Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 13

  • Hôm nay 2204

  • Tổng 2.957.632

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

15:10, Thứ Tư, 22-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

1. Thời gian qua nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc để tìm kiếm việc làm ở khu vực tư nhân, nhất là đội ngũ giáo viên và cán bộ, nhân viên ngành y tế. Cử tri cho rằng, một trong những nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng trên đó là lương thấp, không đảm bảo nhu cầu cuộc sống, trong khi đó áp lực công việc cao. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu có giải pháp để cải thiện môi trường làm việc; đặc biệt, cần xem xét sớm có sự điều chỉnh tăng lương và chế độ đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức (cử tri Trần Thị Thanh Nhàn, thị trấn Đồng Lê, huyện Minh Hóa; Phan Huy Hoàng,  xã Châu Hóa, Tuyên Hóa, Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam huyện).

 

Trả lời:

 

Bộ Nội vụ trả lời: Thời gian gần đây, đặc biệt từ năm 2020 khi dịch bùng phát, có tình trạng gia tăng xu hướng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, ngoài nguyên nhân áp lực công việc và các các nguyên nhân khác thì còn do tiền lương thấp, không đáp ứng cuộc sống như ý kiến cử tri nêu.

 

Trước thực trạng trên, Bộ Nội vụ đã kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền  xem xét, có giải pháp khắc phục phù hợp  và đã chủ động căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm sau, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ để trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thông qua từ ngày 01/7/2023 nâng mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/ tháng lên 1.800.000 đồng /tháng (tăng 20,8%) để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; đồng thời Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương và phụ cấp mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII.

 

(Công văn số 6701/BNV-TL ngày 26/12/2022 của Bộ Nội vụ trả lời KNCT trước kỳ họp 4)

 

2. Ngày 30/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 131/2021/NĐ-CPquy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/02/2022; tuy nhiên, đến nay Thủ tướng Chính phủ chưa có văn bản quy định mức hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021-2025. Cử trị đề nghịThủ tướng Chính phủ sớm ban hành văn bản quy định, hướng dẫn việchỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có cơ sở thực hiện (cử tri Phan Huy Hoàng xã Châu Hóa, Tuyên Hóa).

 

Trả lời:

 

Ngày 09/12/2022, Ủy ban Thường Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14.

 

Ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực từ ngày 15/02/2022). Theo đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ và tỷ lệ phân bổ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn từ ngân sách địa phương và dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Ngày 09/12/2022, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 224/BCTĐ-BTP thẩm định hồ sơ dự thảo quyết định.

 

Trên cơ sở thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện hồ sơ dwjtharo Quyết định kèm theo Tờ trình số 61/TTr-BXD ngày 19/12/2022 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2022 - 2025 để các Bộ, ngành, địa phương có cơ sở thực hiện trong giai đoạn tới.

 

(Công văn số 5871/BXD-QLN ngày 26/12/2022 của Bộ Xây dựng trả lời KNCT trước kỳ họp 4)

 

 3. Cử tri phản ánh, thời gian qua lực lượng công an chính quy ở cơ sở được điều chuyển từ công an cấp tỉnh và cấp huyện vềchủ yếu làm công tác nghiệp vụ, chuyên môn; đối với công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự còn nhiều hạn chế. Từ thực trạng trên, cử tri đề nghị Bộ Công an tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho đối tượng công an xã, phường,thị trấn nhiều hơn để thực hiện tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương quản lý nhà nước về công tác an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật cho lực lượng công an, tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế các hành vi tiêu cực, gây bức xúc trong Nhân dânlàm ảnh hưởng nghiêm trọngđến uy tín của lực lượng Công an nhân dân (Cử tri Phan Hồng Kỳ, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa).

 

Trả lời:

 

Để đáp ứng yêu cầu được giao, Bộ Công an đã và tiếp tục yêu cầu Công an đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng cần có cho cán bộ Công an cấp xã để thực thi nhiệm vụ (kiến thức quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, lề lối làm việc, văn hóa ứng xử, giao tiếp với nhân dân,…) với tinh thần Công an phải thật sự “gần dân, hiểu dân”, “lúc dân cần, lúc dân khó có Công an”; đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm, lấy ý kiến phản hồi của địa bàn cơ sở để điều chỉnh thái độ, tác phong của cán bộ Công an cấp xã cho phù hợp với nhiệm vụ được giao. Định kỳ Bộ Công an tiến hành sơ kết, tổng kết để sửa đổi, bổ sung các nội dung, chương trình bồi dưỡng bồi dưỡng cho phù hợp với từng địa bàn cơ sở và tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng còn thiếu cho cán bộ Công an cấp xã nhằm đáp ứng tốt yêu cầu quản lý an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

 

Bên cạnh việc sắp xếp về tổ chức, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Công an cấp xã luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an coi trọng, quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỹ luật cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ là việc làm thường xuyên và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đảng, công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã ban hành nhiều giải pháp phòng ngừa xử lý các hành vi sai trái, hiện tượng tiêu cực về tư tưởng, lối sống của cán bộ, chiến sĩ; Đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BCA ngày 26/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cương công tác quản lý cán bộ Công an nhân dân; đối với các trường hợp có sai phạm về lối sống, đạo đức, tư tưởng, Bộ Công an sẽ xử lý nghiêm và sai phạm đén đâu xử lý đến đó, không bao che, dung túng.

