Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 1640

  • Tổng 2.957.068

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

8:28, Thứ Tư, 13-12-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

I. Lĩnh vực tài nguyên, môi trường

 

1. Cử tri xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh phản ánh, trước khi đầu tư Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp FLC, chủ dự án cam kết làm thần tốc, trong 1 năm là xong nhưng đến nay đã trải qua rất nhiều năm nhưng vẫn còn 1 số hạng mục chưa hoàn thiện, gây mất mỹ quan, lãng phí tài nguyên đất. Từ thực tế trên, cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan đôn đốc Tập đoàn FLC đẩy nhanh tiến độ dự án; nếu Tập đoàn FLC không còn đủ năng lực để tiếp tục triển khai thì cần kêu gọi thu hút các nhà đầu tư khác thay thế nhằm giải quyết bất cập nói trên, không để dây dưa kéo dài lãng phí tài nguyên đất và làm mất mỹ quan.

 

Trả lời:

 

 

1. Về phản ánh Dự án triển khai chậm trể so với cam kết, còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, gây mất mỹ quan, lãnh phí tài nguyên:

 

Sở Kế hoạch và Đầu tư xét thấy ngay từ ban đầu Nhà đầu tư có cam kết và thực sự đã triển khai rất nhanh các thủ tục để đầu tư, đã phối hợp thực hiện nhanh công tác GPMB, đã bỏ kinh phí khoảng 130 tỷ đồng đầu tư tuyến đường 4km nối đường tránh BOT ra biển Hải Ninh để vừa phục vụ giao thông chung và phục vụ hoạt động Dự án, đã gấp rút đầu tư đưa vào hoạt động nhiều hạng mục dự án, trong đó có sân golf 36 lỗ… Tổng giá trị thực hiện (theo báo cáo của Nhà đầu tư) ước đạt khoảng 1.433 tỷ đồng.

 

Việc Dự án triển khai chậm trễ so với cam kết có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân từ sự cố môi trường biển năm 2016; nguyên nhân do vướng măc GPMB kéo dài, tranh chấp, khiếu nại về đất đai; nguyên nhân do phát sinh thủ tục đấu giá tài sản công theo quy định của Nghị định 167/2017/NĐ-CP và cả nguyên nhân do sự việc Chủ tịch Tập đoàn bị tạm giam, điều tra. Việc nhiều hạng mục dự án chưa được đầu tư, chưa hoàn thiện, gây mất mỹ quan là thực tế; việc nhiều diện tích đất chưa được đầu tư đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả là trăn trở không chỉ của các cử tri mà của cả Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình.

 

2. Về kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng đôn đốc Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ Dự án; nếu Nhà đầu tư không còn đủ năng lực để tiếp tục triển khai thì cần kêu gọi các nhà đầu tư khác thay thế:

 

Ngay từ những ngày đầu kêu gọi đầu tư cho đến xuyên suốt cả một quá trình dài triển khai Dự án, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Quảng Bình luôn xem đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Lãnh đạo Đảng và Chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Tuy vậy, quá trình triển khai đầu tư còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn nên kéo dài tiến độ hoàn thành; hiện nay Dự án đang tạm dừng trên thực địa để xử lý dứt điểm các vướng mắc pháp lý và khó khăn tài chính của Nhà đầu tư.

 

Nhằm tháo gỡ khó khăn để Nhà đầu tư tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành Dự án, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh ngày 17/10/2023 về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại phiên họp ngày 14/9/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo từng ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tập trung tháo gỡ các vướng mắc còn lại để tiếp tục triển khai thực hiện Dự án.

 

Đối với việc kêu gọi nhà đầu tư khác thay thế, hiện nay Tập đoàn FLC đang là nhà đầu tư, có trách nhiệm huy động nguồn lực để tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành Dự án theo chủ trương đầu tư đã phê duyệt; trường hợp cần thiết, Nhà đầu tư Dự án có thể tìm kiếm các nhà đầu tư khác để huy động thêm nguồn vốn đầu tư hoặc chuyển nhượng đầu tư theo quy định; Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện các thủ tục liên quan khi Nhà đầu tư đề xuất.

