Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 15

  • Hôm nay 1923

  • Tổng 3.188.766

Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội – tầm quan trọng và tác động tới nền kinh tế (kỳ 2)

Post date: 02/03/2022

Font size : A- A A+

Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã quyết nghị bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong các nội dung phát triển kết cấu hạ tầng, nội dung chuyển đổi số được xem là một trong những nội dung quan trọng của Chính sách điều hành của Chính phủ để thúc đẩy, phục hồi kinh tế sau đại dịch. 


Nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về việc ban hành Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là về nội dung chuyển đổi số trong Nghị quyết, Websites Đoàn ĐBQH tỉnh lược ghi bài phân tích của Bùi Nhật Quang, Bùi Quang Tuấn, Phạm Anh Tuấn và nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam. 

Nghiên cứu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững (tổ chức vào tháng 12/2021)

Cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra là cuộc khủng hoảng toàn cầu, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và của. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, trì trệ, đứt gẫy chuỗi cung ứng ở nhiều lĩnh vực. Tác động của cuộc khủng hoảng này có thể có những hệ lụy kéo dài trong nhiều năm.

Các quốc gia trên thế giới đều đã và đang có những giải pháp chính sách để phục hồi kinh tế mặc dù dịch bệnh COVID-19 còn đang tiếp tục hoành hành. Các gói kích thích kinh tế liên tục được đưa ra để phục hồi tăng trưởng và khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh. Quy mô của các gói kinh tế này là lớn chưa từng thấy và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều quốc gia phát triển đã có những gói can thiệp kinh tế chiếm đến 25-30% GDP. Một số quốc gia trong khu vực ASEAN cũng có những gói can thiệp đáng kể, trên 10% GDP. Tuy nhiên, tác động của các gói can thiệp này còn cần phải có thời gian để xem xét, đánh giá về tác động và tính hiệu quả.

Việt Nam – một quốc gia được đánh giá là nước đang phát triển có tăng trưởng khá trong thời gian vừa qua – cũng đã có những chính sách can thiệp vào nền kinh tế. Tuy nhiên bốn làn sóng của COVID-19 đã làm cho tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế mạnh hơn rất nhiều so với hình dung ban đầu. Nhiều trung tâm kinh tế của quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy vậy, quy mô các gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với chính các gói hỗ trợ vào những năm trước đó của Việt Nam. Cụ thể trong năm 2021, các gói hỗ trợ kinh tế chỉ chiếm 2% GDP, kém gần gấp rưỡi so với năm 2020 với 3,6% hay kém gần 8 lần so với gói hỗ trợ vào khủng hoảng kinh tế năm 2009 với 8,3%.

* Vấn đề và thách thức
 

Kinh tế thế giới hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức:

Thứ nhất, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn của đại dịch COVID-19 (gần đây nhất là biến thể Omicron): Tốc độ triển khai vắc-xin là biến số chính đằng sau những dự báo kinh tế tích cực hơn nhưng các biến thể COVID-19 kháng vắc-xin tích cực hơn gây ra rủi ro nghiêm trọng cho những dự báo này. Khả năng tiếp cận vắc-xin và chăm sóc y tế không đồng đều là trung tâm của sự chênh lệch về tốc độ phục hồi kinh tế giữa các nước. Trong khi một số quốc gia giàu có đã tiêm các mũi nhắc lại, thì 96% người dân ở các nước thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng.

Các nhà máy gặp khó khăn do các hạn chế liên quan đến đại dịch. Tắc nghẽn tại các cảng quan trọng trên thế giới đã gây ra sự thiếu hụt nguồn cung. Tình trạng thiếu công nhân trong nhiều ngành đang góp phần khiến chuỗi cung ứng càng căng thẳng. Bộ Lao động Hoa Kỳ báo cáo có đến 4,3 triệu người lao động, một con số kỷ lục, đã bỏ việc trong tháng 8 để nhận hoặc tìm kiếm công việc mới hoặc rời khỏi lực lượng lao động.

Thứ hai, lạm phát xuất hiện trên toàn cầu, các quốc gia phải thắt chặt tiền tệ gây ra nhiều hệ lụy cho hệ thống tài chính tiền tệ. Theo tính toán của Liên Hợp Quốc, chỉ số giá lương thực toàn cầu đã tăng 33% trong vòng 12 tháng qua. Đồng thời, giá khí đốt, than, carbon và điện đang đạt mức kỷ lục. Giá dầu vượt mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên sau 3 năm và khí đốt tự nhiên có giá đắt nhất trong 7 năm. Áp lực lạm phát xuất phát từ việc giá hàng hóa tăng trở lại có thể kích hoạt “bình thường hóa lãi suất”, điều này có thể dẫn đến chi phí dịch vụ nợ cao hơn cho các Chính phủ, gia tăng áp lực củng cố tài khóa tích cực theo chu kỳ cuối cùng cản trở sự phục hồi của các nước mới nổi.

Thứ ba, tình trạng bất ổn xã hội kéo dài và lan rộng. Đại dịch đã có tác động tiêu cực đáng kể đến thu nhập và chất lượng cuộc sống, không chỉ ở các nền kinh tế đang phát triển mà kể cả ở các nền kinh tế phát triển. Các quốc gia nơi căng thẳng chính trị đã ở mức cao dường như có nguy cơ đặc biệt cao, nhưng những quốc gia có nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch cũng vậy. Tình trạng nghèo đói và nợ không thể quản lý trên toàn thế giới đang có xu hướng gia tăng. Số lượng việc làm đã giảm, đặc biệt là đối với phụ nữ, đảo ngược nhiều thành tựu mà các quốc gia đã đạt được trong những năm gần đây.

