Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 21

  • Hôm nay 4176

  • Tổng 2.948.543

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại UBND tỉnh Quảng Bình

Post date: 27/12/2021

Font size : A- A A+

 

Tiếp tục thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”, chiều ngày 23/12/2021, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Nguyễn Minh Tâm – TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn giám sát tại UBND tỉnh Quảng Bình. Ông Đoàn Ngọc Lâm – Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình và lãnh đạo các sở Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng đại diện cho các đơn vị giám sát đã tham dự buổi làm việc.

 

Đoàn Giám sát đã nghe ông Mai Xuân Toàn – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đại diện các cơ quan chịu sự giám sát trình bày báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian từ 2019-2021.

Theo Đề án, tỉnh Quảng Bình không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 -2021, có 18 ĐVHC cấp xã (16 xã và 02 phường) chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Thực hiện Nghị quyết số 862/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Quảng Bình có: 09 xã, phường, thị trấn mới hình thành gồm các xã Ngư Thuỷ, Trường Thuỷ thuộc huyện Lệ Thuỷ; phường Đồng Hải thuộc thành phố Đồng Hới; thị trấn Phong Nha, thị trấn Hoàn Lão, xã Hải Phú thuộc huyện Bố Trạch; xã Thạch Hoá thuộc huyện Tuyên Hoá; xã Liên Trường thuộc huyện Quảng Trạch; thị trấn Quy Đạt thuộc huyện Minh Hoá. Đến nay, tỉnh Quảng Bình có 151 ĐVHC cấp xã, gồm 128 xã, 15 phường, 08 thị trấn (giảm 08 xã, phường).

 

 

ông Mai Xuân Toàn – Phó Giám đốc Sở Nội vụ trình bày báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết của

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

 

Các địa phương đã sử dụng các hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt, như kết hợp sử dụng các phương tiện thông tin (trang thông tin điện tử của UBND huyện, hệ thống loa truyền thanh, xe lưu động,…),vận động thông qua người có uy tín trong cộng đồng để vận động cử tri tán thành với chủ trương sáp nhập. Nhờ vậy, kết quả lấy ý kiến cử tri tại các xã, phường sáp nhập cơ bản đạt tỉ lệ đồng thuận cao. Tuy vậy, trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, cử tri một số địa phương vẫn chưa có sự đồng thuận về chủ trương sáp nhập nên dù thuộc diện sắp xếp nhưng vẫn chưa thể đưa vào Đề án giai đoạn này. Cụ thể: một số xã như: xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch và xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn sau 2 lần tổ chức lấy ý kiến cử tri vẫn không đạt trên 50% cử tri tán thành phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã theo quy định.
Qua giám sát có thể thấy, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 là một chủ trương đúng đắn. Vì vậy, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời thực hiện việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, đảm bảo hoàn thiện về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.

 

 

Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày các kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh

để nâng cao chất lượng sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022 - 2030

 

Về cơ bản, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra cả về tiến độ thời gian, công tác tổ chức cũng như quản lý hành chính, đúng với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, bảo đảm phù hợp với diện tích tự nhiên, quy mô dân số, vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thống của cộng đồng dân cư, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội...trên cơ sở bảo đảm mục tiêu ổn định và phát triển. 

Tuy nhiên, chủ trương sáp nhập ĐVHC đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư cán bộ, công chức dôi dư, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tâm tư người dân một số đơn vị hành chính thuộc diện sáp nhập bởi lẽ sau khi sáp nhập, việc thực hiện các giao dịch hành chính gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, trụ sở hành chính xa, nhiều thủ tục, giấy tờ cần phải chuyển đổi giữa ĐVHC cũ và ĐVHC mới mất nhiều thời gian điều tra, xác minh. Mặt khác, các địa phương có những đặc thù phong tục tập quán, văn hoá, tôn giáo, lịch sử lâu đời, không gian lãnh thổ nằm cách biệt với các xã còn lại, việc sắp xếp ĐVHC tạo tâm lý e ngại nhất là ở những địa bàn có đặc thù về tôn giáo, văn hoá. Chính vì thế, dù có 08 đơn vị hành chính có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định nhưng chưa tiến hành sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021.

 

 

Bà Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh

 

Sau sắp xếp, Quảng Bình đã giảm 08 ĐVHC cấp xã tương ứng với giảm được 290 người, gồm 70 cán bộ, 80 công chức và 140 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo đó, có 150 cán bộ, công chức cấp xã và 140 người hoạt động không chuyên trách dôi dư phải thực hiện sắp xếp, giải quyết chế độ. Số lượng biên chế đã cắt giảm được trung bình là 36 người/ ĐVHC cấp xã. Dù có sự tồn đọng, dôi dư về nhân lực bắt buộc phải xử lý trong thời gian tới, tuy nhiên đây là một kết quả đáng ghi nhận, một bước tiến trong việc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả đúng tinh thần, chủ trương của Đảng, Nhà nước. 
Ước tính hàng năm kinh phí tiết kiệm được gần 29 tỉ đồng, góp phần tăng nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tổng kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 là trên 25 tỉ đồng.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn tới, UBND tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị một số nội dung. Nổi bật như đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP bổ sung quy định thời hạn bố trí, sắp xếp đối với CBCC dôi dư thống nhất với Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 nhằm đảm bảo chế độ, chính sách cho CBCC dôi dư. Tỉnh Quảng Bình cũng đánh giá việc sắp xếp không thể tiến hành một cách cứng nhắc, cơ học nhất là đối với những xã có địa hình chia cắt, phong tục, tập quán, tôn giáo tách biệt… Đối với những đơn vị này, đề nghị không áp dụng cứng nhắc các tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 để đảm bảo cho công tác giữ vững an ninh trật tự, ổn định chính trị tại địa bàn. Theo đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, các yếu tố đặc thù có ảnh hưởng và các quy định có liên quan để quy định và hướng dẫn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 -2030 đạt mục tiêu và hiệu quả như Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội; Đối với những đơn vị đã sáp nhập, tỉnh kiến nghị cần rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính, chế độ, chính sách bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức sau khi sắp xếp; tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc thay đổi giấy tờ có liên quan như: sổ hộ khẩu, chứng minh thư, căn cước công dân... Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy định về chức danh, số lượng và mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi sắp xếp.
 

Phòng Công tác Quốc hội

More