Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 21

  • Hôm nay 1775

  • Tổng 2.966.123

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri thị xã Ba Đồn sau KH thứ 12 - HĐND tỉnh khóa XVIII

Post date: 04/04/2024

Font size : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thị xã Ba Đồn sau kỳ họp thứ 12 -  HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

 

1. Mỏ khai thác đá tại xã Quảng Tiên xả bụi, khói thuốc mìn gây ô nhiễm môi trường, tình trạng đá văng nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cơ quan có chức năng kiểm tra, xem xét, giải quyết tình trạng này (cử tri xã Quảng Tiên)

 

Trả lời:

 

Trên địa bàn xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn hiện nay UBND tỉnh đã cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường cho 2 đơn vị là Công ty TNHH Đại Tiến Phát và Công ty Cổ phần 207, cụ thể:

 

Công ty TNHH Đại Tiến Phát được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1538/GP-UBND ngày 07/7/2013 với diện tích 1,1 ha, trữ lượng khai thác 193.946 m3, công suất khai thác 10.000 m3/năm, thời hạn khai thác 20 năm và Công ty Cổ phần 207 được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 915/GP-UBND ngày 25/4/2011 với diện tích 4,9 ha, trữ lượng khai thác 1.360.937 m3, công suất khai thác 48.000m3/năm, thời hạn khai thác 30 năm.

 

Tại thời điểm kiểm tra Công ty TNHH Đại Tiến Phát đang dừng hoạt động từ tháng 7 năm 2023 đến nay; Công ty Cổ phần 207 đang hoạt động khai thác, chế biến đá trong khu vực mỏ. Theo Báo cáo của Công ty, quá trình khai thác đã chấp hành tốt các quy định pháp luật về khoáng sản, đơn vị đã lắp đặp hệ thống phun sương, phun ẩm để hạn chế bụi phát tán trong khu vực mỏ và đường vận chuyển. Tần suất phun ẩm bằng xe bồn 04 chuyến trong 01 ngày.

 

Qua kiểm tra và theo ý kiến của UBND xã Quảng Tiên thì trước đây, quá trình khai thác đơn vị có để xảy ra tình trạng đá mồ côi lăn, gây mất an toàn cho người dân trong khu vực. Tuy nhiên, từ khi Công ty xử lý đá mồ côi và làm thủ tục trả lại một phần diện tích mỏ tại khu vực tiếp giáp với khu dân cư đến nay chưa xảy ra hiện tượng đá lăn như phản ánh. Mặt khác, qua nắm bắt tình hình trên địa bàn trước và sau Tết nguyên đán Giáp Thìn, UBND xã Quảng Tiên chưa nhận được đơn thư, phản ánh của người dân về hoạt động khai thác đá của Công ty gây ô nhiễm môi trường.

 

Tuy nhiên, để hoạt động khai thác đá đảm bảo quy định, đồng thời đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, tình trạng đá văng gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các Công ty được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

 

Quá trình hoạt động phải khai thác trong phạm vi ranh giới mỏ được cấp phép, khai thác đúng độ sâu, đúng thiết kế, sử dụng đúng lượng thuốc nổ cho phép, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo Đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tăng cường tưới nước, phun ẩm trong khu vực mỏ và đường vận chuyển đi qua khu dân cư để hạn chế tối đa bụi phát sinh nhất là về mùa hè; thực hiện nghiêm túc việc thỏa thuận giờ nổ mìn với các đơn vị liền kề để tránh trường hợp các mỏ cùng nổ mìn trong một khung giờ nhằm hạn chế rung chấn, giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân trong khu vực. San gạt mặt đường tỉnh lộ 559 trước khu vực mỏ để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Trường hợp các đơn vị không thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống trong khu vực thì Sở Tài nguyên và  Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

       

(Căn cứ Công văn số 735/STNMT-QLĐĐ ngày 15/3/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII).

