Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 2029

  • Tổng 3.188.873

Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động

Post date: 02/03/2022

Font size : A- A A+

Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã chú trọng giải quyết vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm bằng chính sách cụ thể: Cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 5 nghìn tỷ đồng, trong đó 3,15 ngàn tỉ đồng là dành cho đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm tối đa 3,15 nghìn tỷ đồng; Ngoài ra, một trong những Chính sách tài khoá được Nghị quyết đưa ra là tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh trong đó nổi bật là nội dung cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…


Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thị trường việc làm và tạo nên những chuyển đổi cơ cấu lao động. Chính vì thế, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đã tập trung giải quyết vấn đề tạo ra các động lực để đầu tư vào thị trường và việc làm; cung cấp các mạng lưới an sinh tốt hơn cho những người lao động bị dịch chuyển trong quá trình chuyển đổi công việc; và để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của hệ thống giáo dục và đào tạo; đồng thời khu vực công cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động gặp rủi ro hoặc phải di dời…


Websites Đoàn ĐBQH tỉnh lược ghi một số quan điểm được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công bố tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững (tổ chức vào tháng 12/2021) để độc giả có cái nhìn toàn diện về các chính sách hỗ trợ thị trường việc làm đã được ban hành trong Nghị quyết.

Dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), cuộc suy thoái kinh tế lần này đang và sẽ tạo ra những gián đoạn kép thay đổi thế giới việc làm, thị trường lao động. Ở phạm vi toàn cầu, những nghiên cứu gần đây cho thấy, trong 5 năm tới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau; 84% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; một số lượng lớn công ty cũng dự kiến sẽ thay đổi địa điểm, chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động do các yếu tố công nghệ tác động. Trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố Báo cáo “Nâng cao kỹ năng vì sự thịnh vượng chung” (tháng 01/2021) kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch COVID-19, bởi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5-2%, tương đương với 6,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2030, nhất là trong bối cảnh chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ.

* Tình hình trong nước
 

Bốn đợt dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vừa qua đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng. Thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng triệu lao động bị thiếu việc làm, bị cắt giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính riêng trong quý III năm 2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… cao nhất trong vòng 10 năm qua. 

Các kịch bản phục hồi và số liệu dự báo thì có thể khác nhau, nhưng chắc chắn khi nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề sẽ hiện hữu nếu như chậm tiến độ bao phủ vắc-xin, các cơ sở đào tạo chưa được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong trạng thái bình thường mới, nếu các ngành có công nghệ mới, năng suất lao động cao phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế không những nhanh chóng thoát khỏi suy thoái mà còn đồng thời đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững. Khi đó, nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm; thị trường lao động và việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nó không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số. Thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên thị trường lao động và người lao động Việt Nam sẽ không phải là ngoại lệ. Thậm chí, do Việt Nam là một nước đang phát triển, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế hiện chủ yếu là thâm dụng lao động giá rẻ, năng suất lao động thấp; bên cạnh đó, do tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức rất cao nên sẽ chịu tác động nặng nề hơn trong xu thế ra đời và biến mất của nhiều ngành/nghề và công việc do số hóa, tự động hóa, chuyên môn hóa và toàn cầu hóa sản xuất của CMCN 4.0. Theo một nghiên cứu mới đây giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ LĐTBXH), có tới 94% doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài có định hướng rõ ràng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất trong ba năm tới. Tuy nhiên, cũng theo 1 khảo sát của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong CMCN 4.0 thì có tới 53% doanh nghiệp Việt Nam không dự báo được kỹ năng tương lai cần thiết cho lực lượng lao động của mình.

CMCN 4.0 theo đó sẽ tác động lớn đến người lao động Việt Nam trong 10-15 năm tới, đặt ra yêu cầu người lao động phải có kỹ năng nghề cao do hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam năm 2020 là 64,5% và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam chỉ 24,6% (chỉ bằng 1/3 các nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore). Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 (10 năm nữa), tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75% trong tổng lực lượng lao động trong đó 40% có bằng cấp, chứng chỉ. Nếu không đáp ứng yêu cầu kỹ năng cao, người lao động Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro mất việc làm và bất ổn về an sinh xã hội. Nhất là dưới tác động bởi ứng dụng công nghệ thông tin, robot, tự động hóa… sẽ ảnh hưởng nặng nề đên những ngành nghề liên quan đến lao động giản đơn, thâm dụng nhiều lao động như: Nông nghiệp, dệt may, da giày, lắp ráp, thủ công.v.v... trong khi lao động các ngành này đang chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay (chiếm khoảng 68% lực lượng lao động). 

Theo Báo cáo của ADB về tương lai phát triển kỹ năng thời kỳ hậu Covid-19 (20/7/2021), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang định hình lại thế giới việc làm - thay đổi mô hình kinh doanh và đòi hỏi một bộ kỹ năng mới cho người lao động để phát triển mạnh trong môi trường ngày càng cạnh tranh. Sự gián đoạn đối với thị trường lao động còn tăng thêm do tác động của dịch bệnh COVID-19 làm gia tăng bất bình đẳng và nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoản đầu tư vào đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để giúp những người lao động bị mất việc làm có việc làm mới. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, dù 68% số cơ sở đào tạo ở Việt Nam báo cáo đã được trang bị tốt ở một số ngành nghề cho Cách mạng công nghiệp 4.0, con số này vẫn thấp hơn so với Campuchia (73%), Philippines (81%) và Indonesia (95%). Nghiên cứu ghi nhận cả những khác biệt về nhận thức giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng lao động về sự sẵn sàng cho công việc của học viên tốt nghiệp. Theo nghiên cứu mới này, ADB khuyến nghị Việt Nam cần phát triển các chương trình giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để tạo điều kiện cho công cuộc chuyển đổi sang Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng năng suất của người lao động và khả năng cạnh tranh của quốc gia. Theo Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries, dù việc ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam dịch chuyển lên trên trong chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ, nước ta cũng cần cân nhắc những cách tiếp cận mới để bảo đảm lợi ích bao trùm và sự bảo trợ xã hội đối với công nhân tay nghề thấp, đặc biệt những người có nguy cơ bị thay thế và những người cần nâng cao tay nghề. Chuyên gia này khẳng định, đầu tư thỏa đáng và kịp thời vào phát triển kỹ năng có thể giúp Việt Nam không những khai thác được tiềm năng của Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất mà còn bảo đảm làn sóng này mang lại lợi ích cho người lao động nói chung.