 

(Căn cứ Công văn số 3385/KHĐT-QLĐT ngày 15/11/2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV)

 

2. Cử tri xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch phản ánh, Công ty cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ hiện đang khai thác rừng thông trên địa bàn xã Vạn Trạch với diện tích trên 45ha; tuy nhiên, việc khai thác của Công ty hết sức triệt để và không có dấu hiệu chăm lo cải tạo, trồng lại rừng. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra thực tế tình hình và có biện pháp yêu cầu Công ty cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ kịp thời trồng lại rừng để đảm bảo môi trường sinh thái, tránh xảy ra nguy cơ sạt lở đất rừng trong mùa mưa lũ.

 

Trả lời:

 

Trên cơ sở kết quả làm việc, kiểm tra hồ sơ và hiện trường khai thác rừng tại Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri như sau:  

 

Năm 2023, Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ (Công ty) được Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (đơn vị chủ quản) phê duyệt chủ trương khai thác rừng trồng và trồng lại rừng tại Văn bản số 462/TCT-LN ngày 26/4/2023; Chủ tịch HĐQT Công ty đã phê duyệt (i) Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng sản xuất - Kế hoạch năm 2023 tại Quyết định số 04/QĐ-HĐQT-KHKT ngày 28/4/2023; (ii) Phương án khai thác rừng trồng và cấp phép khai thác 45,18 ha rừng Thông nhựa kém chất lượng và 3,69 ha rừng Keo tại Quyết định số 05/QĐ-HĐQT-KHKT ngày 28/4/2023.

 

Đến nay, Công ty đang tổ chức khai thác rừng theo phương án đã được phê duyệt và cấp phép năm 2023; diện tích đã khai thác khoảng 30 ha/45,18 ha; diện tích chưa khai thác khoảng 15 ha (xã Vạn Trạch khoảng 10 ha). Trên diện tích đã khai thác, Công ty chưa thực hiện trồng lại rừng. Theo báo cáo giải trình của Công ty, nguyên nhân chậm tiến độ, thời gian khai thác và chưa trồng lại rừng là do giai đoạn tháng 7 và 8 năm 2023, thời tiết không được thuận lợi; không thuê được nhân công khai thác; thị trường tiêu thụ gỗ giảm mạnh, đã ảnh hưởng đến tiến độ khai thác. Hiện nay, Chủ tịch HĐQT Công ty đã gia hạn thời gian khai thác kế hoạch năm 2023 đến ngày 30/11/2023.

 

Qua kiểm tra, xác minh, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành và nội dung kiến nghị của cử tri xã Vạn Trạch cho thấy:

 

(1) Công ty đã thực hiện việc khai thác rừng trồng sản xuất đảm bảo đúng quy trình, quy phạm và trình tự, thủ tục theo quy định tại Thông tư số 26/2022/TT-BNN ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và các quy định của pháp luật có liên quan.

 

(2) Công ty thực hiện việc khai thác rừng chưa đúng tiến độ thời gian; chưa trồng lại rừng trên diện tích đã khai thác theo phương án được phê duyệt (tuy đã được gia hạn đến ngày 30/11/2023). Như vậy, nội dung kiến nghị của cử tri xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch là có cơ sở thực tế.

 

Để kịp thời khắc phục hạn chế nêu trên, đảm bảo thực hiện đúng quy định, tại Biên bản làm việc ngày 07/11/2023 đã thống nhất kiến nghị Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ:

 

- Khẩn trương hoàn thành việc khai thác rừng theo đúng phương án đã được phê duyệt và thời gian gia hạn; đồng thời, tổ chức trồng lại rừng ngay sau khi khai thác, trong thời vụ trồng rừng năm 2023 theo kế hoạch của Công ty. Quá trình khai thác rừng và trồng lại rừng, Công ty cần quan tâm thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

 

- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, đối thoại nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của người dân địa phương. Bổ sung các mốc ranh giới lâm phần của Công ty; tập trung giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất lâm nghiệp trong lâm phần được giao, hạn chế tình trạng người dân lấn chiếm trái pháp luật.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Kiểm lâm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc khai thác và trồng lại rừng đảm bảo đúng quy định, đồng thời xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).  

