Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 19

  • Hôm nay 1433

  • Tổng 2.965.777

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri thành phố Đồng Hới sau Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII

Post date: 10/06/2019

Font size : A- A A+
 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố Đồng Hới sau Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

 

1 (a). Cử tri thôn Giao Tế, xã Đức Ninh và Tổ dân phố 6, 15 phường Nam Lý kiến nghị cần chăm lo tốt đời sống cho đối tượng chính sách; xây dựng nhà dưỡng lão của tỉnh.


(b). Hội người cao tuổi xã Đức Ninh đề nghị Tỉnh đề xuất với Trung ương để điều chỉnh chế độ phụ cấp cho người cao tuổi tăng thêm so với mức cũ (270.000đ) để đáp ứng điều kiện sống tối thiểu cho người cao tuổi khi giá cả thị trường ngày càng tăng cao.


Trả lời:


- Về đề nghị xây dựng nhà dưỡng lão để đáp ứng nhu cầu dưỡng sinh, dưỡng lão, công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn tỉnh là nguyện vọng chính đáng của bà con cử tri. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của tỉnh nhà còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách địa phương thu không đủ bù chi chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương. Tỉnh cũng đã nhiều lần kiến nghị đề xuất với Trung ương, nhưng đến nay Trung ương chưa cân đối và bố trí được nguồn kinh phí đầu tư cho việc xây dựng nhà dưỡng lão tại tỉnh.


Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình xin tiếp thu ý kiến của cử tri để xem xét, đề xuất khi có điều kiện phù hợp và thực hiện tốt hơn công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, đối tượng người cao tuổi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.


- Về điều chỉnh chế độ phụ cấp cho người cao tuổi: Hiện nay, việc giải quyết chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi được thực hiện theo Luật người cao tuổi số 39/2009/QH12 năm 2009 và Nghị định số 136/2011/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo quy định hiện hành mức trợ giúp đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng là 270.000 đồng/tháng.


Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội là 270.000 đồng để làm căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó bao gồm cả đối tượng là người cao tuổi.


Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thấy với mức 270.000 đồng/tháng là thấp so với nhu cầu tối thiểu của người cao tuổi và đề nghị nâng mức trợ giúp của một số cử tri là chính đáng. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế của tỉnh nhà hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách địa phương thu không đủ bù chi nên chưa có khả năng đảm bảo được kinh phí để điều chỉnh tăng thêm so với mức chuẩn quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.


Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri và tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, tổng hợp đề xuất với Quốc hội, Chính phủ để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về cơ chế chính sách trợ giúp xã hội nhằm từng bước nâng cao mức sống đối với đối tượng người cao tuổi nói riêng và đối tượng bảo trợ xã hội nói chung, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.


(Theo Công văn số 367/SLĐTBXH-NCC ngày 28/3/2019 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII).


2. Cử tri phường Nam Lý kiến nghị cần bổ sung chế độ bảo hiểm y tế cho cán bộ về chế độ 176.


Trả lời:


Việc quy định bổ sung chế độ BHYT cho cán bộ đã được giải quyết trợ cấp thôi việc theo Quyết định số 176/HĐBT ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, BHXH tỉnh xin tiếp thu ý kiến của công dân và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.


(Theo Công văn số 476/BHXH-CST ngày 17/4/2019 của Bảo hiểm Xã hội tỉnh về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của công dân)


3. Cử tri phường Nam Lý đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời cho hội viên Hội cựu thanh niên xung phong.


Trả lời


Thực hiện các quy định của pháp luật, BHXH thành phố Đồng Hới đã có Công văn số 415/BHXHTP ngày 10/12/2018 về hướng dẫn cấp, đổi, lập danh sách cấp thẻ BHYT gửi về cho tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố. Đến ngày 17/12/2018 cơ quan BHXH thành phố Đồng Hới đã in xong thẻ BHYT năm 2019 chuyển cơ quan Bưu điện để trả thẻ BHYT đến tận tay tất cả các đối tượng trước ngày 01/01/2019 (trong đó có đối tượng cựu thanh niên xung phong). Đến nay BHXH thành phố Đồng Hới đã cấp 2.939 thẻ BHYT cho đối tượng thanh niên xung phong theo danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT của đơn vị quản lý đối tượng; khi cấp thẻ BHYT xong, cơ quan BHXH chuyển phát thông qua Bưu điện chuyển cho cán bộ chính sách xã, phường để trả thẻ BHYT cho đối tượng. Tại BHXH thành phố không có hiện tượng cấp thẻ BHYT chậm, không in kịp thời đối với hội viên cựu thanh niên xung phong. Nếu có trường hợp nhận thẻ BHYT chậm đề nghị công dân phản ánh trực tiếp BHXH thành phố để phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra chấn chỉnh kịp thời.