* Phương hướng, giải pháp đẩy mạnh đào tạo góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững
 

Mối quan tâm của các quốc gia nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng hiện nay là làm thế nào để vượt qua cuộc khủng hoảng trước mắt. Tuy nhiên, các chính sách, các gói kích thích kinh tế cần vừa phù hợp để vừa giúp phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững để phát triển thị trường lao động bảo đảm sự tăng trưởng chiều sâu, bền vững trong dài hạn, tránh lỡ nhịp với đà tăng trưởng của thế giới.

Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Hệ thống các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; chất lượng được tăng cường; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Về mặt chủ trương, để tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư kêu gọi nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển bền vững, theo đó đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên; đề nghị doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ  năng nghề cho người lao động, đặc biệt là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để vững bước tiến vào tương lai. 

Trong thực tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 với nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, trong đó có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động của doanh nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, khi doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu sản xuất, người lao động bị chuyển đổi việc làm....; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 và Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CMCN lần thứ tư” với mục tiêu: Tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường; Tạo việc làm tốt hơn cho người lao động; Xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.

Trước mắt, trong trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng lao động do tác động của dịch bệnh COVID-19, để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện các giải pháp điều tiết, cung ứng lao động qua đào tạo nghề nghiệp từ học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo 3 mô hình sau: (1) Đẩy mạnh hoạt động thực hành, thực tập sản xuất của học sinh, sinh viên tại doanh nghiệp; (2) Đưa học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp theo hình thức vừa học vừa làm tại doanh nghiệp; (3) Tạm dừng việc học theo chương trình đào tạo, đến doanh nghiệp chỉ tập trung thực tập sản xuất. Thậm chí, cần có đề án tập trung đào tạo kỹ năng nghề rất nhanh cho lực lượng bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ, thanh niên tình nguyện để cung ứng kịp thời cho các vùng kinh tế trọng điểm.

Về dài hạn, để chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng nghề, không chỉ góp phần phục hồi thị trường lao động trước mắt mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó đặt mục tiêu phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; chất lượng đào tạo của một số trường bắt kịp trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%. 

Để thực hiện được mục tiêu trên, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: (1)Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; (2) Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; (3) Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; (4) Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thị trường lao động; (5) Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; (6) Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính;  (7) Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp; (8) Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế… Trong đó, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề. Trong đào tạo nhân lực cần nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thể hiện từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá; phát triển Các chương trình giảng dạy mới sẽ bao gồm các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai - cả kỹ năng kỹ thuật số cũng như kỹ năng “con người” mà máy móc công nghệ không thể thay thế như giao tiếp, giải quyết vấn đề, sáng tạo, cộng tác và tư duy phản biện.

Trong các giải pháp trên thì hiện đại hóa cơ sở vật chất theo mô hình “nhà trường thông minh, hiện đại”, “nhà trường xanh”, và đổi mới phương thức đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp được xác định là những giải pháp trọng tâm để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Theo đó, một mặt cần thu hút tối đa và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP), khuyến khích doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia giáo dục nghề nghiệp; mặt khác đầu tư công từ ngân sách nhà nước vẫn phải có vai trò chủ yếu, dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế cho phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp, lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc, có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, thiếu hụt lao động, lao động tự do rời khỏi các tỉnh, thành phố lớn trong và sau các làn sóng dịch bệnh và sự dịch chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam của các “đại bàng” trên thế giới… thì việc việc tập trung đầu tư phát triển một số trường chất lượng cao tại các vùng kinh tế trọng điểm và các lĩnh vực ưu tiên là một yêu cầu cấp bách nhằm cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu của quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Đồng thời, việc hình thành một số trường cao đẳng chất lượng cao tập trung đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho các lĩnh vực trong nền kinh tế và có tính chất dẫn dắt, lan tỏa trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế của đất nước.


Vì vậy, cần ưu tiên ngân sách nhà nước trong chương trình đầu tư công trung hạn hoặc chương trình phục hồi kinh tế để triển khai nhanh Đề án đào tạo, đào tạo lại (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021) vừa nhằm chống đứt gẫy chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng, vừa nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CMCN lần thứ tư; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao theo Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 11/10/2019. Theo đó, đối với những trường đã được bố trí vốn nhưng còn dở dang, các dự án đã có trong danh mục đầu tư công và chuẩn bị xong thủ tục đầu tư thì ưu tiên bố trí vốn trong chương trình phục hồi kinh tế để đẩy nhanh tiến độ; đồng thời ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cho các trường còn lại để phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; hình thành các trung tâm đào tạo và thực hành vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; phát triển các ngành, nghề trọng điểm, kỹ thuật cao; nghề “xanh”; các ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng tương lai để tiếp thu thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp; ngành, nghề đào tạo đặc thù và chuyển giao các chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới cũng như “Bảo đảm an toàn nguồn lực lao động – Nền tảng của phát triển bền vững”; đồng thời phù hợp với định hướng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với trụ cột dựa trên việc làm bền vững, năng suất lao động, phục hồi và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”./.

Phòng Công tác Quốc hội (lược ghi)

More