Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 172

  • Hôm nay 6385

  • Tổng 4.011.609

Cân nhắc bổ sung nạn nhân vào dự án Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Post date: 25/06/2024

Font size : A- A A+

 

Sáng ngày 24/6, Quốc hội khóa XV bước vào tuần cuối cùng của kỳ họp thứ 7. Quốc hội nghe các báo cáo, biểu quyết thông qua các nghị quyết và thảo luận tại hội trường về các dự án luật. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tham gia phiên thảo luận tại hội trường.


 

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã phát biểu về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). 

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người (PCMBN), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga khẳng định, so với Luật PCMBN năm 2011, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng là người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và điều kiện bảo đảm PCMBN, quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong PCMBN. Việc bổ sung đối tượng này là một chính sách quan trọng, thể hiện sự nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác PCMBN, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Bên cạnh đó, đại biểu có một số ý kiến cụ thể gồm: Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật, ý kiến đề nghị cân nhắc thêm việc bổ sung nội dung "nạn nhân là nạn nhân của các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động...". Theo đại biểu, cưỡng bức lao động xảy ra ở rất nhiều trường hợp, ngay trong các doanh nghiệp cũng có thể có cưỡng bức lao động. Ý kiến cũng đề nghị bỏ khoản 2 Điều 3 “Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác” vì đây là những hành vi không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

 

 

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại hội trường 

 

Nêu nội dung quy định của dự thảo về khái niệm “người thân thích” gồm :"vợ chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột, cô ruột, cháu ruột", đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh, để bảo vệ nạn nhân đã là vấn đề rất phức tạp, cần phải có nguồn lực để bảo vệ. Nhưng bảo vệ cả người thân thích của nạn nhân với đối tượng rất rộng, cho  cả "cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột, cô ruột, cháu ruột" thì phạm vi rất rộng, do đó cần cân nhắc thêm quy định này để bảo đảm tính khả thi. 

Nội dung báo cáo tổng kết cho thấy, phụ nữ, trẻ em gái, đồng bào người dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… là những đối tượng chủ yếu mà tội phạm MBN hướng tới; nhiều người trong số họ còn là đối tượng yếu thế trong xã hội. Theo đại biểu, cùng với việc tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân nói chung, dự thảo Luật bổ sung các quy định bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân là những đối tượng nói trên là rất cần thiết. Vì vậy ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung:  Ưu tiên quan tâm đối với trẻ em và phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, sinh con, nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong công tác giải cứu, bảo vệ, xác minh hỗ trợ nạn nhân MBN, nhằm bảo đảm cam kết của Việt Nam với quốc tế về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng đề nghị hoàn thiện thêm quy định "dịch vụ văn hóa, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng để MBN phải được quản lý, thanh tra thường xuyên" (Điều 10). Theo đại biểu, quy định trên còn chung chung, thiếu cụ thể. Việc kinh doanh dịch vụ văn hóa và du lịch bao gồm rất nhiều dịch vụ khác nhau, dự thảo Luật cần xác định những dịch vụ cụ thể có thể xảy ra việc lợi dụng để thực hiện hành vi MBN. Tương tự như vậy, cần cân nhắc việc bổ sung trách nhiệm phòng ngừa MBN tại Điều 17 dự thảo Luật cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của tổ chức, doanh nghiệp.

Đối với việc xã hội hóa hoạt động hỗ trợ nạn nhân, đại biểu cơ bản là đồng tình với khoản 2, khoản 5 Điều 5 về chính sách  nhà nước trong việc khuyến khích và “bảo vệ và  hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng chống MBN”. Tuy nhiên cần quy định rõ các trường hợp bảo vệ và hỗ trợ cho cụ thể để bảo đảm chính sách này được thực thi có hiệu quả trên thực tế.

Thời gian qua đã có những mô hình, hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán khá hiệu quả. Sự thành công của các mô hình xã hội hóa này đã giúp cho những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc sử dụng đồng vốn hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định, tiếp nhận các dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng bền vững. Do đó, theo đại biểu, hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán của các chủ thể này cần được Luật hoá, cụ thể, tạo điều kiện huy động các nguồn lực trong công tác hỗ trợ nạn nhân trong khi còn nhiều hạn chế về nguồn lực cả về vật chất lẫn nhận lực trong hỗ trợ nạn nhân MBN.

Ý kiến cũng đề cập đến trách nhiệm của MTTQVN và các tổ chức thành viên. Theo đó, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, nạn nhân của tình trạng MBN hiện nay không chỉ là phụ nữ và trẻ em gái như giai đoạn trước đây, mà còn là nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Do đó đại biểu đề nghị bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thì cần có quy định về trách nhiệm của Đoàn TNCSHCM tham gia phòng ngừa MBN.

 

Hồng Nhung

More