Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 1367

  • Tổng 2.945.728

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Quảng Trạch sau KH thứ 10 - HĐND tỉnh khóa XVIII

12:12, Thứ Sáu, 13-10-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Trạch sau kỳ họp thứ 10 -  HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

1. Việc phân cấp thuốc y tế tại các Trạm y tế cấp xã nhỏ giọt, không đảm bảo cho việc khám, cấp phát thuốc Bảo hiểm y tế cho bà con nhân dân khi đến khám tại các Trạm y tế cấp xã; việc cấp vắc xin phòng chống dịch bệnh cho trẻ em không đủ, nhất là vắc xin 5 trong 1, cấp không đúng theo phác đồ tiêm chủng, vì vậy nguy cơ dịch bệnh tăng. Đề nghị Tỉnh quan tâm xem xét khắc phục tình trạng trên nhằm tạo thuận lợi cho Nhân dân trong khám, chữa bệnh (cử tri xã Quảng Lưu).

 

Trả lời:

 

Việc khó khăn trong cung ứng vắc xin:

 

Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang thiếu nhiều loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng như vắc xin sởi, vắc xin 3 trong 1, đặc biệt đã cạn kiệt vắc xin 5 trong 1, trong khi các loại vắc xin này rất quan trọng, giúp trẻ ngăn ngừa được nhiều loại bệnh nguy hiểm.

 

Nói về nguyên nhân của tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, theo giải trình của ngành Y tế, từ trước năm 2022, Bộ Y tế là cơ quan được Nhà nước phân bổ ngân sách, giao đàm phán, đấu thầu, mua sắm vắc xin, phân bổ cho các địa phương.

 

Từ năm 2023, việc mua sắm vắc xin được chuyển đổi từ chương trình mục tiêu y tế dân số thành nhiệm vụ chi thường xuyên cho các địa phương, quy định cụ thể tại Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình TCMR giai đoạn 2021 - 2030 “Ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí mua vắc xin theo lộ trình. Ngân sách địa phương bố trí kinh phí tổ chức triển khai tiêm chủng tại địa phương”. 

 

Mặc dù nghị quyết đã được ban hành nhưng hiện các địa phương chưa thực hiện được việc mua bán vắc xin. Đến ngày 1/6, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện, mà chủ yếu là các vướng mắc trong việc bố trí kinh phí của địa phương, giá mua sắm, chủng loại vắc xin, thủ tục đấu thầu, tổ chức thực hiện… Hầu hết các địa phương đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá các loại vắc xin. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế, đối với việc đặt hàng vắc xin sản xuất trong nước cho chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện chưa có quy định của pháp luật cho phép Bộ Y tế đặt hàng tập trung để ký thỏa thuận khung, xác định giá thống nhất và các địa phương ký hợp đồng.

 

Ngày 10/6/2023, tại Công văn số 218/TB-VPCP đã Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc giải quyết vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó:

 

- Giao Bộ trưởng Bộ Y tế, theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động, khẩn trương chỉ đạo, thực hiện ngay các giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục ngay tình trạng thiếu vắc xin trước ngày 24 tháng 6 năm 2023.

 

- Giao Bộ trưởng Bộ Y tế trong ngày 10 tháng 6 năm 2023 làm việc ngay với các đơn vị sản xuất trực thuộc Bộ Y tế để cung ứng vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp, nhập khẩu để thương thảo, thực hiện cơ chế mua sắm trước, trả tiền sau. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đưa ra các giải pháp khoa học để đánh giá ảnh hưởng, có các phương án phù hợp với các trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng.

 

- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng dự thảo Nghị quyết về bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; trình Chính phủ trong ngày 10 tháng 6 năm 2023. Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ ngân sách, Bộ Y tế khẩn trương tổng hợp nhu cầu, dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền quyết định; tổ chức triển khai ngay việc mua, cung ứng vắc xin cho các địa phương.