 

(Căn cứ Công văn số 3226/SNN-KHTC ngày 13/11/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV)

 

3. Cử tri xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch phản ánh, một số hộ dân ở xã Liên Trạch xen canh đất rừng sản xuất của xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn; nay đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, các hộ dân đã chấp thuận giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho đơn vị thi công thực hiện dự án. Hội đồng giải phóng mặt bằng thị xã Ba Đồn đã làm các thủ tục, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành bồi thường cho người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thị xã Ba Đồn và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

 

Trả lời:

 

UBND thị xã Ba Đồn đã ban hành Quyết định số 2641/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất để GPMB xây dựng Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vũng Áng - Bùng thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 1115/QĐ-UBND, Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 13/6/2023 về việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ về đất cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng do GPMB thực hiện dự án, trong đó có 07 hộ dân xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch được phê duyệt phương án hỗ trợ 15% mức bồi thường theo quy định đối với đất rừng sản xuất. (do UBND xã Quảng Minh quy chủ đất thuộc UBND xã quản lý nên theo quy định không được bồi thường chỉ được hỗ trợ).

 

UBND thị xã Ba Đồn đã chỉ đạo Ban QLDA ĐTXD và PTQĐ thị xã Ba Đồn phối hợp với UBND xã Quảng Minh và các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức Niêm yết công khai và bàn giao các quyết định theo đúng quy định. Tuy nhiên, đã nhiều lần thông báo chi trả tiền (7 lần thông báo chi trả tiền bồi thường tài sản và 03 lần thông báo chi trả tiền hỗ trợ về đất) nhưng các hộ dân xã Liên Trạch vẫn không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và đã có đơn kiến nghị cho rằng UBND xã Quảng Minh xác nhận về nguồn gốc sử dụng là không đúng. UBND thị xã Ba Đồn đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các sở ngành chuyên môn cấp tỉnh và thị xã, trên cơ sở đó xác định việc UBND xã Quảng Minh quy chủ sử dụng đất cho xã là không đúng quy định và đề nghị quy chủ sử dụng đất về cho 7 hộ dân Liên Trạch đang sử dụng đất trồng rừng và đã trích đo, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định. Quá trình thực hiện phát hiện có 03 hộ sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức theo quy định không được bồi thường hỗ trợ.

 

Tuy nhiên đến ngày 11/9/2023, UBND thị xã Ba Đồn nhận được đơn kiến nghị của 03 hộ dân xã Liên Trạch về việc đề nghị đo đạc lại diện tích đất rừng tại xã Quảng Minh của 03 hộ đang sử dụng. Hiện tại, UBND thị xã Ba Đồn đang hợp đồng với đơn vị tư vấn trích đo tiến hành xác định lại để có căn cứ  xây dựng phương án đảm bảo quy định và trả lời kiến nghị của 03 hộ dân xã Liên Trạch.

 

Nguyên nhân dẫn đến chậm trễ do các hộ dân không nhận tiền bồi thường và có nhiều đơn kiến nghị phải tập trung giải quyết. Người dân và Đảng bộ chính quyền xã Quảng Minh không đồng tình việc bồi thường cho người dân xã Liên Trạch cho rằng chiếm đất, chặt phá rừng cần phải xử lý nghiêm minh, gây khó khăn trong việc lấy ý kiến khu dân cư và xác nhận nguồn gốc sử dụng đất. Ý kiến hướng dẫn về chuyên của cấp trên một số nội dung chưa rõ nên đơn vị GPMB (Ban QLDA thị xã) làm sợ sai, sợ trách nhiệm.