 

2. Dự án đường ven biển đi qua khu vực nuôi tôm của phường Quảng Thuận ảnh hưởng đến các hộ dân nuôi tôm. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo đơn vị thi công phải có bản cam kết đền bù, hỗ trợ cho người dân, nếu có thiệt hại xảy ra (cử tri phường Quảng Thuận)

 

Trả lời:

 

Dự án thành phần 1 - Đường ven biển do Sở GTVT làm chủ đầu tư; công tác bồi thường GPMB dự án đoạn qua thị xã Ba Đồn được Sở GTVT giao Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển Quỹ đất Thị xã Ba Đồn thực hiện; đoạn qua phường Quảng Thuận có chiều dài 0,81km thuộc gói thầu xây lắp XL-03. Đến thời điểm hiện tại, UBND thị xã Ba Đồn đã phê duyệt, chi trả tiền bồi thường hỗ trợ GPMB cho 12/15 hộ, bàn giao mặt bằng thi công được 0,65/0,81km (đạt 80%), còn vướng mắc 03 hộ gia đình.

 

Quá trình triển khai thi công tại hiện trường, Chủ đầu tư đã phối hợp với UBND phường Quảng Thuận, UBND thị xã Ba Đồn, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp ngày 20/11/2023 báo cáo về biện pháp thi công đoạn qua phường Quảng Thuận. Trên cơ sở các ý kiến tại cuộc họp, Chủ đầu tư đã phối hợp với các bên liên quan kiểm tra thực tế và thống nhất giải pháp điều chỉnh biện pháp thi công: tăng chiều cao đắp đê quai hai bên ngăn cách phạm vi thi công dự án với phạm vi mặt nước trong kênh chứa cấp nước, bố trí cống ngang lưu thông nước qua lại, bổ sung thiết kế rãnh dọc (hoặc gờ chắn dọc) ở vai đường để thu gom nước mặt đường, ngăn nước mặt đường chảy xuống hồ nuôi tôm trong quá trình khai thác sử dụng.

 

Trong quá trình thi công, Chủ đầu tư đã chỉ đạo Nhà thầu (Văn bản số 88/QLDAĐHDA2 ngày 05/02/2024) luôn tuân thủ biện pháp thi công và các giải pháp bảo vệ môi trường được phê duyệt; thường xuyên tưới nước chống bụi bay trên tuyến đường khi vận chuyển vật liệu, sử dụng bạt che kín thùng xe, vệ sinh công nghiệp hằng ngày; thu gom, lưu giữ, quản lý, xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại đúng quy định, không để dầu mỡ của máy móc, thiết bị vương vãi, hạn chế mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến ngoài phạm vi thi công. Trường hợp Nhà thầu thi công vi phạm, gây ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của các hộ gia đình dọc hai bên phạm vi tuyến phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo hợp đồng xây lắp đã ký kết với Chủ đầu tư.

 

(Căn cứ Công văn số 402/SGTVT-KHTH ngày 16/2/2024 của  Sở Giao thông và Vận tải trả lời về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII).

 

3. Cử tri phường Quảng Phong phản ánh, Chi cục Thuế thị xã có về triển khai thu thuế phi nông nghiệp tại địa phương chậm với thời gian quy định, trong đó có mục “thu thuế nộp chậm”, điều này không hợp lý bởi vì do Chi cục thuế triển khai thu chậm chứ không phải người dân không chấp hành, đề nghị Tỉnh có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét và xử lý về vấn đề này (cử tri phường Quảng Phong)

 

Trả lời:

 

Trước hết, cơ quan thuế nghiêm túc tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri do Hội đồng nhân dân chuyển đến, đồng thời cám ơn ý kiến phản ánh những vướng mắc trong công tác quản lý hành thu và để Cơ quan thuế khắc phục và tháo gở những vướng mắc trong công tác Quản lý thuế.

 

Theo quy định của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thì hành, hàng năm cơ quan thuế ra thông báo nộp một lần trong năm chậm nhất là ngày 31/10, thông báo được gửi đến người nộp thuế thông qua việc ủy nhiệm thu cho chính quyền cấp xã, phường tổ chức thực hiện, bên cạnh đó cơ quan thuế cùng giám sát, phối kết hợp với các cấp chính quyền tổ chức thu nộp đúng theo quy định.