(Theo Công văn số 476/BHXH-CST ngày 17/4/2019 của Bảo hiểm Xã hội tỉnh về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của công dân)


4. Cử tri xã Đức Ninh kiến nghị: Cần giao đất và cơ sở vật chất ở một số công trình trên địa bàn xã do các ngành quản lý hiện không sử dụng (nhà bảo vệ thực vật, Trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố,...) để xã có kế hoạch cải tạo sửa chữa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập trên địa bàn.


Trả lời:


- Đối với công trình Nhà bảo vệ thực vật: Hiện nay trụ sở này thuộc quyền quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ngày 26/02/2019, UBND thành phố đã có Công văn số 298/UBND-VP chuyển nội dung này đến UBND tỉnh để UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, trả lời cho cử tri.


- Đối với công trình Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề thành phố: Trên cơ sở báo cáo tình hình sử dụng đất và cơ sở vật chất ngày 14/02/2019 của Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề thành phố thì hiện tại toàn bộ diện tích sử dụng đất và cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề đang sử dụng để phục vụ công tác dạy và học; năm học 2018-2019, Trung tâm có 24 lớp học dạy chương trình bổ túc THPT. Vì điều kiện phòng học không đủ cho 24 lớp học văn hoá nên Trung tâm đã liên kết với các Trường: Cao đẳng nghề Quảng Bình, Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9, Trung cấp Kinh tế Quảng Bình và Trung cấp Luật Đồng Hới để dạy văn hoá ở các điểm trường này. Vì vậy, việc cử tri xã Đức Ninh kiến nghị công trình Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề thành phố không sử dụng và đề nghị giao cho xã quản lý, sử dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn là không phù hợp.


(Theo Công văn số 662/UBND - VP ngày 12 tháng 4 năm 2019 của UBND thành phố Đồng Hới về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8- HĐND tỉnh khóa XVII)


5. Cử tri Tổ dân phố 15, phường Nam Lý kiến nghị: Cần nâng cấp đầu tư xây dựng tuyến đường Hoàng Diệu (lề đường, mặt đường, thoát nước,...), vì đây là tuyến đường loại 1, thu thuế loại 1 nhưng đầu tư chưa tương xứng.


Trả lời:


Đường Hoàng Diệu trước đây thuộc Đường tỉnh 570, tuyến đường được UBND tỉnh giao cho Sở GTVT quản lý. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, Sở GTVT đã báo cáo và được UBND tỉnh chấp thuận cho phép UBND tỉnh đầu tư thảm bê tông nhựa mặt đường đoạn từ Chợ Ga đến phía Bắc ga Đồng Hới (bao gồm một phần tuyến đường Hoàng Diệu) trong năm 2013; đến nay vẫn đang còn sử dụng tốt. Hệ thống thoát nước thải đã được Công ty Môi trường và Phát triển đô thị đầu tư xây dựng hoàn thành năm 2014. Đối với đoạn mặt đường còn lại và hệ thống vỉa hè, thoát nước mặt đường, trong điều kiện Chính phủ hiện đang còn thắt chặt đầu tư công, ngân sách tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, hàng năm phải bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương trong khi đang phải ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ chính trị như xóa đói giảm nghèo... nên việc tìm kiếm và huy động nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường là chưa thể thực hiện được, Sở GTVT mong nhận được sự chia sẻ của cử tri về những khó khăn hiện nay của ngành GTVT cũng như khó khăn chung của tỉnh.


Hiện nay, tuyến đường đã được Bộ GTVT nâng cấp quản lý lên thành Quốc lộ 9E và giao cho Sở GTVT quản lý; trong thời gian tới, Sở GTVT với chức năng quản lý nhà nước về GTVT trên địa bàn tỉnh sẽ tích cực làm việc với Bộ GTVT để tăng cường huy động các nguồn lực, đặc biệt tìm kiếm các sự hỗ trợ từ Trung ương, nếu có sẽ đưa vào kế hoạch thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.


(Theo Công văn số 785/SGTVT-KHTH ngày 05 tháng 4 năm 2019 của Sở Giao thông Vận tải về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII).


6. Cử tri sinh sống 2 bên gầm cầu vượt đường sắt ở đường Trần Hưng Đạo kiến nghị: Cần xử lý giải phóng xe ô tô đậu ở cầu vượt và ga Đồng Hới cản trở giao thông đi lại của người dân.


Trả lời:


Để giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố Đồng Hới, Công an phường Nam Lý yêu cầu các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cam kết không để xảy ra vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; đồng thời khắc phục vấn đề về môi trường, nước thải công nghiệp (đặc biệt là khu vực 2 bên gầm cầu vượt Thuận Lý và ga Đồng Hới).


