Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 5470

  • Tổng 3.192.323

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Post date: 14/11/2022

Font size : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Phòng thủ dân sự sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:


1. Về giải thích từ ngữ (Điều 2)


Khoản 1 giải thích về phòng thủ dân sự: “Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.”


Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng 2018 quy định: “1. Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.”. 


Như vậy, nội hàm hai khái niệm này chưa có sự thống nhất. Đề nghị, Ban soan thảo nghiên cứu, xem xét quy định để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. 


2. Về các dạng thảm họa, sự cố (Điều 5)


Dự thảo Luật liệt kê các dạng thảm họa, sự cố gồm: (1) Thảm họa, sự cố trong chiến tranh; (2) Thảm họa, sự cố do thiên nhiên, con người gây ra; (3) Các dạng thảm hoạ, sự cố khác theo quy định pháp luật.


Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật của nước ta (ví dụ như Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm,…) không có quy định nào đề cập về các dạng thảm họa, sự cố. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể  trong luật này các dạng thảm họa, sự cố hoặc đưa ra các tiêu chí, quy định cụ thể để xác định các dạng thảm họa, sự cố; nhằm tạo sự thống nhất trong quá trình áp dụng.


3. Về theo dõi, giám sát nguy cơ, thông tin về thảm họa, sự cố (Điều 14)


Điểm a khoản 2 quy định: “Thông tin liên quan về thảm họa, sự cố phải được báo cáo kịp thời cơ quan có thẩm quyền và được thông báo rộng rãi đến cơ quan, tổ chức và Nhân dân;


Điều 17 dự thảo Luật quy định: 


Điều 17. Thông tin khi có nguy cơ thảm họa, sự cố


1. Thông tin về nguy cơ thảm họa, sự cố phải kịp thời, chính xác, được chuyển tải bằng ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ khác phù hợp với đối tượng dễ bị tổn thương; trong trường hợp cần thiết được chuyển tải bằng tiếng dân tộc và tiếng nước ngoài.


2. Thông tin về nguy cơ thảm họa, sự cố được truyền tải bằng nhiều hình thức phù hợp với từng loại đối tượng.


3. Nội dung chính của bản tin dự báo, cảnh báo thảm hoạ, sự cố bao gồm: Loại thảm họa, sự cố; cường độ, cấp độ thảm họa, sự cố; dự kiến khu vực ảnh hưởng và dự báo diễn biến của thảm họa, sự cố.


Đề nghị quy định rõ về các hình thức thông tin, tần suất thông tin về thảm họa, sự cố đến với nhân dân, đảm bảo thông tin về thảm họa, sự cố được cập nhật kịp thời, chính xác và thường xuyên.


4. Về các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố (Điều 18)


Việc áp dụng các biện pháp khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố là hoạt động cần thiết, gấp rút, ngay tức khắc, cần huy động nhiều phương tiện, lực lượng, vật tư, trang thiết bị để phục vụ…..Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cân nhắc để bổ sung quy định về biện pháp cơ quan nhà nước có quyền huy động, trưng dụng, trưng mua một số loại tài sản, phương tiện, thực phẩm của các tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu phòng thủ khi có sự cố, thảm họa xảy ra.


5. Về các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 2 (khoản 1, 2, 3 Điều 26)


Đề nghị bỏ từ “Khuyến nghị” tại khoản 1, khoản 2; vì, khi xảy ra thảm họa, sự cố, thì cần thiết phải áp dụng các biện pháp trong phòng thủ dân sự để đảm bảo an toàn tài sản của nhà nước, của nhân dân và tính mạng con người; đồng thời để đảm bảo thống nhất quy định với Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản có liên quan. 


Tại khoản 3, để phù hợp với thực tiễn, đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc tạm dừng” sau từ “hạn chế”; sửa lại như sau: “3. Hạn chế hoặc tạm dừng tổ chức lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, hoạt động văn hóa nghệ thuật, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn;”.


