Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 13

  • Hôm nay 2985

  • Tổng 3.020.497

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng kết hoạt động giám sát các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa

Post date: 10/04/2023

Font size : A- A A+

Thực hiện các nghị quyết (NQ) của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT, SGK GDPT), Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã giám sát tại các địa bàn, cơ sở giáo dục, trường học trong tỉnh. Qua giám sát đã nhận diện rõ những kết quả đạt được và bất cập, hạn chế, từ đó tổng hợp các đề xuất, kiến nghị vào báo cáo trình Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho việc thực hiện đổi mới CT, SGK GDPT trong giai đoạn tới. 

 

Qua khảo sát bằng văn bản và trực tiếp với các địa phương, phòng, ban chức năng, các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên (GV), học sinh (HS), đoàn giám sát đã nắm bắt cơ bản khá đầy đủ về kết quả triển khai thực hiện các NQ số 88/2014/QH13 (NQ 88) và NQ số 51/2017/QH14 (NQ 51) của Quốc hội về đổi mới CT, SGK GDPT trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, việc triển khai đổi mới CT, SGK GDPT đã được tỉnh quan tâm thực hiện theo đúng tinh thần NQ 88 và NQ 51 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành liên quan và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã có sự chuẩn bị tốt để triển khai chương trình trên địa bàn toàn tỉnh.

Báo cáo của Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp cơ bản đầy đủ, toàn diện những kết quả, tồn tại, các kiến nghị, đề xuất của cán bộ, giáo viên (GV), các trường học, cơ sở giáo dục, phòng, ban chức năng, địa phương…

Trên cơ sở kết quả giám sát, cùng với việc xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và của tỉnh để có sự phối hợp, đồng hành hiệu quả trong đổi mới CT, SGK GDPT, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm và 3 nhóm giải pháp quan trọng, mang tính chất bao trùm về xây dựng chính sách, giám sát thực hiện, quản lý nhà nước, đầu tư các nguồn lực, là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT, SGK trong thời gian tới.

Đoàn cũng đã tổng hợp các kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Nội dung kiến nghị bao gồm các chính sách đặc thù; nguồn nhân lực; cơ chế tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, GV khi dạy vượt giờ, làm việc vượt mức quy định do thiếu biên chế; tăng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương còn nhiều khó khăn để bảo đảm cơ sở vật chất; chính sách đối với nhân viên, hỗ trợ tiền học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm; xây dựng và triển khai lộ trình đào tạo GV các bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật; các nội dung về đầu tư cơ sở vật chất; lộ trình kiểm định, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn mới; rà soát những bất cập, hạn chế trong chương trình cũng như trong các bộ SGK GDPT để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện...

Đánh giá về CT, SGK mới, nhiều ý kiến khẳng định sự thành công của quá trình cụ thể hóa việc đổi mới giáo dục từ tập trung trang bị kiến thức sang rèn luyện kỹ năng, phát triển phẩm chất, tư duy người học, tăng tính thực hành và nội dung thực tiễn, tạo sự hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Các bài học trong SGK vừa yêu cầu, vừa tạo điều kiện cho GV vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức dạy học với HS làm trung tâm; trao quyền tự chủ, khuyến khích sự chủ động, sáng tạo đối với cả HS và GV, phát huy khả năng tự học của các em.

Với việc trao quyền tự chủ cho nhà trường, GV và HS trong thực hiện đổi mới CT, SGK, dựa trên yêu cầu của CT, SGK mới, Trường tiểu học và THCS Chu Văn An đã thiết kế một bộ sách phù hợp với đặc thù của trường tư thục, đặc điểm của HS và GV. Việc đánh giá chất lượng bộ sách cần có thời gian, nhưng đây là hướng đi đúng với tinh thần đổi mới CT, SGK hiện nay.

Đạt được những hiệu quả cơ bản nêu trên, quá trình triển khai thực hiện các NQ của Quốc hội về đổi mới CT, SGK GDPT, việc lựa chọn SGK trên địa bàn tỉnh được tiến hành nghiêm túc, công khai và minh bạch theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và của UBND tỉnh về các tiêu chí lựa chọn SGK. Ngành GD-ĐT thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, tư vấn cho các cơ sở GDPT trong xây dựng kế hoạch giáo dục, triển khai linh hoạt, phù hợp thực tế địa phương, đúng theo tinh thần đổi mới.

Để khắc phục một số khó khăn nảy sinh về mặt kinh phí, công tác xã hội hóa đã được quan tâm chú trọng. Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ về kinh phí phục vụ mua sắm SGK cho các em có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để HS và nhà trường triển khai đổi mới CT, SGK thuận lợi. 

Đội ngũ GV trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ đạt chuẩn cao, được tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, nắm bắt cơ bản các kỹ thuật, công nghệ phục vụ cho dạy học. Đây là nền tảng quan trọng giúp việc tiếp nhận phương pháp giảng dạy, cách thức giảng dạy của chương trình GDPT mới tốt hơn
Tuy nhiên, cùng với những kết quả khá tích cực nêu trên, qua thực tế cho thấy việc triển khai CT, SGK GDPT hiện vẫn còn những khó khăn, bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ, khắc phục, sửa đổi.

Về biên chế, trong bối cảnh ngành GD-ĐT đang thiếu hàng nghìn GV, việc triển khai các nội dung đổi mới CT, SGK GDPT càng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt đối với cấp THPT, các môn tự chọn hiện thiếu nhiều GV. Để khắc phục tình trạng này, nhiều trường đã động viên HS học các môn tự chọn có đủ GV nên chưa đáp ứng nhu cầu của HS và yêu cầu đổi mới.

