Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 398

  • Tổng 3.022.429

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Lệ Thủy trước Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII

Post date: 02/04/2018

Font size : A- A A+

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Lệ Thủy  trước Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

 

1. Cử tri các xã Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Nam, Ngư Thuỷ Trung hiện gặp rất nhiều khó khăn vì phải chịu ảnh hưởng lớn do sự cố môi trường biển gây ra. Đề nghị Tỉnh quan tâm, hỗ trợ, đồng thời xem xét, nghiên cứu để đề nghị công nhận 3 xã này là các xã bãi ngang đặc biệt khó khăn.


Trả lời:


Trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Lệ Thủy, ngày 22/5/2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 718/SLĐTBXH- BTXH đề nghị UBND tình xem xét, trình Chính phủ bổ sung các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, trong đó có xã: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam.
Ngày 02/6/2017, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 964/UBND-VX đề nghị bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, trình Chính phủ công nhận, bổ sung các xã trên vào danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển giai đoạn 2016-2020.


(Theo Công văn số 859/SLĐTBXH-NCC ngày 20/6/2017 của sở Lao động - Thương binh và Xã hội)


2. Cử tri xã Văn Thuỷ đề nghị Tỉnh đầu tư tuyến đường từ thôn Tiến Giang, xã Văn Thuỷ đến bản Cây Bông, xã Kim Thuỷ để phục vụ Nhân dân đi lại, giao thương hàng hoá giữa hai địa bàn.


Trả lời:


Qua ý kiến đề nghị của cử tri, UBND huyện đã tiến hành kiểm tra và nhận thấy tuyến đường nói trên dài khoảng 2km, mặt đường rộng 3,5m, nền đường rộng 5m, kết cấu mặt đường láng nhựa. Tuyến đường đã được đầu tư xây dựng năm 2010 bằng nguồn vốn Chương trình 135 với chiều dài 450m; năm 2016 đã đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Giảm nghèo bền vững với chiều dài 1.400m; đoạn còn lại dài khoảng 160m chưa được đầu tư hiện đang là đường đất bị hư hỏng, lầy lội. Trước mắt, UBND huyện sẽ bố trí vốn để khắc phục đoạn đường nói trên đảm bảo cho nhân dân đi lại được thuận tiện. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng trong điều kiện có thể.


(Theo Công văn số 1335/UBND- VP ngày 23/6/2017 của UBND huyện Lệ Thuỷ)


3. Cử tri xã Ngân Thuỷ đề nghị Tỉnh đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng để phục vụ sản xuất lúa nước 02 vụ ở các bản: Khe Giữa, Còi Đá, Cẩm Ly, Cửa Mẹc.


Trả lời:


Thời thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành đã đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng để phục vụ sản xuất lúa nước 2 vụ trên địa bàn xã Ngân Thủy nên cơ bản đảm bảo tưới tiêu cho lúa 2 vụ, cụ thể:
Tại bản Khe Giữa: Bản có 11,8 ha lúa nước, hiện đã có hệ thống ống dẫn nước từ đập hồ Khe Giữa đi qua bản vừa phục vụ nước sinh hoạt vừa phục vụ tưới nước cho ruộng lúa, cuối tuyến ống dẫn nước có một kênh mương nối ra ruộng lúa đảm bảo tưới nước cho 2 vụ lúa; tuy nhiên hệ thống ống dẫn nước được đầu tư cách đây trên 10 năm nên có bùn đất lắng đọng trong ống nên nước chảy về tới hạ nguồn chỉ đạt 1/2 miệng ống. Để đảm bảo đủ nước tưới cho ruộng lúa, UBND huyện yêu cầu UBND xã Ngân Thủy chỉ đạo có kế hoạch điều tiết nước tưới phù hợp, tiết kiệm trên ruộng lúa tránh thất thoát nước dẫn đến thiếu nước tưới. Về lâu dài sẽ huy động nguồn lực để duy tu sửa chữa lại hệ thống ống dẫn đảm bảo việc tưới cho ruộng lúa 2 vụ của bản.
Tại bản Đá Còi: Bản có 8 ha lúa nước, trong những năm qua đều gieo cấy được cả 2 vụ lúa, hiện đã có một hệ thống nước từ Khe Đá chảy ra nhưng chỉ mới phục vụ cho sinh hoạt và có một hệ thống mương đất để dẫn nước tưới cho ruộng lúa, hệ thống kênh mương của bản chưa được đầu tư kiên cố hóa nên trong thời gian tới UBND huyện sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kênh mương này đảm bảo cho việc tưới cho ruộng lúa của bản.
Tại 2 bản Cẩm Ly, Cửa Mẹc: 2 bản hiện có 70,5 ha lúa nước, vừa qua tỉnh đã cấp 3 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng năm 2014 để đầu tư xây dựng lại tuyến kênh mương phục vụ tưới cho ruộng lúa 2 vụ của 2 bản nên cơ bản đảm bảo nước nưới. UBND huyện yêu cầu UBND xã Ngân Thủy chỉ đạo 2 bản điều tiết nguồn nước tưới phù hợp, tiết kiệm đảm bảo đủ nước tưới cho toàn vùng, huy động sức dân nạo vét tuyến kênh mương sau những đợt lũ; riêng hệ thống kênh mương nội đồng hiện là mương đất, chưa được đầu tư kiên cố, thời gian tới UBND huyện sẽ xem xét huy động nguồn lực để thực hiện khi có điều kiện đảm bảo cho sản xuất.


