Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 426

  • Hôm nay 2669

  • Tổng 4.129.256

Chung tay thực hiện dự án Dân chấm điểm M-Score để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công

Post date: 07/10/2015

Font size : A- A A+
M-Score (Mobilephone Scorecard - thẻ đánh giá chất lượng dịch vụ công trên điện thoại) là công cụ khảo sát hỏi người dân và doanh nghiệp qua điện thoại di động về chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Dự án lần đầu tiên được triển khai tại tỉnh Quảng Trị từ năm 2014 đã mang lại những hiệu quả thiết thực. M-Score được thiết kế dựa trên kinh nghiệm các khảo sát cấp quốc gia như PCI, PAPI và kinh nghiệm quốc tế. Thông qua công cụ khảo sát này, người dân và doanh nghiệp là những đối tượng phục vụ của cơ quan hành chính được phản hồi, đánh giá, chấm điểm và yêu cầu thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công. Thường trực HĐND tỉnh thấy đây là một cơ chế đánh giá độc lập, khách quan, đáng tin cậy, hỗ trợ đắc lực trong công tác theo dõi, giám sát của cơ quan dân cử và của nhân dân đối với việc thực hiện thủ tục hành chính. 

 

Được sự hỗ trợ của các đối tác, Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Dự án Dân chấm điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Các đối tác tham gia vào việc triển khai dự án gồm: Văn phòng đại diện Tổ chức Oxfam Anh tại Việt Nam; Trường Đại học Indiana Hoa Kỳ; Công ty TNHH Phân tích thời gian thực (RTA); Trung tâm Phân tích dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).

 

Dự án Dân chấm điểm M-Score có mục đích là thiết lập cơ chế để người dân phản hồi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính tại UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Đây là phương thức để tăng cường thực hiện quyền làm chủ và phát huy trách nhiệm của nhân dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Thông qua kết quả khảo sát đánh giá, chấm điểm của người dân, UBND các huyện, thành phố, thị xã thấy được mức độ hài lòng của người dân, thấy được khâu nào còn hạn chế, còn yếu để có các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ hành chính công. Kết quả phân tích không nhằm mục đích xếp hạng giữa các địa phương, tuy nhiên qua kết quả đó UBND cấp huyện cũng sẽ thấy được vị trí, mức độ hài lòng của người dân so với địa phương khác. Khi chất lượng dịch vụ hành chính công được nâng cao sẽ góp phần giảm chi phí, nhất là thời gian cho người dân khi đến làm các thủ tục hành chính; tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính đối với nhân dân. Đồng thời tạo phương thức giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ công cho các cơ quan cơ quan dân cử và cho chính lãnh đạo các cơ quan hành chính.
 
Về quy trình thực hiện: Kể từ ngày khởi động dự án (dự kiến ngày 01/01/2016) người dân đến nộp hồ sơ làm thủ tục hành chính, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND các huyện, thành phố, thị xã cập nhật đầy đủ thông tin (loại thủ tục, tên, địa chỉ, số điện thoại...) của cá nhân, tổ chức vào phần mềm quản lý hồ sơ. Đơn vị khảo sát trích xuất thông tin liên quan đến cá nhân, tổ chức đến làm thủ tục hành chính từ phần mềm quản lý để tiến hành khảo sát bằng cuộc gọi hoặc tin nhắn. Cá nhân, tổ chức cũng có thể chủ động gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến tổng đài hoặc đường dây nóng của Dự án để phản hồi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính. Đơn vị khảo sát sẽ chuyển thông tin dữ liệu cho Trung tâm phân tích và dự báo thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để phân tích xử lý thông tin đưa ra nhận định, đánh giá chung và xếp hạng của các đơn vị, địa phương về mức độ hài lòng của người dân. Kết quả khảo sát được công bố công khai trên website của các cơ quan liên quan đồng thời tổ chức Hội thảo công bố kết quả hàng quý. Trên cơ sở kết quả khảo sát đã công bố, UBND cấp huyện chỉ đạo bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
 
Việc sử dụng điện thoại di động để khảo sát vừa thuận tiện vừa bảo đảm sự khách quan thông qua các đối tác độc lập trong các khâu khảo sát, phân tích đánh giá và công bố kết quả. Lợi ích của dự án đem lại không chỉ cho người dân mà còn giúp cho lãnh đạo cơ quan hành chính thấy được chất lượng dịch vụ hành chính công một cách khách quan mà không phải từ các báo cáo của cấp dưới. Vì vậy, tin tưởng rằng sẽ tạo được sự đồng thuận, sự quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của người dân. Kỳ vọng rằng, trên cơ sở kết quả khảo sát được công bố, UBND cấp huyện sẽ quan tâm chỉ đạo Văn phòng HĐND và UBND, các cơ quan chuyên môn cấp huyện bổ sung, điều chỉnh các giải pháp, cơ chế để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức khi thực thi công vụ, mà cụ thể là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, các cơ quan chuyên môn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công của tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính, hoàn thành mục tiêu cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2011-2020. Dự án còn nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
Theo kế hoạch của Thường trực HĐND tỉnh, sau một thời gian thực hiện, sẽ có đánh giá cụ thể về hiệu quả của dự án. Trên cơ sở kết quả đó sẽ nhân rộng thực hiện tại một số sở, ngành cấp tỉnh. Khi đã thiết lập được cơ chế khảo sát, người dân hiểu biết, tham gia tích cực vào việc phản hồi cung cấp thông tin, quy trình khảo sát vận hành ổn định tỉnh sẽ có điều kiện để phát triển bền vững mô hình này trong những năm tiếp theo và chia sẽ kinh nghiệm để nhân rộng ra các địa phương khác.
 

Phạm Thái Quý