Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 130

  • Hôm nay 4798

  • Tổng 4.010.010

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV

Post date: 02/07/2024

Font size : A- A A+

 

(1) Cử tri thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy phản ánh, đoạn đường giao thông liên xã nối với đường Hồ Chí Minh nhánh đông đi xã Ngân Thủy, đặc biệt là đoạn đi qua các mỏ đá tại Tổ Dân phố 3, thị trấn Nông trường Lệ Ninh hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng việc giao thông, đi lại của người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tổ chức kiểm tra thực địa và sớm có phương án đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường nói trên.

 

Trả lời:

 

Phản ánh của cử tri là đúng thực tế. Tuyến đường giao thông liên xã nối với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đi xã Ngân Thủy được đầu tư theo hình thức xã hội hóa từ các doanh nghiệp khai thác mỏ đá, đoạn qua các mỏ đá thuộc tổ dân phố 3, thị trấn Nông trường Lệ Ninh theo Thông báo số 2302/TB-VPUBND ngày 08/6/2023 của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình về Kết luận của đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại buổi làm việc với các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy. Trong đó, giao UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp khai thác đá (Công ty TNHH Huy Hoàng; Công ty Cổ phần Vicem Hải Vân; Công ty Cổ phần Cosevco 6; Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh) để thống nhất khảo sát tuyến đường dùng để vận chuyển đá từ mỏ đá đi tiêu thụ phù hợp nhất và kinh phí đóng góp duy tu, sửa chữa tuyến đường từ mỏ đá đi về thị trấn Nông trường Lệ Ninh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguy cơ tai nạn giao thông trong quá trình vận chuyển trên địa bàn thị trấn Nông trường Lệ Ninh. Ngày 09/6/2023, UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các Công ty gồm: Công ty TNHH Huy Hoàng, Công ty Cosevco 6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Vicem Hải Vân. Sau khi làm việc và khảo sát thực tế tuyến đường các Công ty đã thống nhất giao Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh chịu trách nhiệm khảo sát, thiết kế, lập dự toán tuyến đường từ mỏ đá Công ty TNHH Huy Hoàng vào mỏ đá Công ty Cổ phần Cosevco 6 với chiều dài khoảng 1,8 km. Giao Công ty Cổ phần Vicem Hải Vân làm đầu mối thu tiền đóng góp của các Công ty để triển khai làm đường đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2023 theo thông báo Kết luận. Tuy nhiên, sau cuộc họp đến nay đã quá thời hạn gần 1 năm nhưng các Công ty vẫn chưa thực hiện các nội dung theo Kết luận mặc dù UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh đã nhiều lần có ý kiến đôn đốc.

 

Tuy nhiên, để khắc phục việc đi lại khókhăn của bà con và phương tiện tham gia giao thông qua đoạn tuyến trên trong năm 2023, UBND huyện Lệ Thủy đã ban hành Quyết định số 1784/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 về việc phân bổ nguồn vốn kinh tế thuộc Ngân sách huyện năm 2023 để cấp bổ sung kinh phí cho thị trấn Nông trường Lệ Ninh đầu tư xây dựng công trình: Nâng cấp chỉnh trang đô thị trên địa bàn thị trấn Lệ Ninh. Hạng mục: Sửa chữa, nâng cấp đường từ Cầu Máng Tổ dân phố 3 đi Quốc lộ 9B với tổng mức 400 triệu đồng. Ngày 15/12/2023, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư công năm 2024 huyện Lệ Thuỷ (nguồn vốn ngân sách huyện quản lý), theo đó, tuyến đường từ đường Hồ Chí Minh đi Trường Tiểu học thị trấn Nông trường Lệ Ninh được đầu tư xây dựng với tổng mức 4 tỷ đồng. Hiện nay, đang thực hiện các thủ tục để triển khai thi công.

 

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguy cơ tai nạn giao thông trong quá trình vận chuyển trên địa bàn thị trấn Nông trường Lệ Ninh, UBND huyện Lệ Thủy kính đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh sớm chỉ đạo để các đơn vị khai thác mỏ đá trên địa bàn thị trấn Nông trường Lệ Ninh triển khai thi công đoạn đường nói trên theo như Thông báo kết luận số 2302/TB-VPUBND ngày 08/6/2023 của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình.

