Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 265

  • Tổng 2.955.691

Cơ hội tái thiết nền kinh tế du lịch sau đại dịch - biến "nguy" thành "cơ"

Post date: 08/11/2021

Font size : A- A A+

 

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình do đồng chí Vũ Đại Thắng – Uỷ viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu tham dự kỳ họp tại Hà Nội.

 

Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Đồng thời, Quốc hội thảo luận: tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm (2022-2024), trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

 

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – TUV, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên thảo luận sáng nay

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – TUV, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu tại Hội trường về giải pháp về phục hồi du lịch và hỗ trợ người lao động để tái thiết nền kinh tế hậu Covid-19.

Phân tích những thành tựu đạt được sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch covid-19, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và nhân dân chính là động lực để thúc đẩy “con thuyền” đất nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh này. Lấy dẫn chứng về sự động viên kịp thời của Bí thư Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Bình đối với cặp vợ chồng ủng hộ tiền mua trang thiết bị y tế chống dịch, đại biểu cho rằng chính điều này đã giúp cho việc huy động tổng lực sức mạnh toàn dân trong công tác chống dịch. 

Đại biểu đề xuất một số giải pháp để phù hồi và phát triển du lịch như: hỗ trợ tài chính và đào tạo lại đảm bảo sự tồn tại của các doanh nghiệp và người lao động du lịch. Cụ thể, cần hỗ trợ tài chính trực tiếp và linh hoạt cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng lao động du lịch và người dân kinh doanh du lịch cộng đồng; tăng cường thanh khoản và khả năng tiếp cận các quỹ, nguồn vốn đầu tư, các khoản tín dụng, gia hạn trả nợ, ... Bên cạnh đó, đại biểu nêu vai trò của việc tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả, nhanh chóng giữa chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội cho phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Ngoài ra, cần xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch vốn dĩ đang bị “nén” suốt mấy tháng qua. Giải pháp ưu tiên là ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến du lịch để tạo được sự tin tưởng của khách du lịch. Hiện nay, nhiều địa phương trong đó có Quảng Bình đã khởi động lại hoạt động du lịch với các quy định, lộ trình để du khách không cần cách ly y tế. Do đó cần có quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dich bệnh, đồng thời đánh giá mức độ an toàn. Quy trình này cần được chuẩn hoá trong phạm vi toàn quốc và cần có sự kết nối với các nước để “làm ấm” lại thị trường du lịch thế giới. Đưa ra ví dụ về việc Sở Du lịch Quảng Bình đang nghiên cứu mô hình du lịch trải nghiệm mùa lũ, đại biểu cho rằng đây là cơ hội biến “nguy” thành “cơ”. Nếu khai thác tốt nhu cầu du lịch đang bị “nén” thì đây sẽ là cơ hội tái thiết nền kinh tế du lịch.

Thể hiện trăn trở trước thân phận những người lao động di cư trong những tháng qua, đại biểu nêu ra một số đề xuất về lao động và việc làm trong bối cảnh dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn nhiều tiềm ẩn, phức tạp và khó khăn. Theo đại biểu, bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người dân để duy trì lại “nguồn cung” lực lượng lao động an toàn thì cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. 

Đại biểu cũng cho rằng cần tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa trở lại được bình thường. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục HC để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Cần tăng nguồn vốn giải quyết việc làm cho các ngân hàng, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ lại quê nhà. 

Nêu lên thực trạng lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, đại biểu cho rằng trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, Bộ LĐTBXH cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế, đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

 

Phòng Công tác Quốc hội
 

More