Thứ tư, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để giành ảnh hưởng toàn cầu. Trong một kịch bản cực đoan, điều này có thể dẫn đến lập trường trung lập trở nên cấm đoán về mặt kinh tế đối với các nước thứ ba, chia rẽ các nền kinh tế ủng hộ Trung Quốc và hỗ trợ Mỹ. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đang phải đối phó với nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ từ thị trường bất động sản. Quy mô khoản nợ của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande có nghĩa là khả năng vỡ nợ đi kèm với rủi ro ảnh hưởng nghiêm trọng về tài chính. Nhiều công ty bất động sản của Trung Quốc cũng bị thu quá mức tương tự, dẫn đến có thể có một chuỗi các vụ vỡ nợ. Tình hình này sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.

Thứ năm, chiến tranh an ninh mạng bùng phát thiếu kiểm soát, dẫn tới hiện tượng tê liệt hoạt động tạm thời của cơ sở vật chất toàn cầu. Nguy cơ xuất hiện các cuộc tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như đường dây cung cấp thực phẩm và năng lượng, hoặc đánh sập mạng lưới điện quốc gia, gây mất ổn định nền kinh tế vĩ mô giữa các nước và trên toàn cầu. Các cuộc tấn công mạng "ăn miếng trả miếng" sẽ trở nên phổ biến, với sự cạnh tranh địa chính trị tiếp tục "nóng lên" trong những năm tới.

Thứ sáu, biến đổi khí hậu diễn ra nghiêm trọng hơn, xuất hiện thiên tai và nạn đói trên toàn cầu. các mô hình biến đổi khí hậu chỉ ra những rủi ro liên quan đến tần suất hạn hán gia tăng. Những đợt nắng nóng gay gắt đã tấn công Canada và Mỹ trong năm nay. Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha đã phải hứng chịu những trận hỏa hoạn kinh hoàng trong những tháng gần đây. Và thời tiết bất ổn, bao gồm cả hạn hán ở Brazil, đã góp phần làm tăng giá một số loại thực phẩm. 

* Các vấn đề đặt ra 

Vấn đề nguy cơ lạm phát kép. Hiện tại, tình hình lạm phát ở các quốc gia mà Việt Nam có khối lượng hàng hóa nhập khẩu lớn đều có sự gia tăng mạnh (như Hàn Quốc tăng trên 3%, Mỹ tăng 6,2% trong 10 tháng đầu năm). Điều này có nguồn gốc từ nhiều vấn đề như đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lao động sản xuất, giá cả hàng hóa nguyên liệu đầu vào gia tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên do việc thực hiện các gói kích thích kinh tế của các quốc gia… Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực lạm phát bên ngoài do tăng giá hàng hóa và nguyên liệu đầu vào nhập khẩu là khó tránh khỏi. Trong bối cảnh này nếu như việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ trong nước nếu gây ra lạm phát sẽ đẩy nền kinh tế vào tình huống chịu áp lực lạm phát kép từ cả bên trong và bên ngoài. Vì vậy, các gói kích thích kinh tế sắp tới cần phải được tính toán và thực hiện để tránh được vấn đề này.

Về nguy cơ nợ xấu, bên cạnh vấn đề lạm phát thì nợ xấu, bội chi ngân sách, nợ công cũng sẽ là những thách thức của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm kỳ này của Chính phủ sẽ chỉ có thể tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề nhằm ổn định kinh tế-xã hội. Thông tư 03, 01 của NHNN vẫn sẽ cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận tín dụng một thời gian nữa. Nhưng sang năm 2022 và năm 2023 rủi ro nợ xấu, bong bóng tài sản có thể trở thành vấn đề thực sự. Cho tới thời điểm hiện tại, giá bất động sản đã gia tăng ở mức cao ở một số địa phương cũng như giá của hầu hết cổ phiếu doanh nghiệp trong năm vừa qua đều tăng trưởng khá nóng. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp đều khá khó khăn như hiện nay.

Trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng ước tính tăng khoảng 14%, do GDP danh nghĩa tăng khoảng 5% (2% là tốc độ tăng trưởng GDP thực, còn 3% là tỷ lệ lạm phát). Chỉ khoảng 5% tăng trưởng tín dụng là đi vào nền kinh tế thực (với giả định là tốc độ quay vòng tiền tệ không đổi) hoặc cao hơn một chút nếu như như tốc độ quay vòng tiền tệ chậm lại phía trước. Như vậy khoảng từ 7 đến 9% tăng trưởng tín dụng là dùng để cho vay đảo nợ hoặc đi vào thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản... Nếu lạm phát thực tế và lạm phát kỳ vọng tăng nhanh thì chính sách tiền tệ sẽ phải thắt chặt. Lúc đó, các doanh nghiệp yếu kém với các khoản nợ dưới chuẩn lớn cùng các nhà đầu cơ chứng khoán và bất động sản sẽ khó thanh toán được các khoản vay nợ. Nợ xấu sẽ tăng mạnh có thể gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng.

* Phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững theo hướng số hóa
 

 Chuyển đổi số và kinh tế số 
 

Chuyển đổi số là sự thay đổi về văn hóa, tổ chức và hoạt động của một tổ chức, ngành, Chính phủ hoặc hệ sinh thái thông qua tích hợp thông minh các công nghệ, quy trình và năng lực kỹ thuật số theo cách có tổ chức và chiến lược. Đây là sự chuyển đổi sâu sắc các hoạt động, quy trình, năng lực và mô hình của các tổ chức và doanh nghiệp để tận dụng đầy đủ những thay đổi và cơ hội của sự kết hợp các công nghệ kỹ thuật số và tác động nhanh chóng của chúng trên toàn xã hội. Sự chuyển đổi này xoay quanh việc nâng cao năng lực để trở nên nhanh hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn, hướng đến sự sáng tạo, và cải thiện chất lượng hàng hóa và dịch vụ.

Nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số để vận hành và hoạt động. Khi quá trình chuyển đổi số được thực hiện ở quy mô nhất định, sẽ hình thành nền kinh tế số. Kinh tế số thực chất đã xuất hiện từ trước đây khá lâu, biểu hiện ở kinh tế tri thức, kinh tế Internet, kinh tế chia sẻ, kinh tế mới, kinh tế không biên giới… Kinh tế số hiện nay đang được phát triển mạnh mẽ và là một xu hướng chủ đạo, có tính định hình tương lai của kinh tế thế giới.

Có thể thấy khái niệm về kinh tế số được chia làm hai trường phái chính. Nhóm khái niệm mang nghĩa rộng thường có nội khái quát chung, đưa hầu như tất cả các cấu phần có liên quan đến số vào kinh tế số làm cho kinh tế số khó phân biệt và khó đo, đếm dựa trên nội hàm của chúng. Nhóm khái niệm mang nghĩa hẹp thường đề cập đến các vấn đề cụ thể, các cấu thành chính của kinh tế số như: IT, ICT, hạ tầng số, điện toán đám mây, IoT… Ưu điểm của nhóm khái niệm này là dễ tổng hợp thống kê trong việc đo, đếm và thực hiện các nghiên cứu liên quan do đối tượng nghiên cứu được cụ thể hóa và dễ phân biệt.

Theo tổng hợp các nghiên cứu (Britton và McGonegal, 2007; Bunz, 2014; Bukht và Heeks, 2017; UNCTAD, 2017; Katz, 2017; CSIRO, 2019; Gestrin và cộng sự, 2018; IDB, 2018; Korner và cộng sự, 2018…), có thể tạm thời chia nền kinh tế số từ khi ra đời mạng Internet vào những năm 1990 theo 3 giai đoạn phát triển là:

- Giai đoạn 1: Kinh tế số chủ yếu liên quan đến lĩnh vực CNTT-TT bao gồm: (1) dịch vụ CNTT-TT (ví dụ: trang mạng, trình duyệt web, nhà cung cấp dịch vụ Internet, công cụ tìm kiếm, băng thông rộng, viễn thông di động); (2) hàng hóa CNTT-TT (ví dụ: thiết bị viễn thông, máy tính và thiết bị máy tính, linh kiện điện tử, phần mềm); (3) các văn bản, thông tin được số hóa. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn số hóa (digitization) - dạng đơn giản của nền kinh tế số.

- Giai đoạn 2: Kinh tế số mở rộng phạm vi của mình bằng việc thêm vào các thành phần mới bao gồm: (3) nền tảng số (ví dụ: mạng xã hội, TMĐT, giao dịch điện tử, Chính phủ điện tử); (4) nội dung số (ví dụ: trò chơi điện tử, trò chơi trực tuyến, nhạc số, ảnh kỹ thuật số, sách điện tử và thông tin số, chăm sóc sức khỏe qua mạng, quảng cáo trực tuyến, du lịch trực tuyến); (5) điện toán đám mây; (6) thiết bị người dùng cuối (ví dụ: điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop); (7) một số mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Giai đoạn này còn được gọi là nền kinh tế đã được số hóa (digitalization) hay kinh tế số ở dạng trung bình.

- Giai đoạn 3: Kinh tế số tiếp tục mở rộng phạm vi do ứng dụng mạnh mẽ các phát minh của các công nghệ số mới là thành quả của CMCN 4.0 bao gồm: (7) IoT; (8) dữ liệu lớn; (9) người máy tiên tiến; (10) trí thông minh nhân tạo (AI); (11) in 3D; (12) blockchains; (13) tiền số; (14) các mô hình kinh doanh số mở rộng và các cấu phần có liên quan. Giai đoạn này được gọi là nền kinh tế đã được chuyển đổi sang số hóa đầy đủ hay kinh tế số ở dạng cao.

