Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 2711

  • Tổng 3.004.755

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Tuyên Hóa trước KH thứ 10 - HĐND tỉnh khóa XVIII

Post date: 20/07/2023

Font size : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Tuyên Hóa trước kỳ họp thứ 10 -  HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

1. Tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Ở điểm b, mục 1 nêu: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển; hàng năm, bố trí một phần ngân sách địa phương để đảm bảo cho các hoạt động của phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; mục 2 nêu: UBND các tỉnh, thành phố khác phối hợp với các Bộ, ngành, Trung ương và UBND các tỉnh biên giới quan tâm đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực biên giới; tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới. Tuy nhiên, 2 nội dung nêu trên trong các năm vừa qua xã Thanh Hóa (xã biên giới) chưa được hỗ trợ để có kinh phí hoạt động thường xuyên và đầu tư phát triển KT-XH (trong điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn). Đề nghị Tỉnh sớm bố trí, hỗ trợ kinh phí để xã Thanh Hóa huyện Tuyên Hóa thực hiện (cử trixã Thanh Hóa).

 

Trả lời:

 

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

 

Ngay từ đầu thời kỳ xây dựng dự toán 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức phân bổ hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh đảm bảo đầy đủ các chính sách, chế độ quy định do Trung ương và địa phương ban hành. Ngoài định mức chung, Sở Tài chính cũng đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí cho các xã biên giới đất liền và xã biên giới biển hoạt động. Cụ thể quy định tại mục 8, 9 Điều 5, Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Quảng Bình về quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022:

 

“8. Chi quốc phòng: Định mức phân bổ năm 2022 kinh phí hỗ trợ thêm xã biên giới đất liền là 100 triệu đồng/xã/năm;

 

9. Chi an ninh: Định mức phân bổ năm 2022 kinh phí hỗ trợ thêm xã biên giới đất liền là 100 triệu đồng/xã/năm”

 

Trên cơ cơ sở đó, hàng năm UBND tỉnh đã bố trí giao trong dự toán đầu năm, khoản chi an ninh - quốc phòng cho UBND huyện Tuyên Hóa, số tiền 200 triệu đồng để hỗ trợ kinh phí cho xã biên giới đất liền hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực biên giới. Vậy, đề nghị UBND xã Thanh Hóa, cử tri xã Thanh Hóa báo cáo với UBND huyện Tuyên Hóa để được hỗ trợ kinh phí theo chế độ quy định

 

(Theo Công văn số 2176/STC-GCSDNngày  04/7/2023 của Sở Tài chính về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

2.Tại Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc một cách bền vững, nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội với các dân tộc khác trong vùng. Tại mục 4 nêu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo định hướng tiêu chí nông thôn mới; hỗ trợ phát triển sản xuất; thực hiện các chính sách về GD-YT; song đến nay đã đến giai đoạn nước rút, mà một số hạng mục thiết yếu, nội dung quan trọng chưa được đầu tư, hỗ trợ như: Đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, công trình thủy lợi, lớp học kiên cố, nhà sinh hoạt cộng đồng; việc giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng (trong lúc đó cơ sở hạ tầng tại bản còn gặp nhiều khó khăn, một bộ phận lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn). Đề nghị Tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện các hạng mục nêu trên (cử trixã Thanh Hóa).

 

Trả lời:

 

Ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2086/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 (Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3290/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2025”

 

Mục tiêu chung của Đề án: Duy trì, phát triển nâng cao vị thế của dân tộc Chứt, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Chứt một cách bền vững nhằm giảm sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng CSHT thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Chứt; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

 

   Tổng kinh phí cả giai đoạn 2016-2025: 443.353 triệu đồng (Ngân sách Trung ương 332.516 triêu đồng và ngân sách địa phương, vốn lồng ghép và vốn khác: 110.838 triệu đồng).

