Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 19

  • Hôm nay 1927

  • Tổng 3.188.770

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố Đồng Hới trước kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khoá XVIII

Post date: 13/12/2022

Font size : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố Đồng Hới trước kỳ họp thứ 8 -  HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

1. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo Ban quản lý DA Môi trường và Biến đổi khí hậu hoàn trả mặt bằng các tuyến đường Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu ở địa bàn phường Đồng Sơn (do dự án đã hoàn thành); đồng thời chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn trả mặt bằng tuyến đường Hà Huy Giáp và một số tuyến đường khác trên địa bàn phường Bắc Lý (do việc thi công các dự án làm cho các tuyến đường xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn giao thông, gây ngập nước cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống của bà con) (cử tri phường Đồng Sơn và phường Bắc Lý).

 

Trả lời:

 

Hệ thống thoát nước mưa, nước thải tại các tuyến đường Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu và Hà Huy Giáp được thực hiện bởi các gói thầu DH-1.8 và DH-1.1 thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải-Tiểu dự án thành phố Đồng Hới (WB tài trợ). Ban QLDA xin báo cáo cụ thể việc thi công và hoàn trả mặt đường tại các tuyến đường Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu và Hà Huy Giáp cụ thể như sau:

 

 - Đối với tuyến đường Lê Hồng Phong (Phường Đồng Sơn): Tại tuyến đường Lê Hồng Phong được thi công hệ thống thoát nước mưa, nước thải thuộc gói thầu DH-1.8. Việc thi công kéo dài ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, với một số nguyên nhân: Việc phải thi mương thủy lợi cắt ngang qua đường Lê Hồng Phong tại nút giao với đường Lý Thái Tổ phụ thuộc nhiều vào thời gian cấp nước thủy lợi, thời tiết không thuận lợi mưa nhiều trong thời gian qua… nên việc thi công gặp nhiều khó khăn và kéo dài. Đến nay, Đơn vị thi công đã hoàn thành hệ thống thoát nước và theo thiết kế gói thầu DH1.8 chỉ thực hiện hoàn trả mặt đường trong phạm vi thi công hệ thống thoát nước. Trong quá trình thực hiện dự án, Gói thầu nâng cấp mở rộng tuyến đường Hà Huy Tập và Lê Hồng Phong do Ban QLDA ĐTXD và Phát triển Quỹ đất thành phố Đồng Hới quản lý thực hiện sẽ thực hiện mở rộng và thảm bê tông nhựa toàn bộ mặt đường. Do đó để tránh lãng phí, đảm bảo tính đồng bộ, các bên đã thống nhất việc hoàn trả mặt đường Lê Hồng Phong sẽ do Ban QLDA ĐTXD và Phát triển Quỹ đất thành phố Đồng Hới thực hiện (có biên bản kèm theo). Hiện nay, Ban QLDA đang chỉ đạo yêu cầu Đơn vị thi công gấp rút hoàn thành hố ga thu nước mặt đường và hoàn thiện lại các lớp kết cấu mặt đường để bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA ĐTXD và Phát triển Quỹ đất thành phố Đồng Hới trước ngày 15/12/2022 để thi công Gói thầu nâng cấp mở rộng tuyến đường Hà Huy Tập và Lê Hồng Phong.

 

- Đối với tuyến đường Phan Đăng Lưu (Đồng Sơn): Hệ thống thoát nước thuộc gói thầu DH-1.8 đã thi công hoàn thành. Đơn vị thi công đã thực hiện hoàn trả mặt bằng bằng các lớp cấp phối đá base bằng với cao độ hiện trạng để tạm thời phục vụ việc đi lại của người dân. Theo thiết kế, Dự án chỉ hoàn trả lại phần mặt đường bị phá dỡ trong phạm vi thi công. Trong quá trình thực hiện, Ban QLDA được biết Ban QLDA ĐTXD và Phát triển Quỹ đất thành phố Đồng Hới sẽ thực hiện Dự án: Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông và hệ thống hạ tầng khu vực trung tâm thành phố Đồng Hới, trong đó sẽ nâng cấp toàn bộ mặt đường đường Phan Đăng Lưu bằng bê tông nhựa. Do đó, để đảm bảo mỹ quan đô thị và tránh lãng phí ngân sách nhà nước, việc hoàn trả và nâng cấp mặt đường sẽ do Ban QLDA ĐTXD và Phát triển Quỹ đất thành phố Đồng Hới thực hiện (có biên bản kèm theo). Để đảm bảo tạm thời việc đi lại của người dân, hiện nay Ban QLDA đã yêu cầu đơn vị thi công gói thầu DH-1.8 tiếp tục kiểm tra, tranh thủ thời tiết thuận lợi để hoàn trả, khắc phục lại các lớp base nền đường tại các vị trí bị hư hỏng đến cao độ mặt đường hiện trạng để đảm bảo an toàn giao thông, và sẽ bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA ĐTXD và Phát triển Quỹ đất thành phố Đồng Hới trong tháng 12/2022 để thực hiện nâng cấp mặt đường.

 

- Đối với tuyến đường Hà Huy Giáp (Bắc Lý): Hệ thống thoát nước mưa, nước thải tại tuyến đường thuộc gói thầu DH-1.1 đã cơ bản thi công hoàn thành. Hiện chỉ còn lại phạm vi thi công cửa xả (CX8) của tuyến thoát nước mưa tại đường Hà Huy Giáp đấu nối vào hồ hiện trạng của người dân đang sử dụng, đang thực hiện các thủ tục đền bù, GPMB để thi công do đó việc thi công kéo dài. Hiện nay, tuyến đường hiện được hoàn trả bằng các lớp cấp phối đá base và chưa hoàn trả mặt đường BTXM đã gây khó khăn trong việc đi lại. Để đảm bảo an toàn đi lại cho người dân, Ban QLDA đã chỉ đạo nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, thực hiện hoàn trả mặt đường BTXM tại phạm vi đã thi công hoàn thành tuyến ống thoát nước mưa trong tháng 12/2022. Đối với phạm vi khu vực cửa xả CX8 chưa giải phóng mặt bằng, Đơn vị thi công sẽ thực hiện các biện pháp hoàn trả tạm thời đảm bảo an toàn đi lại cho ngươi dân. Ban QLDA đang gấp rút thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành thi công cửa xả CX8. Trong thời gian tới trên cơ sở khối lượng còn lại của hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Đồng Hới, Ban QLDA sẽ tập trung chỉ đạo thi công đẩy nhanh tiến độ và cố gắng thi công dứt điểm các hạng mục công trình đảm bảo an toàn giao thông và an toàn vệ sinh môi trường tạo điều kiện tối đa cho người dân đi lại thuận tiện.