Nếu sử dụng kinh tế số theo nghĩa hẹp, theo đó, kinh tế số là các hoạt động kinh tế dựa trên công nghệ số và được thực hiện thông qua môi trường số thì ước tính kinh tế số Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 160 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số ICT/VT đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP. Kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP. Kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 21 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP. So sánh quy mô kinh tế số của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN có thể thấy quy mô kinh tế số của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, về tiềm năng, nó có thể đứng ở vị trí thứ hai trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Lợi ích của phát triển kinh tế số

a) Đối với quốc gia

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Phát triển kinh tế số có mối quan hệ tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số được coi là một động lực mới trong phát triển kinh tế vì nó mở ra các lĩnh vực mới, nâng cấp các lĩnh vực cũ hoặc xóa bỏ các lĩnh vực và ngành nghề lỗi thời, tạo ra việc làm mới, giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn thông qua tối ưu hóa từ sản xuất đến phân phối và kích thích nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Việc ứng dụng các thành tựu của kinh tế số được coi như qua trình tiến hóa, theo đó các hình thức cũ sẽ được thay thế dần bằng hình thức mới tốt hơn, tạo ra những thay đổi trong tăng trưởng kinh tế. Theo World Bank (2016), năm 2016, kinh tế số chiếm khoảng 6% tổng GDP của các nước OECD và tại Thụy Điển thậm chí còn chiếm tới 8% GDP do sự tăng trưởng của các dịch vụ và nền tảng số. Trong khi đó tại Anh, kinh tế số chiếm khoảng 10% GDP, cao nhất trong số các nước G-20, chủ yếu do tăng trưởng từ TMĐT và Chính phủ điện tử.


Phát triển các ngành/lĩnh vực mới: Sự thay đổi kể từ khi Internet ra đời cho đến CM 4.0 đã thay đổi cách thức hoạt động và tương tác của loài người. Các hình thức kinh doanh mới như: TMĐT, kinh tế chia sẻ, giao dịch điện tử…hay các công nghệ số mới như: trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), IoT, email, điện toán đám mây…đã tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và thị trường mới. Những kỳ lân công nghệ như Google, Apple, Samsung, Facebook, Microsoft, Amazon, eBay, Alibaba, Uber, Grab, Tesla… xuất hiện ngày càng nhiều và càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Sự ra đời của hàng trăm tiền ảo (như Bitcoin, Ethereum, Dogecoin…) thậm chí còn tạo ra một thị trường giao dịch và cơn sốt trên toàn cầu. Pettinger (2020) đã tổng kết một vài lĩnh vực cơ bản mà nền kinh tế số đã dần thay thế nền kinh tế truyền thống. Theo đó, đối với một quốc gia, phát triển kinh tế số mở ra các ngành mới có tính chất thay thế một phần hoặc bổ trợ, hỗ trợ cho các ngành/lĩnh vực truyền thống.

Tạo việc làm: Sự hình thành các ngành/lĩnh vực mới như là kết quả của chuyển đổi số kéo theo nhu cầu việc làm gia tăng. Với lượng người truy cập mạng Internet, mạng xã hội và các trang TMĐT khổng lồ, kinh tế số đã tạo ra những cơ hội việc làm mới trên thị trường số. Các cơ hội việc làm liên quan trực tiếp đến công nghệ số như: kỹ sư, chuyên gia mạng, chuyên gia phần cứng, chuyên gia phần mềm… và các công việc liên quan đến hệ sinh thái kinh tế số. Không chỉ vậy, kinh tế số còn làm gia tăng các việc làm truyền thống để phục vụ sự mở rộng của các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chuyển đổi số. Theo World Bank (2016), năm 2014, có 1,3 triệu người làm việc trong nền kinh tế số tại Anh, chiếm 5% tổng lực lượng lao động. Trong khi đó, trong 5 năm trở lại đây, sự phát triển của các ứng dụng trên điện thoai thông minh đã tạo khoảng 500.000 việc làm mới tại Hoa Kỳ.

Thay đổi cơ cấu việc làm: Sự phát triển của kinh tế số cũng kéo theo sự thay đổi cơ cấu việc làm. Sự xuất hiện và phổ biến của các ngành/lĩnh vực mới, trong một số trường hợp, đi kèm với sự thoái trào hoặc biến mất của một số ngành/lĩnh vực truyền thống. Ví dụ, ứng dụng Grab và Uber ngày càng phổ biến khiến cho ngành taxi truyền thống bị thu hẹp thị phần hoặc sự phát triển của các sàn TMĐT khiến cho các mô hình bán hàng trực tiếp phải thu hẹp lại. Tương ứng với nó, lực lượng lao động sẽ dịch chuyển từ ngành/lĩnh vực thoái trào sang các ngành/lĩnh vực tăng trưởng.

Nâng cao chất lượng lực lượng lao động: Sự thay đổi cơ cấu việc làm buộc người lao động phải học tập các kỹ năng số để thích ứng với yêu cầu công việc. Thêm vào đó, sự xuất hiện của các công nghệ số khiến cho quá trình và cách thức thực hiện công việc thay đổi nhưng những người lao động học tập các kỹ năng mới sẽ có cơ hội để vượt lên nhờ vào tận những thành tựu mà công nghệ số mang lại. Nhờ có mạng Internet, các công đoạn sản xuất trước kia chỉ được trong khuôn viên nhà máy có thể được thuê ngoài bởi những đơn vị ưu tú hơn (OECD và IDB, 2016). Vì vậy, kinh tế số càng phát triển, kỹ năng của người lao động càng được nâng cao.

Tăng chất lượng dịch vụ công: Chính phủ các nước đầu tư nhiều hơn cho Chính phủ điện tử sẽ giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công tốt hơn. Quá trình số hóa và đầu tư hạ tầng CNTT-TT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động của Chính phủ, cắt giảm nhân lực không thực sự cần thiết và giảm nạn tham nhũng, quan liêu (World Bank, 2016).


