Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 1757

  • Tổng 2.966.105

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh

Post date: 12/12/2023

Font size : A- A A+

 

1. Đối với việc phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình

 

Trong thời gian vừa qua, thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1143/QĐ-UBND, ngày 10/4/2018 của UBND tỉnh, thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình đã đạt được thành tích đáng ghi nhận.

 

 

Hàng năm thể thao Quảng Bình luôn đóng góp cho các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia từ 05 - 10 VĐV để tham gia thi đấu tại các giải quốc tế và luôn giành được thứ hạng cao tại các kỳ SEA Games, ASIAD; tham gia thi đấu từ 25 - 28 giải đấu cấp quốc gia, quốc tế hàng năm các VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh đã mang về cho thể thao tỉnh nhà từ 130 - 150 huy chương các loại, trong đó có từ 05 - 10 huy chương quốc tế, tiêu biểu có các VĐV như: Nguyễn Huy Hoàng môn Bơi; Nguyễn Thị Hương và Hoàng Thị Ngọc môn Điền kinh; Lường Thị Thảo môn Đua thuyền Rowing; Trương Xuân Nguyên môn Đua thuyền Canoeing.…;

 

Thông qua giải Hội khỏe Phù đổng các cấp, huấn luyện viên các Bộ môn đã tìm kiếm, tuyển chọn, và tổ chức đào tạo nghiệp dư khoảng 100 - 120 vận động viên các môn; sau đó tiến hành kiểm tra, đánh giá thẩm định chất lượng để tuyển bổ sung vào năng khiếu các bộ môn trung bình từ 15 - 20 VĐV

 

Hằng năm, Trung tâm HL&TĐ TDTT đào tạo trung bình từ 60 - 80 VĐV. Hiện tại có 75 VĐV đang tập trung ở các tuyến năng khiếu (52 VĐV), tuyến trẻ tỉnh (14 VĐV) và tuyến tỉnh (09 VĐV) ở 7 bộ môn trong hệ thống đào tạo VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh bao gồm: Bơi, Lặn, Điền kinh, Đua thuyền Rowing, Đua thuyền Canoeing, Bi sắt, Cử tạ. Trong lộ trình thực hiện của Đề án, trong năm 2019 đã phát triển thêm môn Bi sắt và năm 2023 đã phát triển thêm môn Cử tạ.

 

Đạt được những kết quả đó, ngoài sự nổ lực, cố gắng của đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên là sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND; sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương và sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế- xã hội của tỉnh nhà còn khó khăn, nhưng nữa đầu nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã ban hành 02 nghị quyết liên quan đến chính sách đặc thù đối với thể thao thành tích cao (nghị quyết số 26/NQ-HĐND và nghị quyết số 58/NQ-HĐND) đã tạo động lực rất lớn động viên cả vật chất và tinh thần đối với các VĐV, HLV.

 

Tuy đạt những kết quả đáng ghi nhận nhưng trong những năm qua thể thao tỉnh ta vẫn phát triển thiếu bền vững, thể hiện trên một số mặt sau:

 

- Do điều kiện nguồn ngân sách được cấp hàng năm cho công tác đào tạo VĐV còn hạn chế; chính vì vậy thành tích thể thao hiện nay còn bó hẹp ở một số bộ môn, lực lượng vận động viên còn mỏng. Việc tăng số lượng VĐV được tuyển chọn vào tuyến năng khiếu còn gặp khó khăn, việc đầu tư mở rộng thêm một số môn thể thao mới cũng gặp không ít vướng mắc. Chính vì vậy, số lượng VĐV đang được đào tạo ra còn thấp, hiện tại đang đào tạo 75 vận động viên, so với lộ trình Đề án phát triển thể thao thành tích cao dự kiến từ 100 - 140 VĐV.

 

- Đội ngũ huấn luyện viên còn thiếu ở hầu hết các bộ môn. Hiện tại, đội ngũ huấn luyện viên của đơn vị có 12 người, đang tập trung huấn luyện 7 bộ môn: Bơi, Lặn, Đua thuyền Rowing, Đua thuyền Canoeing, Điền kinh, Bi sắt, Cử tạ; tuy nhiên, hiện một số Bộ môn chỉ được 01 huấn luyện viên làm công tác huấn luyện ở cả 3 tuyến, địa điểm tập luyện phải phân tán các tỉnh khác, vì vậy, việc di chuyển đi lại, ăn ở, sinh hoạt, quản lý, nắm bắt tư tưởng của vận động viện còn khó khăn.