 

Tuy nhiên, trong 3 năm (2018-2020), ngân sách trung ương phân bổ thực hiện chính sách theo Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh Quảng Bình là 40.106 triệu đồng (chiếm 12% nhu cầu vốn thực hiện Đề án). Trong đó: Vốn đầu tư phát triển là 15.713 triệu đồng và nguồn vốn sự nghiệp là: 24.393 triệu đồng). Đối với huyện Tuyên Hóa được phân bổ 2 năm (2019-2020) là 3.340 triệu đồng (2019: 2.240 triệu đồng; 2020: 1.100 triệu đồng).

 

 Việc phân bổ vốn thực hiện Đề án chậm và ít so với nhu cầu thực hiện (Đề án được phê duyệt thực hiện từ năm 2016 nhưng đến năm 2018 Trung ương mới phân bổ vốn sự nghiệp; năm 2020 mới phân bổ vốn đầu tư) đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiệnvà không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án được phê duyệt.

 

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình). Theo đó, các chính sách thuộc Đề án theoQuyết định số 2086/QĐ-TTg đã được tích hợp, thực hiện tại Tiểu dự án 1, Dự án 9 của Chương trình (nội dung “đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc khó khăn đặc thù).Hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn trung ương phân bổ, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ chi tiết nguồn vốn cho UBND các huyện triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn thuộc đối tượng thụ hưởng.Năm 2022 và 2023 vốn được cấp để thực hiện Tiểu dự 1-dự án 9 cho huyện Tuyên Hóa là: Vốn sự nghiệp 9.230 triệu đồng (năm 2022: 2.035 triệu đồng; năm 2023: 7.195 triệu đồng và Vốn đầu tư 12.500 triệu đồng để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế - xã hội chođồng bào dân tộc Chứt ở các bản thuộc 2 xã Thanh Hóa và Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.

 

(Theo Công văn số 430 /BDT-NV ngày  06/7/2023 của Ban Dân tộc tỉnh về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

3. Tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/04/2015 của Thủ tướng Chính phủphê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Tại mục 1 điều 1 nêu: đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Đến nay đã vào giai đoạn cuốinhưng một số nhiệm vụ và giải pháp chưa được quan tâm đầy đủ như: kinh phí hoạt động tuyên truyền, hoạt động tư vấn (trong điều kiện xã Thanh Hóa bình quân tuổi thọ thấp, chất lượng dân số và nguồn lực đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế). Đề nghị Tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí để thực hiện theo quyết định trên (cử trixã Thanh Hóa).

 

Trả lời:

 

Căn cứ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025 (Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 14/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ). UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án (Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 10/01/2017về việc thực hiện Đề án giai đoạn I: 2015-2020 và Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 08/02/2021 về việc thực hiện Đề ángiai đoạn II 2021-2025) trên địa bàn tỉnh.

 

Nhu cầu kinh phí thực hiện 02 Kế hoạch là 11.083 triệu đồng (Giai đoạn I: 3.485 triệu đồng và giai đoạn II: 7.600 triệu đồng). Hằng năm, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cấp 280 triệu đồngđể thực hiện Đề án.Căn cứ Kế hoạch của tỉnh và kinh phí được cấp, Ban Dân tộc (cơ quan chủ trì thực hiện Đề án) đã chủ động xây dựng các kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn toàn tỉnhvới các nội dung cụ thể như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Biên soạn, phát hành tài liệu, áp phích, pa nô, các sản phẩm truyền thông; Xây dưng mô hình “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; Tổ chức các hội thi tuyên truyền tại các trường DTNT, các xã vùng đồng bào DTTS nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn….cơ bản bước đầu đã được đạt được một số kết quả nhất định: Tỷ lệ tảo hôn giảm qua hàng năm, Hôn nhân cận huyết thống nay không còn.

 

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Theo đó, Đề án theo Quyết định 498 QĐ/TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã được tích hợp vào nội dung Tiểu dự án 2 của dự án 9: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong năm 2022 và năm 2023 nguồn vốn thực hiện Đề án cũng đã được phân bổ cho huyện Tuyên Hóa (Trong đó có bản Cà Xen, xã Thanh Hóa được thụ hưởng Đề án)chủ động thực hiện Đề án trên địa bàn mình nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trên địa bàn toàn tỉnh.