Lực lượng Cảnh sát Giao thông - Trật tự của Công an thành phố và Công an phường Nam Lý xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát thường xuyên để xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của các phương tiện trên toàn địa bàn thành phố nói chung và địa bàn phường Nam Lý nói riêng. Đã tiến hành lập biên bản 12 trường hợp vi phạm khu vực cầu vượt đường sắt và ga Đồng Hới liên quan đến trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; xử phạt thu nộp kho bạc nhà nước số tiền 8.050.000 đồng.


Thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố theo đúng quy định.


(Theo Công văn số 662/UBND - VP ngày 12 tháng 4 năm 2019 của UBND thành phố Đồng Hới về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8- HĐND tỉnh khóa XVII)


7. Cử tri phường Hải Đình kiến nghị: Diện tích trường Tiểu học Hải Đình không đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, hiện nay có một số trụ sở cơ quan thuộc Tỉnh ủy, Toà án tỉnh đã chuyển trụ sở, đề nghị Tỉnh quan tâm tạo điều kiện để mở rộng diện tích Trường Tiểu học Hải Đình.


Trả lời:


Trường Tiểu học Hải Đình được xây dựng từ năm 1992, hiện nay diện tích quá chật hẹp, thiếu các phòng học chức năng và sân chơi, bãi tập cho học sinh; khu vực cổng trường thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, ách tắc giao thông trong giờ cao điểm. Diện tích đất dự phòng của nhà trường không có để mở rộng, nguồn quỹ đất của địa phương không còn để xây dựng trường mới đạt chuẩn; các phòng học chức năng còn thiếu không có diện tích đất để xây dựng.


Để giải quyết khó khăn cho Trường Tiểu học Hải Đình, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND phường Hải Đình có Tờ trình số 29/TTr-UBND ngày 10/8/2016, Tờ trình số 30/TTr-UBND ngày 02/6/2017 trình Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Tài chính Quảng Bình xin được tiếp quản, sử dụng khu đất và trụ sở cơ quan Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo và Ban Nội chính Tỉnh uỷ cũ vào mục đích mở rộng, cải tạo khuôn viên cho Trường Tiểu học Hải Đình.


Hiện nay, UBND thành phố đã bố trí nguồn vốn đầu tư công năm 2019 xây dựng thêm một số phòng chức năng cho Trường Tiểu học Hải Đình để duy trì trường đạt chuẩn quốc gia. Do vậy, UBND thành phố sẽ chỉ đạo UBND phường Hải Đình tiếp tục có Tờ trình gửi HĐND, UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét, bàn giao trụ sở cơ quan Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo và Ban Nội chính Tỉnh uỷ cũ để giải quyết khó khăn cho Trường Tiểu học Hải Đình, đáp ứng nhu cầu dạy và học cũng như nguyện vọng của cử tri trên địa bàn.


(Theo Công văn số 662/UBND - VP ngày 12 tháng 4 năm 2019 của UBND thành phố Đồng Hới về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8- HĐND tỉnh khóa XVII)


8. Cử tri xã Đức Ninh kiến nghị: Ngành đường sắt cần xử lý triệt để việc xả rác thải hai bên đường tàu gây ô nhiễm môi trường.


Trả lời:


Tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, UBND thành phố đã tổ chức làm việc với Ga Đồng Hới và có Công văn số 656/UBND-TNMT ngày 12/4/2019 đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo đội ngũ tiếp viên trên các đoàn tàu tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở hành khách bỏ rác thải đúng nơi quy định, không xả rác thải bừa bãi xuống hai bên đường tàu gây ô nhiễm môi trường; bố trí đầy đủ các thùng chứa rác trên các toa tàu, tập kết tại các vị trí theo đúng quy định và hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý; chỉ đạo lực lượng công nhân thu gom lượng rác thải hiện có hai bên tuyến đường sắt đoạn qua thành phố Đồng Hới đảm bảo vệ sinh môi trường.


(Theo Công văn số 662/UBND - VP ngày 12 tháng 4 năm 2019 của UBND thành phố Đồng Hới về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8- HĐND tỉnh khóa XVII)


9. Cử tri Tổ dân phố 10, phường Nam Lý kiến nghị: Hiện nay, phí môi trường đối với hộ gia đình dùng nước sạch là quá cao (28%) nhưng tỷ lệ đấu nối hệ thống xử lý nước thải là rất thấp. Đề nghị điều chỉnh giá thu phí môi trường cho hợp lý theo Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ (chỉ quy định 10%).


Trả lời:


Theo quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, trong đó tại Điều 6 quy định về mức phí quy định: “Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương”.


Đối với địa bàn tỉnh Quảng Bình, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đồng Hới được quy định tại Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh, trong đó đối với các hộ dân cư, mức phí từ năm 2018-2023 là 1.610 đồng/m3 là phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.


Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải được đầu tư bởi Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án thành phố Đồng Hới. Dự án đã được đàm phán chính thức giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Để thực hiện dự án, Chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Bình đã cam kết thực hiện lộ trình tăng phí nước thải đến năm 2023 đạt 3.500 đồng/m3 (theo tính toán đơn vị tư vấn độc lập và chuyên gia ngân hàng thế giới). Vì vậy, mức phí nước thải theo cam kết phải cao hơn 10% (và đã được HĐND tỉnh thông qua) để đảm bảo đủ thu hồi chi phí vận hành bảo dưỡng cho hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải khi đầu tư Dự án.


Tại quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của HĐND tỉnh, mức thu đối với hộ gia đình, dân cư được ổn định từ năm 2017-2023 để đảm bảo ổn định an sinh cho người dân, chỉ tăng theo lộ trình đối với các đối tượng khác.


(Theo Công văn số 728/STC-NS ngày 15/3/2019 của Sở Tài chính về việc trả lời kiến nghị của cử tri theo CV số 97/UBND-TH ngày 23/01/2018 của UBND tỉnh).


10. Cử tri Tổ dân phố 15, phường Nam Lý kiến nghị: Cần tăng cường quản lý doanh nghiệp Minh Châu bốc xếp hàng hóa (chủ yếu là xi măng) gây ô nhiễm môi trường tại ga Đồng Hới.


Trả lời:


Về nội dung kiến nghị của cử tri, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường tổ chức kiểm tra thực tế và làm việc với Ga Đồng Hới; qua đó nhận thấy trong khu vực Ga Đồng Hới hiện nay không có kho chứa hàng của Công ty TNHH TMTH Minh Châu như ý kiến cử tri phản ánh. Hàng hóa khi đến ga được chứa trong các toa tàu hàng và chuyển trực tiếp lên các phương tiện vận chuyển. Tuy nhiên, do khu vực này hiện nay chưa được bê tông hóa hoàn toàn, đồng thời diện tích cây xanh còn chưa đảm bảo nên khi các phương tiện vận chuyển hoạt động sẽ phát sinh bụi cuốn ra khu vực xung quanh. UBND thành phố đã có Công văn số 655/UBND-TNMT ngày 12/4/2019 yêu cầu Ga Đồng Hới thực hiện các nội dung như: Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động bốc, dỡ hàng hóa tại Ga Đồng Hới, đặc biệt là quá trình bốc dỡ các loại hàng hóa có nguy cơ phát sinh bụi đảm bảo vệ sinh môi trường, không để phát tán bụi ra khu vực dân cư xung quanh; trồng thêm cây xanh khu vực bãi bốc dỡ hàng hóa tiếp giáp với khu dân cư để hạn chế phát tán bụi, đảm bảo vi khí hậu khu vực này; xây dựng lộ trình bê tông hóa tuyến đường nội bộ khu vực bãi bốc dỡ hàng hóa để giảm thiểu bụi cuốn theo các phương tiện vận chuyển ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh; thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường như trong Đề án bảo vệ môi trường đơn giản của Ga Đồng Hới đã được UBND thành phố xác nhận tại Giấy xác nhận số 21/GXN-UBND ngày 30/12/2014.


Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND phường Nam Lý giám sát đối với việc thực hiện các yêu cầu nói trên của Ga Đồng Hới.


(Theo Công văn số 662/UBND - VP ngày 12 tháng 4 năm 2019 của UBND thành phố Đồng Hới về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8- HĐND tỉnh khóa XVII)


11. Cử tri Tổ dân phố 1, phường Nam Lý kiến nghị: Cần xem xét lại giá cả chuyển từ đất vườn sang đất ở trên đường Nguyễn Văn Cừ, vì hiện nay tính giá chuyển từ đất vườn sang đất ở giá cao so với quy hoạch đường hiện sử dụng.


Trả lời:


Ngày 22/12/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 36/2014/QĐ-UBND quy định bảng giá các loại đất và phân loại đô thị, loại xã, khu vực, vị trí đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2019, theo đó giá đất ổn định 5 năm và theo quy định thì giá đất ở tại đường Nguyễn Văn Cừ đoạn từ cầu vượt đến Đức Ninh Đông có giá là 5.130.000 đồng/m2 đối với vị trí 1; 2.570.000 đồng/m2 đối với vị trí 2; 1.270.000 đồng/m2 đối với vị trí 3; và 720.000 đồng/m2 đối với vị trí 4.


Cơ quan chức năng căn cứ hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm để thực hiện tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn sang đất ở theo từng vị trí cụ thể của thửa đất và theo đường hiện tại chứ không tính theo đường quy hoạch, (năm 2019 hệ số điều chỉnh ở khu vực này theo Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 15/02/2019 là 1,1);


Đến năm 2020 thực hiện điều chỉnh bảng giá đất cho thời kỳ ổn định tiếp theo là 2020-2024, như vậy đến cuối năm 2019 các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã sẽ thực hiện điều tra khảo sát lại giá đất trên toàn tỉnh để xây dựng bảng giá mới. Vì vậy đề nghị UBND thành phố điều tra lại giá đất ở tại khu vực này để thực hiện điều chỉnh cho phù hợp.
(Theo Công văn số 728/STC-NS ngày 15/3/2019 của Sở Tài chính về việc trả lời kiến nghị của cử tri theo CV số 97/UBND-TH ngày 23/01/2018 của UBND tỉnh).