 

(Căn cứ Công văn 1037/CV-QLDA ngày 02/12/2022 của Ban Quản lý Dự án vệ sinh môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới về việc tiếp thu trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri thành phố Đồng Hới (mục 27) ) trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

2. Khu Công nghiệp Bắc Đồng Hới chưa có hệ thống xử lý nước thải và xử lý môi trường, đề nghị Tỉnh đầu tư xây dựng (cử tri xã Thuận Đức).

 

Trả lời:

 

KCN Bắc Đồng Hới nằm trên địa phận xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới và xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 2690/QĐ-UBND ngày 24/9/2009 và Quyết định 438/QĐ-UBND ngày 04/3/2010 với quy mô diện tích đất KCN 104,77ha. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN được phê duyệt tại Quyết định số 2701/QĐ-UBND ngày 24/9/2009 với tổng mức đầu tư 164,745 tỷ đồng. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 09/4/2011.

 

Hiện nay, tại KCN Bắc Đồng Hới đã đầu tư một số hạng mục như: Rà phá bom mìn, vật liệu nổ, một số trục giao thông, cấp, thoát nước, cấp điện để cơ bản đáp ứng hạ tầng KCN làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư với kinh phí 47 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Đến nay, có 31 dự án đăng ký đầu tư tại KCN (chiếm 82,3% diện tích quy hoạch đất xây dựng nhà máy), trong đó có 12 dự án đang hoạt động thuộc các lĩnh vực chế biến gỗ, bê tông thương phẩm và cấu kiện bê tông, sản xuất gạch,... là những ngành nghề ít độc hại, lượng nước thải phát sinh không nhiều.

 

Thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung KCN, Ban Quản lý Khu kinh tế đã có nhiều văn bản báo cáo UBND tỉnh, xin kinh phí xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Bắc Đồng Hới và đề xuất dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (các Công văn: CV số 46/KKT-TNMT ngày 10/01/2017; CV số 437/KKT-TNMT ngày 11/4/2017; CV số 757/KKT-TNMT ngày 10/7/2017; CV số 262/KKT-TNMT ngày 09/3/2018; CV số 18/KKT-TNMT ngày 07/01/2020 và Kế hoạch số 1511/KH-KKT ngày 29/11/2019). Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư công nên đến nay tỉnh vẫn chưa bố trí được vốn để đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN.

 

Để đảm bảo quy mô diện tích KCN Bắc Đồng Hới (150ha) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt mở rộng KCN Bắc Đồng Hới tại Quyết định số 4599/QĐ-UBND ngày 04/12/2020 với diện tích 45,6ha tại phường Bắc Lý và xã Lộc Ninh. Như vậy, tổng diện tích KCN Bắc Đồng Hới là 150,37ha.

 

Thực hiện chủ trương của Thường trực Tỉnh uỷ về tạo mặt bằng sạch để kêu gọi đầu tư, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương để UBND tỉnh xem xét bố trí các nguồn vốn cho Ban Quản lý Khu kinh tế để GPMB, san gạt mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN mở rộng với kinh phí 139,28 tỷ đồng. Trong đó chưa có hạng mục Nhà máy nước thải tập trung KCN, hạng mục này sẽ thực hiện theo phương thức xã hội hoá.

 

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (trong đó có KCN) bắt buộc phải xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung và phải hoàn thành trước khi các nhà máy đi vào hoạt động.

 

Trong điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn, Ban Quản lý Khu kinh tế đã chủ động tìm kiếm, kêu gọi, mời các nhà đầu tư quan tâm đề xuất chủ trương xây dựng Nhà máy xử lý nước thải KCN Bắc Đồng Hới giai đoạn 1 với quy mô công suất khoảng 600 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư khoảng 35 tỷ đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng (Thông báo mời nhà đầu tư quan tâm lần 1 số 1372/KKT-KHTH ngày 11/10/2022, Thông báo lần 2 số 1604/KKT-KHTH ngày 17/11/2022). Đã có một số nhà đầu tư đến khảo sát thực tế nhưng do lượng nước thải phát sinh tại KCN ít, đầu tư chưa hiệu quả nên các Nhà đầu tư đã từ chối đề xuất dự án.

 

Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp kêu gọi, tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải KCN Bắc Đồng Hới. Trường hợp không huy động được nguồn lực xã hội hoá của doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xin bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải KCN Bắc Đồng Hới theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

 

(Căn cứ Công văn số 1676/KTT-TMMT ngày 30/11/2022 của Ban Quản lý Khu kinh tế về giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

3. Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá tại xã Bảo Ninh được thiết kế cho 200 tàu công suất dưới 300CV neo đậu. Tuy nhiên hiện nay, chỉ riêng trên địa bàn xã Bảo Ninh đã có hơn 200 tàu có mã lực từ 500 - 800CV nên không đủ sức chứa. Đề nghị Tỉnh quan tâm nâng cấp để đảm bảo sức chứa các tàu có công suất lớn, giảm thiệt hại cho bà con khi có bão (cử tri xã Bảo Ninh).

 

Trả lời:

 

Việc đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá căn cứ vào quy hoạch, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ đã được quy hoạch khu neo đậu cấp tỉnh theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng và và đưa vào hoạt động Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ thuộc xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới từ năm 2017, với tổng diện tích xây dựng 21,823ha, neo đậu tránh trú bão cho 270 tàu thuyền nghề cá có công suất từ 90CV đến 300CV, tổng mức đầu tư 187,015 tỷ đồng. Ngoài ra, để đáp ứng cho nhu cầu tránh trú bão cho tàu cá khu vực sông Nhật Lệ nói chung, xã Bảo Ninh nói riêng, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Chợ Gộ thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh năm 2022 với tổng diện tích xây dựng 10,7ha, quy mô neo đậu tránh trú bão cho 150 tàu thuyền có công suất đến 90CV, tổng mức đầu tư 56,95 tỷ đồng.