 

- Giao đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với cơ quan y tế nước ngoài, Tổ chức y tế thế giới; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, viện trợ,… về vắc xin cho tiêm chủng mở rộng, nhất là vắc xin phối hợp 5 trong 1 để đáp ứng ngay yêu cầu cấp bách của Chương trình tiêm chủng mở rộng.

 

Đối với địa bàn tỉnh Quảng Bình, hiện vẫn có tỉnh trạng thiếu vắc xin cục bộ đối với các loại vắc xin: 5in1, Sởi,...Bộ Y tế đã xin viện trợ, tài trợ của các nước, tổ chức và đến 23/8/2023, tỉnh Quảng Bình đã nhận được 2.100 liều vắc xin 5 trong 1, hiện đang có tại kho tỉnh và sẽ phân bổ cho các địa phương tiêm trong tháng 9.

 

Hiện tại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng vẫn do Bộ Y tế đấu thầu và mua sắm cho các tỉnh trên toàn quốc. Tháng 6 và tháng 7 tỉnh Quảng Bình đã gửi công văn đề xuất nhu cầu vắc xin cho trẻ em trong các tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 gửi Bộ Y tế để mua sắm. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có thêm thông tin. Sở Y tế sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và có chỉ đạo kịp thời khi có kết quả đấu thầu vắc xin tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế.

 

 Việc khó khăn trong cung ứng thuốc:

 

Đầu năm 2023, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, như cầu khám chữa bệnh của người dân có dấu hiệu tăng. Việc cung ứng thuốc cho nhu cầu khám và điều trị trên địa bàn thực hiện theo kết quả đấu thầu tập trung thuốc được phê duyệt tại Quyết định số 283/QĐ-SYT ngày 14/5/2021 của Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, và được gia hạn thực hiện đến tháng 6/2023, tuy nhiên, do nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao nên có tình trạng thiếu cục bộ một số mặt hàng.

 

Bên cạnh đó, theo quy định của Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 5 năm 2022, việc thực hiện các gói đấu thầu thuốc phải tiến hành lựa chọn nhà thầu qua mạng kể từ 1/1/2023, tuy nhiên thời điểm đó, mạng đấu thầu chưa hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể thực hiện các gói thầu này.

 

Đến ngày 12 tháng 3 năm 2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Bộ Trưởng Bộ y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, và tại hội nghị triển khai Thông tư 06/2023/TT-BYT ngày 12/4/2023 thì Bộ Y tế mới giới thiệu tổng thể cách triển khai đấu thầu qua mạng cho các cơ sở y tế thực hiện, do vậy, thời điểm đầu năm 2023, các cơ sở y tế có nhu cầu đấu thầu không thể triển khai việc đấu thầu để có thuốc của mình.

 

Đối với địa bàn tỉnh Quảng Bình, ngay sau khi Thông tư 06/2023/TT-BYT được ban hành, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuốc để mua sắm thuốc phục vụ khám chữa bệnh. Hiện các đơn vị đã/ đang hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị có kết quả. Do vậy trong thời gian tới việc thiếu thuốc tại các cơ sở y tế nói chung trên địa bàn và thiếu thuốc tại Trạm Y tế xã như phản ánh của cử tri sẽ cơ bản được giải quyết.

 

(Căn cứ Công văn số 2267/SYT-TCCB của Sở Y tế ngày 29/8/2023 về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XVIII)  

 

2. Đề nghị Tỉnh quan tâm, phân bổ kinh phí để nâng cấp tu sửa, mua sắm trang thiết bị y tế tại các Trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân; đồng thời có chính sách hỗ trợ phụ cấp cho y tế cơ sở như một số tỉnh khác (Quảng Trị, Hà Tĩnh) đã hỗ trợ từ tháng 01/2023 (cử tri xã Quảng Lưu).