 

Tuy nhiên, thời điểm từ năm 2020 đến 2021 việc tiến hành Thông báo và tổ chức thu triển khai chậm như ý kiến phản ánh của các cử tri dẫn đến phát sinh tiền chậm nộp của Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp khi thông báo nộp đến người nộp thuế (thông báo nộp thuế được in từ phần mềm quản lý tập trung của cơ quan thuế và tự động tính tiền chậm nộp khi người nộp thuế chưa thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách), nguyên nhân dẫn đến sự việc trên do thời điểm từ năm 2020 đến 2021 có đại dịch Covid-19 diễn ra và công tác tổ chức thu nộp của cơ quan thuế và các cấp chính quyền (đơn vị được ủy nhiệm thu) chưa được chặt chẽ dẫn đến chậm trễ thời gian thông báo và thu nộp giống như phản hồi của các cử tri. Cơ quan thuế nghiêm túc tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri.

 

Để thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách theo quy định, đề nghị người nộp thuế thực hiện nộp số tiền Thuế sử dụng đất Phi nông nghiệp phát sinh theo thông báo của cơ quan thuế, riêng khoản tiền chậm nộp tạm chưa thu, khoanh lại để làm rõ nguyên nhân và xử lý.

 

(Căn cứ Báo cáo số 844/CTQBI-NVDTPC ngày 15/3/2024 của Cục Thuế tỉnh về việc báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn).

 

4. Chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân bám biển xa khơi theo Nghị định 48 của Chính phủ đến nay đã hết năm 2023, nhưng ngư dân chưa được nhận tiền hỗ trợ. Đề nghị Tỉnh có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng hàng năm giải quyết kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho bà con ngư dân (cử tri phường Quảng Phong)

 

Trả lời:

 

Quảng Bình là tỉnh có số lượng tàu cá đăng ký tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg tương đối lớn (hơn 1.100 tàu, gần 5.000 hồ sơ/năm) so với các tỉnh khác trên cả nước và chủ yếu ngư dân nộp hồ sơ tập trung vào các tháng cao điểm từ tháng 4 đến tháng 8. Kinh phí hỗ trợ hàng năm lớn, trong khi thực hiện hỗ trợ phải đảm bảo chặt chẽ, theo đúng trình tự, thủ tục quy định, cụ thể: Chủ tàu sau khi kết thúc chuyến biển, lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi Chi cục Thủy sản. Chi cục Thủy sản tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ và chuyển cho Tổ thẩm định để thẩm định, quá trình thẩm định một số trường hợp phải tổ chức kiểm tra, xác minh nhằm hạn chế sai sót, gian lận, trục lợi chính sách. Sau khi thẩm định, Chi cục Thủy sản gửi kết quả thẩm định cho UBND cấp xã để niêm yết công khai trong thời gian khoảng 30 ngày. Căn cứ kết quả thẩm định và báo cáo niêm yết của UBND cấp xã, Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ. Căn cứ Quyết định hỗ trợ, Kho bạc Nhà nước cấp huyện thông báo cho chủ tàu biết để làm thủ tục nhận tiền.

 

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2012/TTLT-BNN-BQP-BTC ngày  11/4/2012 của liên Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Quốc phòng, Tài chính quy định việc hỗ trợ thực hiện tối thiểu một quý 01 lần. Đối với tỉnh ta, các hồ sơ đề nghị hỗ trợ được tiếp nhận hàng ngày trong tuần, được tổ chức thẩm định mỗi tháng từ 01-03 lần và trình hỗ trợ ngay sau khi có đủ báo cáo niêm yết kết quả thẩm định của UBND cấp xã. Kết quả từ đầu năm 2023 đến trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định hỗ trợ 16 lần (đợt) với số tiền đã giải ngân hỗ trợ là 350,362 tỷ đồng (Trong đó Phường Quảng Phong - Thị xã Ba Đồn là 14,546 tỷ đồng). Như vậy, việc hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg được thực hiện nhanh hơn so với quy định và là một trong những tỉnh có số lượng tàu tham gia lớn nhưng tiến độ giải ngân nhanh hơn so với nhiều tỉnh khác.