 

(Theo Công văn số 430 /BDT-NV ngày  06/7/2023 của Ban Dân tộc tỉnh về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

4. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục quan tâm, rà soát và hỗ trợ chế độ chính sách đối với dân công hoả tuyến trên địa bàn xã; vì hiện nay nhiều dân công hoả tuyến chưa được hưởng chế độ của nhà nước(cử tri xã Thanh Hóa).

 

Trả lời:

 

Thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm triển khai quyết liệt, bảo đảm chất lượng; tổ chức chi trả chế độ cho các đối tượng chặt chẽ, đúng nguyên tắc, không để sai sót, khiếu kiện xẩy ra.

 

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 24 Quân khu yêu cầu các tỉnh hoàn thành việc xét duyệt, báo cáo hồ sơ thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quân khu chậm nhất trong tháng 12/2018. Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo thực hiện đến ngày 30/6/2018 đã hoàn thành việc tiếp nhận, xét duyệt và báo cáo Quân khu; đến nay Quân khu 4 đã ra Quyết định trợ cấp và cấp Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến cho 53.468 đối tượng. Riêng đối với huyện Tuyên Hóa, Bộ CHQS tỉnh đã xét duyệt và báo cáo Quân khu có Quyết định trợ cấp cho 5.776 đối tượng (đạt 100%).

 

Việc giải quyết chế độ chính sách với lực lượng dân công hỏa tuyến theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ đối với huyện Tuyên Hóa, Ban CHQS huyện đã tổ chức tổng kết thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2019.

 

Ngày 09/3/2022, Quân khu 4 đã ban hành Công văn số 520/CT-CS về kiểm tra việc thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Bộ CHQS tỉnh ban hành Công văn 2016/CT-CS ngày 14/4/2022 về việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ tồn sót theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị báo cáo hồ sơ (Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015) dứt điểm vào tháng 05/2022; Ban CHQS huyện Tuyên Hóa ban hành Công văn số 353/BCH-CT ngày 04/5/2022 về việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ tồn sót theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ gửi Ban CHQS các xã, thị trấn rà soát, báo cáo hồ sơ (Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015) chậm nhất ngày 22/5/2022. Đối với Ban CHQS xã Thanh Hóa đã báo cáo Công văn số 62/CV-UBND ngày 11/6/2022 của Uỷ ban nhân dân xã Thanh Hóa về việc kết luận chốt địa bàn xét duyệt, thẩm định hồ sơ tồn sót theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; kết quả rà soát tại xã Thanh Hóa đến nay không còn các đối tượng thuộc diện đề nghị hưởng chế độ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với các đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

 

Như vậy, từ các văn bản quy định của Quân khu 4 và đôn đốc, chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh việc thực hiện chế độ theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành theo đúng quy định.

 

(Theo Công văn số 3529/BCH-CT ngày 11/7/2023 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh V/v phúc đáp Công văn số 2781/VPUBND-TH của Văn phòng UBND tỉnh)

 

5. Khu di tích hang Lèn Hà, xã Thanh Hóa được quy hoạch 12,5 ha, nhưng đến nay nguồn vốn chưa đủ để xây dựng. Đề nghị Tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng khu di tích tâm linh này được khang trang, phục vụ Nhân dân về tham quan để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp (cử tri xã Thanh Hóa).

 

Trả lời:

 