 

Trả lời:

 

Thời gian qua, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, được sự quan tâm của trung ương, của tỉnh, của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế; ngành y tế đã tập trung đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất; mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho các trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân; cụ thể:

 

- Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - Dự án thành phần tỉnh Quảng Bình (vốn vay WB) đầu tư xây dựng mới 01 trạm y tế và cải tạo, nâng cấp 38 trạm y tế; tổng mức đầu tư khoảng 68 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành đầu tư vào quý II/2024. Dự án cũng đầu tư mua sắm bổ sung 19 loại trang thiết bị y tế cho 151/151 trạm y tế trong toàn tỉnh, tổng mức đầu tư khoảng 16,7 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý II/2024.

 

- Các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng mới 5 trạm y tế và 58 trạm y tế, tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành năm 2024-2025.

 

Kết hợp với các nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách huyện, ngân sách xã và các tổ chức quốc tế, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã có khoảng 110/151 trạm y tế được đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp. Sau khi hoàn thành, hầu hết các trạm y tế trong toàn tỉnh được đảm bảo về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

 

Chính sách hỗ trợ phụ cấp cho y tế cơ sở như một số tỉnh khác (Quảng Trị, Hà Tĩnh) đã hỗ trợ từ tháng 01/2023 (cử tri xã Quảng Lưu):

 

Hiện nay về chế độ chính sách hỗ trợ phụ cấp cho y tế cơ sở tại tỉnh Quảng Bình thực hiện hỗ trợ như sau:

 

+ Đối với công tác viên dân số: mức chi thực hiện theo Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 27/5/2022 quy định mức chi bồi dưỡng hàng tháng cho cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

 

+ Đối với nhân viên y tế thôn bản: Sở Y tế đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh Công văn số 2110/SYT-KHTC ngày 11 tháng 8 năm 2023 đăng ký Nghị quyết trình tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 11), HĐND tỉnh khoá XVIII, nội dung: Nghị quyết quy định số lượng, mức bồi dưỡng đối với nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

 

(Căn cứ Công văn số 2267/SYT-TCCB của Sở Y tế ngày 29/8/2023 về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XVIII)  

 

3. Đường tránh nhà máy Xi măng Sông Giang đi qua địa bàn xã Cảnh Hóa đến nay vẫn chưa làm xong, ảnh hưởng đến việc đi lại và sản xuất của bà con Nhân dân; đề nghị Tỉnh chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm công trình này (cử tri xã Cảnh Hóa).

 

Trả lời:

 

Dự án thành phần 2: Đầu tư hoàn thiện QL.12A đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Gianh được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư tại các Quyết định: số 43/QĐ-BGTVT ngày 12/01/2022, số 32/QĐ-BGTVT ngày 17/01/2023 và giao cho Sở GTVT thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư; theo nội dung dự án được Bộ GTVT phê duyệt, đến 31/12/2023 dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Về công tác GPMB, UBND tỉnh cũng đã giao UBND các huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch làm chủ đầu tư Tiểu dự án thực hiện công tác bồi thường, GPMB.

 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, hiện tại Sở GTVT đang chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; tuy nhiên, trong quá trình thi công, do vướng mắc về công tác GPMB nên một số vị trí chưa thể thi công được (đến nay đã thi công hoàn thành mặt đường 4,65km/ chiều dài tuyến 5,06km); cụ thể: có 11 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, hiện tại đã phê duyệt xong phương án bồi thường cho 05 hộ dân, còn lại 06 hộ dân chưa được phê duyệt phương án, trong đó có 4 hộ dân yêu cầu được tái định cư trong khi các khu tái định cư tại xã Cảnh Hóa chưa được xây dựng hoàn thành nên chưa thể di dân, bàn giao mặt bằng để thi công. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Quảng Trạch chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm xây dựng hoàn thành các khu tái định cư, phê duyệt phương án bồi thường đối với các hộ dân còn lại để bàn giao mặt bằng cho Sở GTVT triển khai thi công. Sau khi nhận được mặt bằng sạch, Sở GTVT sẽ chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị để thi công hoàn thành toàn bộ công trình đưa vào sử dụng theo tiến độ được Bộ GTVT phê duyệt.

 

(Căn cứ Công văn số 2825/SGTVT-KHTH ngày 28/8/2023 của Sở Giao thông và Vận tải về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII).