6. Đề nghị bổ sung thêm một số từ, cụm từ vào các quy định sau:


- Khoản 3 Điều 17, đề nghị bổ sung từ “thời gian” sau từ “ảnh hưởng”, nhằm đảm bảo thông tin đầy đủ các yếu tố về không gian và thời gian, để có biện pháp chủ động phòng, chống. Cụ thể: “3. Nội dung chính của bản tin dự báo, cảnh báo thảm hoạ, sự cố bao gồm: Loại thảm họa, sự cố; cường độ, cấp độ thảm họa, sự cố; dự kiến khu vực ảnh hưởng, thời gian và dự báo diễn biến của thảm họa, sự cố.”


- Khoản 3 Điều 20, đề nghị bổ sung thêm từ “kịp thời” trước từ “thông báo”, vì các thảm họa, sự cố đòi hỏi phải có tính kịp thời mới có biện pháp phòng, chống, giảm thiểu được thiệt hại đến mức thấp nhất. Cụ thể: “3. Tăng cường các biện pháp theo dõi, giám sát nguy cơ xảy ra thảm hoạ, sự cố; nắm chắc diễn biến tình hình; kịp thời thông báo cho các lực lượng, người dân tin tức có liên quan.”


- Khoản 4 Điều 27, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “xuất nhập khẩu” sau cụm từ “quá cảnh”, vì để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng là phải bao gồm cả xuất nhập khẩu hàng hóa…Cụ thể: “4. Hạn chế hoặc tạm dừng việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa nếu thấy cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.”


7. Về Quỹ phòng thủ dân sự (Điều 44)


Theo dự thảo, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động phòng thủ dân sự; việc thành lập Quỹ là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc, xem xét thêm; bởi vì hiện nay, hầu hết các lĩnh vực các Luật đều có quy định việc thành lập quỹ (Quỹ phòng, chống thiên tai; Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch; Quỹ Bảo vệ môi trường….), nhưng mô hình, nguyên tắc hoạt động, mục đích hoạt động, nguồn tài chính và phương thức huy động tài chính không thống nhất. Vì vậy, đề nghị ở trong Luật chỉ quy định việc thành lập Quỹ, còn các nội dung khác ban hành văn bản quy định riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.


8. Ý kiến khác: Hiện tại trong lĩnh vực Giao thông vận tải có Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/01/2019 quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ, và tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này quy định: “Tình huống khẩn cấp về thiên tai trong lĩnh vực đường bộ là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.”.


Theo đó, tại khoản 5, Điều 1 quy định về thẩm quyền công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai như sau:


- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hệ thống quốc lộ và đường bộ cao tốc; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Giao thông vận tải tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai;


- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với các hệ thống đường bộ địa phương; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn về giao thông đường bộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai”.


Thực tế, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và nhiều tỉnh, thành phố khác có hệ thống đường địa phương và cả hệ thống đường Quốc lộ, đường cao tốc đi qua. Khi có thiên tai xảy ra thì địa phương phải đợi Công bố của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hệ thống đường Quốc lộ và đường cao tốc để cơ quan quản lý đường bộ thực hiện biện pháp ngăn chặn hậu quả và khắc phục hậu quả là chưa phù hợp với thực tế và rất bất cập. Vì công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai đòi hỏi phải kịp thời, cấp thiết; nhiều tình huống thiên tai diễn ra bất ngờ, không được dự báo trước, việc đợi cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn ở địa phương ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sẽ không đảm bảo tính kịp thời trong việc ngăn chặn hậu quả và khắc phục hậu quả.


Do đó, đề nghị rà soát, đánh giá sự thống nhất, tính phù hợp của các quy định có nội dung liên quan đến phòng thủ dân sự, bao gồm cả lĩnh vực giao thông vận tải để quy định thống nhất theo hướng phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với toàn bộ hệ thống đường bộ trên địa bàn cấp tỉnh (bao gồm Quốc lộ, đường cao tốc, đường địa phương)./.


Phòng CTQH

More