Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 3670

  • Tổng 3.005.716

Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về các dự án giao thông

Post date: 14/06/2022

Font size : A- A A+

 

Ngày 10/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm.

 

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm thống nhất cao với nội dung Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với các dự án. Đại biểu nhấn mạnh, các dự án này được triển khai sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua, đặc biệt tạo điều kiện thông các tuyến và là vùng kinh tế động lực cho đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

 

 

Đ/c Nguyễn Minh Tâm tại phiên thảo luận ngày 10/6


Tán thành việc Thủ tướng phân cấp cho một số địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần đối với 3 dự án nêu trên, đại biểu nhấn mạnh sự phù hợp, tính chủ động và hiệu quả trong quá trình triển khai các dự án. Tuy nhiên, liên quan nội dung này, trong phiên thảo luận buổi sáng về Dự án đường Vành đai 3 (TP. Hồ Chí Minh) và đường Vành đai 4 (Hà Nội) thì tại Tờ trình Chính phủ không quy định việc phân cấp cho địa phương đối với 2 dự án này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu để xem xét, cân nhắc quyết định việc phân cấp cho hai dự án trên. Bởi xuất phát từ thực tiễn, đây là hai thành phố lớn, nếu phân cấp thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 2 thành phố này đảm bảo tính chủ động trong điều hành bố trí vốn đối ứng vật liệu xây dựng và đặc biệt là tạo điều kiện trong quá trình chỉ đạo giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, về thời gian thực hiện cơ chế chính sách triển khai, 3 dự án đường cao tốc được áp dung các cơ chế chính sách đặc thù, được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Như vậy, thời gian thực hiện chỉ áp dụng trong 2 năm, đại biểu cho rằng khó có tính khả thi trong việc hoàn thành bảo đảm tiến độ. Theo đại biểu, mặc dù Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có ý kiến đề nghị được áp dụng cơ chế này trong 2 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành nhưng vẫn khó khả thi. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc để quy định thời gian bảo đảm phù hợp. Tương tự,  thời gian thực hiện 2 dự án đường Vành đai 3 (TP. Hồ Chí Minh) và đường Vành đai 4 (Hà Nội) cũng cần được xem xét. Đặc biệt đối với Dự án đường vành đai 3 (TP.Hồ Chí Minh), theo báo cáo tại Tờ trình của Chính phủ, việc giải phóng mặt bằng với nguồn kinh phí rất lớn đã thể hiện tính phức tạp của dự án.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng nêu ý kiến về hình thức đầu tư đối với 3 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình còn một số băn khoăn đối với dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Được biết trước đây Chính phủ đã có chủ trương  đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với dự án này. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm tán thành với các ý kiến về việc chuyển đổi hình thức từ đối tác công tư sang đầu tư công là có lý do nhưng chỉ vì rút ngắn thời gian thì nên cân nhắc để không tăng thêm gánh năng cho ngân sách nhà nước. 
 

Phòng Công tác Quốc hội

More