(Theo Công văn số 1335/UBND- VP ngày 23/6/2017 của UBND huyện Lệ Thuỷ)

4. Đề nghị Tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch cho bà con dân bản: Km 14, Khe Giữa, Khe Sung.


Trả lời:


Trong những năm qua, Tỉnh đã quan tâm đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung và phân tán theo Chương trình 135 và 755, cụ thể trong 3 bản nói trên thì tại bản Khe Giữa và bản Khe Sung đã được đầu tư 2 công trình nước tập trung, riêng bản Km14 chưa được đầu tư công trình nước tập trung do nguồn nước khó khăn. Trong 2 năm 2015 và 2016 Tỉnh và Huyện đã đầu tư 260 triệu đồng theo nguồn vốn 755 để xã Ngân Thủy mua 200 bình chứa nước cấp cho các hộ nghèo trên toàn xã, cụ thể:
Tại bản Khe Sung: Do công trình nước sinh hoạt tập trung đầu tư đã lâu nên bị xuống cấp, hư hỏng. Trong năm 2016, UBND huyện đã bố trí 186 triệu đồng theo nguồn vốn duy tu bảo dưỡng Chương trình 135 để sửa chữa lại công trình và trong năm 2017 UBND huyện cũng đã phân khai bổ sung thêm 200 triệu đồng từ nguồn vốn 755 để đầu tư mới một đoạn gần 500m đấu nối với công trình cũ về tới cuối bản phục vụ nước sinh hoạt cho bà con.
Tại bản Khe Giữa: Hiện tại đã có công trình nước sinh hoạt kết hợp sản xuất nối từ hồ Khe Giữa về tới bản, tuy nhiên do công trình được đầu tư đã lâu nên đất bùn có lắng đọng, mặt khác do bà con đồng bào thả rong trâu bò ở thượng nguồn Hồ Khe Giữa nên nguồn nước có bị ô nhiễm, UBND huyện yêu cầu UBND xã Ngân Thủy chỉ đạo người dân không thả rong trâu bò ở khu vực này đảm bảo nguồn nước sinh hoạt được sạch sẽ.
Tại bản Km14: Do nguồn nước để xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung khó khăn nên trong thời gian qua chưa được đầu tư công trình nước tập trung tại bản. Năm 2017, Tỉnh và Huyện đã cấp 432 triệu đồng theo nguồn vốn 755 để xây dựng công trình nước tập trung cho bản trong thời gian tới.


(Theo Công văn số 1335/UBND- VP ngày 23/6/2017 của UBND huyện Lệ Thuỷ)


5. Cử tri xã An Thuỷ, Phú Thuỷ đề nghị Tỉnh hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, xây dựng hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt, vì hiện nay một số dự án đầu tư quy mô nhỏ nên không đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.


Trả lời:


Việc cử tri nêu là đúng thực tế, hiện nay trên địa bàn xã An Thủy có công trình cấp nước tại thôn Lộc Thượng với quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, còn tại xã Phú Thủy chưa có công trình cấp nước phục vụ sinh hoạt.
Đối với xã An Thủy đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung kinh phí để mở rộng mạng lưới cấp nước trên toàn xã. Ngày 24/10/2012, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2638/QĐ-CT về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật (giai đoạn 2) cho công trình cấp nước tại thôn Lộc Thượng để cấp nước cho toàn xã với tổng kinh phí là 6.405 triệu đồng nhưng đến nay mới chỉ cấp được 385 triệu đồng, do đó không đảm bảo nguồn vốn để triển khai xây dựng công trình được.
Đối với xã Phú Thủy, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp&PTNT đưa công trình cấp nước sinh hoạt tập trung vào Dự án WB2, hiện nay đang đề nghị Chính phủ xem xét đầu tư.