 

Để hỗ trợ ngư dân giảm bớt khó khăn trong điều kiện giá nhiên liệu tăng cao, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh thời gian rà soát, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ, đồng thời phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước giải ngân kịp thời kinh phí hỗ trợ cho ngư dân theo trình tự, thủ tục quy định.

 

 (Căn cứ Công văn số 591/ SNN-KHTC  ngày 11/3/2024Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông về giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

5. Dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng Resort phía Bắc đường Võ Nguyên Giáp gần 10 năm nhưng chưa đưa vào sử dụng. Hiện nay, dự án này mở rộng, cơi nới thêm diện tích lớn làm ảnh hưởng đến rừng phòng hộ tại TDP Thọ Đơn, phường Quảng Thọ; đề nghị Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý (cử tri phường Quảng Thọ)

 

Trả lời:

 

Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Kim Tự Tháp được UBND tỉnh Quảng Bình cho thuê 100.000,0 m2 đất để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái, hội nghị và giải trí Green Resort tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình tại Quyết định số 1490/QĐ-UBND ngày 04/5/2017 và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình bàn giao đất thực địa ngày 11/5/2017.

 

Về tiến độ thực hiện dự án: Dự án Khu du lịch sinh thái, hội nghị và giải trí Green Resort của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Kim Tự Tháp tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình được giao đất năm 2017, đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác, sử dụng, thuộc trường hợp tiến độ sử dụng đất chậm quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh gia hạn sử dụng 24 tháng để buộc nhà đầu tư phải nộp khoản tiền tương ứng với mức tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.

 

Trên cơ sở phản ánh của cử tri, ngày 15/3/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với UBND phường Quảng Thọ, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kim Tự Tháp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có mời nhưng không tham gia) đã tiến hành kiểm tra thực địa Dự án Khu du lịch sinh thái, hội nghị và giải trí Green Resort của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Kim Tự Tháp tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Tại thời điểm kiểm tra, dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Cụ thể: hạng mục khách sạn 5 sao đang tiến hành lắp đặt các thiết bị (hoàn thành 90%), nhiều hạng mục như khu chợ quê, khu tâm linh, khu vui chơi, khu biệt thự đã hoàn thành. Nhà đầu tư dự kiến các hạng mục sẽ đưa vào hoạt động trong quý IV năm 2024.

 

Về việc cử tri phản ánh dự án mở rộng, cơi nới thêm diện tích: Qua kiểm tra ranh giới thực hiện dự án: tại khu vực phía Bắc, phía Nam và phía Tây của dự án, Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Kim Tự Tháp đã thực hiện xây dựng các công trình dự án đúng phạm vi ranh giới được giao. Riêng đối với khu vực phía Đông của dự án (giáp tuyến đường ven biển hiện đang thi công), Công ty đang xây dựng 2 bờ kè chắn cát, chống sạt lở, 2 bờ kè này nằm ngoài phạm vi thực hiện dự án, hiện trạng không có rừng. Đối chiếu với bản đồ kiểm kê đất đai năm 2019, khu vực này có hiện trạng là đất rừng sản xuất, không phải đất rừng phòng hộ. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty dừng việc thi công xây dựng bờ kè để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

Do đó, việc cử tri phản ánh Dự án xây dựng Khu nghỉ dưỡng Resort phía Bắc đường Võ Nguyên Giáp, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn chậm đưa đưa vào hoạt động là đúng thực tế. Hiện nay, UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra, xử lý Dự án Khu du lịch sinh thái, hội nghị và giải trí Green Resort tại phường Quảng Thọ nói riêng và các dự án khác trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ nói chung theo đúng quy định của pháp luật.