 

Theo số liệu báo cáo của Ban quản lý Cảng cá tỉnh Quảng Bình trong những năm vừa qua khi có bão, áp thấp nhiệt đới thì cả hai khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá vẫn còn chỗ để cho tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão. Như vậy, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Chợ Gộ đáp ứng cho tàu thuyền khu vực sông Nhật Lệ vào neo đậu tránh trú bão.

 

Để đảm bảo an toàn cho tàu cá, đề nghị các chủ tàu, thuyền trưởng thường xuyên kiểm tra, bổ sung trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho tàu cá, chủ động, linh hoạt trong việc đi biển, kịp thời di chuyển tránh trú tại các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá của tỉnh như Nhật Lệ, Chợ Gộ, Cửa Gianh, Cửa Roòn và các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá của các tỉnh khác gần ngư trường tàu cá khai thác theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

 

(Căn cứ Công văn số 3285/SNN-KHTC ngày 02/12/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trước  kỳ họp 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

4. Hệ thống phao tiêu tại cửa biển và trên sông Nhật Lệ kích thước nhỏ, dễ bị hư hỏng, trôi dạt, gây khó khăn cho tàu thuyền khi ra vào cửa lệch và di chuyển trên song; đề nghị Tỉnh đầu tư, nâng cấp (cử tri xã Bảo Ninh).

 

Trả lời:

 

Tuyến sông Nhật Lệ là tuyến đường thủy nội địa trung ương cấp III, trong thời gian qua, để phục vụ cho tàu thuyền đi lại trên sông đảm bảo an toàn, Sở GTVT đã đề nghị và được cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho phép đầu tư thay thế hệ thống phao, báo hiệu trên tuyến, cụ thể: năm 2020 thay thế 01 phao 1,4m và 06 phao 1,8m; năm 2021 thay thế 15 phao 1,4m. Hiện tại, phần lớn hệ thống phao báo hiệu đã được thay thế đảm bảo kích thước từ 1,2m - 1,8m, phù hợp với quy định của Quy chuẩn Quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Q VN 39:2020/BGTVT. Riêng tại khu vực cửa biển do bị bồi cạn không thể lắp đặt phao kích thước lớn nên hiện đang được bố trí phao kích thước 1,0m; khu vực này có chế độ thủy văn phức tạp, dòng chảy thường xuyên thay đổi nên phao thường uyên bị trôi dạt, hư hỏng; Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý , bảo trì đường thủy nội địa thường xuyên kiểm tra để trục vớt, điều chỉnh phao phù hợp với vị trí luồng và tăng cường hệ thống báo hiệu bờ để chỉ dẫn tàu thuyền đi lại trên sông cũng như vào cửa biển đảm bảo an toàn.

 

(Căn cứ Công văn số 3543/SGTVT-KHTH ngày 02/12/2022 về việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh)

 

 5. Cửa biển Nhật Lệ ngày càng bị cát bồi lấp, đề nghị Tỉnh sớm triển khai kế hoạch nạo vét để tàu, thuyền đi lại dễ dàng (cử tri xã Bảo Ninh).

 

Trả lời:

 

Do chế độ thủy lực, thủy văn phức tạp nên các luồng đường thủy nội địa, các cửa sông trên địa bàn tỉnh nói chung cũng như cửa Nhật Lệ nói riêng thường xuyên bị bồi lấp, thay đổi vị trí theo từng mùa trong năm, các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn khi lưu thông ra, vào các cửa sông; ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế biển của nhân dân cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong khu vực. Việc nạo vét, chỉnh trị để bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật luồng tàu, bảo đảm thuận lợi cho các loại phương tiện khi ra vào cửa sông là hết sức cần thiết. Đối với cửa sông Nhật Lệ, năm 2017 Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã triển khai thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng; năm 2020 UBND tỉnh cũng đã tiếp tục đầu tư nạo vét, thông luồng cửa sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền trong việc đi lại; tuy nhiên, sau các đợt mưa lũ, tình trạng bồi lấp cửa sông lại tiếp tục tái diễn.

 

Hiện tại, kế hoạch nạo vét các bãi cạn cửa sông Nhật Lệ (đoạn Km0+300 – Km1+200) đã được Bộ GTVT chấp thuận tại công văn số 6903/BGTVT-K HT ngày 08/7/2022, UBND tỉnh cũng đẫ thống nhất danh mục dự án nạo vét tại Công văn số 2281/UBND- XDCB ngày 30/11/2022. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang tiến hành các thủ tục để triển khai dự án, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2023.

 

(Căn cứ Công văn số 3543/SGTVT-KHTH ngày 02/12/2022 của Sở Giao thông và Vận tải về việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh)

 

6. Đề nghị Tỉnh quan tâm xây dựng kè dọc sông Phú Vinh, hiện nay bờ phía Nam đã xây dựng được khoảng 800m, bờ phía Bắc chưa xây dựng nên một số đoạn đã bị sạt lở, đặc biệt là ở cụm cầu Phú Vinh (cử tri Trần Thị Thịnh, TDP 1 Phú Vinh, phường Bắc Nghĩa).

 

Trả lời:

 

Qua kiểm tra bờ phía Bắc sông phú Vinh từ cầu Mỹ Cương trở lên khoảng 1.000m chưa được xây kè, dọc bờ sông một số vị trí bị xói lở nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng, tuy nhiên về lâu dài cần được đầu tư xây kè chống xói lở, bảo vệ dân cư để ổn định đời sống người dân và phát triển cảnh quan du lịch của địa phương là cần thiết. Sở Nông nghiệp và PTNT ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ phối hợp với các ngành liên quan tìm nguồn vốn để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư trong những năm tới.

 

(Căn cứ Công văn số 3285/SNN-KHTC ngày 02/12/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trước  kỳ họp 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

7. Biển báo “Bắt đầu khu dân cư” và “Hết khu đông dân cư” tại Quốc lộ 9e (đoạn KM7+500 tại TDP6,7 thuộc phường Bắc Lý) chưa đúng với quy chuẩn 41/2019 và Thông tư 31/2019, đề nghị Tỉnh chỉ đạo kiểm tra và xử lý (cử tri xã Thuận Đức).