 

(Căn cứ Báo cáo số 169/BC-UBND ngày 11/6/2024 của UBND huyện Lệ Thủy về việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV)

 

(2) Cử tri xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn phản ánh, tuyến đường cao tốc Bắc Nam đoạn đi qua thôn Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc khi thi công đã làm ảnh hưởng đến 01 tuyến kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và làm hư hỏng 01 tuyến đường của thôn vừa mới hoàn thành cách đây 01 năm. Khi thi công, ô nhiễm bụi và tiếng ồn rất lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tổ chức kiểm tra thực địa, nếu đúng như cử tri phản ánh cần sớm có biện pháp khắc phục.

 

Trả lời:

 

Đối với nội dung tuyến đường cao tốc Bắc Nam đoạn đi qua thôn Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc khi thi công đã làm ảnh hưởng đến 01 tuyến kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp: Sau kiểm tra, Ban QLDA6 đã chỉ đạo Nhà thầu thi công khơi thông dòng chảy, thu gọn vật tư, vật liệu để đảm bảo phụ vục sản xuất của người dân.

 

Đối với nội dung làm hư hỏng 01 tuyến đường của thôn vừa mới hoàn thành cách đây 01 năm: Sau kiểm tra nhà thầu đang tiến hành làm đường tránh đồng thời cào bóc mặt đường cũ trước khi thi công hầm chui nêu trên. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ hoàn trả mặt trường hiện trạng.

 

Đối với nội dung khi thi công, ô nhiễm bụi và tiếng ồn rất lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân: Ban Quản lý Dự án sẽ tiếp tục rà soát, tang cường chỉ đạo các Nhà thầu, TVGS thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường để giảm thiểu các tác động đến người dân.

 

(Căn cứ Công văn số 1031/BQLDA6- BĐHVA-B  ngày 13/6/2024 của Ban Quản lý dự án 6 về việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Bình trước Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV)

 

(3) Cử tri phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới phản ánh, trong quá trình thi công xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, tại một số vị trí do chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đời sống và sinh hoạt của người dân sống gần khu vực thi công (VD: Tại điểm tập kết đất ở gần khu dân cư Tổ Dân phố 9, phường Đồng Sơn và tại Lâm trường Đồng Hới, từ đường Nguyễn Hữu Thuyên lên Trạng… luôn trong tình trạng khói bụi mù mịt, phủ kín khu dân cư). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình và yêu cầu các đơn vị thi công phải có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm bụi, khói gần các khu vực dân cư để đảm bảo an toàn về sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân.

 

Trả lời:

 

Ban Quản lý Dự án sẽ tiếp tục rà soát, tang cường chỉ đạo các Nhà thầu, TVGS thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường để giảm thiểu các tác động đến người dân.

 

(Căn cứ Công văn số 1031/BQLDA6- BĐHVA-B  ngày 13/6/2024 của Ban Quản lý dự án 6 về việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Bình trước Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV)

 

(4) Cử tri xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới phản ánh và kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng quan tâm giải quyết việc chi trả đền bù số tiền còn lại cho 05 hộ gia đình tại thôn Giao Tế, xã Đức Ninh bị ảnh hưởng bởi gói thầu DH-17, thuộc dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải, Tiểu dự án thành phố Đồng Hới, do Ban Quản lý DA môi trường và biến đổi khí hậu thành phố làm chủ đầu tư.

 

Trả lời:

 

Hiện nay Nhà thầu đã thanh toán xong số tiền thiệt hại do thi công gói thầu DH-1.7 thuộc Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án thành phố Đồng Hới cho 05 hộ dân nói trên vào ngày 25/5/2024 và các hộ đã có giấy bãi nại (có các phiếu chi tiền và giấy bãi nại kèm theo).

 

(Căn cứ Công văn số 409/QLĐA ngày 06/6/2024 của Ban Quản lý Dự án môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới về việc báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri xã Đức Ninh)

 

(5) Cử tri phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới phản ánh, việc triển khai thực hiện Dự án Kè chống xói lở Bắc sông Gianh, đoạn qua thôn Nam Minh Lệ, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn gây thiệt hại đến tài sản, đất đai, hoa màu của một số hộ dân xung quanh khu vực nhưng đến nay vẫn không có chủ trương đền bù; các hộ dân đã kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan xem xét, nếu đúng như phản ánh của cử tri cần sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng và ngăn chặn việc khiếu nại kéo dài.

 

Trả lời:

 

Thứ nhất, về nội dung phản ánh: Dự án Kè chống xói lở Bắc sông Gianh, đoạn qua thôn Nam Minh Lệ, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn gây thiệt hại đến tài sản, đất đai, hoa màu của một số hộ dân xung quanh khu vực nhưng đến nay vẫn không có chủ trương đền bù.

