Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 335

  • Tổng 4.372.634

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Post date: 30/10/2022

Font size : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:


1. Về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (Điều 107): Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định xã hội hóa trong xét nghiệm, quy định về việc đặt máy, mượn máy. Vì một thực tế hiện nay, máy móc, trang thiết bị đầu tư cho hoạt động xét nghiệm kinh phí rất cao và trong quá trình vận hành cần có kỹ sư chuyên nghiệp của công ty thực hiện. Mặt khác, hóa chất mở để sử dụng thực tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu hóa chất đi theo máy. Tuy nhiên, kinh phí các cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế, việc đấu thầu hóa chất cũng rất khó khăn. Vì vậy, cần xem xét có quy định về việc đặt máy, mượn máy để các đơn vị có điều kiện triển khai thực hiện các dịch vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.


2. Về giá dịch vụ khám chữa bệnh (Điều 108): Thực tế hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh công lập phải tuân theo quy định của Nhà nước, còn các cơ sở tư nhân tự quyết định giá. Điều này dẫn đến có sự chênh lệch giữa công và tư; nhiều cơ sở tư nhân thu giá rất cao, nguồn thu lớn nên trả lương cho bác sỹ cao, dẫn đến tình trạng các bác sỹ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, có cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hoặc kiểm soát giá dịch vụ tại các cơ sở y tế tư nhân hoặc quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế tư nhân. Bởi dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.


3. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7), về cơ bản các hành vi trong dự thảo luật đã bao quát đầy đủ các vấn đề. Tuy nhiên, thực tiễn cũng phát sinh những trường hợp mới mà luật có thể chưa dự báo đầy đủ. Do đó, đề nghị bổ sung thêm một khoản: “21. Các hành vi vi phạm quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các Luật khác có liên quan.


4. Về hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 46), tại khoản 4 đề nghị bổ sung quy định Phòng khám đa khoa khu vực tại một số địa phương đặc thù được phép thu dung điều trị nội trú để người bệnh có thêm quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh khi không có điều kiện đến bệnh viện hoặc Trung tâm y tế.


5. Về cấp cứu (Điều 59), tại khoản 4 đề nghị bổ sung cụm từ “người có thẩm quyền trực lãnh đạo theo quy định tại khoản 2, Điều 68 luật này” vào trước cụm từ “có trách nhiệm ưu tiên”, sửa lại thành: “4. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người có thẩm quyền trực lãnh đạo theo quy định tại khoản 2, Điều 68 luật này có trách nhiệm ưu tiên điều kiện tốt nhất về nhân lực, thiết bị y tế cho việc cấp cứu người bệnh và chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.”


Lý do bởi mặc dù cơ sở khám, chữa bệnh đã ưu tiên điều kiện tốt nhất về nhân lực, thiết bị y tế; tuy nhiên, trong quá trình cấp cứu luôn phát sinh những tình huống cần xử lý ngay hoặc nhu cầu điều động nhân lực, thiết bị y tế linh hoạt, cấp thiết. Do đó nếu chỉ quy định trách nhiệm người đứng đầu là chưa đảm bảo tính bao quát và kịp thời trong hoạt động cấp cứu; nên cần phải bổ sung “gười có thẩm quyền trực lãnh đạo” và người này chịu trách nhiệm trực tiếp với người đứng đầu.


6. Về hội chẩn (Điều 61), đề nghị sửa khoản 1 thành: “1. Việc hội chẩn được thực hiện khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị của người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đã điều trị nhưng bệnh không có tiến triển tốt hoặc có diễn biến xấu đi hoặc bệnh khó chẩn đoán hoặc bệnh nhân liên quan nhiều chuyên khoa hoặc bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật”./.


Phòng CTQH

More