Di tích lịch sử Hang Lèn Hà là nơi ghi dấu những chiến công thầm lặng, vẽ vang của cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69, thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 134 trong cuộc chiến đấu giữ vững mạch máu thông tin liên lạc; nơi chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 chiến đấu, lao động dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt qua khó khăn, hiểm nguy của đạn bom địch, đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, chuyển tiếp hàng ngàn, hàng triệu phiên liên lạc cho Bộ Chỉ huy chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, nơi đây đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 vào ngày 02/7/1972. Ghi nhận những giá trị lịch sử tiêu biểu đó, ngày 07/5/2009 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1732/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích lịch sử Hang Lèn Hà. Sau khi di tích được xếp hạng, Binh chủng Thông tin Liên lạc đã đầu tư xây dựng các hạng mục công trình tại di tích, cụ thể: Năm 2009 xây dựng 269 bậc đá từ chân núi lên hang với số tiền 262 triệu đồng; năm 2012 xây dựng lan can lên hang, đường nội bộ, cổng chào và nhà lưu niệm với số tiền 453 triệu đồng; năm 2018 xây dựng nhà dâng hương trị giá 5,5 tỷ đồng; năm 2019 tu bổ lại nhà bia với số tiền 495 triệu đồng; năm 2022 phục dựng lại mô hình 11 hạng mục là nơi ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trạm thông tin A69 với số tiền 650 triệu đồng; tháng 6/2023, xây dựng bộ chữ nổi “A69” trên hang Lèn Hà và hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ công tác nghiệp vụ tại di tích với số tiền 770 triệu đồng. Về phía tỉnh, năm 2021 UBND tỉnh đã cấp 12 tỷ đồng, UBND huyện Tuyên Hóa hỗ trợ thêm 2,9 tỷ đồng để làm hệ thống đường nối vào di tích. Trong tình hình nguồn ngân sách tỉnh cấp cho việc trùng tu, tôn tạo di tích còn ít (từ 3 đến 5 tỷ đồng/năm cho 138 di tích đã được xếp hạng), tổng nguồn vốn đầu 2 tư xây dựng các hạng mục công trình tại di tích Hang Lèn Hà như hiện có là sự cố gắng lớn, thể hiện sự quan tâm của tỉnh và Binh chủng Thông tin Liên lạc đối với di tích.

Sở Văn hóa và Thể thao xin tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục tại di tích, để nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 

(Theo Công văn số 1160/SVHTT-NVVH ngày  05/7/2023 của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

6. Cử tri kiến nghị đối với Liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc khác chiến, nhiều người chưa tìm được mộ chí để hồi hương, một số liệt sỹ đến nayđã được người thân tìm về quy tập vào nghĩa trang  gia đình nhưng chưa được chế độ gì. Đề nghị Tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí quy tập và xây dựng, tu sửa vỏ mộđược khang trang, nhằm tri ân hương hồn của những liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc(cử tri xã Thanh Hóa).

 

Trả lời:

 

- Đối với kiến nghị nhiều người chưa tìm được mộ liệt sỹ để hồi hương, một số liệt sỹ đến nay đã được người thân tìm về quy tập vào nghĩa trang nhưng chưa được chế độ gì:

 

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc ta.

 

Trong thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương liên quan thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo; hướng dẫn và hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng, di chuyển hài cốt liệt sỹ theo quy định; tất cả những trường hợp mộ liệt sỹ trên địa bàn tỉnh được thân nhân tìm kiếm, di chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa trang gia đình đều đã được Sở và các địa phương hỗ trợ chi phí an táng theo qui định của Nhà nước tại từng thời kỳ (hiện nay là Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biên pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ Quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng).

 

- Đối với kiến nghị quan tâm hỗ trợ kinh phí quy tập và xây dựng, tu sửa vỏ mộ khang trang nhằm tri ân hương hồn của những liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.

 

Toàn tỉnh hiện có 85 nghĩa trang liệt sỹ với hơn 18.100 mộ liệt sỹ (trong đó có 161 mộ có đầy đủ thông tin theo quy định, trên 13.000 mộ chưa đầy đủ thông tin và trên 4.900 mộ chưa xác định được thông tin), 66 nhà bia, 05 Đài tưởng niệm và 04 Đền thờ liệt sỹ). Hằng năm, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của ngân sách Trung ương uỷ quyền thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và  Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh đã hỗ trợ cho các địa phương để sửa chữa mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ và các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn. Tuy nhiên, do kinh phí trung ương hỗ trợ chưa nhiều, trong khi nguồn thu của tỉnh hạn chế nên việc đầu tư tu bổ, tôn tạo, sữa chữa mộ liệt sỹ cũng như các công trình ghi công của tỉnh và các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 

Để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác quản lý mộ và các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kính đề nghị UBND tỉnh và các địa phương quan tâm bố trí kinh phí địa phương hằng năm, đảm bảo tỷ lệ đối ứng với ngân sách Trung ương trong việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố kinh phí hợp đồng lao động quản trang tại các nghĩa trang liệt sỹ và công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn.

