Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 148

  • Hôm nay 2891

  • Tổng 4.129.483

Triển khai thực hiện chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội

Post date: 25/11/2023

Font size : A- A A+

Sáng ngày 17/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 62 điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện chương trình giám sát (GS) năm 2024 do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì.

Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh và các sở, ngành liên quan.

Hội nghị đã đánh giá toàn diện tình hình triển khai chương trình GS của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và triển khai các nội dung chương trình GS của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

 
Theo đó, với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác GS là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động GS của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ và hoàn thành các nội dung theo kế hoạch.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Hoạt động GS của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng thể hiện tính linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được cử tri, nhân dân, các đại biểu Quốc hội quan tâm.
 
Một trong những điểm mới, khác với hoạt động GS thông thường nhằm góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật là năm nay, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện GS đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn bắt đầu triển khai thực hiện, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Qua đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả GS theo Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15, ngày 3/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được, chia sẻ những kinh nghiệm hay, nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong hoạt động GS và trao đổi, thống nhất về nội dung, phương thức GS, công tác phối hợp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chương trình GS năm 2024 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh những kết quả nổi bật, cũng như tồn tại, hạn chế trong hoạt động GS của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động GS năm 2024, như: Tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động GS của Quốc hội và HĐND; ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
 
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Hiệu quả hoạt động GS có tác động quan trọng không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Hoạt động GS của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hoạt động GS không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự GS thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý, những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.
 
Do đó, hoạt động GS của Quốc hội nói chung được xác định là một trong những khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội.

Phòng Công tác Quốc hội

More