 

(Công văn số 4588/BCA-V01 ngày 30/12/2022 của Bộ Công an trả ời KNCT trước kỳ họp 4)

 

4. Cử tri phản ánh, tại điểm giao nhau giữa tuyến Quốc lộ 1A và tuyến đường tránh lũ (BOT) trên địa bàn xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy các phương tiện cơ giới tham gia lưu thông qua lại rất nhiều; trong khi đó, đoạn này đường chật hẹp nên thường xảy ra tai nạn giao thông. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các bộ phận chức năng liên quan kiểm tra thực trạng để sớm có phương án xử lý phù hợp, khắc phục bất cập nói trên. (Cử tri Đinh Trọng Bằng, xã Hưng Thủy, Lệ Thủy).

 

Trả lời:

 

Đoạn tuyến cử tri phản ánh tại Km704+900, nút giao ngã ba phía Nam của tuyến tránh lũ giao với QL.1 cũ, hiện do Nhà đầu tư dự án BOT công ty tập đoàn Trường Thịnh quản lý, khai thác, thu phí.

 

Nút giao đã được xây dựng giao thông, mở rộng thành 4 làn xe để bố trí làn rẽ trái, rẽ phải và điện chiếu sáng đầy đủ. Vào tháng 8/2022, Cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra hiện trường và yêu cầu Nhà đầu tư dự án BOT bổ sung biển hạn chế tốc độ 60km/h tại nút giao thông. Từ khi bổ sung biển hạn chế tốc độ đến nay, tại vị trí nút giao chưa xảy ra tai nạn giao thông.

 

Ngày 07/12/2022, Khu Quản lý đường bộ II đã có Công văn số 412/KQLĐBII - QLBTKCHTGT đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình nghiên cứu bổ sung hệ thống camera giám sát để theo dõi, phạt nguội nhằm răn đe, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vi phạm quy định, đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nút giao.

 

 (Công văn số 14051/BGTVT-KCHT ngày 30/12/2022 của Bộ Giao thông vận tải trả lời KNCT tỉnh Quảng Bình trước kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

 

 5. Cử tri phản ánh, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn giáp ranh giữa hai xã Trung Hóa và Thượng Hóa, huyện Minh Hóa phải đi qua khu vực Eo Rào, nơi này có khúc cua hẹp, lại bị lèn đá nổi lên che khuất tầm nhìn nên các phương tiện giao thông đi qua đoạn đường này rất nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các bộ phận chức năng liên quan kiểm tra thực địa và sớm có phương án mở rộng đoạn đường này; đồng thời đặt gương lồi hoặc có giải pháp khác để hạn chế tai nạn, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông (cử tri Trương Đình Vui xã Thượng Hóa, Minh Hóa).

 

Trả lời:

 

Đường Hồ Chí Minh đoạn giáp ranh giữa hai xã Trung Hóa và Thượng Hóa huyện Minh Hóa qua khu vực Eo Rào có lý trình từ Km902+ 700– Km902+ 900, quy mô đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9m, mặt đường bê tông nhựa rộng 7m êm thuận; bình diện tuyến nằm trên đường cong nằm bán kính khoảng 60m, ngoặt trái (ôm núi) có vách núi đá cáo khoảng 45m. Theo số liệu tai nạn trong 3 năm gần đây, đoạn tuyến không xảy ra tai nạn giao thông.

 

Trên tuyến đã được bố trí đầy đủ hệ thống ATGT gồm: biển báo chỗ ngoặt nguy hiểm; vạch sơn tại tim đường và hai bên lề; tiêu dẫn hướng tại lưng đường cong; hộ lan mềm, hộ lan cứng (trên đỉnh tường chắn BTXM taluy âm). Đến thời điểm hiện tại, Khu Quản lý đường bộ II đã bổ sung gương cầu lồi, sơn gờ giảm tốc tại hai đầu đường cong để cảnh cáo thêm cho người điều khiển phương tiện tập trung quan sát khi đi qua đoạn tuyến này.

 

Việc đào bạt mái ta luy mở rộng tầm nhìn trong điều kiện vác núi đá cao khoảng 45m, dựng đứng đòi hỏi giải pháp xử lý phức tạp, kinh phí lớn, nguy cơ mất ổn định mái dốc gây sạt lở ảnh hưởng cả khu vực. Về vấn đề này. Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan của địa phương, nghiên cứu phương án xử lý, nếu khả thi sẽ xem xét đưa vào kế hoạch bảo trì đường bộ để thực hiện.

 

(Công văn số 14051/BGTVT-KCHT ngày 30/12/2022 của Bộ Giao thông vận tải trả lời KNCT tỉnh Quảng Bình trước kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV)

 

 

Các tin khác