Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 3623

  • Tổng 3.005.669

Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi)

Post date: 24/05/2023

Font size : A- A A+

Hôm nay, 23/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV bước sang ngày làm việc thứ hai. Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu tham gia thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

 

Trong ngày làm việc thứ hai, Quốc hội đã nghe các báo cáo, tờ trình, thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

 

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu góp ý Dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

 

Thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường khẳng định nội dung công khai thông tin về giá, thẩm định giá là rất quan trọng, vừa phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo Luật đang quy định về 3 loại chủ thể phải thực hiện trách nhiệm công khai thông tin về giá, thẩm định giá, đó là: cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tuy có ba loại chủ thể khác nhau nhưng lại có một khoản chung là Khoản 5, Điều 6 quy định về hình thức công khai. Theo đó, công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoặc các hình thức phù hợp khác.

Theo đại biểu, với quy định trên thì trách nhiệm công khai thông tin về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành, không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi theo dự thảo Luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chỉ cần công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu có được coi là công khai. Trong khi đó, Luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá bằng hình thức niêm yết giá.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng thảo luận về những hành vi bị nghiêm cấm và cho rằng, báo cáo giải trình đưa ra 4 trường hợp khẩn cấp là chưa quy định đầy đủ, bao quát. Lấy ví dụ về các trường hợp tình trạng khẩn cấp được quy định trong Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp (năm 2000) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định chi tiết của Chính phủ (năm 2002) với các quy định chi tiết thì chưa thống nhất với các quy định tại các Luật liên quan, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, chỉnh lí các quy định tại điều này cho đầy đủ và bao quát.

Ý kiến cũng đề nghị cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể là tính thống nhất của Luật này với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý làm rõ thêm, điều chỉnh những bất cập về điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá của người có thể thẩm định về giá được quy định tại khoản 1, Điều 45 để phù hợp, thống nhất với quy định tại khoản 10, Điều 14 của dự thảo về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong việc cập nhật kiến thức cho người “đăng ký hành nghề thẩm định giá” khi họ chưa là “thẩm định viên”.

Ngày mai, 24/5, Quốc hội tiếp tục nghe các báo cáo, tờ trình; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

 

Phòng Công tác Quốc hội

More