Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 37

  • Tổng 3.017.540

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Bố Trạch trước Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII

Post date: 17/12/2018

Font size : A- A A+
 

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Bố Trạch trước Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

 

 

1. Cử tri xã Sơn Trạch có ý kiến: Hiện nay giá giống lúa, ngô, lạc của Tổng Công ty CP Giống cây trồng Quảng Bình cao hơn so với mặt bằng chung. Đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tạo điều kiện cho người nông dân sản xuất (trước đây đã trả lời, nhưng cử tri chưa thoả mãn).


Trả lời:


Trong những năm gần đây (2012-2018), trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình (Công ty) là đơn vị chính cung ứng các loại giống lúa, ngô, lạc cho nông dân trong tỉnh sản xuất (chiếm 85-95% thị phần). Về giá giống lúa của Công ty cung ứng trên địa bàn tỉnh từ 14.500-17.000 đ/kg (tùy theo loại giống), cụ thể: Giống lúa thường giá từ 14.500-16.000 đ/kg, giống chất lượng cao từ 16.500-17.000 đ/kg. Ngoài ra, các giống lúa bản quyền Công ty cung ứng giá từ 18.000-20.500đ/kg. So với các Công ty cung ứng giống tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Miền Bắc thì giá giống lúa của Công ty thấp hơn, cụ thể: Giá giống lúa thường, lúa chất lượng thấp hơn từ 1.000-1.500 đ/kg (tùy giống và tùy vụ), giống bản quyền thấp hơn từ 8.000-15.000 đ/kg.


Đơn cử như: Công ty CP giống cây trồng Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình và Công ty CP giống cây trồng Trung ương,… giá bán giống lúa Xi23, HT1, KD18 từ 16.500-18.500 đ/kg, các giống bản quyền của Công ty CP Giống cây trồng Trung ương như giống lúa Thiên Ưu 8 từ 26.500-28.000 đ/kg; Công ty CP giống cây trồng Thái Bình giá giống TBR225, TBR279 từ 28.000-35.000 đ/kg,…và thực tế trên địa bàn tỉnh một số mô hình sản xuất giống mới do Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng kinh tế, Trạm Khuyến nông các huyện, TX, TP; Trung tâm KN-KN tỉnh mua về sản xuất thử giá từ 25.000-35.000 đ/kg.


Đối với giá giống ngô các loại của Công ty so với các Công ty khác tương đương nhau, như: Ngô lai nhóm PAC(339,399…) cùng có giá 130.000đ/kg; nhóm NK (6410, 6101…) cùng có giá 127.000đ/kg.
Đối với giá giống lạc cùng loại của Công ty bằng, có giống thấp hơn 1.000-1.500đ/kg so với các Công ty khác cung ứng.


Như vậy, ý kiến phản ánh của cử tri về giá giống lúa, ngô, lạc do Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình cung ứng cho nông dân sản xuất trên địa bàn tỉnh cao hơn so với mặt bằng chung là chưa chính xác và không có căn cứ.


(Theo Công văn số 2700/SNS-KHTC ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)

 

2. Cử tri xã Sơn Trạch đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường vào bản Rào Con nhằm phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con dân tộc.


Trả lời:


Tuyến đường vào bản Rào Con nối từ đường 20 Quyết Thắng (Đường tỉnh 562) là tuyến đường độc đạo nối bản với trung tâm xã, hiện công trình này đã được đưa vào Kế hoạch đầu tư công năm 2019 của tỉnh. Công trình có tổng chiều dài tuyến đường L = 4km với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 06 tỷ đồng, ngân sách huyện 04 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2019, hiện nay dự án đang trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư. UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh quan tâm bố trí vốn để công trình sớm được triển khai xây dựng.


(Theo Công văn 1986/UBND ngày 15/11/2018 của UBND huyện Bố Trạch về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII)


3. Cử tri xã Sơn Trạch có ý kiến: Hiện nay các dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện. Đề nghị tỉnh kiểm tra và thu hồi giấy phép đối với đối với các dự án quá thời hạn để giao cho các đơn vị có đủ năng lực thực hiện.


Trả lời:


Khu vực trung tâm Phong Nha, xã Sơn Trạch và vùng phụ cận thuộc các xã Phúc Trạch, Xuân Trạch, huyện Bố Trạch (gọi chung là khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng) là địa bàn có di sản thiên nhiên thế giới, với nhiều lợi thế để phát triển du lịch, thu hút nhiều Nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.