 Đối với doanh nghiệp
Tăng năng suất: Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phát triển kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất cho doanh nghiệp. Các công việc do con người thực hiện sẽ bị thay thế bằng máy móc. Nhờ đó, năng suất cũng như tính chính xác của công việc được nâng cao. Bên cạnh đó, những người lao động học tập các kỹ năng mới sẽ có hiệu quả công việc cao hơn các lao động truyền thống, từ đó góp phần tăng năng xuất của doanh nghiệp. Mạng Internet và mạng di động đã tạo ra các hình thức làm việc đa dạng như: làm việc tại nhà, làm việc bán thời gian, freelancer, làm việc qua hội thoại trực tuyến… Người lao động cảm thấy thoải mái hơn và cống hiến tốt hơn cho công ty trong khi công ty có thể dễ dàng huy động nguồn lực với chi phí tối ưu. Theo Pettinger (2020), nền kinh tế số là một tài sản đầy giá trị trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới phải phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Nếu không có công nghệ số, sự thiệt hại kinh tế có thể sẽ lớn hơn rất nhiều vì lao động không thể đến nơi làm việc. Hơn nữa, các hình thức làm việc gián tiếp còn góp phần đáng kể trong giảm tắc đường và ô nhiễm môi trường do sự di chuyển của người lao động gây ra.


Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Những doanh nghiệp số hoặc doanh nghiệp chuyển đổi số thành công sẽ có năng lực đổi mới sáng tạo tốt hơn so với các doanh nghiệp khác. Việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp cho khoản đầu tư của các doanh nghiệp này trở nên giá trị hơn nhờ tập trung vào thử nghiệm và đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới, quá trình mới hoặc ứng dụng đó. Nói cách khác, nguyên tắc “kẻ chiến thắng có tất cả” (winers take all) của kinh tế số khiến cho các doanh nghiệp luôn khao khát vượt lên các đối thủ cạnh tranh để giữ vị trí dẫn đầu (OECD, 2003).


Tạo cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng thị phần: Chi phí đầu vào được cắt giảm thông qua ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh sẽ giúp các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn, từ đó tạo lợi thế để gia tăng doanh số và thị phần. Bên cạnh đó, hoạt động trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế rào cản gia nhập thị trường thấp do các nền tảng số hầu hết đều mang tính mở với ít các quy định và trách nhiệm phải tuân thủ so với hoạt động trong nền kinh tế thực. Hơn nữa, với số lượng người truy cập mạng Internet và tham gia các nền tảng số ngày càng lớn, tham gia vào thị trường số sẽ giúp sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp tiếp cận tới lượng khách hàng hơn (Kehal và Singh, 2005). Ví dụ, bán hàng qua các trang mạng xã hội và sàn TMĐT, doanh nghiệp có thể cắt giảm các chi phí về thuê mặt bằng, kho bãi, thuê nhân viên, đóng thuế… trong khi tiếp cận một lượng khách hàng ngày càng lớn do ngày càng có nhiều người sử dụng mạng Internet, máy tính và điện thoại thông minh.
 

Thay đổi linh hoạt hơn: Các doanh nghiệp trong nền kinh tế số sẽ có khả năng thay đổi linh hoạt hơn mô hình kinh doanh, cách thức sản xuất và phân phối để đáp ứng những thay đổi của thị trường hoặc chớp lấy thời cơ mới. Việc chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng thay đổi chiến lược quản lý để tích hợp và tái cấu trúc lại các kỹ năng, chức năng và nguồn lực trong và ngoài doanh nghiệp để thích nghi với môi trường thay đổi liên tục. Sự thay đổi linh hoạt cũng giúp doanh nghiệp số sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả hơn hoặc tạo ra những khác biệt khiến cho đối thủ cạnh tranh không theo kịp hoặc khó bắt trước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình (Andersen và Wong, 2013). Ví dụ, Facebook trước kia chỉ là một nền tảng mạng xã hội nhưng trong thời gian gần đây đã phát triển các tiện ích và dịch vụ như livestream và quảng cáo, tạo nên một kênh TMĐT có quy mô lớn tương tự như các sản TMĐT.

Kết nối với khách hàng, nhân viên, đối tác và nhà cung cấp nhanh hơn: việc tận dụng ưu điểm của công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp kết nối với khách hàng, đối tác và nhân viên của mình tốt hơn, giúp các luồng thông tin được thông suốt. Chẳng hạn, các phần mềm sử dụng trí thông minh nhân tạo luôn trả lời ngay các thắc mắc của khách hàng; điện thoại thông minh và các ứng dụng liên lạc như Zoom, Skype, Messenger, Zalo… giúp tính kết nối giữa các cá nhân được duy trì mọi lúc, mọi nơi.

Đẩy nhanh quá trình ra quyết định: việc tận dụng các thành tựu và phân tích dữ liệu, tăng tính kết nối của doanh nghiệp sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể trong việc ra các quyết định kinh doanh. Nói cách khác, các doanh nghiệp số sẽ có những bước đi và thay đổi nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác, giúp chúng luôn duy trì được lợi thế là người đi trước. Ví dụ, SAP là phần mềm quản lý doanh nghiệp cho phép lãnh đạo có thể cập nhật hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục và tổng hợp các báo cáo liên quan đến sử dụng nguồn lực để phục vụ ra quyết định. 
 