 

4. Đề nghị Tỉnh quan tâm trích kinh phí đầu tư xây dựng dự án nguồn nước sạch cho các địa phương, hiện nay dự án nước tại một số xã vẫn chưa có, theo quy định của bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, có tiêu chí nước sạch. Vì vậy nếu không đầu tư thì các xã sẽ không đạt chuẩn nông thôn mới (cử tri xã Quảng Trạch).

 

Trả lời:

 

Theo quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh, việc đầu tư những dự án trên thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện. Vì vậy, để giải quyết nhu cầu trước mắt cho nhân dân, đề nghị UBND huyện Quảng Trạch chủ động cân đối ngân sách cấp huyện (có thể kết hợp sự đóng góp của nhân dân) để thực hiện các công trình thực sự cấp bách, cần thiết; về lâu dài, đề nghị UBND huyện Quảng Trạch rà soát kỹ nhu cầu đầu tư các công trình nước sạch và xem xét huy động nguồn lực của nhân dân và khả năng xã hội hóa trên địa bàn để thực hiện; chỉ xem xét, hỗ trợ đối với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong trường hợp vượt quá khả năng cân đối của ngân sách huyện, đề nghị huyện Quảng Trạch có văn bản đề xuất để Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ khi cân đối được nguồn vốn.

 

Riêng đối với “tiêu chí Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung” thuộc Bộ Tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi để phù hợp với phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, làm cơ sở để địa phương triển khai thực hiện. Theo đó “Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung” rất khó thực hiện, nhất là đối với các xã miền núi. Vì hiện nay, người dân ở vùng khó khăn chủ yếu dùng nước giếng (nguồn nước sạch), trong khi việc đầu tư công trình cấp nước tập trung cần nguồn kinh phí lớn, các xã khó huy động được nguồn vốn đầu tư nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện.

 

Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm kêu gọi nhà đầu tư đến đầu tư tại huyện Quảng Trạch 01 dự án Nhà máy nước sạch Quảng Châu của Công ty CP Đầu tư Hạ Tầng nước DNP Quảng Bình với tổng mức đầu tư 193.247 triệu đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư số 4506/QĐ-UBND ngày 27/11/2020. Mục tiêu của Dự án là cấp nước sạch cho thị trấn huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch và các xã phụ cận, tạo nguồn nước thay thế, đảm bảo an toàn cấp nước cho thị xã Ba Đồn; công suất xử lý và cấp nước 15.000 m3/đêm. Hiện nay, dự án đang hoàn thành giai đoạn 1, chuẩn bị đưa vào hoạt động.

 

(Căn cứ Công văn số 2739/ KHĐT/TH ngày 26/9/2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

5. Việc thực hiện dự án khu du lịch và nhà ở sinh thái Sun Spa - Đảo Yến của tập đoàn Trường Thịnh từ tháng 5/2015 đến nay đã hơn 7 năm nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nằm trong khu quy hoạch (như việc sản suất, xây dựng, chia tách giấy chứng nhận quyền sử đất cho con em trong gia đình…). Đề nghị Tỉnh có ý kiến chỉ đạo tiến hành triển khai thực hiện dự án để đền bù GPMB cho người dân; nếu dự án không triển khai thì đề nghị tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch, trả lại đất cho người dân ổn định cuộc sống (cử tri xã Quảng Đông).

 

Trả lời:

 

Dự án xây dựng Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sun Spa - Đảo Yến tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án tại Quyết định số 3374/QĐ-UBND ngày 26/10/2016; nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh; diện tích đất, mặt nước dự kiến sử dụng 60,87 ha; tiến độ của dự án: hoàn thành và đưa vào sử dụng Quý IV năm 2020.