Tuy vậy, bên cạnh tiềm năng vốn có, khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng thực tế lại có nhiều khó khăn đặc thù riêng so với các địa bàn khác, như: ngập lụt, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, phải thực hiện nhiều quy định nghiêm ngặt về bảo vệ Di sản thế giới khi triển khai các thủ tục đầu tư… Vì vậy, trong thời gian qua, có một số dự án đã được chấp thuận chủ trương nhưng triển khai chưa đúng tiến độ, một phần là do nguyên nhân chủ quan của Nhà đầu tư và một phần là do gặp phải những vướng mắc, khó khăn nêu trên.


Nhằm tháo gỡ khó khăn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các dự án đầu tư tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình đầu tư các dự án tại khu vực này, đồng thời đề xuất thu hồi các dự án vi phạm pháp luật về đất đai (bao gồm các dự án chậm tiến độ quá thời hạn quy định). Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Thông báo số 647-TB/TU ngày 01/12/2017 chỉ đạo việc triển khai thực hiện đầu tư tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó giao UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức kiểm tra, xử lý đối với 04 dự án chậm tiến độ. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án báo cáo UBND tỉnh, theo đó các dự án chủ yếu chậm tiến độ do vướng mắc GPMB và Nhà đầu tư cũng đã cam kết tiến độ sớm hoàn thành các dự án nên được chấp thuận gia hạn tiến độ theo quy định


Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra, rà soát, giám sát đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng) nhằm kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án theo cam kết; đồng thời kiên quyết tham mưu UBND tỉnh thu hồi các dự án chậm tiến độ vượt thời hạn quy định hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai... đảm bảo không có tình trạng dự án chậm tiến độ kéo dài. Sở Kế hoạch và Đầu tư rất mong nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các Nhà đầu tư trên địa bàn thực hiện đầu tư đúng tiến độ cam kết.


(Theo công văn số 3752/KHĐT –TH ngày 19/11/2018 của sở Kế hoạch và Đầu từ về việc Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khoá XVII)


4. Cử tri xã Sơn Trạch đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư trang thiết bị và bố trí y, bác sỹ có trình độ chuyên môn làm việc tại Đơn nguyên điều trị nội trú Sơn Trạch nhằm phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân các xã vùng trên và khách du lịch.


Trả lời:


Phòng khám đa khoa khu vực Sơn Trạch (đơn nguyên điều trị nội trú Sơn Trạch) thuộc Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch được giao 30 giường bệnh. Hiện tại có 2 bác sỹ, 3 y sỹ, 1 Dược sỹ, 4 điều dưỡng, 2 Nữ hộ sinh và một số nhân viên được bố trí theo quy định, thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Về trang thiết bị y tế: hiện tại có 1 bộ máy siêm âm, máy chụp XQ, máy xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm huyết học, máy điện tim và một số máy móc thiết bị khác, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo BVĐK huyện Bố Trạch tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết để đáp ứng khả năng thu dung bệnh nhân tại đơn nguyên điều trị, phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn phía Tây huyện Bố Trạch và khách du lịch ngày càng tốt hơn.


(Theo Công văn số 2238/SYT-KHTC ngày 19/11/2018 Sở Y tế về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)


5. Cử tri xã Vạn Trạch đề nghị: Tỉnh chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai giữa Công ty Cổ phần giống Lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ với các hộ gia đình trên địa bàn xã nhằm ổn định tình hình.


Trả lời:


Theo kết quả rà soát đất nông lâm trường thì Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ đang quản lý, sử dụng 647,59 ha đất trên địa bàn xã Vạn Trạch. Trong đó, đất dự kiến bóc tách giao về địa phương 69,4 ha. Diện tích còn lại Công ty quản lý, sử dụng là 584,19 ha. Toàn bộ diện tích đất Công ty đang quản lý sử dụng trước khi rà soát đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tháng 7/2018, các hộ dân xã Vạn Trạch gửi đơn tập thể đề nghị UBND tỉnh giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ dân với Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra đề xuất xử lý, qua kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Báo cáo số 98/BC-STNMT ngày 23/7/2018 về báo cáo kết quả và đề xuất xử lý giải quyết tranh chấp đất đai giữa Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ với các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch; UBND tỉnh có Công văn số 2792/VPUBND-TNMT ngày 03/8/2018, chỉ đạo thực hiện như sau:


- Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất ổn định từ trước thời điểm tháng 10/1995 (thời điểm Công ty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đến nay mà không có hợp đồng giao khoán với Công ty thì tiến hành rà soát, bóc tách đề xuất UBND tỉnh thu hồi đất để giao trả cho địa phương quản lý làm cơ sở thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. UBND huyện Bố Trạch có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã Vạn Trạch phối hợp với Công ty để rà soát, bóc tách phần diện tích đất các hộ đã sử dụng ổn định từ trước tháng 10/1995 để trình UBND tỉnh thu hồi đất, cấp đổi giấy chứng nhận cho Công ty theo đúng quy định.