 

Dự án Đường chống ngập lụt kết hợp kè chống sạt lở từ xã Quảng Minh đi xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt, dự án không có chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án với mục tiêu đầu tư: Chống ngập lụt, xói lở, giữ ổn định bờ sông, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng dự án. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, công trình đã được khởi công vào ngày 05/4/2022.

 

Trước khi triển khai thi công, UBND thị xã Ba Đồn đã có Thông báo số 42/TB-UBND ngày 18/3/2022, trong thông báo đã nêu rõ UBND thị xã yêu cầu UBND xã Quảng Minh tổ chức tuyên truyền vận động, thông báo cho các hộ dân trong khu vực thực hiện dự án chủ động giải tỏa cây cối, tài sản liên quan đến phạm vi thi công trước ngày 05/4/2022 để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai xây dựng công trình.

 

Thực hiện Thông báo nêu trên, ngày 22/03/2022 UBND xã Quảng Minh đã có Thông báo số 287/TB-UBND về việc triển khai thi công xây dựng công trình, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh và yêu cầu thôn Nam Minh Lệ tổ chức tuyên truyền vận động các hộ dân trong khu vực thực hiện dự án chủ động giải tỏa cây cối, tài sản ảnh hưởng đến phạm vi thi công dự án để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đến ngày 05/10/2022, UBND xã Quảng Minh tiếp tục ban hành Thông báo số 828/TB-UBND yêu cầu các hộ gia đình cá nhân tiếp tục khẩn trương tháo dỡ, giải tỏa trả lại mặt bằng hành lang an toàn giao thông và hành lang đê kè theo quy định.

 

Dự án Đường chống ngập lụt kết hợp kè chống sạt lở từ xã Quảng Minh đi xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn là dự án đầu tư công khẩn cấp, không có chi phí giải phóng mặt bằng. Đây là công trình cấp thiết giúp bà con nhân dân chống lũ lụt, sạt lở nên được đa số bà con nhân dân đồng thuận; trong quá trình thi công xây dựng, toàn bộ người dân có tài sản ảnh hưởng đến dự án đã chủ động tháo dỡ, giải tỏa cây cối.

 

Thứ hai, đối với nội dung phản ánh: các hộ dân đã kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

 

Trong thời gian qua, UBND thị xã Ba Đồn đã nhận được các đơn kiến nghị, phản ánh liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án Đường chống ngập lụt kết hợp kè chống sạt lở từ xã Quảng Minh đi xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn của bà Hoàng Thị Dủng, thường trú tại số 11, đường Trường Chinh, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, UBND thị xã đã có các Công văn số: 652/UBND-TTr ngày 07/4/2023; Công văn số 1787/UBND-TTr ngày 21/8/2023 trả lời bà Dủng, việc kiến nghị phản ánh của bà là không có cơ sở, vì vậy UBND thị xã không xem xét lại nội dung phản ánh và các đề nghị của bà. Ngày 09/5/2024 UBND thị xã cũng đã tổ chức Hội nghị đối thoại với bà Dủng để làm rõ các nội dung liên quan.

 

Như vậy, việc cử tri phản ánh các hộ dân đã kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết là không có cơ sở.

 

(Căn cứ Báo cáo số 245/BC-UBND ngày 14/6/2024 của UBND thị xã Ba Đồn về báo cáo giải quyết các ý kiến, nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV).

 

(6) Cử tri xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn kiến nghị UBND tỉnh xem xét, quan tâm đầu tư xây dựng tượng đài để ghi danh, tôn vinh và tưởng niệm 40 chiến sỹ Hải quân hy sinh năm 1965 tại xã Quảng Tiên vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; qua đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc.

 

Trả lời:

 

Di tích Trận đánh lịch sử trên sông Gianh ngày 28/4/1965 tại xã Quảng Tiên là nơi ghi dấu một trong những trận đánh lớn và tiêu biểu của quân và dân ta trong những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Với tinh thần “còn người là còn tàu, còn một người còn chiến đấu, còn một viên đạn vẫn bắn quân thù”. Trận đánh ngày 28/4/1965 trên sông Gianh tại xã Quảng Tiên thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, sự phối hợp nhịp nhàng của quân và dân ta trong hiệp đồng tác chiến để chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Đặc biệt, nơi đây đã chứng kiến sự hy sinh của 37 cán bộ, chiến sỹ Hải quân trong trận chiến khốc liệt ngày 28/4/1965 trên sông Gianh. Những chiến công oanh liệt cùng với sự hy sinh to lớn của quân và dân trong trận chiến này là dấu son tô thắm thêm những trang sử vẻ vang trong công cuộc đấu tranh cách mạng trên quê hương Quảng Bình. Ghi nhận những giá trị lịch sử tiêu biểu đó, ngày 04/4/2023 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 711/QĐ-UBND xếp hạng Trận đánh lịch sử trên sông Gianh ngày 28/4/1965 tại xã Quảng Tiên là di tích lịch sử.