 

(Theo Công văn số 1003 /SLĐTBXH-NCC ngày 03/7/2023 của Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình V/v trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

7. Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, trong đó có hạng mục xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, định mức 84 triệu đồng, nhưng tỉnh lại tách ra hai phần 40 triệu giao cho huyện giải phóng mặt bằng và 44 triệu giao cho xã xây dựng nhà ở cho bà con. Với nguồn vốn này quá ít rất khó để xây dựng được nhà ở cho bà con dân tộc. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hợp nhất hai nguồn vốn và giao cho xã để làm nhà ở cho đồng bào DTTS cùng một dự ánmới có thể làm được. Đồng thờiđề nghị Tỉnh xem xét hỗ trợ thêm các nguồn vốn khác để làm nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số (cử tri xã Lâm Hóa).

 

Trả lời:

 

Căn cứ các quy định hiện hành liên quan đến chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở theo Chương trình DTTS và miền núi, quy định tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ vàcơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc dự án 1 và tiểu dự án 1, dự án 4 của Chương trình quy định mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương như sau:

 

1. Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép; hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

 

2. Ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 04 triệu đồng/hộ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép; hỗ trợ tối thiểu 04 triệu đồng/hộ để xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

 

Như vậy, theo quy định hiện hành thì định mức hỗ trợ nhà ở cũng như đất ở theo quy định tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là tối đa 40 triệu đồng/hộ từngân sách Trung ương và tối thiểu 04 triệu đồng/hộ từ ngân sách địa phương để xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng.

 

Do 02 nội dung hỗ trợ đất ở và nhà ở có nội dung hỗ trợ và cách thức thực hiện khác nhau, mặt khác có hộ chỉ được hỗ trợ nhà ở, có hộ được hỗ trợ cả đất ở và nhà ở nên không thể hợp nhất nguồn vốn của 02 nội dung này theo đề xuất của cử tri được.

 

Ban Dân tộc xin tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy định làm căn cứ thực hiện thời gian tới đồng thời báo cáođề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ thêm kinh phí từ các nguồn vốn khác để hỗ trợ làm nhà cho đồng bào DTTS.

 

(Theo Công văn số 430 /BDT-NV ngày  06/7/2023 của Ban Dân tộc tỉnh về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

8. Đề nghị Tỉnh xem xét, sớm có hướng dẫn thực hiện tiểu dự án 1 của dự án 10, 2 năm liền xã được cấp vốn nhưng chưa có hướng dẫn để thực hiện, dẫn đến chậm giải ngân, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện dự án, hiện nay nhiều nội dung của dự án đang chưa rõ, khó thực hiện (cử tri xã Lâm Hóa).

 

Trả lời:

 

Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, Ủy Ban Dân tộc đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình trong đó có hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 1, dự án 10 về “biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín; phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào” thuộc Chương trình. Đề nghị cán bộ, cử tri có liên quan đến việc triển khai thực hiện Tiểu dự án nghiên cứu, thực hiện theo quy định.

 

Tiếp thu ý kiến cử tri, Ban Dân tộc sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của huyện Tuyên Hóa, xã Lâm Hóa hướng dẫn, triển khai thực hiện Tiểu dự án theo quy định trong thời gian tới.

 

(Theo Công văn số 430 /BDT-NV ngày  06/7/2023 của Ban Dân tộc tỉnh về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

9. Đề nghị Tỉnh nâng mức hợp đồng với cán bộ cắm bản, vì giá cả thị trường thay đổi nhưng cán bộ cắm bản vẫn giữ nguyên mức phụ cấp 1,6 triệu/người/tháng cách đây hơn 10 năm, đã lạc hậu so với hiện nay (cử tri xã Lâm Hóa).

