Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 3266

  • Tổng 2.998.750

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân - thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp

Post date: 09/12/2022

Font size : A- A A+

Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của Hội đồng nhân dân; là một trong những khâu cơ bản làm nền tảng cho Hội đồng nhân dân hoạt động hiệu quả; là nơi tổ chức cho đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện tiếp xúc cử tri, tiếp cận cơ sở để thực hiện nhiệm vụ giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ đại biểu HĐND được quy định tại Điều 112, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và tại Khoản 2, Điều 83 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự chỉ đạo sâu sát của Thường trực HĐND tỉnh, hoạt động của các tổ đại biểu HĐND tỉnh nói chung trong đó có Tổ đại biểu đơn vị huyện Minh Hóa đã có nhiều đổi mới so với trước. Phối hợp tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri sau các kỳ họp và tổng hợp báo cáo kết quả về Thường trực HĐND tỉnh theo đúng quy định; phân công các thành viên trong Tổ tham dự đầy đủ các kỳ họp HĐND tại đơn vị bầu cử. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết các ý kiến kiến nghị của cử tri liên quan đến đơn vị bầu cử của mình.

 

Việc tổ chức cho các đại biểu tiếp xúc cử tri không chỉ tiến hành trước mỗi kỳ họp HĐND mà được duy trì nền nếp sau mỗi kỳ họp. Chất lượng tổng hợp ý kiến cử tri sau hội nghị tiếp xúc cử tri cũng được nâng cao, bảo đảm rõ nội dung, địa chỉ, không trùng lắp. Qua đó nắm được nhiều vấn đề bất cập từ cơ sở và tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở địa phương.

 

Tổ đại biểu HĐND đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức giám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Minh Hóa chủ yếu được thực hiện thông qua các hoạt động chung tại kỳ họp HĐND tỉnh như thảo luận các báo cáo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, cơ quan trình; tham gia chất vấn trực tiếp tại kỳ họp và hoạt động tiếp xúc cử tri. Trong thời gian qua, cùng với việc đại biểu HĐND tỉnh tham gia các đoàn giám sát chuyên đề. Thường trực HĐND tỉnh đã tạo điều kiện để đại biểu phát huy vai trò giám sát của mình thông qua việc đưa nội dung giải quyết kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn, giải trình và ý kiến, kiến nghị của cử tri vào chất vấn tại kỳ họp HĐND; qua đó giúp đại biểu đánh giá một cách toàn diện, đi sâu phát hiện và đề xuất những giải pháp kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực hiện của các cơ quan chịu sự giám sát, chất vấn, giải trình và giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đại biểu đã đã kiến nghị và ý kiến, kiến nghị của cử tri.

 

Các đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Minh Hóa đã lắng nghe, thu thập thông tin từ phía cử tri, phân tích, đánh giá tính chính xác của thông tin, đồng thời trực tiếp khảo sát thực tế tại địa bàn, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành để xem xét vấn đề, lựa chọn nội dung tham gia chất vấn, kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết.

 

Đặc biệt, chất lượng hoạt động của tổ đại biểu đã được thể hiện rõ nét trong việc phân công các đại biểu HĐND là thành viên của tổ chuẩn bị thảo luận và chất vấn trực tiếp tại các kỳ họp. Chất lượng chất vấn của đại biểu ngày càng được nâng cao hơn. Nhiều đại biểu đã trưởng thành, tự tin hơn. Ngày càng có nhiều câu hỏi chất vấn đề cập những vấn đề đang được cử tri quan tâm, bức xúc được chuyển tới thủ trưởng các cơ quan chức năng, liên quan đến những bất cập trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Minh Hóa hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là: Các hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít. Tổ đại biểu chưa phát huy được tính chủ động trong đề xuất, xây dựng kế hoạch giám sát. Hoạt động giám sát chuyên đề của các tổ đại biểu HĐND tỉnh do Thường trực HĐND cùng cấp phân công còn ít, hiệu quả chưa cao. Trong hoạt động chuẩn bị nội dung và tham dự kỳ họp HĐND, một số đại biểu HĐND chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, chưa tích cực đặt vấn đề chất vấn; việc tranh luận, truy vấn còn ít, đôi lúc chưa trao đổi đến cùng việc thực hiện các giải pháp đề ra trong kết quả trả lời chất vấn.

 

Số lượng đại biểu của tổ ít, việc cập nhật cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước cho đại biểu cơ sở chưa kịp thời. Đặc biệt là các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh (những nội dung này chủ yếu chỉ được cung cấp tại các kỳ họp).

 

Quy định về cân đối số lượng đại biểu ở các tổ chưa cụ thể, do đó khó khăn cho cơ sở trong hoạt động của đại biểu và tổ đại biểu HĐND.

 

Theo quy định của Luật năm 2015, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết (bao gồm dự thảo nghị quyết và các tài liệu có liên quan đến kỳ họp) gửi đến các đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, thực tế thường gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết còn chậm, thậm chí sát ngày họp. Điều đó gây khó khăn cho đại biểu HĐND trong việc nghiên cứu tài liệu, góp ý vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết do luôn bị động, gấp gáp, không có đủ thời gian để nghiên cứu tham gia ý kiến và chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng các nghị quyết HĐND khi được ban hành.

 

Về cơ chế tài chính phục vụ hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND, mặc dù tại Điều 90 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã nêu rõ “do ngân sách nhà nước bảo đảm". Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể nên cũng không có trong dự toán hoạt động hàng năm của HĐND cùng cấp.

 

 

 

Từ thực tiễn hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND, trên cơ sở các quy định của pháp luật, Tổ đại biểu HĐND huyện Minh Hóa đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND trong thời gian tới như sau:

 

Thứ nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ đại biểu trong tổ chức các hoạt động của Tổ. Các Tổ cần xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm, 6 tháng và duy trì sinh hoạt Tổ hàng quý để thực hiện đánh giá, kiểm điểm hoạt động và đề ra kế hoạch hoạt động tiếp theo, báo cáo kết quả về Thường trực HĐND tỉnh nắm, theo dõi, chỉ đạo hoạt động. Trong chương trình, kế hoạch, xác định nội dung công việc cụ thể, giám sát, khảo sát chuyên đề để báo cáo, xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến thực hiện.

 

Thứ hai, phân công cụ thể nhiệm vụ của các thành viên. Theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn ứng cử; phân công đại biểu phụ trách nắm tình hình một số địa bàn cấp xã để nắm thông tin đầy đủ, sâu sát.

 

 Thứ ba, đối với đại biểu HĐND cần chủ động xây dựng chương trình hoạt động, dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND, báo cáo với Thường trực HĐND, UBMTTQ biết để theo dõi, giám sát việc thực hiện, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện với cử tri nơi mình được bầu mỗi năm ít nhất 01 lần theo quy định. Chủ động cập nhật, nghiên cứu, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND và các tài liệu, văn bản có liên quan để tham gia thẩm tra, thảo luận, chất vấn tại kỳ họp; tích cực tham gia ý kiến đóng góp, phản biện làm rõ vấn đề trong thẩm tra văn bản để làm cơ sở cho đại biểu HĐND tỉnh thảo luận, biểu quyết tại kỳ họp.

 

Thứ tư, Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin, báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành trong phát triển kinh tế - xã hội cho đại biểu HĐND để phục vụ cho hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri và thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.

 

(Phát biểu của Tổ ĐB huyện Minh Hóa tại kỳ họp TT HĐND tỉnh tháng 10/2022)

More