 

Sau khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh được chấp thuận chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch đã ban hành thông báo thu hồi đất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quảng Trạch và Ủy ban nhân dân xã Quảng Đông để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

 

Theo báo cáo của nhà đầu tư, đến thời điểm hiện tại mới có 20/62 trường hợp có đất bị ảnh hưởng nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Các trường hợp còn lại chưa nhận tiền do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chưa hoàn thành được công tác giải phóng mặt bằng. Nội dung cử tri phản ánh dự án đến nay chưa thực hiện là đúng.

 

Do chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nên Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh chưa có cơ sở để lập và chưa nộp hồ sơ đề nghị thuê đất theo đúng quy định để thực hiện dự án.

 

Hiện nay, tiến độ thực hiện dự án đã chậm so với tiến độ ghi trong Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 3374/QĐ-UBND ngày 26/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cấp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh. Vì vậy, để xử lý vấn đề cử tri nêu, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh để làm rõ việc nhà đầu tư có tiếp tục thực hiện dự án Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sun Spa - Đảo Yến tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch hay không, từ đó có phương án xử lý dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, đồng thời phản hồi thông tin cho cử tri được biết.

 

(Căn cứ Công văn số /STNMT-TTr ngày 31/8/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

6. Cử tri tiếp tục có ý kiến: Tuyến đường Quảng Tùng- Quảng Châu- Quảng Hợp xây dựng hơn 15 năm đã xuống cấp trầm trọng và thường xuyên xảy ra tai nạn; đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường trên (cử tri xã Quảng Tùng).

 

Trả lời:

 

Tuyến đường liên xã Quảng Tùng - Quảng Châu - Quảng Hợp có điểm đầu tại Km0+00 giao nhau với tuyến Quốc lộ 1 (thuộc địa phận xã Quảng Tùng), điểm cuối kết thúc tại Km11+500m giao nhau với tuyến đường Quảng Phú - Quảng Kim - Quảng Hợp (thuộc địa phận xã Quảng Hợp), tuyến có chiều dài L= 11,5 km, với quy mô nền đường rộng 5-6m, mặt đường rộng 3,5m, đã được cứng hóa mặt đường bằng nhựa thấm nhập và bê tông xi măng được 9km, còn hơn 2,5km là đường cấp phối biên hòa (đoạn cuối tuyến thuộc địa phận xã Quảng Châu và Quảng Hợp). Đây là trục đường liên xã có vai trò rất quan trọng trong mạng lưới giao thông của huyện, hàng năm UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã tiến hành khảo sát đánh giá hiện trạng theo phân cấp, báo cáo đề xuất UBND huyện cho khắc phục sửa chữa những hư hỏng trên tuyến bằng nguồn vốn ngân sách huyện. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, quy mô kết cấu nền đường, mặt đường một số đoạn tuyến không đáp ứng được mật độ ngày càng gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, các vị trí hư hỏng nhỏ đã được sửa chữa nay tiếp tục xuống cấp, một số đoạn tuyến chưa được cứng hóa bị lầy lội vào mùa mưa, bụi đất vào mùa hè. Do đó việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa các đoạn tuyến hư hỏng là cần thiết như ý kiến kiến nghị của cử tri xã Quảng Tùng.

 

 Về vấn đề này nhiều ý kiến cử tri đã phản ánh tại các kỳ họp HĐND các cấp. Để khắc phục tình trạng trên, cũng như đảm bảo ATGT trên tuyến, thời gian qua UBND huyện đã đề xuất từ các chương trình dự án, tranh thủ nguồn vốn từ cấp trên để nâng cấp tuyến đường này. Theo đó năm 2020, UBND tỉnh đã quan tâm, phê duyệt dự án tại Quyết định số 4196/QĐ-UBND ngày 03/11/2020, từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Fomosa Hà Tĩnh, do Ban quản lý dự án ODA làm đại diện Chủ đầu tư để nâng cấp, mở rộng mặt đường hơn 1km, dự án đã hoàn thành đưa vào sự dụng từ năm 2022; Năm 2022, UBND huyện phê duyệt dự án tại Quyết định số 1552/QĐ-UBND ngày 11/8/2022, từ nguồn vốn ngân sách huyện, giao cho UBND xã Quảng Tùng làm Chủ đầu tư để đầu tư xây dựng bê tông hoá tuyến đường giao thông nông thôn phía Nam kênh mương vực Tròn tại hai thôn Phúc Kiều và Sơn Tùng, xã Quảng Tùng tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giảm lưu lượng lưu thông trên tuyến Quảng Tùng - Quảng Châu - Quảng Hợp với chiều dài hơn 4km, Chủ đầu tư đã tổ chức lựa chọn xong nhà thầu thi công, đang hoàn thiện công tác GPMB, dự kiến dự án sẽ được triển khai xây dựng vào quý IV/2023, hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2024; Năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đã phê duyệt dự án tại Quyết định số 565/QĐUBND ngày 20/3/2023, từ nguồn vốn bảo trì đường bộ, do Sở Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư, để nâng cấp cứng hóa đoạn tuyến còn lại 2,5km (đoạn tuyến thuộc địa phận xã Quảng Châu và Quảng Hợp), dự án đã được triển khai xây dựng, dự kiến sẽ được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng quý IV/2023.

 

Thời gian tới UBND huyện sẽ huy động các nguồn lực và đề xuất từ các chương trình, dự án để ưu tiên đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng các đoạn tuyến bị xuống cấp, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân ngày một tốt hơn, đảm bảo ATGT trên tuyến.

 

(Căn cứ Báo cáo số 311/ BC-UBND ngày 10/9/2023 của UBND huyện Quảng Trạch về tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

7. Khi thực hiện dựán nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch cơ quan chức năng đã tổ chức đối thoại với người dân thôn Vịnh Sơn để giải quyết các vấn đề cho người dân, theo kết luận tại buổi đối thoại có 12 nội dung giải quyết nhưng đến nay một số nội dung chưa được giải quyết gây bức xúc cho người dân. Đề nghịTỉnh quan tâm chỉđạo thực hiện các nội dung chưa thực hiện đểđảm bảo quyền lợi cho người dân(cử tri xã Quảng Đông).

 

Trả lời:

 

Sau khi nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND huyện đã chuyển ý kiến đến Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Bình phối hợp với hội đồng GPMB Trung tâm Nhiệt điện huyện xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả như sau:

 

Đối với 12 nội dung kiến nghị của người dân, đến nay cơ bản đã giải quyết hết các nội dung kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, còn lại một số kiến nghị của người dân UBND huyện đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị liên quan giải quyết cho người dân như cụ thể như sau:

 

*Đối với nội dung “Về khu tái định cư phải sớm hoàn thiện về cơ sở hạ tầng nhất là nước sinh hoạt và phục vụ cho xây dựng. Khi bà con nhận đất thì giao ngay Giấy chứng nhận QSD đất cho bà con”: - Xây dựng hạ tầng khu tái định cư: Hiện nay trên mặt bằng công trình đã triển khai được khoảng 90% khối lượng, còn lại một số hạng mục chưa thi công hoàn thành, cụ thể: Thi công láng nhựa tuyến đường giao thông, đoạn thoát nước thải tại vị trí D9-8 của Khu vực xây dựng số 3; Đoạn mương dẫn dòng hạ lưu cống hộp của Khu vực xây dựng số 5; Thử áp lực, khử trùng đường ống cấp nước sạch của toàn bộ dự án. Tuy nhiên tính từ thời điểm tháng 8/2022 đến nay, mặc dù Ban Quản lý dự án ODA đã nhiều lần làm việc, đốc thúc nhà thầu triển khai hoàn thiện nhưng do thiếu vốn để thanh toán cho phần khối lượng đã nghiệm thu nên các nhà thầu đang tạm dừng thi công. Tuy dự án chưa thi công hoàn thành nhưng để có mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện. Ban Quản lý dự án ODA đã bàn giao mặt bằng, bàn giao mốc thực địa nhằm tạo điều kiện cho UBND xã tổ chức bốc thăm cho các hộ dân thuộc diện di dời. Hiện nay thời gian thực hiện dự án đã hết, Ban QLDA ODA đã tham mưu văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định thời gian cấp vốn cho dự án làm cơ sở trình UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện để thi công hoàn thành và quyết toán dự án, nhưng chưa có văn bản trả lời của Tập đoàn Điện lực.

