Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 17

  • Hôm nay 1456

  • Tổng 2.965.800

Giải pháp phát triển nông nghiệp trong tình hình mới

Post date: 13/12/2021

Font size : A- A A+

 

Năm 2021, trong điều kiện toàn tỉnh phải tập trung sức để khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai năm 2020, phòng chống dịch bệnh trên người và gia súc, hầu hết người dân, cử tri luôn đồng tình, ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của phần lớn người dân cơ bản ổn định.

 

Tuy nhiên, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng và gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, thể hiện ở một số vấn đề mà cử tri quan tâm sau đây:

 

 

 

Đại biểu Trần Tiến Sỹ, Tổ đại biểu huyện Bố Trạch

 

-  Lo lắng và có phần bất an trước tình hình bùng phát dịch bệnh Covid 19 lần này, sự biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai.

 

- Vốn đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Người nông dân thiếu vốn, kỹ thuật, công nghệ và thông tin. Số doanh nghiệp, trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất ít, quy mô nhỏ, chưa đủ sức để gây lan toả, tác động lôi kéo phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.

 

- Việc nông dân liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản còn rời rạc, chưa chặt chẽ. Vai trò hướng dẫn, định hướng hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa nhiều.

 

- Nông dân thiếu việc làm; đời sống luôn khó khăn, yếu thế. Tình trạng bỏ quê, đi làm ăn xa rất nhiều, nhất là là lao động nông thôn trong độ tuổi thanh niên, điều này đã và đang xảy ra nhiều hệ luỵ trong nông thôn, nhất là các xã khó khăn.

 

- Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ta, đa số không chủ động làm ăn, tính trông chờ ỷ lại, sức ì ngày càng lớn, khó có thể tự thay đổi cuộc sống của chính bà con.

 

Từ những băn khoăn, lo ngại nêu trên của phần lớn cử tri nông dân, các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hơn đến một số nội dung sau:

 

(1). Sản xuất nông nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn trước sự biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động rõ rệt, nhất là khu vực duyên hải như tỉnh ta. Lâu nay chúng ta vẫn loay hoay với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi nhưng kết quả chưa mong muốn. Để khắc phục vấn đề này, thì việc chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, an toàn hiện đang xu hướng mới, tất yếu phải tiến hành. Do đó, cần chủ động để  có định hượng cụ thể, rõ ràng trong tổ chức thực hiện.

 

Cùng với đó, cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp, người nông dân đầu tư vào lĩnh vực này; đa dạng hoá kênh tiêu thụ nông sản giúp nông dân mà trước hết là các sản phẩm OCOP của tỉnh.

 

(2). Cần nghiên cứu để thay đổi cách thức hỗ trợ của các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất và đời sống cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo hướng làm sao để bà con từng bước chủ động thay đổi hình thức sản xuất, tập quán sinh sống.

 

 (3) Tỉnh ta có tiềm năng rất lớn về rừng, khi độ che phủ rừng 68%. Trong đó, diện tích rừng trồng khá lớn (khoảng 120.000 ha – 20% diện tích rừng toàn tỉnh), nhưng thực tiễn cho thấy chất lượng và giá trị, cũng như khả năng phòng hộ của rừng trồng trên địa bàn tỉnh thấp (ví dụ như năng suất rừng trồng của Quảng Trị đạt 100 -120 ster/ha, trong khi rừng trồng tỉnh ta chỉ đạt 60-80 ster/ha). Việc hướng dẫn các biện pháp kỷ thuật đang bỏ ngõ, chủ yếu là để mặc người dân tự phát…, tỷ lệ trồng rừng thành rừng thấp (…); tỷ lệ rừng trồng đạt, được cấp chứng chí FSC thấp (gần 4/120 ngàn ha).

 

Mặt khác việc lấn chiếm đất lâm nghiệp giữa các hộ dân và chủ rừng là tổ chức vẫn xãy ra ở số nơi, chưa được giải quyết triệt để.

 

Để nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, chất lượng và giá trị, năng lực phòng hộ của rừng trồng, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn nữa, đầu tư mạnh hơn về phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với việc hình thành các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng tại chổ tại các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Bố Trạch và Lệ Thuỷ.

 

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, Nghị định 118/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chinh phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Trong đó, cần rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất và cây rừng làm cơ sở cho việc thu hồi và bàn giao về cho các địa phương để giao đất cho các hộ dân sản xuất.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Trần Tiến Sỹ,

Tổ đại biểu huyện Bố Trạch tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

More