 Đối với người tiêu dùng
 

Kinh tế số mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như: Chất lượng sản phẩm/Tiện ích được cải thiện do ứng dụng công nghệ tiên tiến; mua hàng mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nội mạng Internet; Có nhiều kênh thông tin để tìm hiểu, so sánh giá và tham khảo các nhận xét về chất lượng sản phẩm; Giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn so với mua qua kênh truyền thống do chi phí sản xuất và phân phối được cắt giảm; Thuận tiện trong thanh toán do không phải sử dụng tiền mặt; Tiếp cận được nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn so với mua qua kênh truyền thống; Tiết kiệm chi phí và thời gian mua hàng; Những phản hồi và nhận xét về sản phẩm được lắng nghe hơn. Nhìn chung, các sản phẩm và dịch vụ do kinh tế số tạo ra hoặc được phân phối thông qua nền kinh tế số giúp mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người tiêu dùng.

Một số kênh tác động của chuyển đổi số đến tăng trưởng và phát triển kinh tế
 

i)Tác động từ phía cung của tăng trưởng kinh tế

Nền kinh tế (được mặc định đại diện là GDP hay GNI) là hàm của vốn (K), tài nguyên và đất đai (R), lao động (L), công nghệ (A). Với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CM 4.0), các cấu phần của tăng trưởng kinh tế này đều bị CM 4.0 tác động mạnh, mặc dù ở mức độ khác nhau. Trong đó đặc biệt là tài nguyên giờ đây không chỉ là tài nguyên thiên nhiên hay tài nguyên khoáng sản mà là tài nguyên thông tin được mã hóa hay số hóa và trở thành một cấu phần quan trọng trong kinh tế số. Quốc gia nào, doanh nghiệp nào có nhiều thông tin, có khả năng khai thác tốt tài nguyên thông tin thì quốc gia đó chiếm thế thượng phong trong cuộc chạy đua phát triển. Tương tự như vậy, chuyển đổi số làm xuất hiện yêu cầu phải có đội ngũ lao động có kỹ năng thích ứng với chuyển đổi số, kinh tế số, với sử dụng và xử lý các phần mềm và các ứng dụng của công nghệ số. Các kỹ năng này là khác hoàn toàn khác so với kỹ năng của lao động trong nền kinh tế vật chất thông thường trước đây. Công nhân, nông dân, trí thức sẽ không còn là công nhân, nông dân, trí thức thông thường nữa mà là công nhân, nông dân và trí thức số. Họ là những công dân số của một quốc gia. Việt Nam hiện là một quốc gia đông dân số với gần 100 triệu dân. Lực lượng dân số trẻ chiếm tỉ lệ cao (khoảng 2/3), cơ cấu dân số đang ở giai đoạn “vàng”. Đây là thời cơ hiếm có để có thể tận dụng lợi thế này cho việc tăng cường ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo, tăng tốc trong tăng trưởng. Nếu không tận dụng được cơ hội đó trong giai đoạn này, cơ hội như vậy về cấu trúc dân số sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.

CM 4.0 cũng làm cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Mác cũng đã từng phát biểu rằng, bản thân khoa học khi đạt đến một trình độ nhất định, hoạt động phát minh, sáng chế trở thành một nghề đặc biệt, vận dụng nó vào nền sản xuất trực tiếp thì tự nó trở thành một trong các yếu tố có tính chất quyết định kích thích sản xuất. Khoa học, công nghệ lúc đó trở thành là một cấu phần trực tiếp của lực lượng sản xuất, yếu tố nền tảng của sự phát triển của nền kinh tế. Trong một số lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ 5G, học máy, số liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI)…Việt Nam có thể được đặt cùng một vạch xuất phát điểm của cuộc chạy đua đường trường về công nghệ. Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể bứt phá, tăng tốc và điều chỉnh quỹ đạo của tăng trưởng của nền kinh tế.

Con người – công dân số - với trình độ lao động có kỹ năng và tay nghề số kết hợp với tài nguyên số sẽ cải thiện năng suất, giúp tạo ra năng lực cạnh tranh cao của một nền kinh tế và đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho phục hồi nhanh và tăng trưởng nhanh.

ii)Tác động đến tăng trưởng từ phía cầu

Từ phía cầu, nền kinh tế (GDP) là hàm của tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu chính phủ và xuất nhập khẩu ròng (MX). Tiêu dùng bị tác động mạnh bởi chuyển đổi số, bởi thương mại điện tử. Sự lựa chọn của người tiêu dùng sẽ nhiều hơn, dễ dàng hơn, làm kích thích tiêu dùng của dân cư. Trong khi đó, đến hơn 16% dân số Việt Nam đang ở tầng lớp trung lưu. Tỉ lệ này lại đang tăng nhanh. Do vậy, sức mua từ cấu trúc dân số này cũng đáng kể. Về đầu tư, đầu tư về CNTT và kinh tế số làm cho cấu phần này cũng tăng lên và tăng tỉ lệ đóng góp cho GDP. Chi tiêu của Chính phủ tăng trong đó có chi tiêu cho chuyển đổi số và kinh tế số cũng làm cho GDP tăng. Đặc biệt là hoạt động đối ngoại trong đó có xuất nhập khẩu tăng vì chuyển đổi số làm mở rộng thị trường và nâng cao năng lực quảng bá, xúc tiến xuất khẩu được thuận lợi hơn. Xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn vừa qua luôn là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Trong giai đoạn 10 tháng năm 2021, xuất khẩu vẫn tăng đến 17,5%. Như vậy, ở trong tất cả các cấu phần của tăng trưởng từ phía cầu, chuyển đổi số đều có tác động tích cực. Muốn phục hồi tăng trưởng nhanh, cần phải có tác động mạnh đến các yếu tố có vai trò quan trọng này.