 

Trả lời:

 

Trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống chủ yếu tại xã Lâm Hóa và xã Thanh Hóa (gồm Bản Kè, Bản Cáo, Bản Chuối thuộc xã Lâm Hóa và Bản Cà Xen thuộc xã Thanh Hóa), hàng năm UBND xã cử cán bộ hoặc người có uy tín trong đồng bào dân tộc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn bà con đồng bào dân tộc sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và các hoạt động sinh sống tại cộng đồng.

 

Từ năm 2018 trở về trước, UBND các xã đề nghị UBND huyện hỗ trợ chế độ cho cán bộ cắm bản (xã Lâm Hóa 02 người và xã Thanh Hóa 01 người) để khuyến khích động viên những người được phân công cắm bản với mức 1,65 triệu đồng/tháng. Đến năm 2019, xét thấy hàng năm đều phát sinh kinh phí hỗ trợ này nên huyện đã giao kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng ngay từ đầu năm ngân sách theo mức cố định. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ trên không có quy định của nhà nước mà đây là chính sách hỗ trợ thêm thuộc ngân sách huyện hàng năm nhằm động viên, khích lệ những người tham gia trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc nâng mức hỗ trợ tùy thuộc vào điều kiện ngân sách
huyện để thực hiện

 

(Theo Công văn số 879 /UBND-TCKH ngày 04/7/2023 của UBND huyện Tuyên Hóa về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

10. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các ban, các ngành, các cấp có liên quan làm việc với cục quản lý đường bộ, quản lý đường mòn Hồ Chí Minh, xin đấu nối từ đường mòn Hồ Chí Minh lên di tích lịch sử trận địa Pháo Bắc Ca Tang, ở Lâm Hóa (cử tri xã Lâm Hóa).

 

Trả lời:

 

Việc đấu nối đường nhánh vào hệ thống quốc lộ, đường Hồ Chí Minh được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ và Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ GTVT, bao gồm các bước: phê duyệt bổ sung điểm đấu nối (do UBND tỉnh phê duyệt); chấp thuận thiết kế kỹ thuật nút giao, cấp phép thi công nút giao (do đơn vị quản lý đường bộ cấp phép trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư, chủ sử dụng nút giao). Theo đó, dự án đường từ Khu trận địa pháo Bắc Ca Tang đã đầu tư xây dựnghoàn thành; tuy nhiên, Chủ đầu tư (UBND huyện Tuyên Hoá) chưa thực hiện các thủ tục về đấu nối đường nhánh vào đường Hồ Chí Minh. Để hỗ trợ Chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục đấu nối vào đường Hồ Chí Minh, trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Tuyên Hoá, Sở GTVT đã có Công văn số 1635/SGTVT-KCHT ngày 25/5/2023 hướng dẫn, đề nghị UBND huyện Tuyên Hoá bổ sung hoàn thiện hồ sơ điểm đấu nối để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

 

(Theo Công văn số 2191/SGTVT-KHTH ngày 04/7/2023 của Sở Giao thông Vận tải về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

11. Tuyến đường từ xã Hương Hóa đi thị trấn Đồng Lê bị xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân đi lại rất khó khăn và mất an toàn, đề nghị Tỉnh sớm đầu tư xây dựng tuyến đường tạo điều kiện cho nhân dân đi lại được an toàn (cử tri xã Thanh Hóa).

 

Trả lời:

 

Tuyến đường từ xã Hương Hóa đi thị trấn Đồng Lê thuộc tuyến đường Quốc lộ 15 do Sở Giao thông Vận tải quản lý và ủy quyền cho Công ty Cổ phần phát triển xây dựng và thương mại số 909 trực tiếp quản lý và duy tu bảo dưỡng hàng năm theo quy định. Trong những năm qua, đơn vị duy tu đã thực hiện nguồn vốn bảo trì hằng năm để duy tu bảo dưỡng tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhân dân đi lại.

