hiệu quả thực sự khi kết luận giám sát đánh giá một cách toàn diện vấn đề giám sát, các kiến nghị giám sát được các đối tượng giám sát tiếp thu, thực hiện nghiêm túc, được các cơ quan nhà nước có liên quan giải quyết triệt để. Sau giám sát, cơ quan giám sát cần theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Có như vậy, hiệu quả giám sát sẽ được nâng lên rất nhiều.


Thứ tư: Nâng cao năng lực, trách nhiệm của thành viên Đoàn giám sát trong hoạt động giám sát đầu tư công, để đại biểu HĐND thực hiện tốt công tác giám sát: Cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của HĐND trong đó có Thường trực, Ban HĐND (cấp huyện, xã: Ban kinh tế - xã hội), chú trọng đến năng lực tổ chức, trình độ chuyên môn về lĩnh vực để thực hiện tốt công tác thẩm tra, giám sát. Đề nghị HĐND Tỉnh tổ chức bồi dưỡng tập huấn các chế độ chính sách, kỹ năng thẩm tra, giám sát về đầu tư công cho Thường trực, các Ban HĐND nhất là cán bộ chuyên trách. Về lâu dài, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả cần tăng cường đội ngủ cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn về lĩnh vực để thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ.


Bên cạnh đó, các thành viên cũng phải tự nghiên cứu để nâng cao kỹ năng, nhận thức đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và trước HĐND, năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, không thụ động phó thác cho cán bộ chuyên trách, xem như là nhiệm vụ của Thường trực, của các Ban HĐND. Ngoài ra cần tạo điều kiện để đại biểu HĐND được bồi dưỡng kỹ năng giám sát, kỹ năng chất vấn, kinh nghiệm nêu vấn đề, đặt câu hỏi với các cơ quan hữu quan để làm rõ các nội dung cần giám sát, tham gia thực hiện tốt công tác giám sát.

 

-T.K.H-

More