Tình trạng thiếu GV, áp lực về tinh giản bộ máy và biên chế cũng đặt ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình. “Việc sáp nhập các trường, thu gọn đầu mối là cần thiết. Tuy nhiên quá trình sáp nhập cần có sự tính toán kỹ lưỡng. Sáp nhập các trường cùng cấp là phù hợp, nhưng đối với hai trường khác cấp, cụ thể như tiểu học và THCS, việc quản lý, điều hành và thực hiện mục tiêu đổi mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì mỗi cấp học đòi hỏi một yêu cầu khác nhau!”, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Đồng Sơn Nguyễn Thị Uyến chia sẻ.
 Bên cạnh đó, quy trình lựa chọn SGK, các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu GV, huy động nguồn lực xã hội hóa… vẫn còn nhiều bất cập, rào cản, chưa có cơ chế cụ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý và sự chủ động cho các trường nên còn nhiều lúng túng.

Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vẫn còn nhiều HS chưa quen với nội dung và tinh thần SGK, GV ngại đổi mới nên còn lúng túng trong dạy và học. Tình trạng “dạy chay, học chay” do hạn chế về cơ sở vật chất; chất lượng, số lượng đội ngũ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; chưa được tập huấn chuyên sâu, đào tạo, đào tạo lại... đang là những khó khăn trong việc thực hiện đổi mới CT, SGK GDPT.

Chương trình mới cũng đòi hỏi sự tham gia hỗ trợ thường xuyên của gia đình vào quá trình học tập của HS; yêu cầu GV chủ động, nắm vững nội dung SGK, đặc điểm HS tại các trường để xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Tuy nhiên tại một số địa bàn nông thôn và trường học, vai trò của phụ huynh và GV vẫn còn mờ nhạt, ảnh hưởng đến hiệu quả chung.

Cùng với nhiều ý kiến đánh giá khá cao về chất lượng bộ SGK mới, qua giám sát cho thấy gần 50 đầu SGK các môn học từ lớp 3-lớp 10 đã nhận được hàng trăm ý kiến đóng góp cụ thể của cán bộ, GV các trường. Các ý kiến đã phân tích sâu cả về nội dung và hình thức thể hiện, những điểm hạn chế thiếu phù hợp của SGK mới và đề nghị bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu đề ra.

Về giá sách, với mức 179.000-301.000 đồng/bộ sách tùy theo cấp học, nhiều phụ huynh nhận xét đây là mức giá khá cao đối với phụ huynh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nên cần xem xét các giải pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số ý kiến phụ huynh khu vực đồng bằng, đô thị khẳng định giá SGK hiện nay khá phù hợp nhưng cần phải có sự minh bạch, thống nhất đối với việc lựa chọn các loại sách tham khảo, tránh tình trạng “lập lờ” giữa SGK mới và sách tham khảo để hạn chế lãng phí và gánh nặng cho phụ huynh.

Những nội dung nêu trên đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp thu, trong đó các ý kiến góp ý của cán bộ, GV các trường học, cơ sở giáo dục về CT, SGK đã được tổng hợp đầy đủ, gửi đến hội đồng biên soạn xem xét, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung trong thời gian sớm nhất.

Ở cấp tỉnh, các nội dung kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh đối với HĐND tỉnh về thời gian thực hiện việc giao biên chế giáo dục cho các trường; nghiên cứu ban hành nghị quyết tăng mức hỗ trợ tiền ăn và sinh hoạt phí cho học sinh (HS) trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn... được tiếp thu và đẩy nhanh việc thực hiện. Trong đó, nghị quyết tăng mức hỗ trợ tiền ăn và sinh hoạt phí cho HS trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn với mức 50.000 đồng/ngày/HS đã được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) tổ chức vào ngày 24/3/2023.
 Mức hỗ trợ hiện nay đang thực hiện theo Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục-Đào tạo là khoảng trên 30.000 đồng/ngày/HS. Với mức hỗ trợ này, những năm gần đây, các nhà trường đã không còn phù hợp với tình hình giá cả hiện nay. Việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết tăng thêm 20.000 đồng/ngày/HS sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống, sinh hoạt cho các em, giúp các em yên tâm học tập, cũng là tiền đề quan trọng để nhà trường nỗ lực thực hiện đổi mới CT, SGK, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Cũng tại kỳ họp chuyên đề, nghị quyết về quyết định số lượng hợp đồng lao động giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm 2023 đã được thông qua, là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả việc đổi mới CT, SGK GDPT.
 Đối với UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nội dung kiến nghị cụ thể về tài liệu giáo dục địa phương; cơ chế chính sách hỗ trợ GV công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, GV chuyên biệt trong các trường dân tộc nội trú; động viên, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục tư thục, mở rộng quy mô; chỉ đạo các sở ngành tham mưu thực hiện quy trình giao biên chế giáo dục; công tác điều động, luân chuyển GV phù hợp, tránh thừa, thiếu cục bộ; khảo sát nhu cầu học môn tự chọn của HS trước khi vào lớp 10 THPT để có cơ sở chủ động kế hoạch đào tạo, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị... Những nội dung kiến nghị này đã được UBND tỉnh tiếp thu và khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét tham mưu thực hiện.  

Sau khi nhận được Báo cáo số 11/BC-ĐĐBQH ngày 13/02/2023 của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Văn phòng Chính phủ đã có Phiếu chuyển số 343/PC-VPCP ngày 24/2/2023 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo theo quy định.  

Xem toàn văn Báo cáo tại đây

Phòng Công tác Quốc hội

More