(Theo Công văn số 1335/UBND- VP ngày 23/6/2017 của UBND huyện Lệ Thuỷ)


6. Cử tri huyện Lệ Thuỷ phản ánh: Hiện nay, trên địa bàn huyện một số tư thương buôn bán thực phẩm tươi sống như: tôm, cá... có sử dụng chất bảo quản, đề nghị Tỉnh chỉ đạo kiểm tra, ngăn chặn để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.


Trả lời:


Sau khi nhận thông tin, Sở đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm tra tại địa bàn các xã: An Thủy, Dương Thủy, Hồng Thủy và một số cơ sở chuyên vận chuyển, bán buôn cá từ ngoại tỉnh về tiêu thụ trên địa bàn huyện Lệ Thủy (Nguyễn Xuân Nam-xã Dương Thủy, Nguyễn Thị Tâm-xã Hồng Thủy, Nguyễn Thị Thiết, Võ Thị Hồng-TT Kiến Giang), kết quả chưa phát hiện việc sử dụng hóa chất bảo quản cấm, hóa chất bảo quản ngoài danh mục cho phép sử dụng.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục cho phép trong bảo quản tôm, cá trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn huyện Lệ Thủy nói riêng; đồng thời, ưu tiên nguồn kinh phí cho việc lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu về ATTP để kịp thời cảnh báo đến người tiêu dùng, đồng thời xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính giáo dục, răn đe.


(Theo Công văn số 1465/SNN-KHTC ngày 23/6/2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT)


7. Cử tri Nguyễn Thanh Phi, Nguyễn Thanh Hợi, Nguyễn Thanh Niên, xã An Thủy: Đề nghị Tỉnh chỉ đạo UBND huyện Lệ Thủy rà soát lại diện tích giao đất trồng rừng cho các hộ dân tại các xã Mai Thủy, Trường Thủy, Văn Thủy, Mỹ Thủy để xác định rõ diện tích đất xây dựng nghĩa trang gia đình với đất trồng rừng sản xuất. Qua đó, nắm lại sự biến động diện tích đất rừng sau thời gian giao cho dân sử dụng để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Đồng thời tiến hành các thủ tục cấp sổ đỏ đất nghĩa trang gia đình cho Nhân dân. (Theo cử tri phản ánh, khi giao đất trồng rừng theo Quyết định 327, trong đó xen lẫn một số nghĩa trang của người dân. Quá trình sử dụng, các chủ đất trồng rừng đã lợi dụng chuyển nhượng trái phép một số diện tích đất cho việc xây mới, mở rộng nghĩa trang để thu lợi bất chính, gây bức xúc trong Nhân dân).


Trả lời:


