Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 21

  • Hôm nay 2957

  • Tổng 3.220.280

CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA CẦN ĐƯỢC TRÁNH TRÙNG LẮP, BỎ SÓT ĐỐI TƯỢNG

Post date: 06/08/2021

Font size : A- A A+

Chiều 23/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thảo luận tại tổ ngày 23/7/2021, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia 2 ý kiến phát biểu với nhiều nội dung liên quan đến thực tế triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới  và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Xác định 3 chương trình mục tiêu quốc gia là hết sức cần thiết, đại biểu Trần Quang Minh cho rằng nên có một phân định cho rõ ràng để không bị trùng lắp đối tượng của 3 chương trình, bởi vì đối tượng chủ yếu nằm ở vùng khó khăn và nội dung các chương trình cũng đều là tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xây dựng nhà, sinh kế... Đại biểu cũng cho rằng trong quá trình thực tiễn triển khai vì mục đích tốt nhưng việc cho không, hỗ trợ nhiều sẽ làm nảy sinh ra tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân.

Đại biểu nhận xét việc bổ sung đối tượng cả người nghèo, cận nghèo, cộng đồng nghèo và đặc biệt là đối tượng mới thoát nghèo là cần thiết để đảm bảo sự thoát nghèo bền vững chứ không chỉ cán mốc rồi lại tái nghèo. Ông cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến các vấn đề việc làm, nhà ở, sinh kế… Cụ thể: cần có chỉ tiêu cụ thể về việc giải quyết việc làm, mức thu nhập trung bình chứ không chỉ chung chung là được dạy nghề, kết nối với việc làm; cần nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà để việc triển khai được khả thi trong bối cảnh hiện nay, theo đại biểu, cần coi trọng chất lượng hơn là dựa vào số lượng bởi vì những vùng khó đa số là những vùng bị thiên tai cho nên nếu làm nhà làm không kiên cố sau khoảng 5-6 năm lại tiếp tục lại quay lại hỗ trợ tiếp.

Ông cũng đề xuất đầu tư cho việc nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác giảm nghèo để xây dựng kế hoạch sát thực tế hơn, cùng với đó bộ tiêu chí của chương trình cũng cần xây dựng chuẩn hơn.

Về sinh kế, đại biểu cho rằng đa số các sản phẩm của người nghèo làm ra là sản phẩm nông nghiệp, đầu ra rất khó cho nên quá trình thực hiện cần quán triệt về việc phối hợp giữa các ngành như ngành Lao động, Thương binh và xã hội với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và đặc biệt là ngành công thương để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm.

Phát biểu tại thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khẳng định sự đúng đắn trong việc coi trọng và xác định công tác giảm nghèo bền vững. Đại biểu nêu lên thực tế trong giai đoạn vừa qua, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc với sự nỗ lực của toàn dân, đã ban hành rất nhiều các nghị quyết, các quyết định, rồi chỉ thị, bên cạnh đó, tập trung nguồn lực, trong đó cả nhân lực, tài lực đối với công tác giảm nghèo bền vững… Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ cân nhắc và xem xét việc tái nghèo và phát sinh số hộ nghèo nếu đối chiếu theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Giải pháp cho vấn đề này, đại biểu cho rằng đối với các tỉnh đang khó khăn và thu không đủ bù chi, hàng năm phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, thì đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải xem xét để tăng tỷ lệ vốn ngân sách trung ương. Thứ hai, cần xem xét để tăng tỷ trọng kinh phí sự nghiệp về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hàng năm trong tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện các hoạt động tuyên truyền; xem xét về hỗ trợ về tăng nguồn lực và tạo sinh kế cho người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo và đặc biệt đó hỗ trợ xuất khẩu lao động cho người dân nhằm tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định để hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đây một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo.

Phân tích thực tế, đại biểu cho rằng theo Quyết định số 861, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì các tỉnh trong số các xã thuộc khu vực 1, khu vực 2, khu vực 3 thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2015 giảm đi so với giai đoạn 2016-2020. Đối với tỉnh Quảng Bình, chỉ còn 15 xã ở khu vực 1, khu vực 2 và khu vực 3 so với giai đoạn 2016- 2020, giảm 49 xã. Dù  vậy, điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân của cả các xã bị đưa ra khỏi danh sách vẫn rất khó khăn. Để thoát nghèo cho cả xã này rất khó, thậm chí là nghèo bền vững. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục kéo dài việc thực hiện một số chính sách đối với các xã này như chính sách bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên, chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, v.v..

Ý kiến góp ý của các đại biểu đã được các đại biểu trong tổ ghi nhận, phân tích sâu thêm để tổng hợp vào biên bản họp tổ.

PHÒNG CÔNG TÁC QUỐC HỘI

More