Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 21

  • Hôm nay 4035

  • Tổng 2.948.402

Giám sát sắp xếp đơn vị hành chính tại huyện Lệ Thuỷ

Post date: 27/12/2021

Font size : A- A A+

 

Sáng ngày 23/12/2021, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Nguyễn Minh Tâm – TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại UBND huyện Lệ Thuỷ. Các ĐBQH: Nguyễn Tiến Nam, Trần Quang Minh và đại diện lãnh đạo UBMTTQ tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp cùng tham gia Đoàn giám sát. Về phía huyện Lệ Thuỷ, tham dự buổi làm việc có đồng chí Đặng Đại Tình – Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo các phòng chuyên môn cùng chủ tịch UBND các xã vừa sáp nhập.

 

Huyện Lệ Thủy có 04 xã (trên tổng số 28 xã, 5 thị trấn) không đạt trên 50% tiêu chuẩn quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo quy định (xã Cam Thủy, xã Trường Thủy, xã Ngư Thủy Trung và xã Ngư Thủy Nam). Tuy nhiên, căn cứ số liệu tính đến tháng 4/2019 thì xã Cam Thủy đã đạt trên 50% tiêu chuẩn dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên không đưa vào danh sách xã thuộc diện sắp xếp. Huyện Lệ Thủy chỉ có 03 xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp gồm: xã Trường Thủy, xã Ngư Thủy Trung và xã Ngư Thủy Nam.

Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp xã của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện đã tuyên truyền đến người dân các xã sáp nhập về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp, các chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở; thời gian hoạt động các ĐVHC xã mới; việc bố trí công sở, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, công trình công cộng của các ĐVHC xã mới.... Số ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp đã bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định: 02 ĐVHC xã mới đều đạt trên 50% tiêu chuẩn quy mô dân số và diện tích theo quy định.

 

 

Đồng chí Đặng Đại Tình – Chủ tịch UBND huyện trình bày một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến chuyên đề giám sát


Tại buổi giám sát, các đại biểu đều khẳng định việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập ĐVHC là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước, thu gọn đầu mối tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trên địa bàn huyện có một số khó khăn, nhất là số lượng công chức dôi dư còn lớn; sau sắp xếp các ĐVHC mới dân cư đông, địa bàn rộng hơn nên cán bộ, công chức gặp khó khăn trong việc bám nắm địa bàn. 

 

 

Đoàn Giám sát làm việc tại UBND huyện Lệ Thuỷ

 

Phương án sắp xếp 04 ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện có được xây dựng dựa trên tình hình thực tế các yếu tố về vị trí địa lý, lịch sử, quốc phòng, an ninh của các ĐVHC do đó đảm bảo tính khả thi, phù hợp trên cơ sở các xã này trước đây là từ một xã sau đó chia tách nên nhận được sự tán thành tuyệt đối của HĐND các cấp.

Dù vậy, quá trình tiến hành chính quyền đã gặp một số khó khăn như: địa bàn huyện có 02 xã biển là Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam với đặc thù người dân chủ yếu làm nghề cá, thường xuyên vắng mặt nên việc lấy ý kiến gặp khó khăn nhất định. Tỷ lệ cử tri tham gia lấy ý kiến của 02 xã này không cao như các xã khác (xã Ngư Thủy Trung 82% và xã Ngư Thủy Nam đạt 84%); việc lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp ở một số xã ban đầu không nhận được sự đồng thuận cao từ người dân về vấn đề trụ sở làm việc của ĐVHC xã mới; thời gian lấy ý kiến theo quy định của tỉnh là từ ngày 28/7/2019 đến hết ngày 04/8/2019 (trùng ngay với thời điểm nghỉ tết Nguyên đán)…   

Tuy vậy, với sự vào cuộc ráo riết của các cấp chính quyền, việc sắp xếp của 2 xã đã hoàn thành đúng thời hạn. Sau khi sắp xếp, tổng số đầu mối các cơ quan, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tại các ĐVHC xã mới đã giảm 01 đầu mối/cơ quan, tổ chức/ĐVHC xã mới; đã giảm được tổng cộng 03 đơn vị trường học và 02 Trạm y tế xã.

Tổng số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tại 04 xã trước khi thực hiện sắp xếp thành 02 xã là 77 cán bộ, công chức và 53 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đến nay, 2 xã mới sáp nhập còn 53 cán bộ, công chức và 26 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đã bố trí nghỉ hưởng chế độ hưu trí, điều động đến xã khác và giải quyết chế độ dôi dư theo quy định cho 24 cán bộ, công chức và 27 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. 

Số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở 02 ĐVHC xã mới sau sắp xếp trên địa bàn huyện còn dôi dư là 15 người, gồm 13 cán bộ, công chức và 02 người hoạt động không chuyên trách, số lượng cán bộ quản lý ở các trường học sau sáp nhập còn dôi dư 03 người.

 

 

Chủ tịch UBND các xã sáp nhập trình bày một số những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế sáp nhập xã

 

Các xã mới sắp xếp đã tiến hành các thủ tục làm hồ sơ điều chỉnh các loại giấy tờ hiện nay bị sai lệch thông tin do sáp nhập xã, không thu phí, lệ phí. Một số Tổ công tác đã được cử về các xã để trực tiếp hướng dẫn và cấp đổi cho người dân. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử được tiếp tục đẩy mạnh theo triển khai, hướng dẫn của cấp trên. Hiện tại, UBND huyện đã thực hiện kết nối đồng bộ, liên thông từ UBND huyện đến UBND cấp xã và các phòng ban đối với 5 lĩnh vực: đất đai, tư pháp, cấp giấy đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, LĐTB&XH; thực hiện trả kết quả bản điện tử đồng thời với bản giấy đối với các TTHC thuộc lĩnh vực Kinh tế - Hạ tầng, LĐTB&XH, Tư pháp (Hộ tịch). Việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện chính quyền điện tử đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và chất lượng phục vụ người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó gồm cả những ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp.

Trước những tồn tại, vướng mắc trong việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, từ thực tiễn công tác, UBND huyện và các xã sáp nhập đề nghị đoàn giám sát có kiến nghị với Trung ương sớm ban hành văn bản quy định về tiêu chí cần phân loại cụ thể phù hợp với đặc thù và lịch sử hình thành ĐVHC của từng vùng, miền khác nhau; kéo dài thời gian sắp xếp cán bộ, công chức dư thừa. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh có chính sách tăng mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi nhưng có nguyện vọng thôi việc ngay, quy định rõ ràng, có lộ trình tinh giản đồng thời có cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng tinh giản để địa phương dễ dàng trong sắp xếp cán bộ dôi dư. 

Huyện cũng đề nghị đầu tư xây dựng trụ sở, cơ sở hạ tầng và ưu tiên chế độ cho các xã mới sáp nhập đề từ đó thấy rõ hiệu quả sáp nhập, làm động lực cho các xã đang trong diện sáp nhập có động lực tiến hành nhập trong thời gian tới.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Minh Tâm ghi nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền của huyện Lệ Thuỷ và tiếp thu những kiến nghị của huyện, các xã để kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền trong giai đoạn tới.

Phòng Công tác Quốc hội
 

More