 

Riêng nội dung cử tri phản ánh việc nhà đầu tư cơi nới thêm diện tích lớn làm ảnh hưởng đến rừng phòng hộ tại tổ dân phố Thọ Đơn, phường Quảng Thọ là không có cơ sở, vì trên phần diện tích nhà đầu tư xây dựng bờ kè chắn cát, chống sạt lở có hiện trạng là đất trống thuộc đất rừng sản xuất, tiếp giáp với tuyến đường ven biển hiện đang thi công.

 

(Căn cứ Công văn số 735/STNMT-QLĐĐ ngày 15/3/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII).

 

6. Hiện nay việc đền bù giá đất nông nghiệp quá thấp, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tiến độ thi công của các dự án trên địa bàn còn chậm. Đề nghị Tỉnh có sự điều chỉnh giá đất cho phù hợp nhằm theo kịp với thị trường, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của đại đa số Nhân dân (cử tri phường Quảng Phong)

 

Trả lời:

 

Theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai, giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do cơ quan có thẩm quyền quyết định tại thời điểm thu hồi đất. Theo đó, khi xác định giá đất để bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân sẽ thực hiện các trình tự, thủ tục xác định giá đất cụ thể, điều tra khảo sát giá đất trên thị trường để xác định giá phù hợp, đảm bảo với thị trường.

 

Đối với đất nông nghiệp, qua trao đổi với các địa phương trên địa bàn tỉnh, hiện nay khi xác định giá đất nông nghiệp để tính bồi thường thì thường sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh, với hệ số điều chỉnh là 01 (giá đất cụ thể đối với loại đất nông nghiệp tại thời điểm thu hồi bằng giá đất trong bảng giá đất của tỉnh và nhân hệ số 01).

 

Giá đất nông nghiệp trên địa bàn đã được UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 trên cơ sở khung giá đất do Chính phủ quy định tại Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019. Mức giá đất trồng cây hàng năm (bao gồm đất trồng lúa) trên địa bàn phường Quảng Phong cao nhất là 35.000 đ/m2; đất trồng cây lâu năm là 35.000 đ/m2; đất nuôi trồng thủy sản là 35.000 đ/m2 và đất rừng sản xuất là 14.000 đ/m2 (mức giá này được áp dụng chung cho các phường trên địa bàn thị xã Ba Đồn). Qua so sánh thì mức giá tại tỉnh Quảng Bình cao hơn so với mức giá tại các tỉnh trong khu vực như: Quảng Trị (đất trồng cây hàng năm (bao gồm đất trồng lúa) cao nhất là 24.530 đ/m2; đất trồng cây lâu năm là 25.410 đ/m2; đất nuôi trồng thủy sản là 16.830 đ/m2; đất rừng sản xuất là 7.040 đ/m2), Thừa Thiên Huế (đất trồng cây hàng năm (bao gồm đất trồng lúa) cao nhất là 30.000 đ/m2; đất trồng cây lâu năm là 30.000 đ/m2; đất nuôi trồng thủy sản là 23.000 đ/m2; đất rừng sản xuất là 5.200 đ/m2).

 

Ngoài ra, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, ngoài mức giá bồi thường, Nhà nước còn có chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi. Theo quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014  của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thì mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất và tỉnh Quảng Bình đã áp dụng mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất, đây là mức hỗ trợ cao nhất theo quy định của Chính phủ (các tỉnh như: Hà Tĩnh áp dụng mức hỗ trợ từ 1,8 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất và mức cao nhất 4,5 lần; Quảng Trị chỉ áp dụng mức hỗ trợ 03 giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất; Thừa Thiên Huế áp dụng mức hỗ trợ từ 1,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất và mức cao nhất 05 lần).

 

Như vậy, chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, đất ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là đảm bảo các quy định và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế hiện nay.

 

(Căn cứ Công văn số 735/STNMT-QLĐĐ ngày 15/3/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII).