 

UBND thị xã đang tích cực chỉ đạo Ban QLDA khẩn trương thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân và đúng quy định pháp luật.

 

(Căn cứ Công văn số 2478/UBND ngày 17/11/2023 của UBND thị xã Ba Đồn vêc việc trả lời ý kiến cử tri tại Công văn số 2245/UBND-TH ngày 02/11/2023 của UBND tỉnh Quảng Bình)

 

4. Cử tri xã Thạch Hoá, huyện Tuyên Hoá phản ánh nguồn nước sạch tại xã Thạch Hoá do các đơn vị tư nhân cung cấp không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của Nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, giám định nguồn nước sạch xã Thạch Hóa; nếu đúng như phản ánh của cử tri thì cần có biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân.

 

Trả lời:

 

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện Tuyên Hoá tiến hành lấy mẫu nước tại xã Thạch Hoá và thực hiện việc phân tích 37 chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (QCĐP 01:2023/QB). Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh hiện tại không có phòng xét nghiệm đủ năng lực để thực hiện phân tích cả 37 chỉ tiêu này, một số chỉ tiêu cần gửi mẫu về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm nên cần có thời gian phân tích và trả lời kết quả.

 

Đồng thời, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn triển khai các biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại xã Thạch Hoá, huyện Tuyên Hoá .

 

(Căn cứ Công văn số 3066/SYT-NVY  ngày 10/11/2023 của Sở Y tế về việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV)

 

II. Lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nông nghiệp

 

1. Cử tri phường Đồng Sơn phản ánh, tuyến đường Nhô Thì Nhậm nối từ đường Lương Văn Can đến đường Hoàng Quốc Việt hiện tại đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt nhựa đã bị bong lóc toàn bộ, xuất hiện nhiều “ổ trâu”, “ổ gà”, nhiều đoạn bị biến dạng, mùa mưa nước đọng thành từng vũng gây cản trở giao thông. Đây là tuyến đường có nhiều phương tiện giao thông qua lại và đã bị hư hỏng từ nhiều năm trước, nền đường lại thấp so với mặt bằng nhưng không được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra thực địa và có sớm có kế hoạch đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường nêu trên.

 

Trả lời:

 

Theo phân cấp của UBND tỉnh tại Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND ngày 04/8/2023 (có hiệu lực từ ngày 20/8/2023 và thay thế Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày 26/12/2012) ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý đường đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, các tuyến đường trên địa bàn phường Đồng Sơn mà cử tri phản ánh ở trên do UBND thành phố Đồng Hới quản lý, vận hành khai thác và bảo trì (Sở GTVT chỉ quản lý đối với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đi qua đô thị thuộc phạm vi quản lý). Vì vậy, đề nghị UBND thành phố Đồng Hới theo phân cấp chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát và có kế hoạch sửa chữa, xây dựng, nâng cấp phù hợp với quy hoạch để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân như kiến nghị của cử tri.

 

(Căn cứ Công văn số 3638/SGVT-KHTH  ngày 03/11/2023 của Sở Giao thông và Vận tải về việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV)

 

2. Cử tri xã Hưng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ phản ánh, cung đường tại ngã 3 Hưng Thủy, đoạn giao nhau giữa Quốc lộ 1A với đường tránh BOT thường xảy ra tai nạn giao thông, hết sức nguy hiểm, người dân khi tham gia giao thông tại vị trí này thường cảm thấy lo lắng, bất an. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, có biện pháp khắc phục những điểm bất cập dễ dẫn đến tai nạn nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại vị trí trên.

 

Trả lời:

 

 

Theo phân cấp đoạn tuyến Quốc lộ 1 cũ qua địa bàn tỉnh Quảng Bình do Văn phòng Quản lý đường bộ II.4 là cơ quan quản lý khu vực của Khu Quản lý đường bộ II chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì; đoạn tuyến Quốc lộ 1 tránh lũ do nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì.