12. Cử tri phường Hải Đình kiến nghị: Việc xây dựng đô thị văn minh đang được thực hiện và được Nhân dân đồng tình, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như: Lịch quét đường tại một số trục đường chính thành phố còn ít; hệ thống dây điện hiện nay rất thấp, chằng chịch gây mất mỹ quan và gây nguy hiểm cho người dân; chưa có cột nước để chữa cháy khi xảy ra cháy nổ. Đề nghị tỉnh quan tâm, giải quyết.


Trả lời:


- Về lịch quét đường một số tuyến đường chính: Hiện nay, nhu cầu các tuyến đường trên địa bàn thành phố cần thực hiện quét là 387 tuyến. Tuy nhiên với nguồn kinh phí khó khăn, chỉ được phân bổ để thực hiện quét các tuyến đường chính, tuyến đường du lịch (năm 2017 - 2018 thực hiện quét 90 tuyến; năm 2019 quét 112 tuyến), các tuyến đường còn lại thực hiện quét xã hội hóa theo Đề án xã hội hóa quét đường do HĐND thành phố ban hành tại Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND ngày 03/8/2015.


- Về việc hệ thống dây điện rất thấp, chằng chịt gây mất mỹ quan và gây nguy hiểm cho người dân: Thời gian vừa qua UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình tiến hành tháo dỡ các dây cáp thông tin đi trên các cột điện chiếu sáng đối với các khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Năm 2019, UBND thành phố xây dựng kế hoạch chỉnh trang đô thị, trong đó có công tác khắc phục tình trạng các loại dây cáp treo còn thấp, chằng chịt để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.


- Về cột nước dùng để chữa cháy khi xảy ra cháy nổ: Việc quy hoạch các cột nước chữa cháy trên một số tuyến đường, khu dân cư thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng và tài sản đó do Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình quản lý, với ý kiến cử tri nêu trên năm 2019 thành phố sẽ kiến nghị Sở Xây dựng kiểm tra, quy hoạch đối với các khu vực cần thiết đảm bảo đúng quy định.


(Theo Công văn số 662/UBND - VP ngày 12 tháng 4 năm 2019 của UBND thành phố Đồng Hới về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8- HĐND tỉnh khóa XVII)


13. Cử tri phường Hải Đình phản ánh: Hiện nay, việc quy hoạch các khu đô thị rất nhiều, tuy nhiên dân cư tại các khu đô thị đã quy hoạch trước vẫn chưa được lấp đầy, dân cư rất thưa thớt gây lãng phí nguồn tài nguyên, mất mỹ quan đô thị.


Trả lời:


Quy hoạch đô thị luôn thực hiện trước để có sự chủ động trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; phát triển hài hoà giữa các khu vực trong đô thị. Việc thực hiện các dự án khu dân cư, các dự án đầu tư phát triển đô thị phải căn cứ vào quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị, kế hoạch thực hiện phát triển đô thị, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia, tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị, pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan.


Tuy nhiên, việc phát triển một khu đô thị bao gồm nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng....từ khi quy hoạch đến xây dựng hoàn chỉnh mất nhiều thời gian, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau như: từ nguồn ngân sách, nguồn vốn của nhà đầu tư, hộ gia đình, cá nhân và các thành phần kinh tế khác và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, dân số của mỗi vùng, địa phương. Trong một thời gian nhất định, việc huy động các nguồn vốn này sẽ không cùng đồng thời, do đó, các khu đô thị sẽ thiếu sự đồng bộ. Thực trạng này đang tồn tại ở hầu hết các đô thị vừa và nhỏ trên cả nước nói chung, trong đó có các đô thị ở Quảng Bình. Vừa qua, Sở Xây dựng cùng với các Sở, ngành liên quan đã tiến hành rà soát tổng thể các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu dân cư, khu đô thị, khu nhà ở. Trên cơ sở đó kiến nghị UBND tỉnh xem xét kế hoạch đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị đảm bảo phát triển hài hoà giữa các khu vực, phát huy hiệu quả đầu tư và phù hợp với tốc độ, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của các đô thị nói riêng và của cả tỉnh nói chung.


(Theo Công văn số 1044/SXD-QLN ngày 05 tháng 4 năm 2019 của Sở Xây dựng về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh)


14. Cử tri phường Hải Đình phản ánh: Tình trạng lấp hồ để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đã gây ra tình trạng ngập úng, đề nghị Tỉnh trước khi tiến hành lấp hồ cần có hướng xử lý tránh ngập lụt.