         

7. Cử tri Trần Công Tuấn phản ánh, gia đình ông được cấp đất làm kinh tế trang trại từ năm 2004 (có giấy tờ đầy đủ), ông đã đề nghị cấp giấy CNQSD đất cho gia đình nhưng đến nay chưa được giải quyết. Khi ông đưa các loại giấy tờ đến UBND phường Quảng Thọ thì được trả lời đó là giấy tờ giả, không có giá trị về mặt pháp lý. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết cho gia đình ông (cử tri phường Quảng Thọ)

 

Trả lời:

 

Theo Quyết định số 743/QĐ-UB ngày 05/4/2003 của UBND tỉnh Quảng Bình về khuyến khích phát triển chăn nuôi giai đoạn 2003-2005, Ngày 20/12/2003 ông Trần Công Tuấn có đơn xin cấp đất mở rộng trang trại chăn nuôi với diện tích khoảng 2 ha tại vùng đất trồng mía (BHK) thuộc Thôn Nhân Thọ, xã Quảng Thọ. Ngày 08/02/2004 UBND xã Quảng Thọ xác định địa điểm khu đất tại bản vẽ vị trí thửa đất của Địa chính xã Quảng Thọ (Thửa đất số 422 diện tích 15000,0m2 loại đất Mía, tờ bản đồ số 02) được Chủ tịch UBND xã xác nhận (có biên bản của Hội đồng xét xin giao đất cho ông Trần Công Tuấn xây dựng làm trang trại gồm 09 thành viên UBND, xét thửa đất theo bản vẽ vị trí thửa số 422 diện tích 15000,0m2 loại đất Mía, tờ bản đồ số 02 để xây dựng mở rộng trang trại chăn nuôi, thời gian 25 năm đến năm 2029).

 

Tuy nhiên, ngày 24/10/2006 Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Quảng Trạch về kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất tại xã Quảng Thọ có báo cáo kết luận số 209/BC-KT trong đó có 03 nội dung:

 

+ “Ông Trần Công Tuấn không có đề án sản xuất kinh doanh để trình Cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ để cho thuê đất, giao đất theo Luật Đất đai quy định”

 

+ “UBND xã Quảng Thọ giao đất cho ông Trần Công Tuấn 15000,0 m2 thuộc loại đất mía và một phần đất Nghĩa địa và thời gian thuê 25 năm không có hợp đồng thuê đất, làm thất thu ngân sách là trái với thẩm quyền, vi phạm Pháp luật Đất đai”

 

+ “Kiến nghị xử lý đối với UBND xã Quảng Thọ. UBND huyện Quảng Trạch yêu cầu thu hồi thủ tục ông Trần Công Tuấn thuê đất để làm trang trại không đúng các quy định và thẩm quyền cho thuê đất của Luật Đất đai năm 2003, yêu cầu UBND xã Quảng Thọ hướng dẫn ông Trần Công Tuấn làm thủ tục thuê đất theo quy định của Luật Đất đai, thẩm quyền cho thuê đất”

 

Ngày 21/04/2016, ông Trần Công Tuấn có đơn xin giao đất, thuê đất làm trang trại chăn nuôi diện tích 6645.2 m2 tại phường Quảng Thọ. Qua kết quả đo đạc thực tế và đơn trình bày của ông Trần Công Tuấn. UBND Quảng Thọ đã có tờ trình số 69/TTrUBND, ngày 25/04/2016 gửi UBND thị xã Ba Đồn về việc đề nghị giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp đối với hộ ông Trần Công Tuấn tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn với diện tích 6645.2 m2.

 

Sau khi nhận được Tờ trình của UBND phường Quảng Thọ, UBND thị xã đã chỉ đạo phòng Tài nguyên & Môi trường kiểm tra, hướng dẫn. Phòng Tài nguyên & Môi trường đã làm việc trực tiếp và hướng dẫn ông Trần Công Tuấn nộp đơn xin thuê đất tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn các hồ sơ, thủ tục liên quan theo quy định.

 

(Căn cứ Công văn số 564/ UBND - VP ngày 22/3/2024 của  UBND thị xã Ba Đồn về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII

 

More