Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 147

  • Hôm nay 5312

  • Tổng 4.010.526

Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh: “Một số ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Quảng Bình”

Post date: 20/05/2024

Font size : A- A A+

 

Ngày 17/5/2024, HĐND tỉnh Quảng khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề). Thực hiện quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thẩm tra dự thảo Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Quảng Bình do UBND tỉnh trình tại kỳ họp.

 

 

Toàn cảnh kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVIII

 

Sau khi rà soát và đối chiếu với tiêu chuẩn đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 25 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó: có 11 đơn vị hành chính sẽ đưa vào sắp xếp giai 2023 - 2025; còn lại 14 đơn vị hành chính chưa đưa vào sắp xếp giai đoạn này. Vì vậy, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định là cần thiết, nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính, đảm bảo yêu cầu quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước; đồng thời gắn với tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

 

Bà Trương Thị Phương Lan - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp

 

Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tỉnh Quảng Bình đã được tiến hành đúng trình tự, quy trình, thủ tục quy định; được cử tri các địa phương thống nhất, đồng thuận, ủng hộ; được HĐND cấp xã, cấp huyện ban hành Nghị quyết tán thành. Do đó, Ban Pháp chế đề nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết để UBND tỉnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng có một số ý kiến đề nghị UBND tỉnh như sau:

 

- Sau sắp xếp, quy mô (diện tích, dân số) các xã tăng, tạo áp lực trong công tác quản lý. Vì vậy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, rà soát, phân loại đối với các đơn vị hành chính mới để làm cơ sở bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đảm bảo đúng quy định. 

 

- Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, công chức và Nhân dân, do đó đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan và chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích và thực hiện đồng bộ các chính sách để Nhân dân hiểu được chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, đồng thuận trong công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã được thuận lợi, hiệu quả.

 

- Chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức phù hợp với vị trí việc làm; xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư gắn với thực hiện tinh giản biên chế; thực hiện các chế độ, chính sách tinh giản biên chế, giải quyết chính sách dôi dư do sáp nhập bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách và người lao động đảm bảo đúng quy định. Ngoài các chế độ, chính sách quy định của Trung ương, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

 

- Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã kiểm tra, rà soát thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đơn vị hành chính mới; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan do thay đổi đơn vị hành chính mới sau sáp nhập. Có kế hoạch cụ thể để sắp xếp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất; có phương án sắp xếp, xử lý các loại tài sản công (trụ sở, trường học, trạm y tế, đất đai,…) hợp lý, tránh lãng phí sau sắp xếp.

 

- Rà soát, bổ sung và điều chỉnh, xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội phù hợp với quy mô, tính chất của đơn vị hành chính mới để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính đô thị sau sắp xếp.

 

 

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp

 

HB

More