 

Nút giao trên tại Km704+900 QL.1 là điểm giao cắt ngã ba cùng mức giữa 02 nhánh của đoạn tuyến phía Bắc (QL.1 cũ và đoạn tránh lũ) cùng quy mô 2 làn xe cơ giới với đoạn tuyến phía Nam quy mô 4 làn xe.

 

Trước khi vào nút, đoạn tuyến quy mô 2 làn xe đã được mở rộng lên 4 làn xe để phân chia các làn rẽ trái, rẽ phải; trong phạm vi nút - 2 - giao bố trí đầy đủ đảo kênh hoá có tấm phản quang dẫn hướng; hệ thống biển báo, vạch sơn đầy đủ; hai bên tuyến dân cư khá đông đúc. Trước đó, vào năm 2017, sau một thời gian đưa vào khai thác, tình hình tai nạn giao thông khu vực này diễn biến phức tạp nên Cơ quan quản lý đường bộ đã bổ sung hệ thống điện chiếu sáng, thu nhỏ đảo dẫn hướng nhằm mở rộng thêm mặt đường các làn xe chạy trong nút; tiếp đó, đến tháng 9/2022 Cơ quan quản lý đường bộ đã tiếp tục bổ sung thêm biển báo hạn chế tốc độ tối đa 60km/h khi qua nút giao nhằm cưỡng bức các phương tiện phải giảm tốc độ trước khi vào và qua nút giao. Sau khi tổ chức lại nút giao đã phát huy hiệu quả, giảm thiểu tai nạn giao thông.

 

Trên cơ sở kiến nghị của Công an tỉnh Quảng Bình (Văn bản số 3010/KN/CATPC08 ngày 15/5/2023) và UBND huyện Lệ Thủy (Văn bản số 1088/UBND-KTHT ngày 15/5/2023) về giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ tại vị trí nút giao này, ngày 22/5/2023 Đoàn kiểm tra liên ngành (thành phần gồm: Phòng CSGT - Công an tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, Văn phòng Quản lý đường bộ II.4, nhà đầu tư Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh và đơn vị quản lý bảo trì Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 494) đã tổ chức kiểm tra hiện trường và thống nhất đề nghị nhà đầu tư Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh thực hiện các giải pháp:

 

- Kéo dài khoảng cách hiệu lực “biển báo hạn chế tốc độ 60km/h” và biển báo “hết tốc độ tối đa cho phép 60km/h” tính từ ra mỗi phía từ 100m - 150m và bổ sung 01 bộ biển báo lắp đặt trên dải phân cách giữa.

 

- Bổ sung 02 biển báo “chổ ngoặt nguy hiểm có nguy cơ lật xe” phía Quốc lộ 1 đường tránh lũ và phía Quốc lộ 1 cũ phía Nam nút giao.

 

- Bổ sung cụm gờ giảm tốc tại nút giao.

 

Hiện tại đã thực hiện hoàn thành việc điều chỉnh vị trí và bổ sung các biển báo; đối với việc bổ sung cụm gờ giảm tốc đang được nhà đầu tư thực hiện trong dự án sửa chữa vừa công trình.

 

Bên cạnh đó, tại buổi kiểm tra hiện trường, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã đề nghị UBND huyện Lệ Thuỷ chỉ đạo UBND xã Hưng Thuỷ tuyên truyền, vận động người dân thu dọn biển báo, biển quảng cáo, vật liệu xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ, phối hợp với các cơ quan chức năng của ngành đường bộ, tăng cường giải tỏa hành lang đường bộ đảm bảo tầm nhìn và ATGT; đề nghị Phòng CSGT - Công an tỉnh nghiên cứu bổ sung thêm hệ thống camera giám sát để theo dõi, phạt nguội nhằm răn đe, ngăn chặn người điều khiển tham gia giao thông và điều khiển phương tiện vi phạm quy định, đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nút giao. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Lệ Thuỷ, UBND xã Hưng Thuỷ và Phòng CSGT - Công an tỉnh quan tâm thực hiện.