 

Trả lời:

 

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, ngày 01/12/2022, Sở GTVT đã tổ chức Hội đồng liên ngành kiểm tra hiện trường (thành phần bao gồm: Sở GTVT, Ban ATGT, UBND thành phố Đồng Hới, Công an thành phố Đồng Hới, UBND phường Bắc Lý và đơn vị quản lý đường bộ); sau khi kiểm tra, Hội đồng nhận thấy: Đoạn tuyến từ Km0+00-Km7+500/QL.9E (từ xã Bảo Ninh qua đường Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng) đi qua khu vực nội thành thành phố Đồng Hới, tập trung đông dân cư sinh sống dọc hai bên đường, đoạn tuyến này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, việc lắp đặt biển báo “Bắt đầu khu dân cư” và “Hết khu đông dân cư” tại khu vực này là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông và phù hợp với các quy định tại Thông tư số 31/2019/BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ GTVT. Vị trí lắp đặt biển đã được Hội đồng liên ngành gồm (Ban TGT tỉnh, Công an thành phố Đồng Hới, UBND thành phố Đồng Hới, Sở GTVT) thống nhất tại biên bản kiểm tra hiện trường ngày 21/9/2022; nội dung, quy cách biển báo đã đảm bảo tuân thủ theo quy chuẩn Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41/2019: BGTVT.

 

(Căn cứ Công văn số 3540/SGTVT-KHTH ngày 02/12/2022 của Sở Giao thông và Vận tải về việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh)

 

8. Đề nghị Tỉnh đầu tư xây dựng Trung tâm TDTT tỉnh, các thiết chế văn hóa, sân thể thao, bể bơi... đạt chuẩn quốc gia (cử tri phường Bắc Lý).

 

Trả lời:

 

Trong nhưng năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nên quá trình sử dụng đã phát huy được công năng, hiệu quả, cụ thể :

 

 - Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh được đầu tư xây dựng năm 2015, tổng diện tích 4626m2, quy mô 1000 chỗ ngồi, hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2018.

 

- Bảo tàng tổng hợp tỉnh xây dựng từ năm 2003, với diện tích xây dựng 4650m2 và hoàn thành gói trưng bày nội và ngoại thất bảo tàng năm 2018.

 

- Thư viện tỉnh được đầu tư xây dựng năm 2010, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015 với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, phù hợp với các phòng chức năng đảm bảo các nhu cầu phục vụ bạn đọc.

 

- Công trình thể thao gồm có: Bể bơi tổng hợp bao gồm 03 bể liên hoàn, trong đó 01 bể 50m x 22m, 01 bể trong nhà 25m x 18m, 01 bể bơi phục vụ thiếu niên, nhi đồng; 02 Sân Quần vợt.

 

- Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh: Đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn (nguồn vốn Trung ương và của tỉnh) giai đoạn 2021-2025 để đầu tư xây dựng dự án Trung tâm thể dục thể thao tỉnh. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và hiện nay Sở Văn hóa và Thể thao (đơn vị được giao chủ đầu tư) đang tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định. Dự án bao gồm các hạng mục chính: Nhà thi đấu đa năng có sức chứa 2.500 chổ ngồi; các sân tập thể dục thể thao (sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân quần vợt, sân bóng đá có đường chạy điền kinh...) và các hạng mục phụ trợ.

 

(Căn cứ Công văn số 1897/SVHTT-VP ngày 01/12/2022 của Sở Văn hóa và Thể thao về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

 9. Hiện nay tình trạng các cây xăng dầu báo hết phải đóng cửa gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, nhất là trong thời gian các cơ sở SXKD và nông dân đang chuẩn bị bước vào mùa vụ sản xuất. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo xem xét, giải quyết (cử tri xã Nghĩa Ninh, xã Thuận Đức).

 

Trả lời:

 

I. VỀ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG, KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

 

1. Về mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn

 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 225 cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu được cấp giấy phép hoạt động (trong đó: 190 cửa hàng xăng dầu trên bờ và 35 tàu dầu). Cụ thể:

 

- 01 thương nhân đầu mối Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hưng Phát (sở hữu 05 cửa hàng xăng dầu và 01 đại lý xăng dầu thuộc hệ thống phân phối tại tỉnh Quảng Bình);

 

- 06 thương nhân phân phối gồm:

 

+ Công ty Xăng dầu Quảng Bình (sở hữu 48 cửa hàng xăng dầu và 11 đại lý nhượng quyền thuộc hệ thống phân phối tại tỉnh Quảng Bình);

 

+ Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Minh Khiêm (sở hữu 07 cửa hàng xăng dầu và 23 đại lý xăng dầu thuộc hệ thống phân phối tại tỉnh Quảng Bình);

 

+ Công ty TNHH Phú Hải (sở hữu 03 cửa hàng xăng dầu và 37 đại lý xăng dầu thuộc hệ thống phân phối tại tỉnh Quảng Bình);

 

+ Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Xăng dầu Việt Trung (sở hữu 08 cửa hàng xăng dầu và 21 đại lý xăng dầu thuộc hệ thống phân phối tại tỉnh Quảng Bình);

 

+ Công ty TNHH Hải Vân (sở hữu 07 cửa hàng xăng dầu và 17 đại lý xăng dầu thuộc hệ thống phân phối tại tỉnh Quảng Bình);

 

+ Công ty TNHH Hồng Vân (sở hữu 08 cửa hàng xăng dầu và 15 đại lý xăng dầu thuộc hệ thống phân phối tại tỉnh Quảng Bình).

 

- 01 chi nhánh của thương nhân phân phối là Công ty Cổ phân Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng (sở hữu 02 cửa hàng xăng dầu và 07 đại lý xăng dầu thuộc hệ thống phân phối tại tỉnh Quảng Bình).

 

- 05 đại lý xăng dầu thuộc hệ thống của các thương nhân phân phối khác (ngoại tỉnh).

