Cần đầu tư khu vui chơi, giải trí an toàn của trẻ em
Quyền vui chơi, giải trí của trẻ em lần đầu tiên được ghi nhận trong Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1959. Tại Điều 31 khoản 1 của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 nêu rõ: “Các quốc gia thành viên thừa nhận quyền của trẻ em được nghỉ ngơi và thư giãn, được tham gia vui chơi và những hoạt động giải trí và được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi.”
Căn cứ Điều 17, Luật trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi”; Theo Quyết định số 23/QĐ/TTg, ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc “ Phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030”, tại mục tiêu 3, “Về giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em có quy định: phấn đấu tỷ lệ các xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em đạt 40% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030”.
Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 145.000 thiếu nhi, chiếm khoảng 16% dân số toàn tỉnh. Xác định việc xây dựng khu vui chơi giải trí, an toàn cho thiếu nhi là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chăm lo cho trẻ em; đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội toàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng mô hình “Điểm vui chơi cho thiếu nhi”, coi đây là nội dung quan trọng trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hằng năm. Trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội xây dựng mới 124 điểm vui chơi, sân chơi cho thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, từ tháng 12/2022 đến tháng 11/2023, toàn tỉnh xây dựng thêm mới 26 sân chơi với tổng giá trị 770.000.000 đồng. Với số sân chơi được xây dựng mới đã nâng tổng số sân chơi toàn tỉnh lên 726 sân chơi, khu vui chơi dành cho thanh thiếu nhi trong đó có 345 sân chơi tại nhà văn hóa xã, phường, thị trấn và 381 sân chơi được xây dựng tại các liên đội trường học. Mặc dù số lượng sân chơi có sự tăng trưởng tuy nhiên qua khảo sát thực tế, nhu cầu của thanh thiếu nhi mong muốn xây mới thêm khoảng gần 1.000 sân chơi trong toàn tỉnh.
Mặc dù số lượng sân chơi được xây dựng tương đối nhiều, đặc biệt là sân chơi đơn giản được làm từ vật liệu tái chế do đoàn viên thanh niên thực hiện, tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan và tổng quát, thiếu sân chơi trẻ em vẫn là vấn đề lớn chưa được giải quyết. Bởi thực tế hằng năm, có thêm nhiều sân chơi được xây dựng nhưng cũng có hàng loạt các sân chơi xuống cấp, không thể sử dụng. Bên cạnh đó, việc quy hoạch tổng thể về phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn chưa quan tâm đến mục tiêu này.
Hầu hết hiện nay tại thành phố, hay các huyện, thị xã thiếu quy hoạch chi tiết các cơ sở vui chơi, giải trí cho các em. Các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm việc dành diện tích đất phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em khi xây dựng quy hoạch, xây dựng các khu đô thị mới, trường học của địa phương. Nhiều địa phương, vùng miền, cả thành thị và nông thôn không còn quỹ đất để bố trí xây dựng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhất là khu vui chơi giải trí dịch vụ công ích. Có địa phương xây dựng điểm vui chơi xa khu trung tâm, khu dân cư, trẻ em khó có thể tiếp cận, đi lại nhất là trẻ em nhỏ (mầm non), trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật; một số nơi có quy hoạch, có quỹ đất nhưng không có nguồn tài chính để đầu tư xây dựng nên sau một thời gian đất bị chuyển sang mục đích sử dụng khác hoặc vẫn để trống.
Do thiếu sân chơi lành mạnh, an toàn nên không ít trẻ em bị gò bó trong không gian hạn hẹp (như trong nhà), phải làm bạn và giải trí với thiết bị công nghệ, lâu dần xuất hiện tình trạng nghiện trò chơi điện tử (game), bám tivi, điện thoại, máy tính bảng; vào mỗi kỳ nghỉ hè, trẻ em thường có xu hướng tụ tập các nhóm nhỏ rủ nhau vui đùa ở những khu vực tiềm ẩn nguy hiểm như bờ suối, bờ ao, thác nước, hồ, biển … dẫn đến nhiều trường hợp đuối nước thương tâm xảy ra; thậm chí, nhiều trẻ em đá bóng, đánh cầu lông, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trên hè phố, giữa lòng đường làm cản trở giao thông, bị tai nạn, thương tích … gây nên những hệ lụy nghiêm trọng.
Để trẻ em thực hiện được quyền vui chơi giải trí, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
- Tỉnh cần đưa mục tiêu phát triển các cơ sở vui chơi, giải trí cho các em vào quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết của từng địa phương và đưa vào các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, về xây dựng xã nông thôn mới, phường đô thị văn minh; chỉ đạo các địa phương khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất phải dành tỷ lệ đất, phân bổ ngân sách thỏa đáng để xây dựng các thiết chế văn hóa, bồi dưỡng năng khiếu phát triển tài năng, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em, thí điểm chuyển đổi một số cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em do Nhà nước quản lý sang hình thức dịch vụ công ích để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
- Tăng cường giám sát chuyên đề về việc thực hiện pháp luật, chính sách về giáo dục và vui chơi, giải trí cho trẻ, đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Tỉnh cần cụ thể hóa các chính sách ưu đãi đầu tư, quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở theo quy hoạch và có chính sách hỗ trợ về cả mặt số lượng và chất lượng dịch vụ, tránh tình trạng xây dựng ồ ạt các cơ sở vui chơi, giải trí... mà hiệu quả hoạt động không cao gây lãng phí, mang tính hình thức, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng sâu, vùng xa … được thụ hưởng một cách công bằng.
Vui chơi, giải trí sẽ góp phần rèn luyện cho trẻ những phẩm chất cơ bản về trí tuệ, đạo đức, thể chất; giúp trẻ em phát triển kỹ năng, hình thành nhân cách, nhận thức về xã hội, tăng khả năng giao tiếp với con người và thế giới tự nhiên… do đó, bảo vệ, bảo đảm quyền được vui chơi, giải trí của trẻ là trách nhiệm của nhà nước, cộng đồng và gia đình. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần xác định việc xây dựng nhà thiếu nhi, khu vui chơi, giải trí tại cộng đồng cho trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời nghiên cứu ban hành quy hoạch tổng thể và chính sách phát triển các cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ; tăng cường giám sát chuyên đề của cộng đồng xã hội (nhất là vai trò của thành viên HĐND các cấp) về thực hiện pháp luật, chính sách về giáo dục và vui chơi, giải trí cho trẻ, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa.
(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Đặng Đại Bàng,
Tổ đại biểu thành phố Đồng Hới tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII)
- Làng du lịch tốt nhất giới Tân Hóa, cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng nông thôn, miền núi (12/12/2023)
- Khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thức đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX tại tỉnh Quảng Bình (12/12/2023)
- Một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 (12/12/2023)
- Tình hình KT-XH tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XVIII (12/12/2023)
- Nâng cao năng lực cho ngư dân trong lĩnh vực khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới (12/12/2023)
- Một số giải pháp, kiến nghị góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khó khăn về phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh (12/12/2023)
- Một số nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (12/12/2023)
- Giải pháp đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh (12/12/2023)
- Thực trạng hoạt động các tàu đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014 của Chính phủ và một số kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số chính sách thủy sản (12/12/2023)
- Những kết quả đạt được và giải pháp tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lệ Thủy (12/12/2023)