 

(Căn cứ Công văn số 3638/SGVT-KHTH  ngày 03/11/2023 của Sở Giao thông và Vận tải về việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV)

 

3. Cử tri xã Hưng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ phản ánh, Đập Cải Cách của xã Hưng Thuỷ được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Do bất cập trong cấu trúc, vận hành nên trong mùa mưa lũ năm 2010, Đập đã gây ngập úng trên 10 ha ruộng, làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 13 năm, cử tri và Nhân dân xã Hưng Thủy đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa có cơ quan, tổ chức nào đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ cho bà con nông dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Lệ Thủy và các cơ quan chức năng liên quan xem xét bố trí nguồn kinh phí thích hợp để giải quyết bồi thường hoặc hỗ trợ cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng tránh để phản ánh, kiến nghị kéo dài.

 

Trả lời:

 

Công trình Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Cải Cách được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình tại Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 19/4/2010; phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại Quyết định số 2535/QĐ-UBND ngày 22/10/2012 với tổng kinh phí 16.030 triệu đồng, trong đó chi phí GPMB, trích đo địa chính, rà phá bom mìn và dự phòng (tạm tính) 4.500 triệu đồng.

 

Để triển khai thực hiện dự án, UBND huyện đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng tại Quyết định số 3764/QĐ-UBND ngày 01/11/2010, theo đó Hội đồng GPMB huyện tiến hành kiểm kê tài sản trên đất của các hộ gia đình cá nhân bị ảnh hưởng. Do chưa đủ nguồn vốn nên UBND huyện Lệ Thủy chỉ mới ban hành Quyết định số 4546/QĐ-UBND ngày 13/11/2012 về việc phê duyệt giá trị bồi thường thiệt hại cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng (đợt 1) với tổng số tiền phê duyệt là 657,193 triệu đồng (bồi thường về tài sản phần lăng mộ) và đã chi trả cho các hộ dân. Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng thì mực nước trong hồ dâng lên, ảnh hưởng đến phần đất trồng rừng, cây trồng và đất ruộng của các hộ gia đình, chưa tiến hành trích đo địa chính, quy chủ, không đưa vào phương án bồi thường tại thời điểm phê duyệt sửa chữa, nâng cấp hồ nên không có căn cứ để bồi thường. Trong thời gian tới, nếu công trình được bổ sung 2 nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp, Hội đồng GPMB sẽ đưa vào phương án bồi thường mới có căn cứa để chi trả, đền bù.

 

(Căn cứ Báo cáo số 391/ BC-UBND ngày 16/11/2023 của UBND huyện Lệ Thủy về  trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV)

 

III. Lĩnh vực chế độ, chính sách, giáo dục

 

1. Cử tri xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh, Tại khoản 1, điều 20, Nghị định 33/2023-NĐ của Chính phủ quy định “1. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm mà giảm được 01 người trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định này thì kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức vụ, chức danh kiêm nhiệm”. Tuy nhiên, tại Công văn số 2281/CV-SNV ngày 14/12/2022 của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình yêu cầu tạm dừng chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho Chủ tịch HĐND xã kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác như quy định nêu trên. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ và các cơ quan chức năng liên quan xem xét trả lời cử tri; trường hợp áp dụng chưa đúng quy định cần kịp thời giải quyết chế độ phụ cấp kiêm nhiệm cho Chủ tịch HĐND xã.

 

Trả lời:

 

Thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Công văn số 282/BNV-CQĐP ngày 21/01/2022 của Bộ Nội vụ về chế độ kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức cấp xã. Sở Nội vụ đã ban hành Công văn số 2281/CV-SNV ngày 14/12/2022 hướng dẫn một số nội dung về quản lý và thực hiện chế độ, chính sách của cán bộ, công chức cấp xã theo đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Theo đó không có nội dung yêu cầu tạm dừng chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho Chủ tịch HĐND xã kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã.

 

Ngày 10/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (có hiệu lực kể từ 01/8/2023). Tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định: “Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm mà giảm được 01 người trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định này thì kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức vụ, chức danh kiêm nhiệm; phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.”