 

- Hệ thống cấp nước sạch của khu tái định cư: Hệ thống cấp nước sạch của khu tái định cư (trong đó có 07 giếng khoan và hệ thống tuyến ống) đã được xây dựng cơ bản, khối lượng công việc còn lại trên công trường là thử áp lực, khử trùng đường ống. Tuy nhiên đến nay do chưa gia hạn được thời gian thực hiện dự án, thời gian thực hiện hợp đồng để triển khai hoàn thành các công việc còn lại để trình Sở Xây dựng kiểm tra và tổ chức nghiệm thu hoàn thành, bàn giao theo quy định.

 

- Về vấn đề cấp giấy chứng nhận QSD đất cho người dân ở Khu tái định cư: UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận QSD đất. Theo đó quy trình thực hiện như sau: Đơn vị có trách nhiệm GPMB dự án phối hợp với UBND xã Quảng Đông tiến hành lập hồ sơ, xây dựng phương án tái định cư cho người dân, gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để thẩm định. Sau khi thẩm định phương án, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ chuyển hồ sơ cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để cấp GCNQSD đất và Chi cục Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính. Khi người dân hoàn thành nghĩa vụ tài chính, UBND huyện sẽ ký quyết định giao đất cấp GCNQS đất cho các hộ.

 

*Đối với nội dung “Về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nhân dân phải thiết thực, kịp thời và có cam kết của Lãnh đạo tỉnh, huyện và Tập đoàn Điện lực”:

 

 Qua các ý kiến đề xuất, báo cáo rà soát nhu cầu đào tạo nghề của xã Quảng Đông năm 2023 ngày 07/3/2023, UBND huyện đã ban hành Công văn số 192/UBND-LĐTBXH rà soát nhu cầu đào tạo nghề để làm căn cứ trong quá trình định hướng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân địa bàn xã Quảng Đông. Qua rà soát của địa phương xã Quảng Đông, đến thời điểm hiện tại cơ bản người dân chưa có nhu cầu đào tạo nghề, số ít có đăng ký nhưng số lượng ít không đủ điều kiện mở lớp. Thời gian qua, UBND huyện tạo các điều kiện thuận lợi để cho địa phương xã và người lao động đăng ký học nghề sơ cấp và dưới 03 tháng theo nhu cầu của địa phương, không đào tạo theo chỉ tiêu và ngành nghề khi người lao động và địa phương không có nhu cầu đăng ký.

 

Thời gian tới, sau khi các khu tái định cư hoàn thiện, đời sống nhân dân đi vào ổn định để sản xuất kinh doanh, nếu có nhu cầu đào tạo nghề ngắn hạn, UBND xã tổng hợp đề xuất với huyện thông qua các phòng, ban, đơn vị liên quan để phối hợp tổ chức hỗ trợ đào tạo cho người dân khi có nhu cầu phù hợp với thẩm quyền của huyện và tỉnh theo quy định.

 

Tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề ngắn hạn của người dân trên địa bàn để tổng hợp và bố trí các lớp học nghề khi đủ điều kiện về số lượng, đề xuất ghép lớp với các địa phương lân cận để đào tạo cho người dân và địa phương. Tuyên truyền, vận động người dân, con em tham gia các phiên giao dịch việc làm với mục đích giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, tư vấn việc làm, tư vấn học nghề,v.v… giữa doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động địa phương.

 

Lồng ghép điều tra nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề theo kế hoạch điều tra thị trường lao động năm 2023 theo số liệu chung toàn huyện và xã Quảng Đông, làm cơ sở để định hướng giải quyết việc làm trong những năm tiếp theo.

 

(Căn cứ Báo cáo số 311/ BC-UBND ngày 10/9/2023 của UBND huyện Quảng Trạch về tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

Các tin khác