Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 2894

  • Tổng 2.892.339

Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Post date: 30/10/2022

Font size : A- A A+

 

Tiếp tục tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý đối với một số nội dung sau:

 

1. Về Thanh tra sở, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc về các trường hợp thành lập Thanh tra sở được quy định tại khoản 2 Điều 26. Nên chăng, cần quy ngay trong luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập tổ chức Thanh tra Sở để tạo sự thống nhất chung trong toàn quốc. Bởi, với quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến sự tuỳ nghi, cùng một chức năng nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước, nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau. 


2. Về trách nhiệm của Thanh tra tỉnh quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật: “Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra”, đây là thanh tra hành chính. Vậy, các cuộc thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các Sở không thành lập cơ quan thanh tra sẽ như thế nào? Quy định như thế này liệu có “quá tầm” đối với Thanh tra tỉnh hay không, bởi mỗi lĩnh vực có tính chất, đặc thù riêng. Đồng thời, quy định như thế này có “bỏ sót” trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành hoặc có tạo ra sự “xung đột” thẩm quyền của Thanh tra tỉnh và các sở không thành lập cơ quan thanh tra hay không?


Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc và giải trình rõ những nội dung trên.


3. Về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ


Tại khoản 1 Điều 34 quy định tiêu chí, điều kiện thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành ở cơ quan thuộc Chính phủ chỉ khi đáp ứng đủ 02 điều kiện: (1) được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và (2) được luật giao nhiệm vụ thanh tra.


Về vấn đề này, trong báo cáo giải trình của UBTVQH có nêu “để đáp ứng yêu cầu quản lý thì một số cơ quan thuộc Chính phủ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) và cơ quan khác của Nhà nước (Ban Cơ yếu Chính phủ) đã được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra”. 


Tuy nhiên, trong các cơ quan trên thì chỉ có cơ quan thanh tra trong Ban Cơ yếu Chính phủ đã được nêu rõ trong dự thảo luật tại khoản 4 Điều 9 và Điều 114; còn Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được đề cập trong dự thảo luật; đồng thời dự thảo luật cũng chưa quy định rõ, cơ quan thuộc Chính phủ có cơ cấu tổ chức theo ngành dọc thì chỉ thành lập cơ quan thanh tra ở trung ương hay cả trung ương và địa phương. Do đó, để tránh cách hiểu khác nhau, cũng như để thuận tiện trong quá trình áp dụng, đề nghị bổ sung, sửa đổi khoản 3 Điều 9 và khoản 2 Điều 34, cụ thể như sau:


- Khoản 3 Điều 9: “3. Cơ quan thanh tra được thành lập ở cơ quan thuộc Chính phủ: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan khác theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này.”


- Khoản 2 Điều 34: “2. Tổ chức của cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cơ quan thuộc Chính phủ có cơ cấu tổ chức theo ngành dọc được thành lập cơ quan thanh tra theo khoản 1 Điều này thì được tổ chức cơ quan thanh tra ở cấp trung ương và địa phương.


4. Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra (Điều 50), tại khoản 3 quy định: “Trưởng đoàn thanh tra là người đứng đầu Đoàn thanh tra, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra …”.


Đề nghị bổ sung từ “phạm vi” sau từ “nội dung” nhằm quy định rõ trách nhiệm của Đoàn thanh tra phải tiến hành đúng phạm vi để đảm bảo nguyên tắc hoạt động thanh tra được quy định tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Luật là“Không trùng lặp về phạm vi,…”.


Sửa lại như sau:“Trưởng đoàn thanh tra là người đứng đầu Đoàn thanh tra, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, phạm vi, tiến độ thanh tra theo Quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra…”


5. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, phân định rõ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong dự thảo Luật để tránh sự trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Đồng thời, quy định rõ về việc thành lập Đoàn thanh tra liên ngành.


6. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế tài xử lý sau thanh tra đối với các sai phạm về kinh tế của các tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra có sai phạm nhưng thực hiện không nghiêm túc, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực./.


Phòng CTQH
 

More