 

2. Tình hình hoạt động cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn

 

Thời gian qua các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực, nỗ lực làm việc với các thương nhân đầu mối để đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu người dân, cụ thể:

 

- Đối với Công ty Xăng dầu Quảng Bình: Hiện nay, Công ty vẫn đảm bảo nguồn cung và thực hiện bán hàng 24/24h hàng ngày tại các cửa hàng, đại lý thuộc hệ thống, đảm bảo 60-65% nhu cầu xăng dầu toàn tỉnh. Ngày 12/11/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tiến hành làm việc với Công ty. Tại buổi làm việc, Công ty Xăng dầu Quảng Bình đã cam kết đảm bảo nguồn cung xăng dầu liên tục tại các cửa hàng, đại lý thuộc hệ thống, đảm bảo nhu cầu xăng dầu các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

 

- Các thương nhân phân phối còn lại trên địa bàn tỉnh (05 thương nhân): Đã rất nỗ lực, tích cực, chủ động khai thác nguồn hàng từ các thương nhân đầu mối như Công ty CP Xăng dầu Vũng Áng, Công ty CP Xăng dầu dầu khí Thừa Thiên Huế, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty TNHH TM và DV TH Hòa Khánh, Công ty XD Quân đội khu vực 2, Công ty TNHH Vận tải và TM xăng dầu Thiên Phúc, Tổng Công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư - Công ty Cổ phần - Chi nhánh Hà Nội... và một số đầu mối khác đề tìm kiếm, khai thác nguồn hàng nhưng lượng xăng dầu mua được rất hạn chế, chỉ đạt được một tỷ lệ nhỏ nhất định so với sản lượng bán được trong thời kì thị trường xăng dầu ổn định trước đây, đặc biệt đã có nhiều thời điểm xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng một số cửa hàng, đại lý bán lẻ thuộc hệ thống của các thương nhân phân phối này phải tạm ngừng kinh doanh một, một số hoặc toàn bộ các loại xăng, dầu. Tuy nhiên, tình trạng tạm ngừng này chỉ diễn ra trong vài giờ hoặc vài ngày nhất định và hoạt động trở lại bình thường ngay sau khi được cấp hàng từ các thương nhân phân phối.

 

Từ ngày 23/11/2022 cho đến nay, với sự tích cực tìm kiếm nguồn cung của các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn, tình hình cung ứng xăng dầu của các thương nhân phân phối cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối đã được cải thiện rõ rệt. Tính đến hết ngày 30/11/2022, trên địa bàn tỉnh có 03 cửa hàng tạm ngừng kinh doanh (trong đó: 01 cửa hàng xăng dầu tạm ngừng kinh doanh do chủ cửa hàng đang chữa bệnh và đã thông báo đến Sở Công Thương; 01 tàu dầu tạm ngừng kinh doanh do chủ cơ sở bị bệnh hiểm nghèo, tạm dừng hoạt động kinh doanh để chữa bệnh; 01 cửa hàng tạm ngừng kinh doanh đã thông báo và được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản, tạm dừng kinh doanh đến ngày 12/12/2022) và 14 cửa hàng kinh doanh tạm ngừng kinh doanh một trong hai mặt hàng xăng RON 95-III hoặc E5-RON 92 (trong đó 12 cửa hàng không bán xăng E5-RON 92, 02 cửa hàng không bán xăng RON 95-III, mặt hàng khác vẫn bán bình thường).

 

Tính đến thời điểm báo cáo, qua công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát của lực lượng Quản lý thị trường, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện đơn vị nào có dấu hiệu hay hành vi đầu cơ, găm hàng, tạo tình trạng khan hiếm nhằm thu lợi trái pháp luật cũng như ngừng kinh doanh mà không có lý do chính đáng.

 

3. Nguyên nhân gây gián đoạn cục bộ hoạt động cung ứng xăng dầu trên địa bàn thời gian qua

 

- Từ cuối năm 2021, đặc biệt từ khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina xảy ra (tháng 02/2022) thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá cả biến động với biên độ lớn và thường xuyên.

 

- Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng do không đủ hạn mức tín dụng và nguồn ngoại tệ nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

 

- Các chi phí để cấu thành giá cơ sở chưa được tính đúng, tính đủ so với thực tế của thị trường, như: chí phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và các chi phí vận chuyển,...dẫn đến việc các thương nhân đầu mối bị thua lỗ khi nhập hàng.

 

- Nguồn cung xăng E5-RON 92 gặp khó khăn do nguồn nhiên liệu phối trộn là cồn Ethanol bị thiếu hụt, vì vậy một số thương nhân đầu mối không có đủ lượng xăng E5-RON92 cần thiết để đáp ứng đủ nhu cầu của các thương nhân phân phối mà chỉ cung ứng được một phần hạn chế nhất định nên nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn vẫn không có đủ lượng xăng E5-RON 92 để cung cấp liên tục cho khách hàng.

 

- Giá cả biến động bất thường, chiết khấu bán hàng thấp (có nhiều thời điểm âm) nên các các cửa hàng bán lẻ chỉ nhập lượng hàng vừa đủ để duy trì hoạt động đề giảm thiệt hại về kinh tế (lãi vay, thuế, phí, lương công nhân...).

 

- Thời gian giữa hai kỳ điều hành dài (10 ngày/lần), trong khi giá thế giới biến động liên tục khiến doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn. Việc điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa sát với tình hình thực tế của thị trường. Quy định chênh lệch giá giữa các vùng I, vùng II không còn phù hợp trong việc đảm bảo quyền lợi và cạnh tranh về giá của các thương nhân phân phối ở các vùng.

 

II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

 

Trước tình hình xăng dầu có nhiều biến động, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về kiểm tra, giám sát, xử ý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, cụ thể:

 

- Công văn số 156/CQLTT-NVTH ngày 09/02/2022 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình về việc triển khai thực hiện Công điện số 517/CĐ-BCT của Bộ Công Thương.

 

- Công văn số 160/CQLTT-NVTH ngày 10/02/2022 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

 

- Công văn số 188/CQLTT-NVTH ngày 21/02/2022 về việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

 

- Công văn số 202/CQLTT-NVTH ngày 24/02/2022 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng trang thiết bị y tế, thuốc điều trị Covid-19, các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19 và mặt hàng xăng dầu.

