Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 19

  • Hôm nay 19227

  • Tổng 2.984.209

Kỹ năng của đại biểu HĐND cấp tỉnh trong tham gia xây dựng, ban hành nghị quyết, thẩm tra báo cáo, đề án

Post date: 25/11/2021

Font size : A- A A+

 

Sáng ngày 24/11/2021, trong khuôn khổ chương trình lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, tại điểm cầu của Bộ Nội vụ,  PGS.TS. Hoàng Văn Tú, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chia sẻ với đai biểu HĐND cấp tỉnh các địa phương về chuyên đề: “Kỹ năng của đại biểu HĐND cấp tỉnh trong tham gia xây dựng, ban hành nghị quyết, thẩm tra báo cáo, đề án”.

 

Theo đó, PGS.TS. Hoàng Văn Tú cho biết, thông thường, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được chia thành 2 nhóm lớn, đó là các nghị quyết có quy phạm pháp luật (nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật) và các nghị quyết cá biệt. Trong đó, nhóm các nghị quyết có quy phạm pháp luật, bao gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh 5 năm, hàng năm và 6 tháng; Nghị quyết cụ thể hóa các chính sách của cấp trên; Nghị quyết ban hành các chính sách riêng của địa phương; Nghị quyết về chương trình giám sát, thành lập đoàn giám sát của HĐND; chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kế hoạch tổ chức kỳ họp HĐND hàng năm của HĐND.

 

 

PGS.TS. Hoàng Văn Tú, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, chia sẻ tại Lớp bồi dưỡng (ảnh sưu tầm từ báo ĐBND)

 

Về nghị quyết cá biệt, có nghị quyết cá biệt về nhân sự của HĐND. Các loại nghị quyết này thường được ban hành trong kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ khi HĐND bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo theo quy định thuộc thẩm quyền của HĐND và cũng có thể có cả trong các kỳ họp khác khi có yêu cầu thay đổi bộ máy nhân sự cơ quan địa phương ở những vị trí do HĐND bầu và quyết định theo quy định của pháp luật.

 

 

Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình tham gia lớp bồi dưỡng trực tuyến

 

Để làm tốt công tác xây dựng, ban hành nghị quyết, đại biểu HĐND cần nắm được một số kỹ năng quan trọng. Trước hết, để xác định mục tiêu của dự thảo nghị quyết, đại biểu phải nắm bắt được tình hình thực tế của địa phương. Đại biểu HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh cần có cơ chế để tổng hợp, tiếp nhận và xử lý thông tin do báo chí phản ánh. Đặc biệt, khi tham gia phân tích nội dung trọng tâm của dự thảo nghị quyết trước khi nghị quyết của HĐND được thông qua trong phiên họp toàn thể, các đại biểu HĐND cấp tỉnh cần nghiên cứu kỹ dự thảo, xem xét nội dung của dự thảo nghị quyết có phù hợp và giải quyết được các vấn đề mà nghị quyết đề cập hay không; những giải pháp mà nghị quyết đưa ra sẽ giải quyết được các nguyên nhân nào trong vấn đề chính sách và giải quyết được đến mức độ nào …

 

Theo PGS.TS. Hoàng Văn Tú, đại biểu HĐND phải rèn luyện cho mình kỹ năng, cách thức đọc và hiểu về dự thảo nghị quyết với mà không bỏ sót các yếu tố quan trọng; phát hiện được các điểm thiếu sót hay không chính xác, không hợp lý trong các dự thảo để yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh và từ đó lựa chọn được các vấn đề trọng tâm, nổi bật để có ý kiến tham gia của mình khi ban hành nghị quyết. Cùng với đó, để tham gia vào quá trình lựa chọn phương án cho dự thảo nghị quyết, đại biểu HĐND phải nắm được kỹ năng tư duy, phân tích dự thảo và kỹ năng thảo luận tại nghị trường.

 

Về kỹ năng thẩm tra đề án, PGS.TS. Hoàng Văn Tú cho rằng, đai biểu HĐND cần chú ý tới tính logic của các giải pháp. Giải pháp đưa ra phải khắc phục được những hạn chế, yếu kém đã được trình bày trong phần trước của đề án, giải quyết được nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, yếu kém này. Đặc biệt, phải xác định chính xác thời gian thực hiện cho cả đề án, đồng thời, dự kiến được nguồn lực để bảo đảm thực hiện được các nhiệm vụ, giải pháp nêu ra trong đề án.

 

Tiếp đó, đại diện một số địa phương tham gia trao đổi, đưa ra quan điểm để cùng thảo luận qua các điểm cầu trực tuyến. Ghi nhận những đóng góp và câu trả lời từ học viên, PGS.TS. Hoàng Văn Tú đánh giá cao sự quan tâm, nghiêm túc phối hợp từ các đại biểu. Đồng thời, đề các nghị đại biểu tiếp tục nỗ lực, rèn luyện và chủ động cải thiện kỹ năng trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cử tri, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân./.

TTT

 

More