- Trường hợp các hộ có hợp đồng giao khoán với Công ty, hoặc mượn đất của Công ty hoặc lấn, chiếm đất của Công ty sau từ sau tháng 10/1995 đến nay nếu có phát sinh tranh chấp đất đai thì UBND xã Vạn Trạch tổ chức hòa giải, trường hợp hòa giải không thành thì các bên thực hiện quyền khởi kiện ra tòa để được xem xét giải quyết theo quy định.


Tuy nhiên, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được báo cáo của UBND huyện Bố Trạch, UBND xã Vạn Trạch về triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh. Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri đề nghị UBND huyện Bố Trạch, UBND xã Vạn Trạch nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2792/VPUBND-TNMT ngày 03/8/2018.


(Theo Báo cáo số 143/BC-STNMT ngày 13/11/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường về tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII)


6. Cử tri xã Thanh Trạch đề nghị: Tỉnh nghiên cứu, nâng mức phí thu gom rác thải, vì hiện nay phí thu gom rác thải 19.000 đồng/hộ/tháng quá thấp trong khi các chi phí liên quan đến hoạt động thu gom, xử lý rác thải ngày càng cao.


Trả lời:


Hiện nay, mức giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang thực hiện theo Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 30/11/2017 của UBND tỉnh quy định giá sản phẩm, dịch vụ do nhà nước định giá trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó quy định mức giá tối đa đối với địa bàn xã Thanh Trạch là 21.000 đồng/hộ/tháng. Với mức giá 19.000 đồng/hộ/tháng (đối với xã Thanh Trạch) là mức giá do đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải quy định cụ thể tuỳ từng địa bàn trên cơ sở mức giá tối đa do UBND tỉnh quy định.


Tuy nhiên, mức giá thu gom rác thải sinh hoạt như quy định hiện hành là còn thấp, không đủ cho các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải bù đắp được chi phí. Do đó, vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã phối hợp với các ngành, địa phương thống nhất đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh nâng mức giá tối đa dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt trên toàn tỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, trong đó đối với địa bàn xã Thanh Trạch nâng mức tối đa từ 21.000 đồng/hộ/tháng lên mức 24.000 đồng/hộ/tháng. Sở Tài chính đã có Công văn số 3528/TTr-STC ngày 14/11/2018 gửi UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh mức giá và hiện đang chờ UBND tỉnh phê duyệt.


(Theo Công văn 3577/STC-NS ngày 16/11/ 2018 của Sở Tài chính về việc trả lời kiến nghị của cử tri theo CV số 1809/UBND-TH của UBND tỉnh)

 

7. Cử tri xã Nhân Trạch và thị trấn Nông trường Việt Trung đề nghị: Tỉnh xem xét đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống nước sạch sinh hoạt tại khu vực Nhân Hồng, xã Nhân Trạch và tiểu khu Quyết Tiến, thị trấn Nông trường Việt Trung nhằm đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân.


Trả lời:


Xã Nhân Trạch có trạm cấp nước đặt tại thôn Nhân Bắc và thôn Nhân Quang do tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tài trợ, đầu tư hệ thống cấp dẫn nước cho các thôn. Hiện tại, có 6/8 thôn đã có nguồn nước sạch đảm bảo sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, còn 02 thôn với hơn 400 hộ thuộc khu vực Nhân Hồng (Nam Hồng, Bắc Hồng) chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch. Khu vực Nhân Hồng là vùng kinh tế mới của xã Nhân Trạch, cách qua xã Lý Trạch mới tới khu vực Nhân Hồng. Với vị trí như thế, không thể đấu nối với 02 trạm cấp nước đặt tại thôn Nhân Bắc và thôn Nhân Quang. Chính vì lí do đó, cần xây dựng 01 trạm cấp nước mới phục vụ nhu cầu của người dân 02 thôn Nam Hồng và Bắc Hồng.