 

Thực hiện Công văn số 4868/VPUBND-NCVX ngày 8/11/2023 của Văn phòng UBND tỉnh về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Sở Nội vụ đang xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Quy định phân cấp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Quy chế tuyển dụng công chức, xét tuyển người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh; trong đó sẽ quy định rõ để các địa phương triển khai thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh. 

 

(Căn cứ Công văn số 2151/SNV-CBCCVC ngày 09/11/2023 của Sở Nội vụ về việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV)

 

2. Cử tri thành phố Đồng Hới phản ánh, Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh Quảng Bình quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập ban hành kèm theo nội dung thu và mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh được ban hành rất kịp thời trong thời điểm bắt đầu năm học mới; tuy nhiên, đối với các trường có quy mô nhỏ, ít học sinh, một số mức thu chưa phù hợp, không đáp ứng được việc duy trì hoạt động của trường (Ví dụ: đối với những trường dưới 500 học sinh, mức thu không quá 90.000 đ/ năm/ trẻ cho dịch vụ bảo vệ sẽ không thể đảm bảo mức lương tối thiểu vùng/tháng cho 01 bảo vệ làm việc cả ngày và đêm trong cả năm). Từ thực tế trên, cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ hợp lý cho các trường có quy mô nhỏ, ít học sinh hoặc kiến nghị HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết trên theo hướng cho phép các trường có dưới 500 học sinh được thu một số khoản với mức thu cao hơn quy định hiện hành để đảm bảo duy trì tốt các hoạt động.

 

Trả lời:

 

Sau khi phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính báo cáo như sau:

 

Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh Quảng Bình quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các khoản thu tại các cơ sở giáo dục công lập. Nghị quyết đã quy định rõ các khoản được phép thu, mức trần của các khoản được phép thu, nguyên tắc thu… để việc thu nộp thực hiện công khai, minh bạch, phụ huynh học sinh dễ dàng tham gia giám sát việc thu nộp, tránh được tình trạng lạm thu, tăng gánh nặng cho phụ huynh học sinh.

 

Về cơ bản các khoản thu đã dựa trên tính toán theo mức lương tối thiểu vùng, xem xét các định mức chi, tham khảo định mức thu của các tỉnh lân cận để bảo đảm tính phù hợp với thực tế phát sinh tại các cơ sở giáo dục đối với từng khoản thu, mức thu theo nguyên tắc thu vừa đủ chi sau khi đã cân đối từ nguồn thu dịch vụ, mang tính chất phục vụ, không mang tính kinh doanh; thực hiện thu, chi đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

 

Đối với khoản thu tiền bảo vệ trường được tính toán khi xây dựng, ban hành Nghị quyết cụ thể như sau: Mỗi trường thuê 02 bảo vệ, mức lương tối thiểu 3.640.000 đồng x 9 tháng x 2 người = 65.520.000 đồng, thu từ phụ huynh 27.000.000 đồng = 90.000 đồng x 300 học sinh (ước tính trung bình mỗi trường có 300 học sinh). Theo nội dung của Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND thì phần còn lại các cơ sở giáo dục sẽ phải cân đối từ nguồn chi thường xuyên, không thu toàn bộ nguồn kinh phí này từ phụ huynh học sinh.

 

Tại địa bàn TP Đồng Hới, căn cứ tình hình thực tế tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố và mức thu tại Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND, Phòng Giáo dục và Đào tạo Đồng Hới đã đề xuất mức thu tiền bảo vệ là 10.000 đồng/tháng, bằng mức tối đa mà Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND quy định. Các cơ sở giáo dục muốn tăng chi ngoài mức thu tối đa trên, đề nghị chủ động cân đối từ nguồn chi thường xuyên được bố trí trong dự toán hàng năm của đơn vị.

 

Trong thời gian tiếp theo, Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị, đánh giá tác động của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND để tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh theo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn.