 

Sở Văn hóa và Thể thao xin tiếp thu và ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri xã Quảng Tiên. Tuy nhiên, hiện nay nguồn ngân sách tỉnh bố trí cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn chế (từ 03-04 tỷ đồng/năm), nguồn vốn được ưu tiên đầu tư cho các di tích đang bị xuống cấp, cần phải tu bổ cấp thiết, vì vậy trước mắt chưa thể bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng Tượng đài ghi danh, tôn vinh và tưởng niệm 40 chiến sĩ Hải quân hy sinh năm 1965 tại Quảng Tiên. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn xây dựng một số hạng mục công trình để phát huy giá trị của di tích.

 

(Căn cứ Công văn số 1047/SVHTT-NVVH ngày 05/6/2024 của Sở Văn hóa và Thể thao về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV)

 

(7) Cử tri xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới phản ánh, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh, “mục thuê khoán người nấu ăn trưa cho trẻ, học sinh học 2 buổi/ngày” trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh là quá thấp, không đủ chi trả. Theo đó, cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh điều chỉnh nâng mức thu đối với dịch vụ nói trên phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế hiện nay; đồng thời, điều chỉnh lại nội dung “tiền học phẩm trẻ mầm non” cho phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục.

 

Trả lời:

 

Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND ban hành đã tạo hành lang pháp lý, quy định rõ các khoản được phép thu, mức trần của các khoản được phép thu để việc thu nộp thực hiện công khai, minh bạch, phụ huynh học sinh dễ dàng tham gia giám sát việc thu nộp. Các khoản thu đều đã được tính toán dựa trên mức lương tối thiểu vùng, tham khảo định mức thu của các tỉnh lân cận để bảo đảm tính phù hợp với thực tế phát sinh và tình hình kinh tế xã hội của tỉnh. Nội dung các khoản thu, mức thu đã lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, đơn vị, phụ huynh học sinh trên toàn tỉnh. Qua một năm triển khai, cơ bản đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

 

Về đề xuất của cử tri nâng mức thu “thuê khoán người nấu ăn”, Sở GDĐT có ý kiến như sau: Tại thời điểm xây dựng Nghị quyết, Sở GDĐT đã tính toán mức lương phù hợp trên cơ sở quy định mức lương tối thiểu vùng đối với vị trí việc làm này, cụ thể:

 

“Mức lương tối thiểu đối với người đã qua đào tạo bằng 3.640.000 x 1,07=3.895.000 + 20% đóng BHXH (779.000 đồng) = 4.674.000. Đối với khu vực Đồng Hới: 3.920.000 x 1,07=4.194.400 + 20% đóng BHXH (838.800 đồng) = 5.033.280 đồng”.

 

Theo đó, mức trần thu quy định tại Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND đối với khoản thu thuê khoán người nấu ăn là 120.000 đồng/tháng. Khoảng 40 học sinh, trẻ sẽ thuê 01 nhân viên nấu ăn (vận dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập). Theo đó cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 01 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn. Như vậy thì mức lương đối với nhân viên nấu ăn ước khoảng 4.800.000 đồng là phù hợp với tình hình thực tế tại thời điểm ban hành. Ngoài ra, theo quy định tại Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND, các cơ sở giáo dục cân đối từ nguồn kinh phí chi thường xuyên tại đơn vị (nếu có), căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi để thực hiện thỏa thuận mức thu phù hợp, nhưng tối đa không quá mức thu quy định tại Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND.

 

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ thay đổi mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2024. Trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng mới, Sở GDĐT sẽ tham mưu các cấp có thẩm quyền điều chỉnh các khoản thu, mức thu quy định tại Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND để phù hợp với tình hình thực tế (vì các khoản thu tại Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND cơ bản đều sử dụng mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ tính toán).

 

Về đề xuất của cử tri điều chỉnh lại nội dung “tiền học phẩm trẻ mầm non” cho phù hợp với quy định của Bộ GDĐT, Sở GDĐT tiếp thu và sẽ sửa đổi trong Nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 48/2023/NQ-HĐND.

 

(Căn cứ Công văn số 1310/SGDĐT- KHTC ngày 10/6/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc trả lời ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV)