Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 1828

  • Tổng 3.019.337

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Post date: 29/03/2023

Font size : A- A A+

Với mục đích hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch để khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Quá trình xây dựng dự thảo Luật đã được triển khai trên cơ sở Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. 

 

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay. Trên cơ sở các quy định của Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 70 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật (14 Nghị định, 21 Quyết định của Thủ tướng và 35 Thông tư). Các địa phương đã ban hành 445 văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Tài nguyên nước và các Nghị định. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể:

Triển khai Luật tài nguyên nước năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành danh mục lưu vực sông liên tỉnh; danh mục lưu vực sông nội tỉnh; danh mục nguồn nước liên tỉnh, danh mục nguồn nước liên quốc gia; 06 địa phương ban hành danh mục dòng chảy tối thiểu trên sông suối nội tỉnh theo thẩm quyền; việc tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia cũng đang được thực hiện theo Quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 04/8/2021 của Thủ tướng Chỉnh phủ. 

Về công tác quy hoạch, đã có 06/15 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tổng hợp của 04 lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê san, Srepok, Hồng - Thái Bình) và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện đối với 642 hồ chứa, đập dâng. Đây là cơ sở cho việc quản lý, điều hòa, giám sát hoạt động sử dụng nước các hồ chứa và bảo đảm các yêu cầu sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa cũng như giảm thiểu tác động của việc xây dựng, vận hành các hồ chứa đối với hạ du.

Đến nay, đã có 43/63 tỉnh đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Hầu hết các hồ thủy điện đang hoạt động (trên 1 triệu m3) đã và đang hoàn thành việc cắm mốc hàng lang. Đồng thời, đã có 40/63 tỉnh, thành đã thực hiện việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt cho các công trình thuộc đối tượng trên địa bàn tỉnh; có 26/63 tỉnh, thành đã ban hành Quyết định công bố danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; có 40/63 tỉnh, thành phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp; có 06/63 tỉnh, thành đã ban hành danh mục dòng chảy tối thiểu trên sông suối nội tỉnh theo thẩm quyền.

Việc điều hoà, phân bổ tài nguyên nước bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng nước đã từng bước được hoàn thiện. Việc ban hành và thực hiện theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm điều hòa, phân bổ nguồn nước cũng như sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra. Việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước được tăng cường, trong đó đã xây dựng và đang hoàn thiện hệ thống quan trắc giám sát tự động, trực tuyến phục vụ ra quyết định và quản lý ở Trung ương và địa phương. Việc bảo vệ, lưu thông dòng chảy, bảo vệ các nguồn nước đã phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương góp phần phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành gần 1.500 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 12.000 tỷ đồng. Ở địa phương, các tỉnh đã phê duyệt tổng số tiền cấp quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước gần 600 tỷ đồng. Trung bình, số thu hàng năm từ tiền cấp quyền cho ngân sách Nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng do có thêm công trình khai thác tài nguyên nước đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhưng sau hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể, một số quy định của Luật còn có sự gchồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất. 

Chưa có sự tách bạch rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến nước dẫn đến việc còn chồng chéo về nhiệm vụ triển khai giữa các Bộ, ngành, địa phương; 

Mặt khác, trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt, Luật hiện hành thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước đồng thời chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện các hoạt động quan trắc tài nguyên nước; phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;...cũng như đầu tư vào ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước.

Bên cạnh đó, chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ, định giá giá trị của tài nguyên nước cũng chưa được quy định rõ nên dẫn đến thực tế sử dụng nước không tiết kiệm, thất thoát, lãng phí nước và triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được việc xã hội hóa trong ngành nước…

Ngoài ra, một số quy định không còn phù hợp hoặc cần phải có quy định cụ thể hơn hay phải bổ sung để nhằm quản lý chặt chẽ hơn tài nguyên nước; vấn đề chuyển đổi số, các quy định liên quan đến công cụ hỗ trợ quản lý tài nguyên nước… Sự cần thiết phải bổ sung các quy định về cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới...

Điều này đặt ra tính cấp thiết cho việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước hiện hành. Dự thảo Luật đã được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, soạn thảo theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; trên cơ sở bám sát, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo và quy định pháp luật liên quan mà cụ thể là: Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với quan điểm “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên”;  Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ ban hành về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế…

Theo đó, Luật tài nguyên nước (sửa đổi) hướng đến việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật; quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá.

Dự thảo Luật đang được xây dựng trên 8 quan điểm cơ bản. Cụ thể:

- Thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước.

- Các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

- Kế thừa các quy định của Luật 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp. 

- Thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định liên quan đến quản lý nguồn nước, khai thác, sử dụng, cấp nước trong Luật Tài nguyên nước; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước.

- Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

- Giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn; luật hóa các quy định đã được thực tiễn khẳng định phù hợp.

- Phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu; bảo đảm công bằng trong tiếp cận nguồn nước.

- Tiếp cận theo xu thế của quốc tế có tính đến đặc thù của Việt Nam; sửa đổi Luật theo hướng quy định tích hợp các nội dung liên quan đến tài nguyên nước; đồng thời, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành quản lý theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được quy định tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước như: thủy lợi, thủy điện, cấp nước, giao thông thủy,...

Xác định tầm quan trọng của Dự thảo Luật này, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình mong muốn nhận được ý kiến góp ý của cử tri để chuẩn bị cho việc góp ý, thảo luận dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. 

Xem toàn văn dự thảo Luật tại đây

 

Phòng Công tác Quốc hội (tổng hợp)
 

More