 

- Công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu; việc phân tích, đánh giá các chỉ số chuyên môn nhằm tạo ra sự chính xác, khoa học trong tuyển chọn, từ đó đưa ra được các phương pháp tập luyện phù hợp với khả năng phát triển của từng vận động viên còn hạn chế

 

- Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tập luyện của các bộ môn hầu như không có, các VĐV thuộc các bộ môn phải đi tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia hoặc ở các địa phương có cơ sở vật chất tốt hơn (như Hải phòng, Nghệ an, Đà Nẵng, Cần Thơ), do đó rất tốn kém về kinh phí thuê địa điểm tập luyện, ăn, ở sinh hoạt và việc học tập văn hóa của các vận động viên.

 

Tôi cũng xin so sánh ngân sách đầu tư cho phát triển Thể thao thành tích cao giữa Quảng Bình và 02 tỉnh  tỉnh lân cận là Hà Tĩnh và Quảng Trị; số liệu này được cấp nhật tại thời điểm tháng 10/2023

 

 

 

 

TT

Nội dung

ĐVT

Quảng Bình

Hà Tĩnh

Quảng Trị

1

Kinh phí cấp cho hoạt động Thể thao thành tích cao

Tỷ đồng

8,77

42

12

2

Số môn tập trung đào tạo

Môn

7

10

8

3

Số VĐV hiện đang đào tạo

VĐV

75

275

120

4

Số HLV làm công tác huấn luyện

HLV

12

18

15

                                                               

 

 Để Thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình phát triển nhanh và tạo sự ổn định, bền vững trong những năm tiếp theo; kính đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm một số nội dung sau:

 

- Hằng năm cho tăng dần chỉ tiêu biên số lượng đào tạo VĐV từ 10 - 20 vận động viên để thực hiện công tác phát triển nguồn VĐV nhằm tạo nền tảng vững chắc và có tính kế thừa ở các tuyến đào tạo. Đồng thời cho phát triển thêm các môn thể thao mới theo định hướng lộ trình Đề án phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh, góp phần đảm bảo mục tiêu đề ra.

 

- Quan tâm bố trí thêm định biên Huấn luyện viên hoặc có chủ trương cho hợp đồng thuê khoán chuyên gia ở một số bộ môn mũi nhọn đáp ứng với tình hình thực tế và thực hiện tốt công tác huấn luyện, đào tạo góp phần nâng cao thành tích tại các giải thi đấu cấp quốc gia, quốc tế

 

- Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như bể bơi đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; sân điền kinh phủ nhựa tổng hợp, phòng tập thể lực nhằm phục vụ cho việc tập luyện và thi đấu của các bộ môn, khu ký túc xá VĐV phục vụ công tác ăn, ở, tập luyện lâu dài cho các VĐV ở các bộ môn tại địa phương.

 

2- Đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh.

 

Tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022, tôi cũng đã đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh. Tại Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và các nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách năm 2023 (Kế hoạch số 26/KH-UBND, ngày 06/01/2023 của UBND tỉnh) đã giao cho Sở Văn hóa và thể thao tham mưu UBND tỉnh ban hành Nghị quyết HĐND tỉnh quy định một số chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh.

 

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã dự thảo tờ trình Nghị quyết để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp này; tuy nhiên do nguồn lực còn khó khăn, nên sau khi trao đổi với Sở Tài chính, thống nhất đề nghị ban hành nghị quyết vào năm 2024.

 

Hiện nay, tỉnh ta đã có 141 di tích đã được xếp hạng, trong đó  có 56 di tích cấp quốc gia, 86 di tích cấp tỉnh; trong đó có 126 di tích đã được phân cấp quản lý cho các địa phương trực tiếp quản lý về mặt nhà nước, có 5/126 di tích được UBND huyện hỗ trợ người trông coi, bảo vệ. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, có 02 di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO đưa vào danh mục các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị khác; có 43 câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

 

Tuy nhiên, hàng năm ngân sách tỉnh bố trí từ 5-6 tỷ đồng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản là chưa đáp ứng yêu cầu, đến nay có 56 di tích từ khi xếp hạng và 47 di tích xuống cấp xuống cấp trầm trọng vẫn chưa được bố trí nguồn để tu bổ; việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh cũng chưa duy trì thường xuyên; các câu lạc bộ hầu hết đều hoạt động với tinh thần tự nguyện, vì tâm huyết và trách nhiệm trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.

 

Vì vậy, để di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và phát huy giá trị; tôi đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực để ban hành nghị quyết quy định một số chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

 

(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Nguyễn Thị Bích Thủy,

Tổ đại biểu huyện Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII) 

More