Trả lời:


Công tác quy hoạch các dự án tạo quỹ đất trên địa bàn thành phố do UBND tỉnh phê duyệt, trước khi tổ chức lập quy hoạch đã lấy ý kiến các Sở, ban ngành và ý kiến của nhân dân trên địa bàn. Trong quá trình lập quy hoạch, Sở Xây dựng đã đưa ra các giải pháp tránh ngập úng.


Vậy với ý kiến của cử tri, UBND thành phố sẽ rà soát, kiểm tra báo cáo Sở Xây dựng để có giải pháp thoát nước tối ưu nhất đối với các dự án tạo quỹ đất trên địa bàn thành phố Đồng Hới.


(Theo Công văn số 662/UBND - VP ngày 12 tháng 4 năm 2019 của UBND thành phố Đồng Hới về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8- HĐND tỉnh khóa XVII)


15. Cử tri xã Đức Ninh và cử tri Tổ dân phố 1, phường Nam Lý đề nghị tỉnh tăng cường quản lý giá thuốc y tế trên trên địa bàn tỉnh.


Trả lời:


Hiện nay, trên toàn tỉnh có 01 doanh nghiệp sản xuất, 8 doanh nghiệp kinh doanh phân phối, 86 nhà thuốc, 444 quầy thuốc. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và đạt các nguyên tắc thực hành tốt theo quy định của Bộ Y tế. Qua kiểm tra, theo dõi hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cho thấy hầu hết các cơ sở kinh doanh tuân thủ quy định của nhà nước về kinh doanh; thực hiện việc niêm yết giá thuốc theo quy định hiện hành.


Qua công tác kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn tỉnh của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm cho thấy trong những năm qua chất lượng thuốc kinh doanh trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định; chưa phát hiện có mẫu thuốc giả lưu hành trên thị trường.


Tại các cơ sở kinh doanh thuốc, thực hiện quản lý giá thuốc theo quy định tại Điều 106 Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016, trong đó nguyên tắc quản lý nhà nước về giá thuốc: Quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật; Bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước; Thực hiện các biện pháp bình ổn giá và sử dụng các biện pháp khác để quản lý giá thuốc phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Do đó không thể thống nhất giá bán của một mặt hàng thuốc trên địa bàn tại tất cả các cơ sở kinh doanh vì chi phí đầu tư kinh doanh của mỗi cơ sở là khác nhau.


Tuy nhiên, cơ sở bán lẻ thuốc phải niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc bằng đồng Việt Nam tại nơi bán thuốc của cơ sở để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan quản lý có thẩm quyền và tuân thủ các quy định khác về quản lý giá thuốc; Việc niêm yết giá bán lẻ thuốc được thực hiện bằng các hình thức in, ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc và không được bán cao hơn giá niêm yết (quy định tại điểm l, khoản 2, Điều 42 Luật Dược; Điều 135, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP).


Thực hiện các quy định trên, hàng năm Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo và triển khai cho các cơ sở bán lẻ thuốc liên quan trong toàn tỉnh thực hiện việc niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết.


Việc niêm yết giá thuốc và bán thuốc theo giá niêm yết là trách nhiệm của các cơ sở bán lẻ thuốc; quản lý giá thuốc là trách nhiệm của nhiều cấp ngành. Phòng Y tế huyện, thành phố, Sở Y tế phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, thuế, có trách nhiệm thành lập các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất kiểm tra việc niêm yết giá thuốc theo qui định. Tuy nhiên việc đó không thực hiện thường xuyên, liên tục mà chỉ theo kế hoạch hoặc đột xuất theo từng giai đoạn. Vì vậy, việc giám sát của cử tri là điều rất quan trọng và cần thiết. Với những quy định đó Sở Y tế đề nghị cử tri, người mua thuốc kịp thời phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước về thuốc trên địa bàn để chấn chỉnh các vi phạm của các cơ sở kinh doanh thuốc theo quy định.


Sở Y tế xin tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri và sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra và phối hợp với các ngành liên quan để đề xuất nhằm góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.


(Theo Công văn số 414/SYT-KHTC ngày 14/3/2019 của Sở Y tế về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)


16. Cử tri thành phố Đồng Hới phản ánh: Hiện nay, hệ thống điện đường chiếu sáng vào ban đêm và điện trang trí của thành phố đang dùng chung một hệ thống; do đó hệ thống điện trang trí sáng, tắt đồng thời cùng hệ thống điện chiếu sáng gây lãng phí. Đề nghị nên tách rời từng loại để tránh lãng phí điện, một số loại nên chỉ bật khi phát sinh nhu cầu.