 

- Công văn số 333/CQLTT-NVTH ngày 20/4/2022 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

 

- Công văn số 812/CQLTT-NVTH ngày 29/8/2022 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

 

- Công văn số 821/CQLTT-TCHC ngày 31/8/2022 về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

 

         

- Công văn số 1064/CQLTT-NVTH ngày 07/11/2022 về việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

 

 - Công văn số 1096/CQLTT-NVTH ngày 14/11/2022 về việc thực hiện ngay việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm, ký cam kết bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

 

Trong đó chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ:

 

Tăng cường hoạt động giám sát đối với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo địa bàn đã được phân công để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

 

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện niêm yết thông tin số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường và số điện thoại của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm.

 

Do ảnh hưởng của việc cung ứng xăng dầu trên thị trường trong nước, từ thời điểm ngày 10/11/2022 cho đến ngày 22/11/2022, tại tỉnh Quảng Bình nhiều cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu đã xảy ra tình trạng bị thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung cục bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Báo Quảng Bình và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình làm việc với 03 thương nhân phân phối xăng dầu trong tổng số 06 thương nhân phân phối và một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn để nắm rõ tình hình hoạt động kinh doanh, khả năng khai thác nguồn cung cũng như vận động các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng để duy trì hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn tỉnh, đồng thời có tin bài, phóng sự để tuyên truyền, giúp Nhân dân nắm rõ tình hình thực tế và ổn định tâm lý. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và ký cam kết về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với tất cả thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu thuộc địa bàn quản lý (07 doanh nghiệp, trong đó: 01 thương nhân đầu mối, 06 thương nhân phân phối xăng dầu thuộc địa bàn quản lý).

 

Đối với các trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, treo biển hết xăng hoặc dầu, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiến hành làm việc để xác định rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng và đo thực tế tại các bồn chứa xăng dầu, trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng do hết xăng dầu yêu cầu cửa hàng cung cấp tài liệu chứng minh đã thực hiện đặt hàng nhưng chưa được thương nhân phân phối cấp hàng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

Đến nay, với sự tích cực tìm kiếm nguồn cung của các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn, tình hình cung ứng xăng dầu của các thương nhân phân phối cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên nguồn cung vẫn chưa dồi dào so với thời kỳ xăng dầu ổn định trước đây. Cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường giám sát chặt chẽ các cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, liên tục cập nhật, chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi tình hình bán hàng của các cửa hàng bán lẻ, nguồn hàng dự trữ còn lại và nguồn cung cấp của các thương nhân phân phối xăng dầu; đồng thời tuyên truyền vận động các cửa hàng bán lẻ, các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn chú trọng đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng ngừng, nghỉ bán hàng mà không có lý do và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

 

III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP QUẢN LÝ

 

Thông qua việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, thu thập thông tin, quản lý địa bản, giám sát đối tượng và làm việc trực tiếp với hầu hết các thương nhân phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh, Cục Quản lý thị trường nhận thấy tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bản cả nước nói chung cũng như tỉnh Quảng Bình nói riêng vẫn chưa ổn định, khả năng khai thác nguồn cung của nhóm các thương nhân phân phối ở khu vực ngoài quốc doanh vẫn còn rất khó khăn nhất là trong việc tìm kiếm nguồn cung ổn định; nguy cơ gián đoạn nguồn cung vẫn có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

 

        

 Nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình kiến nghị, đề xuất các giải pháp như sau:

 

- UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

 

 - Người tiêu dùng kịp thời phản ánh các thông tin về vi phạm pháp luật của các cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu để đơn vị nắm bắt tình hình và có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời.

 

(Căn cứ  báo cáo số 1189/BC-CQLTT ngày 01/12/2022 của Cục Quản lý Thị trường về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá XVIII)

 

10. Việc kẻ vẽ vạch đường và cài đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên tuyến đường Nguyễn Du, phường Đồng Hải chưa hợp lý. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình giao thông trong khu vực (cử tri phường Đồng Hải).

 

Trả lời:

 

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, ngày 01/12/2022, Sở GTVT đã tổ chức Hội đồng liên ngành kiểm tra hiện trường (thành phần bao gồm: Sở GTVT, Ban ATGT, UBND thành phố Đồng Hới, Công an thành phố Đồng Hới, UBND phường Đồng Hải  và đơn vị quản lý đường bộ); sau khi kiểm tra, Hội đồng nhận thấy: nút giao Nguyễn Du - Nguyễn Đức Cảnh - Hàn Mạc Tử có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, thường xuyên xảy ra xung đột, tai nạn giao thông. Sau khi lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông và vạch sơn dẫn hướng (từ tháng 12/2021), đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng cường đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực này. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác vẫn còn một số bất cập như: tình trạng người dân dừng, đỗ trái phép tại khu vực sơn kẻ vạch giữa nút giao; do gần trường học nên thời điểm vào học và tan học lưu lượng phương tiện tại nhánh Nguyễn Đức Cảnh tập trung rất lớn trong khi thời gian đèn đỏ dài (53 giây), đèn xanh ngắn (14 giây) gây ùn tắc cục bộ trên tuyến đường này. Để khắc phục tình trạng này, Hội đồng đã thống nhất đề nghị Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các đơn vị xem xét, tính toán để điều chỉnh tăng thời gian đèn xanh, giảm thời gian đèn đỏ tại nhánh đường Nguyễn Đức Cảnh; đồng thời, đề nghị lực lượng CSGT Công an thành phố Đồng Hới tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử phạt các phương tiện dừng, đỗ sai quy định trong khu vực sơn kẻ vạch giữa nút giao.

 

(Căn cứ Công văn số 3540/SGTVT-KHTH ngày 02/12/2022 của Sở Giao thông và Vận tải về việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh)

 

11. Hiện nay, trên tuyến đường Lê Quý Đôn ở phường Đồng Hải là tuyến đường du lịch, nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn… Đề nghị Tỉnh nghiên cứu, có quy định cấm xe tải trên 3,5 tấn lưu thông trên tuyến đường này vào khung giờ cao điểm (cử tri phường Đồng Hải).