 

Năm 2022 đã bố trí nguồn vốn duy tu nâng cấp được 5km đường (từ thị trấn Đồng Lê đến cầu Đò Vàng). Năm 2023 đang triển khai nâng cấp 03 cầu trên tuyến (cầu Khe Bẹ, cầu Cây Mưng, cầu Khe Đènh). Kiến nghị của cử tri về đầu tư xây dựng tuyến đường là thiết thực, tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên đến thời điểm hiện tại tuyến đường này chỉ được nâng cấp, sửa chữa những đoạn xung yếu nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình tham gia giao thông của người dân.

 

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đề xuất UBND tỉnh, Ban An toàn Giao thông tỉnh, Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình quan tâm huy động các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp đoạn còn lại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại
được an toàn.

 

(Theo Công văn số 884/UBND ngày 05/7/2023 của UBND huyện Tuyên Hóa về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

12. Đất rừng tại xã Lâm Hóa hiện nay nhiều người dân đã trồng và khai thác keo nhiều lứa, nhưng trên bản đồ vẫn thể hiện đất khoanh nuôi bảo vệ. Đề nghị Tỉnh sớm chỉ đạo các cơ quancó chủ trương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng tại xã Lâm Hóa để người dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển kinh tế như trồng rừng kinh tế(cử tri xã Lâm Hóa).

 

Trả lời:

 

Quy hoạch ba loại rừng tỉnh Quảng Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4534/QĐ-UBND ngày 25/12/2018 về việc điều chỉnh Quy hoạch ba loại rừng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Phản ánh của cử tri liên quan đến kết quả kiểm kê rừng năm 2016 đã được UBND tỉnh phê duyệt, công bố tại Quyết định số 3723/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 và công tác cập nhật, theo dõi diễn biến rừng hằng năm trên địa bàn huyện Tuyên Hóa nói chung và xã Lâm Hóa nói riêng. Theo quy trình kiểm kê, UBND xã và hộ gia đình, cá nhân (là đối tượng chủ rừng nhóm I) được cấp kinh phí và trực tiếp thực hiện việc kiểm kê các diện tích rừng do UBND xã và hộ gia đình, cá nhân quản lý. Kết quả kiểm kê rừng năm 2016 là cơ sở dữ liệu gốc phục vụ công tác theo dõi, cập nhật diễn diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hằng năm.

 

Để đảm bảo công tác cập nhật, theo dõi diễn biến rừng theo đúng quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng thì hàng năm UBND xã có trách nhiệm rà soát, cập nhật diễn biến trên diện tích rừng do xã quản lý, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm rà soát, cập nhật diễn biến rừng trên diện tích được Nhà nước giao và tổng hợp kết quả gửi Hạt Kiểm lâm tổng hợp, cập nhật trình UBND huyện phê duyệt và công bố hằng năm trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố trên địa bàn tỉnh đảm bảo quy định.

 

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND xã Lâm Hóa chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát cụ thể vị trí, diện tích và thống kê hiện trạng sai khác giữa thực địa và hồ sơ, gửi về Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa để phối hợp với phòng, ban và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, xác minh và cập nhật vào cơ sở dữ liệu diễn biến rừng năm 2023 để trình UBND huyện Tuyên Hóa phê duyệt kết quả theo dõi, cập nhật diễn biến rừng trên địa bàn huyện Tuyên Hóa theo quy định. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu phê duyệt điều chỉnh hồ sơ diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp thực tế và theo quy định của pháp luật hiện hành. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa phối hợp hỗ trợ UBND xã trong quá trình thực hiện.  

 

(Theo Công văn số 1800/SNN-KHTC ngày 05/7/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

13. Cử tri có ý kiếnNhà nước giao đất rừng cho Nhân dân gồm rừng sản xuất và rừng khoanh nuôi bảo vệ, tuy nhiên những hộ có đất rừng khoanh nuôi bảo vệ không có kinh phí để bảo vệ, nhưng nghĩa vụ phải thực hiện. Đề nghị Tỉnh hỗ trợ kinh phí cho những hộ được cấp đất rừng khoanh nuôi bảo vệ để người dân có trách nhiệm bảo vệ, quản lý rừng (cử tri Thanh Hóa).