Trả lời:


Năm 2018, UBND tỉnh đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện trang trí dọc các tuyến đường chính, tuyến phố du lịch để phục vụ các ngày lễ lớn trên địa bàn thành phố. Hệ thống điện trang trí này đấu nối chung với hệ thống điện chiếu sáng đường phố, do đó bật, tắt đồng thời với nhau đúng như ý kiến phản ánh của cử tri.


Tuy nhiên, đối với thành phố Đồng Hới việc cần thiết phải đỏ đèn trang trí thường xuyên và thời gian đóng đèn trang trí trùng với đèn chiếu sáng là phù hợp.


(Theo Công văn số 662/UBND - VP ngày 12 tháng 4 năm 2019 của UBND thành phố Đồng Hới về trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 8- HĐND tỉnh khóa XVII)


17. Cử tri phường Hải Đình kiến nghị: Hiện nay các khách sạn tiêu chuẩn cao còn rất ít, dịch vụ các nhà hàng phục vụ ăn uống chưa đáp ứng được nhu cầu, giá cả lại khá cao nên lượng khách du lịch lưu trú tại Quảng Bình còn thấp. Đề nghị Tỉnh nghiên cứu, có những giải pháp để thúc đẩy du lịch phát triển.


Trả lời


Năm 2018, Du lịch quảng Bình tiếp tục có những bước phát triển ổn định và tăng trưởng cao, tổng lượt khách năm 2018 đạt 3,9 triệu lượt, tăng 18,2% so với năm 2017. Các hoạt động quản bá du lịch ngày càng quy mô, được đầu tư về nội dung, đi vào chiều sâu, chuyên biệt hóa cho từng phân khúc thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hoạt động liên kết hợp tác phát triển nhiều sản phẩm, loại hình du lịch và không ngường nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch góp phần quan trọng vào việc thu hút du khách.


Tuy nhiên, du lịch Quảng Bình còn gặp những khó khăn và hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế như ý kiến của cử tri phường Hải Đình nêu ra. Toàn tỉnh hiện nay có hơn 350 cơ sở lưu trú du lịch, nhưng chỉ có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 9 khách sạn 3 sao, 31 khách sạn 2 sao, 39 khách sạn 1 sao cùng hệ thống các nhà nghỉ du lịch, homestay, farmstay với khoảng 5.200 buồng, khoảng 10.200 giường. Có hơn 3000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhưng chỉ có 22 nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó du lịch Quảng Bình mang tính thời vụ, sản phẩm chưa đa dạng nhất là các sản phẩm du lịch ăn chơi, giải trí, trung tâm mua sắm..; thiếu các cơ sở lưu trú cao cấp, công ty lữ hành quốc tế, các nhà hàng đạt chuẩn, năng lực cạnh tranh yếu chưa đủ sức vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.


Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp sau:


Thứ nhất, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch và xây dựng văn hóa du lịch.


Thứ hai, chú trọng công tác quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư của nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch.
Thứ ba, phát triển các sản phẩm du lịch mới.


Thứ tư, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch và hỗ trợ du khách.


Thứ năm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch.


Thứ sáu, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch.


(Theo Công văn số 106/SDL-QLDL ngày 9 tháng 4 năm 2019 của Sở Du lịch Quảng Bình về việc trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri phường Hải Đình)


18. Cử tri xã Đức Ninh và cử tri Tổ dân phố 1, phường Nam Lý đề nghị Tỉnh cần tăng cường xử lý nạn tín dụng đen trên địa bàn tỉnh; xử lý ngăn chặn triệt để tình trạng đốt pháo nổ trên địa bàn; tăng cường quản lý học sinh sử dụng xe máy điện đảm bảo an toàn giao thông.


Trả lời:


1. Xử lý việc cho vay lãi nặng, tín dụng đen trên địa bàn


Từ sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Thường trực HĐND, UBND, Công an tỉnh đã có các giải pháp sau: Triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó tích cực phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng cho vay lãi nặng, tín dụng đen; đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan để có cơ sở pháp lý điều tra, xử lý các loại đối tượng này; phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí, truyền hình địa phương tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay lãi nặng để nhân dân biết, cảnh giác và tố giác tội phạm; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê.


Sau các đợt tấn công tội phạm phòng ngừa, răn đe của lực lượng Công an, các đối tượng cho vay lãi nặng, tín dụng đen không hoạt động công khai, trắng trợn như trước mà thay đổi hình thức tinh vi, tìm cách đối phó, trốn tránh cơ quan chức năng. Tuy nhiên tình hình cho vay lãi nặng còn nhiều vấn đề đáng quan tâm như các đối tượng ngoại tỉnh đến cấu kết với đối tượng người địa phương để hoạt động núp bóng dịch vụ cầm đồ hoặc kinh doanh tài chính. Đã xảy ra một số vụ đòi nợ dẫn đến các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích như: tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch xảy ra 01 vụ đòi nợ thuê dẫn đến hành vi cố ý gây thương tích làm bị thương 02 người, liên quan 12 đối tượng; tại xã Lộc Thủy, Lệ Thủy xảy ra 01 vụ liên quan đến hoạt động tín dụng đen với hành vi bắt giữ người trái pháp luật, đã khởi tố vụ án và 03 bị can.