 

Trả lời:

 

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, ngày 01/12/2022, Sở GTVT đã tổ chức Hội đồng liên ngành kiểm tra hiện trường (thành phần bao gồm: Sở GTVT, Ban ATGT, UBND thành phố Đồng Hới, Công an thành phố Đồng Hới, UBND phường Đồng Hải  và đơn vị quản lý đường bộ); sau khi kiểm tra, Hội đồng nhận thấy: hiện tại tuyến đường Lê Quý Đôn tập trung rất nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, cafe, tập trung rất lớn lưu lượng phương tiện giao thông vào giờ cao điểm (sáng từ 6h30-8h30; chiều từ 16h30-18h30), gây ùn tắc giao thông cục bộ. Để hạn chế ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, Hội đồng thống nhất đề nghị Sở GTVT báo cáo UBND tỉnh cho phép lắp đặt biển báo cấm xe ô tô tải 3,5T trên tuyến đường Lê Quý Đôn vào các khung giờ: buổi sáng từ 6h30-8h30; buổi chiều từ 16h30-18h30. Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, Sở GTVT sẽ chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ tiến hành lắp đặt biển báo.

 

(Căn cứ Công văn số 3540/SGTVT-KHTH ngày 02/12/2022 của Sở Giao thông và Vận tải về việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh)

 

12. Đề nghị Tỉnh xem xét quy hoạch Công viên Cầu Rào, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân liên quan đến 20 ha đất nông nghiệp phía Tây đường Lý Nam Đế, phường Đồng Phú (cử tri phường Đồng Phú).

 

Trả lời

 

Công viên Cầu Rào là công viên trung tâm của đô thị Đồng Hới được định hướng trong quy hoạch chung đô thị Đồng Hới qua các giai đoạn quy hoạch (Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Đồng Hới giai đoạn 1999-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 22/2001/QĐ-UB ngày 27/7/2001; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đồng Hới đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 14/2/2007; Đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1538/QĐ-UBND ngày 06/7/2012).

 

Quy hoạch chi tiết Công viên Cầu Rào đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 354/QĐ-UB ngày 28/2/2003 (trong đó đã bao gồm 20ha đất nông nghiệp phía Tây đường Lý Nam Đế). Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực nên Công viên Cầu Rào vẫn chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Đến năm 2015, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết phù hợp với tình hình mới và bố trí lại các khu chức năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng công viên của nhân dân, đồng thời định hướng xây dựng thành Công viên trung tâm thành phố Đồng Hới. Sở Xây dựng tổ chức lập, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ quy hoạch kèm theo Tờ trình số 1872/TTr-SXD ngày 23/8/2016.

 

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 24/10/2016 của HĐND tỉnh về việc thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng công viên vui chơi giải trí thuộc khu công viên Cầu Rào, một phần khu vực công viên phía Tây sông Cầu Rào với quy mô 9,72ha của Công viên trung tâm đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết (Tại Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 27/3/2017) và đang đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Khu vực Công viên phía Đông sông Cầu Rào (trong đó bao gồm 20ha đất nông nghiệp phía Tây đường Lý Nam Đế) Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch và phối hợp thành phố Đồng Hới đề xuất phương án đầu tư.

 

(Căn cứ Công văn số 3121/SXD-QHKT  ngày 30/11/2022 của Sở Xây dựng về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

13. Chế độ điều dưỡng hàng năm cho các đối tượng chính sách, người có công hàng năm đều được tổ chức tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Bình. Đề nghị Tỉnh nghiên cứu thay đổi địa điểm đi tỉnh khác, tránh sự lặp đi lặp lại, cố định một nơi điều dưỡng (cử tri phường Bắc Lý).

 

Trả lời:

 

Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh Quảng Bình được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác điều dưỡng chăm sóc sức khoẻ cho người có công trên địa bàn tỉnh. Quá trình hoạt động, Trung tâm đã được đối tượng đến điều dưỡng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận là đơn vị thuộc tốp đầu của cả nước trong công tác điều dưỡng, chăm sóc tốt sức khoẻ cho người có công.

         

Thực hiện quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ (Ngân sách Trung ương bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe, Ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chi phí đưa đón đối tượng đi điều dưỡng tập trung, chi phí ăn, ở phát sinh trong thời gian đi đường của đối tượng đi điều dưỡng tập trung), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lập dự toán ngân sách năm 2023 gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện công tác điều dưỡng tập trung với các nội dung thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, trong đó có hoạt động đưa người có công đi điều dưỡng ngoại tỉnh.

  

Căn cứ dự toán ngân sách địa phương năm 2023 được cấp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xem xét lập kế hoạch điều dưỡng, trong đó có việc tổ chức đưa người có công đi điều dưỡng ngoại tỉnh như nội dung đề nghị của cử tri.

 

(Căn cứ Công văn số 1583/SLDDTBXH-NCC ngày 02/12/2022 của Sở Lao đông, Thương binh và Xã hội về trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

14. Đề nghị Tỉnh nghiên cứu, tạo điều kiện cho người có công với cách mạng và người thân trong gia đình hưởng chế độ Bảo hiểm y tế cùng tuyến để thuận lợi trong việc chăm sóc (cử tri xã Quang Phú).

 

Trả lời:

 

Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực từ ngày 15/02/2022) quy định: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Quy trình lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hồ sơ, thủ tục, quy trình giải quyết chế độ bảo hiểm y tế thực hiện theo pháp luật về bảo hiểm y tế.

 

Vì vậy, kiến nghị của cử tri về việc “tạo điều kiện cho người có công với cách mạng và thân nhân trong gia đình hưởng chế độ Bảo hiểm y tế cùng tuyến để thuận lợi cho việc chăm sóc” không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đề nghị cử tri trực tiếp liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội để được xem xét trả lời theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế hiện hành.

 

(Căn cứ Công văn số 1583/SLDDTBXH-NCC ngày 02/12/2022 của Sở Lao đông, Thương binh và Xã hội về trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

15. Để đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đề nghị Tỉnh quan tâm mở thêm nhiều tuyến bay từ Đồng Hới đi các địa phương khác trong cả nước, trong đó có Nha Trang (cử tri Trương Tiến Huê, TDP10 phường Bắc Lý).

 

Trả lời:

 

Cảng Hàng không Đồng Hới được đưa vào khai thác năm 2008, hiện nay đang khai thác 2 tuyến bay nội địa: Đồng Hới - Hà Nội và Đồng Hới - TP. H Chí Minh. Để thúc đẩy phát triển du lịch, trước đây Sở GTVT đã phối hợp với Sở Du lịch và các sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh làm việc với các bộ, ngành liên quan để mở các đường bay mới và được Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam cho phép mở thêm 01 tuyến bay quốc tế Đồng Hới - Chiêng Mai (Thái Lan) và 01 tuyến bay nội địa Đồng Hới - Cát Bi (Hải Phòng) và ngược lại; tuy nhiên, sau một thời gian khai thác, do lượng khách đi lại ít, không hiệu quả nên các hãng hàng không khai thác tuyến đã dừng hoạt động. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh kêu gọi các hãng hàng không nghiên cứu các tuyến bay mới từ Cảng hàng không Đồng Hới đi các địa phương trong nước; trường hợp các hãng hàng không đánh giá tuyến bay tiềm năng, có hiệu quả sẽ tiến hành các thủ tục báo cáo Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị cho phép mở tuyến bay để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

 

(Căn cứ Công văn số 3540/SGTVT-KHTH ngày 02/12/2022 của Sở Giao thông và Vận tải về việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh)

 

16. Việc đổ đất san lấp mặt bằng mà không đầu tư hệ thống thoát nước của Công ty Việt Hân, phường Bắc Lý đã làm cho ruộng tại TDP13 không thoát nước được. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp khắc phục tình trạng trên (Cử tri Trần Hoa Bắc, TDP13 phường Bắc Lý).

 

Trả lời:

 

Dự án Khu nhà ở thương mại phía Tây mương Phóng Thủy được UBND tỉnh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư tại Quyết định số 4099/QĐ-UBND ngày 21/11/2018, Nhà đầu tư trúng thầu là Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng Cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân.

 

Đến nay, Nhà đầu tư đã thi công cơ bản hoàn thành HTKT dự án, đầy đủ các hạng mục: san nền, giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, cấp điện, chiếu sáng theo quy hoạch chi tiết dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2742/QĐ-UBND ngày 03/8/2017; phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tại Quyết định số 1903/QĐ-UBND ngày 10/6/2019.

 

Quá trình thực hiện dự án để bảo vệ ranh giới dự án, tránh sạt lỡ đất vào các khu vực tiếp giáp, chống ngập úng cục bộ, dự án đã bố trí hệ thống tường chắn bằng đá hộc bao quanh ranh giới dự án. Tại một số vị trí tiếp giáp có hiện tượng ngập úng cục bộ dự án đã bố trí cống thu nước để giải quyết thoát nước cục bộ khi có mưa lớn xảy ra.

 

(Căn cứ Công văn số 3121/SXD-QHKT  ngày 30/11/2022 của Sở Xây dựng về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

17. Tuyến đường Trường Chinh, đoạn đi qua phường Bắc Lý mật độ lưu thông đông nhưng đường đã xuống cấp nghiêm trọng gây ra nhiều tai nạn giao thông. Đề nghị Tỉnh quan tâm tu sửa để bà con đi lại thuận tiện (Cử tri Trần Hoa Bắc, TDP13 phường Bắc Lý).

 

Trả lời:

 

Hiện tại, dự án Nâng cấp đường Trường Chinh, phường Bắc Lý đã được HĐND thành phố Đồng Hới phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 và Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 02/8/2022 với quy mô thảm bê tông nhựa mặt đường rộng 5-7m, nền đường rộng 7-10,5m, chiều dài 1,3km, tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2022-2024. UBND thành phố đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, khi xây dựng hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.

 

(Căn cứ Công văn số 3540/SGTVT-KHTH ngày 02/12/2022 của Sở Giao thông và Vận tải về việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh)

 

18. Hiện nay, các tuyến đường khu vực xã Nghĩa Ninh như đường Ngô Thế Lân, đường Nguyễn Đóa, đường Nguyễn Đỗ Cung… đang được đầu tư cải tạo và nâng cấp do UBND thành phố Đồng Hới làm chủ đầu tư đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Việt Tiến. Công trình đã thi công phần nền và bó lề. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã hơn 6 tháng Nhà thầu vẫn án binh bất động, không triển khai gì thêm mặc gì thời tiết khá thuận lợi, máy móc phương tiện đã rút hết khỏi công trường. Việc mới chỉ thi công đến hạng mục rải đá nền đường làm cho mỗi khi mưa xuống tạo ổ gà, ổ trâu; khi thời tiết nắng thì bụi mù mịt. Nhà thầu không hề có biện pháp bảo đảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường nên đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, nhất là trẻ em đi học. Đề nghị Tỉnh có biện pháp quyết liệt chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành công trình, để bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông các tuyến đường này (cử tri xã Nghĩa Ninh).

 

Trả lời:

 

Dự án nâng cấp đường Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Đóa, Ngô Thế Lân, xã Nghĩa Ninh được UBND thành phố phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán theo Quyết định số 4298/QĐ-UBND ngày 04/8/2021 và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo Quyết định số 5422/QĐ-UBNĐ ngày 20/9/2021, đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng Việt Tiến, tiến độ thực hiện dự án hoàn thành năm 2022. Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án theo kiến nghị của cử tri xã Nghĩa Ninh về việc kiểm tra mở rộng 02 tuyến đường Nguyễn Đỗ Cung và Ngô Thế Lân nhằm đảm bảo an toàn giao thông đi lại cho nhân dân trên địa bàn, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý hiện trường. Do quá trình điều chỉnh thực hiện dự án và gặp thời tiết vào mùa mưa ảnh hưởng đến qui trình thi công đường BTN nên nhà thầu không thể thi công hoàn thiện phần mặt đường thảm BTN theo kế hoạch được duyệt.

 

Hiện nay các hạng mục đã hoàn thành chỉ còn hạng mục thảm BTN mặt đường chưa thi công. UBND thành phố Đồng Hới đã chỉ đạo nhà thầu khẩn trương huy động nhân lực, thiết bị, và tăng cường làm thêm giờ để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành trong cuối năm 2022.

 

(Căn cứ Công văn số 2102/UBND-BQL ngày 02/12/2022 của UBND thành phố Đồng Hới về việc tham mưu kiểm tra, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ hợp thứ 8 – HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

More