Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Minh Hóa trước Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021
Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Minh Hóa trước Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021
1. Cử tri huyện Minh Hóa: Đề nghị tỉnh xem xét, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh để đảm bảo cho con em dân tộc thiểu số học tập.
Trả lời:
Báo cáo tình hình quy mô trường lớp, cơ sở vật chất Trường PTDTNT tỉnh năm học 2019 - 2020:
+ Quy mô lớp, học sinh: 12 lớp với 365 học sinh (Khối 10: 4 lớp - 138h/s, Khối 11: 4 lớp - 122h/s, Khối 12: 4 lớp - 105h/s).
+ Cơ sở vật chất: Có 8 phòng học kiên cố được xây dựng, đầu tư sửa chữa nâng cấp năm 2018 với đầy đủ trang thiết bị, bàn ghế; Có 07 phòng học bộ môn kiên cố (01 phòng máy tính với 30 máy, 01 phòng dạy ngoại ngữ, 3 phòng thí nghiệm, 2 phòng thư viện), thiết bị dạy học tương đối đầy đủ, đảm bảo cho việc dạy và học; Khu hiệu bộ có 4 phòng nhà cấp 4 (gồm 01 phòng Hiệu trưởng, 01 phòng Phó Hiệu trưởng, 01 phòng Kế toán, 01 phòng Văn thư); Có 01 nhà đa năng xây dựng năm 2015 diện tích 770m2, trang thiết bị đầy đủ. Có 01 nhà ăn cấp 4 diện tích 250m2 xây dựng năm 1991, nâng cấp năm 2011; Có 01 dãy nhà ở cho học sinh với 42 phòng, được đầu tư xây dựng kiên cố năm 2011, khá đầy đủ trang thiết bị phục vụ ở bán trú. Trường có tường rào bao quanh kiên cố, đảm bảo an toàn được xây dựng năm 2017, sân chơi lát gạch sạch sẽ.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dãy khu hiệu bộ kiên cố với 12 phòng vào đầu năm 2020, tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng.
Đánh giá chung: Từ năm 2011 đến nay, trường được đầu tư nhiều hạng mục, cơ sở vật chất phát triển. Đến nay, trường có đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo để tổ chức dạy học và tổ chức ăn ở nội trú của học sinh.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thì cơ sở vật chất phục vụ dạy và học của Trường PTDT Nội trú vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Ý kiến kiến nghị của cử tri là chính đáng. Nhưng trong điều kiện tỉnh nhà là một tỉnh nghèo, ngân sách còn hạn hẹp, nên việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường cần có lộ trình, phù hợp với tình hình của địa phương nói chung và tình hình đầu tư xây dựng các trường học trong ngành Giáo dục nói riêng.
Sở Giáo dục và Đào tạo xin tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang cấp thiệt bị dạy và học để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Trường PTDT Nội trú tỉnh.
(Căn cứ Công văn số 3198/SGDĐT-VP ngày 02/12/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc trả lời ý kiến của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)
2. Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm xem xét hỗ trợ để đảm bảo phụ cấp cho cán bộ ở cơ sở, thôn, bản, tổ dân phố.
Trả lời:
Hiện nay, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố (gọi chung là thôn, tổ dân phố) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được hưởng phụ cấp theo quy định tại Nghị quyết số 149/2010/NQ-HĐND ngày 29/10/2010 và Nghị quyết số 28/2011/NQ-HĐND ngày 02/12/2011 của HĐND tỉnh, theo đó, ở mỗi thôn, tổ dân phố có 03 chức danh được hưởng phụ cấp hàng tháng là: Bí thư chi bộ (Bí thư đảng bộ bộ phận), Trưởng thôn (Tổ trưởng tổ dân phố), Công an viên; mức phụ cấp hàng tháng bằng 0,8; 0,7; 0,6 mức lương cơ sở tương ứng với thôn loại 1; loại 2; loại 3.
Ngày 24/4/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (bổ sung Điều 14a Nghị định số 92/2009/NĐ-CP); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận.
Ngoài 03 chức danh nêu trên, người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có).
Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ quy định của Chính phủ và tình hình ngân sách của tỉnh, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo Nghị quyết số 34/2019/NĐ-CP; trong đó, quy định mức phụ cấp hàng tháng đối với 03 chức danh hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và mức khoán kinh phí cho hoạt động của các chức danh đoàn thể ở thôn, tổ dân phố theo quy định của Chính phủ. Dự kiến quy định về chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố sẽ thực hiện từ ngày 01/01/2020.
(Căn cứ Công văn số 1631/SNV-CBCCVC ngày 29/11/2019 của Sở Nội vụ về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)
3. Cử tri xã Tân Hóa: Đề nghị tỉnh xem xét, có giải pháp nhằm hỗ trợ, khắc phục vùng bị ngập lụt cục bộ tại xã Tân Hóa.
Trả lời:
Xã Tân Hóa là một trong những địa phương được xem là vùng “rốn lũ” của huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hiện xã có 688 hộ dân, trong đó có
650 hộ thường xuyên bị ngập lụt do mưa lũ hàng năm.
Thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh, các sở, ban ngành cấp tỉnh, các nhà hảo tâm; đặc biệt người dân xã Tân Hóa đã tự chủ động, xây dựng nhà phao, nhà nổi tránh lũ, thích ứng với thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân trong vùng thường xuyên bị ngập lũ chưa có nhà phao; một số nhà phao hiện đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ đến.
Do nguồn ngân sách địa phương hạn chế, vì vậy trước mắt UBND huyện sẽ tiếp tục tập trung kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí để làm thêm và sửa chữa các nhà phao hư hỏng cho nhân dân; đồng thời sẽ đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn để xây dựng khu tái định cư tại thôn Rí Rị dọc theo tỉnh lộ 559 trong thời gian tới, góp phần khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt, ổn định đời sống nhân dân.
(Căn cứ Công văn số 879/UBND ngày 04/12/2019 của UBND huyện Minh Hóa về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII)
CB (Văn phòng HĐND tỉnh)
- Ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Minh Hóa trước Kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh khoá XVII (04/12/2019)
- Ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Minh Hóa trước Kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh khoá XVII (17/12/2019)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Minh Hóa sau Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 (17/12/2019)
- Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Minh Hóa sau Kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh khoá XVII (27/09/2019)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Minh Hóa trước Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 (22/07/2019)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Minh Hóa trước Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII (17/12/2018)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Minh Hóa trước Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVII (23/07/2018)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Minh Hóa sau Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XVII (05/06/2018)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Minh Hóa trước Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XVII (02/04/2018)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Minh Hóa trước Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII (02/04/2018)