 

Trả lời:

 

Giai đoạn 2021 - 2025, kinh phí nhà nước hỗ trợ để thực hiện bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng được thực hiện thông qua 02 Chương trình, gồm Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025.

 

Theo đó, đối với diện tích rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi của các hộ gia đình, cá nhân tại xã Thanh Hóa (xã không thuộc khu vực II, III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) thuộc phạm vi thực hiện của Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững, những diện tích này được hỗ trợ kinh phí bảo vệ, hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư số 21/2023/TTBTC ngày 14/4/2023 của Bộ Tài chính.

 

 Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản gửi UBND các huyện rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp năm 2024. Do vậy, đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa chỉ đạo UBND xã Thanh Hóa rà soát các diện tích này để đưa vào kế hoạch năm 2024 làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ. Ngoài ra, thời gian tới triển khai thực hiện Nghị định 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ các-bon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu đưa diện tích này vào đối tượng chi trả theo đúng quy định.

 

(Theo Công văn số 1800/SNN-KHTC ngày 05/7/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

14. Hiện nay cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân các xã Thanh Hóa, Hương Hóa, Thanh Thạch, Lâm Hóa nhu cầu giao dịch qua thẻ ATM ngân hàng rất lớn, nhưng mỗi lần giao dịch phải về Đồng Lê, Tuyên Hóa hoặc ra Hương Khê, Hà Tĩnh để giao dịch rất bất tiện. Đề nghị Tỉnh có ý kiến với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để xây dựng cây ATM tại xã Thanh Hóatạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân trong xã và các xã lân cận thuận tiện trong việc giao dịch, rút tiền (cử tri xã Thanh Hóa).

 

Trả lời:

 

"Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức các xã Thanh Hóa, Hương Hóa, Thanh Thạch, Lâm Hóa nhu cầu giao dịch qua thẻ ATM rất lớn, nhưng mỗi lần giao dịch phải về Đồng Lê, Tuyên Hóa hoặc ra Hương Khê, Hà Tĩnh để giao dịch rất bất tiện. Đề nghị tỉnh có ý kiến với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng cột ATM tại xã Thanh Hóa nhằm tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân trong xã và các xä lân cận thuận tiện trong việc giao dich, rút tiền ".

 

Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QD-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, UBND tinh Quảng Bình dã ban hành Kế hoạch hành động số 331/KH-UBND ngày 10/03/2020 triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó thanh toán không dung tiền mặt là một trong những nội dung quan trọng chủa Chiến lược, cụ thể: thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dung tiền mặt; đẩy mạnh thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước và có nguồn gốc ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dung tiền mặt cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ; đẩy mạnh thanh toán bằng các phương thức thanh toán không dung tiền mặt của cá nhân và doanh nghiệp đói với tu, nộp thuế, phí, lệ phí, thu phạt hành chính, thánh toán hóa đơn định kỳ ( điện, nước, viễn thông, học phí)…

 

​Thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan triển khai, cùng với sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng, hoạt động thnah toán, đặc biệt thanh toán không dùng tiền mặt không ngừng phát triển, hiện đại hóa, cải tiến phương thức và quy trình kỹ thuật thanh toán, nhất là phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại nhắm fđáp ứng nhu cầu ngày càng tang của người dân và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình dề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Tuyên Hóa nói chung và xã Thanh Hóa nói riêng tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng các nội dung đẩy mạnh thanh toán không dung tiền mặt như đã nêu ở phần trên.

 

Tuy nhiên, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa có cơ sở hạ tầng thanh toán chưa phát triển như xã Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình sẽ chỉ đạo các ngân hàng lắp đặt ATM trên cơ sở khảo sát về nhu cầu và sự đảm bảo về an ninh, an toàn nhằm tạo điều kiện cho người dân sinh sống và làm việc trong khu vực.

 

(Theo Công văn số 501/QUB-THNS ngày 04/7/2023 của Chi nhánh Quảng Bình, Ngân hàng Nhà nước về việc trả lời ý kiến của cử tri)

More