Về nội dung đề nghị rà soát lại diện tích giao đất trồng rừng cho các hộ dân tại xã Mai Thủy, Trường Thủy, Văn Thủy để xác định rõ diện tích đất xây dựng nghĩa trang gia đình với đất trồng rừng sản xuất: Hàng năm, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Việc cử tri đề nghị rà soát diện tích giao đất rừng sản xuất xã Mai Thủy, Trường Thủy, Văn Thủy và đất nghĩa trang, nghĩa địa đòi hỏi phải có thời gian, hơn nữa kinh phí đo đạc để xác định và bóc tách là rất lớn, trong khi ngân sách huyện còn khó khăn, khả năng đảm bảo kinh phí của các hộ gia đình cá nhân thì hạn chế nên chưa thực hiện được. Việc rà soát lại diện tích của các hộ dân thường được lồng ghép với quá trình đo đạc, cấp GCNQSD đất riêng lẽ hoặc theo dự án. Hiện nay, trên địa bàn xã Mai Thủy đã hoàn thành dự án đo đạc hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; xã Trường Thủy đang triển khai đo đạc hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai và xã Văn Thủy đang triển khai dự án đo đạc cấp GCNQSD đất rừng theo nguồn vốn dự án SRDP. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên&Môi trường quan tâm cho lồng ghép các dự án đo đạc để tiến hành đo đạc theo hiện trạng diện tích sử dụng đất rừng của các hộ dân theo ý kiến kiến nghị của cử tri.
Về nội dung cử tri phản ánh các chủ đất trồng rừng đã lợi dụng chuyển nhượng trái phép một số diện tích đất cho việc xây mới, mở rộng nghĩa trang để thu lợi bất chính, gây bức xúc trong nhân dân: Ý kiến của cử tri phản ánh còn chung chung chưa nêu trường hợp nào cụ thể nên UBND huyện chưa có cơ sở để chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Đề nghị cử tri xem xét, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm thì phản ánh cụ thể để UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý theo quy định. Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên&Môi trường phối hợp với các cơ quan, các xã liên quan tiến hành kiểm tra quá trình sử dụng đất của các hộ gia đình ở các xã nêu trên nhằm hạn chế tình trạng mua bán, chuyển nhượng thu lợi bất chính từ đất nghĩa trang, nghĩa địa gây bức xúc trong nhân dân.
Về nội dung cấp giấy chứng nhận QSD đất nghĩa trang cho nhân dân: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Đất đai năm 2013 quy định về người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất thì Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý và sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa. Mặt khác, theo quy định tại Khoản 7, Điều 19, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về quy định các trường hợp không cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trong đó có quy định về việc không cấp GCNQSD đất đối với đất nghĩa trang, nghĩa địa đã giao cho UBND các xã quản lý, vì vậy UBND huyện không cấp GCNQSD đất nghĩa trang cho nhân dân. Để công tác quản lý đất mồ mả trên địa bàn đi vào nề nếp, ngày 19/6/2007 UBND huyện đã ban hành Quyết định số 04/2007/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án sử dụng đất quy hoạch mồ mả huyện Lệ Thủy với tổng diện tích 304 ha đất để thực hiện. Theo quy định thì việc xác định địa điểm, vị trí, diện tích để xây dựng phần mộ của các gia đình, dòng họ thường phải được sự đồng ý của UBND xã; tuy nhiên thực tế hiện nay, một số hộ dân tùy tiện chôn cất, xây dựng lăng mộ không báo cáo chính quyền sở tại do vấn đề tâm linh và người từ địa phương khác đến chôn cất nên trong công tác quản lý của chính quyền chủ yếu mang tính vận động, tuyên truyền chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả nên xảy ra tình trạng mua bán đất tự do, éo giá gây bức xúc trong nhân dân như ý kiến cử tri phản ánh. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng ban liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa để chấn chỉnh các trường hợp vi phạm. Đề nghị các hộ gia đình khi tiến hành chôn cất, xây dựng nghĩa trang phải báo cáo với chính quyền sở tại biết để phối hợp thực hiện nhằm hạn chế những vấn đề nêu trên.


(Theo Công văn số 1335/UBND- VP ngày 23/6/2017 của UBND huyện Lệ Thuỷ)


8. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng thi công dự án kè sông Kiến Giang đoạn qua xã An Thủy. Theo phản ánh của cử tri, các khu vực gần công trình, một số hạng mục như kích thước chân khay chưa đúng theo thiết kế, chất lượng bê tông kém do thi công ẩu, lẫn lộn bùn đất, những đoạn đã thi công xong không tháo dỡ đê quai dẫn đến làm cản dòng chảy và đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường


Trả lời:


Dự án Kè chống sạt lở dọc sông Kiến Giang đoạn qua sông Rào Ngò xã Dương Thủy, Tân Thủy và sông Kiến Giang đoạn qua Xuân Lai - Lộc Thượng xã An Thủy. Riêng tuyến kè đi qua xã An Thủy có 2 tuyến đang triển khai là: Tuyến An Thủy 2 dài 1.921m, trong đó có 353m kè đứng, còn lại làm bằng kè xiên (đi qua thôn Lộc An và có 200m qua thôn Thạch Bàn) và Tuyến An Thủy 3 dài 600m thiết kế bằng kè đứng (đi qua thôn Thạch Bàn và thôn Phú Thọ). Hiện nay tuyến An Thủy 3 cơ bản đã thi công xong từ năm 2013 (chỉ còn một phần khối lượng giáp thổ kè). Tuyến An Thủy 2 đã thi công xong phần kè mái xiên và đang thi công phần kè đứng ở khu vực cống hói Lép.
Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, UBND huyện đã chỉ đạo Ban quản lý các dự án (thay mặt chủ đầu tư) kiểm tra hiện trường công trình và đã có biện pháp xử lý, cụ thể: Cho máy múc đưa vào phần đất thừa ở chân kè, vệ sinh các gốc cây phía lòng hói để đảm bảo khỏi ảnh hưởng đến dòng chảy. Công tác vệ sinh tuyến kè thi công ở các năm trước đã được thực hiện đảm bảo và đã được lãnh đạo thôn Lộc An, xã An Thủy xác nhận hiện trường. Chỉ đạo Ban quản lý các dự án tăng cường công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn ở hiện trường, phối hợp với đơn vị kiểm định kiểm tra lại chất lượng bê tông, kích thước hình học dầm chân kè xiên và móng kè đứng đang thi công đảm bảo đúng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt.


(Theo Công văn số 1335/UBND- VP ngày 23/6/2017 của UBND huyện Lệ Thuỷ)

                                                                                                                                                                                                                                                                                                       BBT