Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 4043

  • Tổng 3.006.089

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Tuyên Hóa trước kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khoá XVIII

Post date: 15/12/2022

Font size : A- A A+

 

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Tuyên Hóa trước kỳ họp thứ 8 -  HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

1. Huyện Tuyên Hóa đã đặt tên các tuyến đường tại thị trấn Đồng Lê, tuy nhiên tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì chiều dài quá ngắn, chiều ngang hẹp, chưa tương xứng với tên của Đại tướng. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo huyện Tuyên Hóa điều chỉ lại tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xứng tầm với tên tuổi của người (cử tri Nguyễn Hữu Đề, xã Phong Hóa phản ánh).

 

Trả lời:

 

UBND huyện xin cảm ơn và tiếp thu ý kiến của cử tri. Đề án đặt tên 29 tuyến đường tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hoá năm 2018 được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật. Hội đồng tư vấn đặt tên đường thị trấn Đồng Lê (lần thứ 1) đã tham mưu cho chính quyền các cấp, các ban ngành trong huyện tổ chức nhiều cuộc họp để thực hiện các nội dung của đề án. Đề án đã được tuyên truyền rộng rãi, lấy ý kiến góp ý của nhân dân tại địa bàn thị trấn Đồng Lê, được công khai niêm yết tại UBND thị trấn Đồng Lê từ ngày 18 - 25/3/2018.

 

Ngày 8/12/2018, tại kỳ họp thứ 8 - khóa 17, HĐND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết số 49 về đặt tên đường trên địa bàn thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa (lần thứ 1).

 

Tuyến đường đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tuyến đường đi qua phía trước trụ sở UBND huyện Tuyên Hóa, chạy dọc công viên Đồng Lê, nối giữa hai đường Hùng Vương và Lê Lợi, có chiều dài 448m, chiều rộng 12m. Sở dĩ tuyến đường được đặt tên Võ Nguyên Giáp là vì đường nằm ở vị trí trung tâm, hàng ngày các cơ quan ban ngành, nhân dân thường xuyên đến liên hệ giải quyết công việc nên mật độ người qua lại đông đúc. Việc đặt tên tuyến đường này đã được các cấp, các ngành, đông đảo nhân dân thị trấn Đồng Lê thảo luận, góp ý, cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất, thể hiện tình cảm của nhân dân Tuyên Hóa với Đại tướng.

 

Hiện nay tuyến đường Võ Nguyên Giáp đã được UBND huyện đầu tư nâng cấp mở rộng khang trang. Vì vậy việc duy trì, sử dụng tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thị trấn Đồng Lê là hoàn toàn phù hợp.

 

(Công văn số 1751/UBND ngày 02/12/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

2. Tuyến đường 559B từ xã Quảng Sơn đi qua xã Cao Quảng có nhiều đoạn đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đề nghị Tỉnh khảo sát, hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa lại tuyến đường để nhân dân đi lại được thuận tiện và an toàn (cử tri Mai Xuân Tuyên, xã Cao Quảng).

 

Trả lời:

 

Sở GTVT báo cáo như sau: Đường tỉnh 559B có chiều dài 47,4km được UBND tỉnh giao Sở GTVT quản lý theo phân cấp. Trong những năm qua, Sở GTVT đã báo cáo UBND tỉnh để thực hiện nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này b ng nhiều ngu n vốn (sử dụng ngu n vốn vay Ngân hàng Thế giới để xây dựng cầu Phú Nguyên, nâng cấp các đoạn tuyến từ xã cao Quảng đến xã Tân Hoá, Minh Hoá; sử dụng ngu n vốn bảo trì để sửa chữa thường xuyên, định kỳ hàng năm…). Năm 2022, Sở GTVT đã thực hiện sửa chữa nền, mặt đường đoạn Km13+215 đến Km14+466; năm 2023 đang báo cáo và đề xuất UBND tỉnh cho phép tiếp tục sửa chữa các đoạn Km12+200 - Km13+200 và đoạn Km14+450 - Km15+900; đối với các đoạn còn lại, Sở GTVT s tiếp tục tham mưu UBND tỉnh cho phép đầu tư sửa chữa theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở ngu n kinh phí bảo trì được phân b hàng năm để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

 

(Căn cứ Công văn số 2540/SGTVT- KHTH ngày 02/12/2022 của Sở Giao thông và Vận tải về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

3. Cử tri xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa: Đề nghị tỉnh khảo sát và đầu tư kinh phí xây dựng mới tuyến đường nối dài từ xã Châu Hoá qua xã Cao Quảng đi xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch.

 

Trả lời:

 

Sở GTVT báo cáo như sau: Tuyến đường từ xã Châu Hóa đi xã Cao Quảng là tuyến đường huyện, do UBND huyện Tuyên Hóa quản lý, khai thác; được đầu tư mở rộng, nâng cấp, kiên cố hóa mặt đường và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2018, hiện đang khai thác tốt. Đối với nội dung kiến nghị của cử tri đề nghị đầu tư xây dựng mới đoạn tuyến từ xã Cao Quảng đi xã Xuân Trạch (hiện tại chưa có đường), theo quy hoạch GTVT được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, hệ thống các trục đường chính cũng như đường tỉnh không có tuyến đường này; trường hợp tuyến đường được đưa vào quy hoạch trong hệ thống đường huyện của địa phương (nếu có), đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa t chức nghiên cứu, xem xét đầu tư xây dựng theo phân cấp quản lý đảm bảo phù hợp với quy hoạch.

