Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 2615

  • Tổng 3.082.853

Cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực

Post date: 02/11/2023

Font size : A- A A+

Hôm nay, 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và các nội dung quan trọng khác của nhiệm kỳ.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tích cực tham gia thảo luận. Buổi sáng, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga tham gia ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH.

 

 

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại hội trường sáng 1/11.

 

Bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các báo cáo phối hợp thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, kể cả những chính sách chưa có trong tiền lệ. Với những hành động quyết liệt của Chính phủ, nửa nhiệm kỳ qua, KT-XH nước ta đã vượt qua khó khăn, đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện, được thế giới và nhân dân ghi nhận.

Tuy nhiên, theo đại biểu, KT-XH nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có một mục tiêu rất quan trọng là tốc độ tăng trưởng năng suất lao động không đạt. Phân tích các số liệu trong báo cáo của Chính phủ và các kết quả nghiên cứu, so sánh với các nền kinh tế có quy mô phát triển lớn trên thế giới, ý kiến của đại biểu nhấn mạnh việc đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Vì thế, đại biểu đề xuất thời gian tới, Chính phủ cần tập trung cải thiện chỉ tiêu quan trọng này. Phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện hiệu quả khâu đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực.

Khẳng định Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng chỉ rõ tồn tại, hạn chế, như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ và bằng cấp còn thấp; sự thiếu hụt các nhà khoa học sáng tạo, các chuyên gia đầu ngành… trong mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH; chất lượng đào tạo vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhất là nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu việc làm mới nảy sinh từ phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; sự mất cân đối về cơ cấu trình độ, ngành nghề, vùng miền vẫn là một điểm yếu dai dẳng trong phát triển nhân lực nước ta.

Ý kiến nhấn mạnh, sự bất cập trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra trong nhiều kỳ đại hội Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược. Nghị quyết số 16 của Quốc hội khoá XV cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện khâu đột phá chiến lược này. Tuy vậy, kết quả nửa nhiệm kỳ qua, theo báo cáo của Chính phủ là “đào tạo nguồn nhân lực chưa có chuyển biến rõ nét”.

Năm 2011, Thủ tưởng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020. Tuy nhiên, hơn 10 năm triển khai thực hiện vẫn chưa có báo cáo tổng kết cho chiến lược giai đoạn này. Việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực nhiệm kỳ này mới được cụ thể trong việc triển khai xây dựng một số đề án do nhiều bộ thực hiện và vẫn còn chạy song song, thiếu tính tổng thể và liên thông.

Từ những nội dung phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị báo cáo nửa nhiệm kỳ của Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn bằng các tiêu chí, con số rõ ràng. Đặc biệt, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể, lâu dài, tương xứng với yêu cầu là khâu đột phá. Cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia với các chính sách đủ mạnh để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, tập trung nguồn lực cho các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghiệp mới, công nghệ cao.

Trong giáo dục nghề nghiệp, cần quan tâm đến việc đa dạng hóa phương thức đào tạo, phát triển chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ, vùng miền. Việc đào tạo nghề cần gắn với doanh nghiệp và việc làm. Năm 2024, Chính phủ cần tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp để hoàn thiện thể chế đẩy mạnh cho nhiệm vụ này.

Đối với giáo dục đại học, cần đẩy mạnh tự chủ và trách nhiệm giải trình thực chất, có chiều sâu; tăng cường hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm đầu tư cho giáo dục đại học với các ngành nghề trọng điểm, tránh tình trạng tự chủ là “tự bơi” khi nguồn lực vẫn chủ yếu là học phí.

Liên quan đến thực hiện khâu đột phá chiến lược, đối với dự thảo Nghị quyết về kế hoạch KT-XH năm 2024, đại biểu đề nghị nêu rõ nội dung: Có giải pháp chiến lược tổng thể cho đào tạo nhân lực và giải pháp đột phá cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về nội dung đào tạo nhân lực gắn với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, trên cơ sở báo cáo của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện các nghị quyết liên quan và Nghị quyết số 868 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm bảo đảm các nguồn lực thực hiện, tránh chủ trương đổi mới rất tích cực nhưng không khả thi vì không đủ nguồn lực; quan tâm giải bài toán thiếu giáo viên và chính sách nhà giáo vì đây là vấn đề then chốt quyết định sự thành, bại của đổi mới giáo dục; chú trọng vấn đề văn hóa học đường; đánh giá sâu sắc việc triển khai vấn đề phân luồng, tránh áp đặt các chỉ tiêu cơ học không phù hợp mục tiêu phân luồng.

 

Phòng Công tác Quốc hội

More