iii)Tác động của chuyển đổi số đến thị trường 

Chuyển đổi số làm cho thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Thông qua công nghệ thông tin, thị trường được cung cấp đầy đủ hơn và nhanh hơn về thông tin về cung và cầu, làm cho cung cầu gặp nhau và đạt điểm cân bằng trên thị trường dễ hơn. Thêm vào đó, công nghệ thông tin và chuyển đổi số làm cho người mua có nhiều thông tin hơn, nhiều sự lựa chọn hơn, khách hàng hài lòng hơn. Người bán, nhà doanh nghiệp cũng dễ dàng hiểu nhu cầu của thị trường hơn, quảng bá và giao dịch các sản phẩm của mình theo cách nhanh hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn thông qua các công cụ quảng cáo và thanh toán đã được số hóa và thông minh hơn. Đây là cơ sở quan trọng để giảm các chi phí giao dịch và thanh toán trên thị trường hàng hóa và dịch vụ. Mà một khi thị trường hoạt động tốt thì cơ chế phân bổ nguồn lực của nó sẽ được kích hoạt và phát huy, nguồn lực lúc đó sẽ được phân bổ hiệu quả, giảm thiểu tối đa chi phí xã hội.

iv)Tác động của chuyển đổi số đến liên kết trong chuỗi giá trị 

Chuyển đổi số có tác động mạnh mẽ đến liên kết và kết nối các chủ thể dọc theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng. Việc nâng cao chất lượng liên kết của các chủ thể dọc theo chuỗi giá trị sản phẩm đang là thách thức hiện nay ở Việt Nam và đang là một điểm nghẽn lớn - liên kết lỏng lẻo, thiếu bền vững. Chuyển đổi số cũng góp phần thu hẹp thời gian phân phối từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng nhờ luồng thông tin trên thị trường được trao đổi nhanh hơn, kịp thời hơn.

* Một số định hướng và giải pháp phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế từ góc độ của chuyển đổi số và kinh tế số
 

 Định hướng cho phục hồi tăng trưởng thông qua chuyển đổi số và kinh tế số
 

Về chủ trương chính sách, Việt Nam đã có những văn bản có tính định hướng quan trọng của Đảng và Chính phủ phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới. Trong đó, đặc biệt có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương​ trình Chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 2289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Các định hướng trọng tâm đã được xác định bao gồm: Nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách; Phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu; Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; Đầu tư, nghiên cứu, phát triển một số công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; Mở rộng hợp tác quốc tế, hội nhập về khoa học và công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Đây là những định hướng đúng đắn, có giá trị cho cả giai đoạn phục hồi kinh tế trong ngắn hạn và đảm bảo các nền tảng tăng trưởng trong dài hạn. 

Tuy nhiên, cần phải có những giải pháp cụ thể hơn để thực hiện và cụ thể hóa các định hướng lớn đó. Ở đây xin nêu một số giải pháp cơ bản.
Các giải pháp cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua chuyển đổi số và kinh tế số

a) Về ngắn hạn

- Rà soát, hoàn thiện pháp luật theo hướng thuận lợi hóa mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp (DN), chú ý đến DN khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, để phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng số, hỗ trợ các DN thông qua các cơ chế ưu đãi đầu tư để đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng và phát triển hạ tầng số và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia.

- Nghiên cứu và ban hành các thể chế thử nghiệm để khuyến khích nghiên cứu và hoàn thiện các công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số và ứng dụng thành tựu của CM 4.0. 

- Thúc đẩy kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu số hóa trong nước, phát huy vai trò của nguồn tài nguyên số phục vụ cho kinh tế số, thúc đẩy kết nối và chia sẻ thông tin của các cơ quan quản lý, bộ, ngành, trung ương, địa phương, hoàn chỉnh hành lang pháp lý cho xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu chung, thống nhất của quốc gia, định danh số và xác thực điện tử quốc gia.

- Đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng số, nền tảng số, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai, phát huy vai trò của các quỹ tài chính hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích thương mại hoá và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh, khuyến khích mạnh mẽ các công ty đa quốc gia đặt các trung tâm nghiên cứu và triển khai tại Việt Nam (tương tự như trường hợp của Công ty Samsung đang thực hiện), tăng đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trên cơ sở áp dụng kinh nghiệm tốt về mô hình quản trị mới của thế giới. 

- Đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và khẩn trương ứng dụng đại trà các công cụ thanh toán điện tử, tiền số, và các hình thức kinh doanh và dịch vụ kinh tế số không dùng tiền mặt; khuyến khích phát triển các định chế tài chính mới như Fintech.

- Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong quản lý tài chính, thuế, an sinh xã hội, y tế, giáo dục; tăng cường đầu tư cho phát triển các hình thức khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ các sản phẩm và các công cụ hỗ trợ học tập và làm việc trực tuyến tại nhà… để góp phần tăng năng suất lao động và giảm chi phí di chuyển, đi lại và chi phí giao dịch. Đây là những địa chỉ có thể hấp thụ tốt các khoản đầu tư, các gói chi tiêu can thiệp vào nền kinh tế, giúp phục hồi nền kinh tế một cách hiệu quả.

b) Về dài hạn

- Đối với những giải pháp dài hạn thì cần phải có cách tiếp cận tổng thể, hệ thống hơn. Cần phải chú ý tới các yếu tố của một hệ sinh thái đầy đủ của chuyển đổi số. Các cấu phần từ hạ tầng số, nền tảng số, các ứng dụng, cho đến môi trường thể chế, chính sách, nguồn nhân lực, nguồn tài chính, thông tin và chia sẻ, kết nối thông tin… đều phải được chú ý phát triển. Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số cần phải được thực hiện song song, đồng bộ với nhau và có kết nối với nhau ở mức độ cao.

- Cần phải chú ý tới xu hướng phục hồi xanh đang trở thành một xu hướng nổi trội trên thế giới. Khủng hoảng kinh tế từ COVID-19 mang lại nhiều tác hại và sự tàn phá to lớn, tuy nhiên nó cũng tạo ra những cơ hội mới. Đó là tái cơ cấu và xây dựng nền kinh tế theo hướng xanh và phát triển bền vững. Vì vậy, các giải pháp nhắm tới phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bao hàm hai nội dung: (i) bền vững về tác động phục hồi của các giải pháp can thiệp từ các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế, làm cho nền kinh tế phục hồi một cách ổn định, bền vững mà không tạo ra những xáo trộn, bất ổn vĩ mô;  và (ii) đảm bảo bền vững theo nghĩa hài hòa trong phát triển ở các lĩnh vực kinh tế, môi trường và các vấn đề văn hóa – xã hội.

Tận dụng phục hồi nền kinh tế để tái cấu trúc theo hướng xanh hóa nền kinh tế là một thời cơ lớn. Khủng hoảng là “sự phá hủy mang tính sáng tạo” (Creative Destruction - từ của Joseph Schumpeter). Cuộc khủng hoảng COVID-19 tạo ra cơ hội để chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế xanh mà Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định. Bên cạnh kinh tế số, kinh tế xanh cũng là sẽ tương lai của loài người. 

Chính phủ mới đây đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” trong QĐ 1658 của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2021 trong đó có những quan điểm quan trọng là: Tăng trưởng xanh thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, tăng trưởng xanh dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh. Chiến lược tăng trưởng xanh cũng xác định 4 nội dung quan trọng là giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Như vậy trong tăng trưởng xanh đã có những nội dung của chuyển đổi số, khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, các giải pháp để thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế số cần phải được lồng ghép tốt với thực hiện các giải pháp của chiến lược tăng trưởng xanh đã được đưa ra ở QĐ 1685 của Chính phủ.

Các giải pháp can thiệp nền kinh tế
 

Với tình hình trong nước và quốc tế như hiện nay, các gói cứu trợ kinh tế cần phải được thực hiện theo hướng vừa đảm bảo kịp thời, lại vừa đảm bảo đủ liều lượng, quy mô và hiệu quả. Đây là những mục tiêu khó khăn nhưng rất quan trọng để đảm bảo nền tảng ổn định vĩ mô, làm cơ sở cho sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế trong trung và dài hạn. Các giải pháp cơ bản nên tập trung vào những điểm sau.

Thứ nhất, cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc. Các làn sóng dịch bệnh đã khiến hệ thống y tế tại nhiều tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề cả về nhân lực và vật lực. Dịch bệnh trên thế giới còn đang diễn biến phức tạp, hệ thống y tế cũng là tuyến phòng thủ đầu tiên và quan trọng nhất của không chỉ nền kinh tế mà còn cả quốc gia. Vì vậy, củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, phải là ưu tiên hàng đầu trong các gói hỗ trợ. Cũng cần phải đảm bảo nguồn cung vắc-xin rộng rãi cho cả nước, không chỉ mũi 2 mà cả mũi 3, mũi 4. Đồng thời, có kế hoạch mua các loại thuốc chữa COVID-19 để có biện pháp chữa bệnh cho các F0, ngăn chặn đại dịch lây lan trong cộng đồng.

Thứ hai, cần tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội. Mục tiêu chính là hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất do dịch bệnh. Các biện pháp cụ thể bao gồm hỗ trợ việc khắc phục đứt gãy lao động (trợ giá cho các tuyến xe khách liên tỉnh, tàu hỏa phải chạy 50% công suất để chống dịch, nhà trọ 0 đồng trong vòng một tháng, hỗ trợ xét nghiệm miễn phí. Nếu bắt buộc phải làm theo quy định, hỗ trợ tiền điện cho mức tiêu thụ dưới 50 KW...). Ở những nơi phải phong tỏa thì đảm bảo những người lao động nhập cư làm việc trong khu vực không chính thức không có giao kết hợp đồng được hỗ trợ đầy đủ để yên tâm ngồi nhà, giải ngân nhanh những người trong danh sách hộ nghèo cũng như những người tham gia bảo hiểm xã hội chính thức để đảm bảo họ nhận được hỗ trợ kịp thời trên cơ sở được bao phủ bởi hệ thống an sinh xã hội chính thức. 

Thứ ba, cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. 

Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công... 

PHòng Công tác Quốc hội (lược ghi)
 

More