Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 11

  • Hôm nay 864

  • Tổng 4.101.396

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thẩm tra dự thảo Nghị quyết trình Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII

Post date: 27/11/2020

Font size : A- A A+
 

Chiều ngày 18/11/2020, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức cuộc họp thẩm tra dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án phát triển chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030 trình tại Kỳ họp thứ 18 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2020), của HĐND tỉnh khóa XVII. Đồng chí Trần Sơn Tùng, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

 

Đồng chí Trần Sơn Tùng, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội đặt vấn đề cuộc họp.

 

Tại buổi thẩm tra, đồng chí Hoàng Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã trình bày tờ trình về việc đề nghị ban hành Đề án phát triển chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

 Đồng chí Hoàng Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày về Đề án.


Theo đó, Đề án được xây dựng nhằm mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở bền vững cho hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số.


Đề án đề ra 11 chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đến năm 2025 và các nội dung định hướng đến năm 2030.


Phấn đấu đến năm 2025: 100% hệ thống thông tin, CSDL, phần mềm dùng chung của tỉnh, của các ngành, lĩnh vực được xây dựng, đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ, kết nối, chia sẽ dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở, kết nối, liên thông với với các hệ thống của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; 100% văn bản được trao đổi, xử lý, tìm kiếm trên môi trường mạng, sử dụng chữ ký số, thay thế văn bản giấy (trừ các hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật); 70% - 100% hệ thống tài liệu, dữ liệu được số hóa, được quản lý và lưu trữ điện tử; 70 - 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh; 100% hộ gia đình có người hiểu biết kiến thức công nghệ thông tin để sử dụng các dịch vụ công; sử dụng các dịch vụ của chính quyền điện tử; 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp; 100% cán bộ, công chức, viên chức làm chuyên môn, nghiệp vụ được trang bị máy vi tính; hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng Chính quyền điện tử; 100% khu vực trọng điểm được lắp đặt hệ thống giám sát giao thông, an ninh trật tự; 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; 100% dịch vụ cơ bản và 50-70% dịch vụ nâng cao của đô thị thông minh được triển khai.


Nội dung định hướng đến 2030: Tiếp tục phát triển Chính quyền điện tử và đẩy mạnh việc triển khai các Dịch vụ đô thị thông minh, đặc biệt là hạ tầng nền tảng, hệ thống thông tin, CSDL, phần mềm dùng chung của tỉnh đảm bảo đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; kết nối, liên thông với Trung ương…


Để đạt được các mục tiêu này, Đề án đề ra 10 giải pháp trọng tâm, trong đó sẽ tập trung nâng cấp hạ tầng viễn thông, Internet ngày càng hiện đại, đồng bộ từ thành thị đến tận vùng sâu, vùng xa đảm bảo cho hạ tầng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.

 

Đồng chí Võ Hồng Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư phát biểu ý kiến


Cho ý kiến vào Đề án này, các đại biểu dự họp đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông làm rõ một số nội dung sau: Nguồn kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách địa phương có đảm bảo không; chỉ tiêu định hướng đến năm 2030 còn chung chung; cơ sở pháp lý nêu trong tờ trình chưa cụ thể; một số chỉ tiêu đưa ra quá cao khó thực hiện; một số chỉ tiêu và danh mục dự án còn trùng lắp với Nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành (Nghị quyết số 26/2017/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035); chưa nêu được hiện nay có bao nhiêu phần trăm người dân đã dùng điện thoại thông minh; tên Tờ trình và dự thảo Nghị quyết chưa thống nhất…

 

 Đồng chí Hoàng Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giải trình, tiếp thu các ý kiến.

 

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự họp, Sở Thông tin và Truyền thông (Cơ quan tham mưu) đã tiếp thu toàn bộ nội dung để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trong Tờ trình của UBND tỉnh.

 

 Đồng chí Trần Sơn Tùng kết luận cuộc họp.

 

Kết luận buổi thẩm tra, đồng chí Trần Sơn Tùng đề nghị cơ quan tham mưu, soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham gia góp ý để sớm hoàn thiện tờ trình và dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh tại kỳ họp.

Trần Thị Thu

 

More