Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 1808

  • Tổng 2.966.156

Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Lệ Thủy, thực trạng và giải pháp

Post date: 13/12/2021

Font size : A- A A+

 

Nông nghiệp công nghệ cao đó là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững, đó là: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

 

Đối với huyện Lệ Thủy, sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của huyện nhà. Trong những năm qua, do tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, nhất là ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử tháng 10 năm 2020 đã gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp của huyện. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của các yếu tố như: giá cả thức ăn chăn nuôi, vật tư phân bón liên tục tăng cao, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, quá trình đô thị hóa v.v… đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và bà con nông dân toàn huyện, sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh, nên kinh tế của huyện nói chung và ngành nông nghiệp của huyện nói riêng vẫn đạt được những kết quả quan trọng, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp bước đầu đã được được nhiều kết quả nhất định: Tổng sản lượng lương thực năm 2021 đạt trên 98.000 tấn, tăng 5.818 tấn so với năm 2020 (chiếm gần 1/3 của toàn tỉnh). Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả, trong đó diện tích sản xuất lúa chất lượng cao vụ Đông Xuân 2019-2020 chiếm 57,6%, vụ Hè Thu chiếm 75,9%. Vụ đông xuân 2020 - 2021 được mùa toàn diện cả về năng suất, sản lượng và giá cả. Diện tích cánh đồng lớn cây lúa đạt 3.408 ha, rau màu 540 ha và cây khoai lang 340 ha; đã tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả trên đất lúa, đất lâm nghiệp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, có 1.850 ha đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Nhiều trang trại, gia trại, nông hộ bước đầu đã có ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ trong sản xuất. Toàn huyện có trên 63 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel; 15 ha áp dụng quy trình công nghệ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và 0,58 ha sản xuất trong nhà màng; có 06 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ngoài ra công nghệ cao còn được ứng dụng vào công tác giống, phân bón, phòng trừ dịch hại tổng hợp và các máy móc, thiết bị sử dụng trong sản xuất. Những kết quả quan trọng đó đã khẳng định sản xuất nông nghiệp của huyện có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất; từng bước gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị và bảo vệ môi trường. 

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thời gian qua vẫn chưa mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện; chưa hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng chất lượng cao quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, đầu tư chưa đồng bộ, giá trị trên đơn vị diện tích chuyển đổi tăng chậm và dễ bị thiệt hại do bão, lụt gây ra. Công tác đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản, công bố chất lượng, xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu nông sản chưa được chú trọng đúng mức. các thủ tục đưa hàng hóa nông nghiệp vào các siêu thi còn khắt khe, thủ tục thanh toán kéo dài; Quy mô của các trang trại, HTX, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ, sức cạnh tranh của hàng hóa còn yếu, chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn vào đầu tư.

 

 

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Lệ Thủy khóa 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Chương trình hành động về “chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Trong đó, xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ quan trọng nhằm từng bước chuyển đổi chất lượng nền nông nghiệp huyện nhà giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2035. Phấn đấu đưa diện tích cánh đồng lớn trồng cây lúa đạt trên 4.000 ha, canh tác SRI 3.000 ha, rau màu tập trung trên 1.100 ha; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt trên 300 ha. Chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, cụ thể: Vụ đông - xuân diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 50%, lúa năng suất cao chiếm khoảng 30%; vụ hè - thu diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 80%. Chuyển đổi diện tích trồng rau màu tập trung, an toàn theo chuẩn VietGAP đạt khoảng 100-150ha. Hình thành 01 - 02 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Xây dựng 3 - 5 trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn huyện có từ 70-100 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ tưới Isarel, nhà màng, nhà lưới... Có 03 - 05 doanh nghiệp, HTX được công nhận ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí quy định.

 

Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo những quan điểm, giải pháp và mục tiêu nêu trên, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, huyện sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

 

Thứ nhất: Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, tổ chức đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay nhằm phát triển nông nghiệp bền vững; tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, từ đó thu hút người dân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế, tạo sự chuyển biến thực sự tích cực, rõ nét của ngành nông nghiệp.

 

Thứ hai: Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan tập trung rà soát, đánh giá chính xác thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện để từ đó tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, bà con nông dân sẽ tham gia sản xuất, đảm bảo cân đối hàng hóa nông sản giữa các vùng miền và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

 

Thứ ba: thực hiện tốt việc đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật để chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là trong chế biến, bảo quản sản phẩm trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, nông hộ trên địa bàn. Thông qua đó, giúp cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận, làm chủ việc ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đây phải được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

 

Thứ tư: kịp thời ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các cơ chế, chính sách phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiêp. Đặc biệt, quan tâm đến chính sách cho thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu hàng hóa và thương hiệu doanh nghiệp.

 

Thứ năm: Tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp. Chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu của thị trường để xác định cơ cấu giống cây trồng phù hợp với từng mùa vụ, với nhu cầu của thị trường. Chú trọng phát triển một số loại cây, con đặc sản để xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

 

 

Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trước tình hình dịch bệnh covid 19 chưa có hồi kết, lực lượng lao động dôi dư từ các tỉnh phía nam trở về địa phương vừa góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh, vừa nâng cao hiệu quả, giá trị của nền sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm, tạo thu thập cho người lao động. Hơn nữa, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, hình thành nên những vùng quê "đáng sống".

 

 Vì vậy, đề nghị HĐND tỉnh có cơ chế, chính sách mới nhằm khuyến khích, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; nhất là khuyến khích doanh nghiêm liên danh, liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho người dân, như thế mới có điều kiện để đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

 

(Bài thảo luận của đại biểu Lê Vĩnh Thế, Tổ đại biểu huyện Thủy tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII)

More