Tại tiểu khu Quyết Tiến, thị trấn Nông trường Việt Trung chỉ có một số hộ nằm trên đường trục chính của đường ống nối nước từ Nhà máy sông Dinh kéo về mới tiếp cận được nguồn nước, còn các hộ trong tiểu khu hầu như không có nước sạch để dùng vì nằm xa ống dẫn nước từ Nhà máy sông Dinh.


Việc đề nghị đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống nước sạch của cử tri xã Nhân Trạch và thị trấn Nông Trường Việt Trung là chính đáng. Trong thời gian tới, huyện sẽ huy động các nguồn lực để xây dựng trạm cấp nước hoặc kéo dài, mở rộng đường ống dẫn nối (tùy vào điều kiện của mỗi địa phương). Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Nhân Trạch và thị trấn Nông trường Việt Trung hướng dẫn người dân khắc phục tình trạng trên bằng nhiều cách như sử dụng nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan hoặc hộ gia đình nào có nguồn nước đảm bảo, hợp vệ sinh có thể dùng chung cho 2-3 hộ gia đình xung quanh, xây dựng các bể lộc…để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.


(Theo Công văn 1986/UBND ngày 15/11/2018 của UBND huyện Bố Trạch về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII)


8. Cử tri xã Liên Trạch có ý kiến: Đập Trục Vực phục vụ tưới tiêu cho 02 thôn Phú Hữu và Tân Hội, xã Liên Trạch đã xuống cấp nghiêm trọng, các ngành đã kiểm tra nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Đề nghị tỉnh sớm quan tâm đầu tư nâng cấp.


Trả lời:


Công trình hồ Troóc Vực được xây dựng đưa vào sử dụng năm 1987, nâng cấp sửa chữa vào năm 1999, công trình cấp nước tưới cho 111 ha lúa 02 vụ và 09 ha nuôi trồng thủy sản cho 02 thôn Phú Hữu và Tân Hội, xã Liên Trạch. Công trình xây dựng đã lâu, thân đập là đập đất đã xuống cấp, cống lấy nước bị sập, van đóng mở công trình không còn tác dụng. Vì vậy, hiện tại nước rò rỉ chảy quanh năm, mặc dù hàng năm UBND huyện, xã đã quan tâm đầu tư sửa chữa nhưng chưa khắc phục được. Kiến nghị đầu tư nâng cấp của cử tri là hoàn toàn chính đáng.


Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan kiểm tra và đưa vào danh mục các công trình thủy lợi cần được nâng cấp khắc phục, sửa chữa trước mùa mưa bão năm 2018. Về lâu dài, công trình cần được đầu tư nâng cấp. Trong điều kiện ngân sách huyện có nhiều khó khăn, UBND huyện kính đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Troóc Vực, xã Liên Trạch giúp địa phương có đủ nước sản xuất ổn định cuộc sống.


(Theo Công văn 1986/UBND ngày 15/11/2018 của UBND huyện Bố Trạch về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII)


9. Cử tri xã Hạ Trạch phản ánh: Điểm giao cắt tại ngã tư đường tỉnh lộ 560 với đường liên xã Bắc Trạch - Hạ Trạch chưa có hệ thống cảnh báo giao thông gây nguy hiểm cho người dân. Đề nghị tỉnh kiểm tra, lắp đặt.


Trả lời:


Công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh luôn được Sở GTVT đặc biệt quan tâm thực hiện. Tuy nhiên nguồn vốn bố trí hàng năm không đáp ứng yêu cầu theo định mức quy định (chỉ đáp ứng khoảng 40-45%), trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nên mặc dù Sở GTVT và đơn vị quản lý đường bộ đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với vị trí ngã tư giao cắt giữa Đường tỉnh 560 (Tỉnh lộ 2B cũ) với đường giao thông liên xã Bắc Trạch - Hạ Trạch như cử tri kiến nghị, sau khi nhận được ý kiến của cử tri, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ tiến hành kiểm tra và nhận thấy: trước đây, tại vị trí giao nhau này (Km0+300/ĐT.560) đã được cắm 02 biển báo hiệu giao nhau với đường không ưu tiên (biển 207a); hiện nay 01 biển báo đã bị mất và 01 biển báo đã bị hư hỏng. Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ thay thế lại biển báo bị hư hỏng và bổ sung biển báo đã mất để đảm bảo an toàn giao thông như kiến nghị của cử tri.


(Theo Công văn số 3095/SGTVT-KHTH ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Sở Giao thông Vận tải về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII)

 

More