 

(Căn cứ Công văn số 2540/SGTVT- KHTH ngày 02/12/2022 của Sở Giao thông và Vận tải về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

4. Đề nghị Tỉnh xem xét điều chỉnh lại kết quả quy hoạch 03 loại rừng năm 2016 tại xã Cao Quảng vì nhiều vị trí, khu vực không đúng với thực tế, hiện trạng (cử tri Mai Xuân Tuyên, xã Cao Quảng).

 

Trả lời:

 

Quy hoạch ba loại rừng tỉnh Quảng Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4534/QĐ-UBND ngày 25/12/2018 về việc điều chỉnh Quy hoạch ba loại rừng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Theo nội dung Cử tri phản ánh là có nhiều vị trí, khu vực tại xã Cao Quảng có hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp không phù hợp với thực tế. Vấn đề này có liên quan liên quan đến kết quả kiểm kê rừng năm 2016 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3723/QĐ-UBND ngày 21/11/2016. Theo quy trình kiểm kê, UBND xã (thuộc đối tượng 1) được cấp kinh phí và trực tiếp thực hiện việc  kiểm kê các diện tích rừng do UBND xã quản lý. Ngoài ra, hàng năm UBND xã có trách nhiệm rà soát, cập nhật diễn biến rừng và tổng hợp kết quả theo dõi diễn biến rừng đối với các diện tích rừng do xã quản lý gửi Hạt Kiểm lâm tổng hợp, cập nhật kết quả diễn biến rừng trình UBND tỉnh phê duyệt.

 

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND xã Cao Quảng chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát, cập nhật diễn biến rừng trên địa bàn xã phù hợp với thực tế và tổng hợp số liệu gửi về Hạt Kiểm lâm tổng hợp, cập nhật kết quả diễn biến rừng năm 2022 trình UBND tỉnh phê duyệt, làm căn cứ thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm phối hợp hỗ trợ UBND xã trong quá trình thực hiện.

 

(Căn cứ Công văn số 3285/SNN-KHTC ngày 02/12/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trước  kỳ họp 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

 

5. Đề nghị Tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí hàng năm cho các chủ rừng là hộ gia đình được giao bảo vệ rừng tự nhiên (Cử tri xã Cao Quảng).

 

Trả lời:

  

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng được áp dụng theo quy định tại: Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông lâm nghiệp thực hiện; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc; Nghị định số 119/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ ban hành chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Theo quy định tại các văn bản nêu trên, đối với các diện tích rừng tự nhiên giao hộ gia đình, cá nhân quản lý không thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng, nên Sở Nông nghiệp và PTNT không có cơ sở để tham mưu bố trí kinh phí bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách Trung ương cấp. Tuy nhiên, trong dự toán kinh phí giao hàng năm của các địa phương, UBND tỉnh có cấp kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; đề nghị các địa phương cân đối hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân thực hiện công tác bảo vệ đối với các diện tích rừng tự nhiên được giao quản lý.

 

Theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030: Từ năm 2023, đối với các diện tích rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình cá nhân (ngoài khu vực II, III) được hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng; mức hỗ trợ thực hiện theo của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình PTLN bên vững. Như vậy, từ năm 2023, căn cứ nguồn kinh phí được cấp hàng năm và kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng của các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân khai bố trí kinh phí hỗ trợ bảo vệ đối với các diện tích rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình cá nhân quản lý theo đúng quy định của Nhà nước.

 

(Căn cứ Công văn số 3285/SNN-KHTC ngày 02/12/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trước  kỳ họp 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

 

6. Trên địa bàn xã Thuận Hóa có nhiều công ty khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng được các cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, trong những năm gần đây các công ty ngừng hoạt động, (Công ty sản xuất vật liệu Đại Phúc) nhưng hàng năm UBND tỉnh vẫn cân đối giao cho địa phương thu thuế cho xã nhưng không thu được. Đề nghị Tỉnh có giải pháp để giảm bớt khó khăn cho xã (cử tri Nguyễn Xuân Các, xã Thuận Hóa).

 

Trả lời

 

Thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2022; Quyết định số 4151/QĐ-UBND ngày 15/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2022 cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; theo đó, năm 2022 địa bàn huyện Tuyên Hóa được UBND tỉnh giao thu cân đối điều tiết từ các khoản thu do tỉnh quản lý với số tiền là 7.857 triệu đồng (gồm thu tiền thuê đất 600 triệu đồng, thu cấp quyền khai thác khoáng sản 7.257 triệu đồng).

 

Đây là khoản thu của các đơn vị khai thác khoáng sản do tỉnh quản lý có thời gian dài không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, có số nợ đọng thuế lớn và kéo dài (như Công Ty Cổ Phần Khai Thác Sản Xuất Bột Đá chất lượng cao Linh Thành Quảng Bình; Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Vật Liệu và Xây Dựng Cosevco 1; Công ty CP XD Đại Phúc Quảng Bình; Công ty khoáng sản Minh Cầm...); mặc dù tỉnh, huyện và các cơ quan chức năng đã làm việc với các đơn vị nhưng do khả năng tài chính của các đơn vị quá khó khăn nên không thực hiện; đến thời điểm hiện nay mới thu điều tiết được 341 triệu đồng, đạt 4,3% kế hoạch. Số thu này không đạt đã làm ảnh hưởng đến cân đối nhiệm vụ chi của huyện nói chung và một số xã nói riêng (trong đó có xã Thuận Hóa). UBND huyện Tuyên Hóa trả lời để cử tri xã Thuận Hóa được rõ, đồng thời kính đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh xem xét cấp bù hụt thu các khoản thu điều tiết do tỉnh quản lý năm 2022 và không giao khoản thu này của các năm tiếp theo.

 

(Công văn số 1751/UBND  ngày 02/12/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII)

More