Thực tiễn xử lý vi phạm của lực lượng Công an đối với hoạt động tín dụng đen còn gặp khó khăn do hệ thống luật thiếu quy định để xử lý, chưa có đủ chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm cho vay tín chấp; khung phạt nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, người vay vì nhiều lý do không hợp tác gây khó khăn cho cơ quan điều tra.


Công an tỉnh có một số kiến nghị, đề xuất sau: (1) Cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, xử lý đối với hoạt động tín dụng đen; hỗ trợ các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác kiểm tra, xử lý. (2) Các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, cầm đồ, kịp thời phát hiện, xử lý đối với các cơ sở hoạt động sai mục đích đăng ký. (3) Đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. (4) Cử tri, nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào bảo vệ ANTQ, phát hiện, tố giác các hành vi cho vay lãi nặng, đe dọa đòi nợ, siết nợ.


2. Công tác xử lý, ngăn chặn việc sử dụng pháo nổ


Tình hình liên quan đến pháo diễn ra khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng, thể hiện ở một số vụ vi phạm về pháo tăng nhanh qua các năm. Từ 16/12/2018 đến 15/3/2019, Công an tỉnh đã vận động nhân dân giao nộp được 06 kg, 25 hộp và 66 quả pháo các loại; phát hiện, bắt giữ 109 vụ, liên quan 115 đối tượng mua, bán, tàng trữ, sử sụng trái phép pháo, thu giữ 907,285 kg pháo các loại; đã khởi tố 18 vụ, 19 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 23 vụ, 27 đối tượng, phạt tiền 73.000.000đ. Nguồn pháo được xác định chủ yếu từ Lào (do Trung Quốc, Thái Lan sản xuất), các đối tượng qua biên giới mua và vận chuyển trái phép vào nội địa bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển. Đáng chú ý, để tránh sự phát hiện, bắt giữ của lực lượng chức năng, từ sau tết Nguyên đán các đối tượng đã tổ chức mua bán, vận chuyển số lượng lớn vào nội địa để cất giữ, tiêu thụ dần.


Trước thực trạng đó, Công an tỉnh có một số kiến nghị, đề xuất: (1) Cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật về pháo. (2) Cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tăng cường thời lượng tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo để cán bộ và nhân dân được biết, thực hiện. (3) Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, đặc biệt chú trọng đường tiểu ngạch.


3. Công tác quản lý học sinh sử dụng xe máy điện bảo đảm TTATGT


Hiện nay học sinh cấp II, III tham gia giao thông bằng xe máy điện đã phổ biến, tiếp tục tăng nhanh và xảy ra một ra một số vi phạm về TTATGT như: không đội mũ bảo hiểm; không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; chạy hàng ngang trên đường, dừng, đỗ dưới lòng đường gây cản trở giao thông... Công an tỉnh đã mở nhiều đợt kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng do các em học sinh tuổi còn nhỏ, theo quy định của pháp luật hành vi vi phạm của các em chủ yếu xử lý theo hình thức nhắc nhở, cảnh cáo nên chưa tạo được tác dụng răn đe.


Trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2018 đến 15/3/2019 nắm được 08 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy điện, làm chết 03 người, bị thương 06 người.


Thời gian qua Công an tỉnh đã tổ chức 206 hội nghị tuyên truyền phổ biến ATGT trên địa bàn, tập trung trong các trường học, với khoảng 86.418 lượt người tham gia; tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông, phát hiện, xử phạt 235 trường hợp vi phạm, tạm giữ 165 xe máy điện, phạt tiền 23.400.000đ; các trường hợp cảnh cáo, nhắc nhở đã gửi giấy về trường của học sinh, đề nghị nhà trường và gia đình giáo dục, xử lý vi phạm.


Công an tỉnh kiến nghị: (1) Nhà trường, giáo viên, các bậc phục huynh tăng cường quản lý, giáo dục học sinh, con em ý thức chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. (2) Các cơ quan chức năng, trường học nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giao thông công cộng, cấp phép cho các xe ô tô chở học sinh hoạt động nhằm hạn chế nhu cầu xe máy điện tham gia giao thông. (3) Nhà trường và địa phương mở các lớp tập huấn kỹ năng lái xe máy điện an toàn cho học sinh đủ điều kiện (từ 16 đến 18 tuổi).


(Theo Báo cáo số 1196/BC-CAT-PV01 ngày 09 tháng 4 năm 2019 của Công an tỉnh về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)

More