 

(Căn cứ Công văn số 3725/STC-HCSN  ngày 09/11/2023 của Sở  Tài chính về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV)

 

3. Cử tri xã Thanh Thuỷ, huyện Lệ Thủy phản ánh, trên địa bàn xã Thanh Thủy hiện có 3 trường học với 4 cấp học; trong đó Trường THCS và THPT Dương Văn An có 2 cấp học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, gây thiệt thòi cho học sinh cấp THCS trên địa bàn xã. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu sắp xếp lại hệ thống các trường học trên địa bàn xã Thanh Thủy hợp lý hơn; có thể chuyển các lớp học cấp THPT qua các trường THPT trên địa bàn huyện để Trường THCS và THPT Dương Văn An thành Trường THCS Dương Văn An.

 

Trả lời:

 

- Đối với nội dung cử tri phản ánh về chất lượng giáo dục: Hiện tại, Trường THCS và THPT Dương Văn An có 48 giáo viên, trong đó có 08 giáo viên có trình độ Thạc sĩ, 40 giáo viên có trình độ Đại học. Do đó hoàn toàn đáp ứng yêu cầu chuyên môn dạy học cấp THCS. Trong năm học 2022 - 2023 chất lượng giáo dục toàn diện đảm bảo: tỷ lệ học sinh THCS đạt học lực Khá, Giỏi là 69% (cao hơn mức bình quân của huyện Lệ Thủy: 62,15% và mức bình quân toàn tỉnh: 61,42%); hạnh kiểm Khá, Tốt đạt tỷ lệ cao: 98%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,07% (cao hơn mức bình quân toàn tỉnh); số học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 THPT là 93/106, đạt tỷ lệ 87,7% (cao hơn mức bình quân toàn tỉnh).

 

- Đối với đề xuất chuyển các lớp học cấp THPT qua các trường THPT trên địa bàn huyện: Hiện tại trường THCS và THPT Dương Văn An có quy mô 26 lớp (THCS có 11 lớp, THPT có 15 lớp) với 1010 học sinh. Qua khảo sát, phần lớn các học sinh đang theo học tại Trường THCS và THPT Dương Văn An có hộ khẩu thường trú tại xã Thanh Thủy, Hồng Thủy, Ngư Thủy Bắc (là xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển) của huyện Lệ Thủy, có khoảng cách từ nhà tới trường thuận tiện cho việc học tập. Trong trường hợp theo học tại Trường THPT Lệ Thủy, THPT Nguyễn Chí Thanh, THPT Trần Hưng Đạo thì khoảng cách từ nhà tới trường từ 7-10km đối với học sinh xã Thanh Thủy; đối với học sinh xã Hồng Thủy, Ngư Thủy Bắc (263 học sinh) thì khoảng cách đến trường từ 11-17km.

 

Qua nắm bắt tình hình, phụ huynh và học sinh Trường THCS và THPT Dương Văn An mong muốn giữ nguyên hiện trạng Trường THCS và THPT Dương Văn An để thuận tiện cho học sinh đến trường. Nếu học sinh phải chuyển qua Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Trường THPT Lệ Thủy, Trường THPT Trần Hưng Đạo thì quãng đường đến trường khá xa, đoạn đường từ xã Thanh Thủy đến xã Phong Thủy (Đường 30) thường xuyên ngập lụt, không an toàn cho học sinh trong quá trình đến trường; học sinh THCS các xã Hồng Thủy, Ngư Thủy Bắc (là xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển) sau khi tốt nghiệp THCS có thể không theo học tiếp THPT vì khó khăn trong việc đi lại, ảnh hưởng tới việc duy trì phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 của tỉnh.

 

Bên cạnh đó, hiện tại cấp học THCS của Trường THCS và THPT Dương Văn An có 11 lớp, số học sinh lớp 6 hàng năm không ổn định. Do đó, việc chia tách để thành lập Trường THCS Dương Văn An chưa cần thiết ở thời điểm hiện tại.

 

(Căn cứ Công văn số 2435/SGD-KHTC ngày 08/11/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV)