Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 787

  • Tổng 3.081.025

Hoàn thiện hệ thống tòa án phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Post date: 10/11/2023

Font size : A- A A+

Chiều ngày 9/11, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) số 12 gồm đại biểu các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Tiền Giang đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi).

 

Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

 

Điều hành phiên thảo luận, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh những kết quả khả quan của Luật Tổ chức TAND sau gần 10 năm thực hiện, tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập, một số vấn đề đã được đặt ra nhằm hoàn thiện tính liêm chính, công khai, công bằng trong hoạt động xét xử Luật Tổ chức TAND được đề xuất sửa đổi.
 
Các nhóm vấn đề lớn cần tập trung thảo luận, gồm: Chức năng, nhiệm vụ tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy, đổi mới, nâng cao TAND tối cao, nhân dân tham gia xét xử… đã được các cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng và xin ý kiến ĐBQH, đề xuất phương án xây dựng luật theo đúng định hướng mà Nghị quyết số 27 (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XIII) đã đề ra, khắc phục những hạn chế của luật hiện hành.

 

 

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ.

 

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình là Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Mạnh Cường và Nguyễn Thị Tuyết Nga đã tham gia thảo luận, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc, tranh luận của dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Theo đó, các ý kiến khẳng định, sau hơn 8 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý. Bên cạnh đó, hệ thống tòa án đang đứng trước những thách thức lớn về yêu cầu nhiệm vụ, số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng cao, trách nhiệm càng lớn; tính chất các vụ việc ngày càng đa dạng, phức tạp… Các đại biểu cũng tán thành với những nội dung ý kiến của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

 

 

Đồng chí Vũ Đại Thắng phát biểu kết luận tại phiên thảo luận tổ.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm khẳng định, việc xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) hoàn toàn phù hợp với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND, xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 
Ý kiến thảo luận của các đại biểu đã phân tích, làm rõ những nội dung còn vướng mắc hoặc không cần thiết và đề nghị Ban soạn thảo có bảng so sánh riêng giữa các nội dung của dự thảo luật với Luật Tổ chức TAND năm 2014; đề nghị giữ nguyên tên gọi của TAND cấp tỉnh, cấp huyện; làm rõ các đơn vị để thống nhất, tránh làm phát sinh đầu mối, tăng biên chế; nghiên cứu, cơ cấu lại một số chương, điều…

 

 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu.

 

Các đại biểu cũng đã thảo luận sâu về vấn đề tòa án thực hiện quyền tư pháp nhằm “xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”. Đây là sự cần thiết phải đặt ra trong Luật Tổ chức TAND để làm cơ sở thống nhất nhận thức cho đúng, đầy đủ trong toàn hệ thống.
 
Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm “nguyên tắc công bằng” và “nguyên tắc suy đoán vô tội” trong tố tụng; đổi mới TAND cấp tỉnh và cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; không tiến hành điều tra, thanh tra đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc đang trong quá trình tố tụng; đổi mới ngạch, bậc của thẩm phán… cũng là các nội dung được đại biểu Nguyễn Minh Tâm và đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga tập trung phân tích, thảo luận tại tổ.

 

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu.

 

Kết luận tại phiên thảo luận tổ, đồng chí Vũ Đại Thắng khái quát nội dung thảo luận và nhấn mạnh, cùng với đa số ý kiến ủng hộ, các ý kiến đã phân tích, làm rõ nhiều nội dung của dự thảo luật, đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu thực tiễn để cụ thể hóa, chính xác hơn nữa các định hướng đã thông qua. Đặc biệt, với việc thể chế hóa quyền của TAND, đây là lần đầu tiên cụ thể hóa chức trách, nhiệm vụ của TAND. Nêu lên một số ví dụ cụ thể, đồng chí cũng nhấn mạnh, các từ ngữ liên quan tại Điều 3 cần phải chính xác hơn để bảo đảm tính bao hàm thẩm quyền tư pháp của TAND, tạo sự dễ hiểu và thống nhất trong triển khai.
 
Đối với nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy tòa án, từ các ý kiến của đại biểu thảo luận về việc cần thiết phải quan tâm đến phần nội hàm hơn hình thức bên ngoài, đồng chí đề nghị hoàn chỉnh các ý kiến để tổng hợp và trình Quốc hội cho ý kiến.

Trước đó, vào đầu phiên họp buổi chiều, ĐBQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. 

 

Phòng Công tác Quốc hội
 

More