Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 7503

  • Tổng 4.134.013

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Post date: 04/04/2024

Font size : A- A A+

1. Cử tri phản ánh và đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các quy định pháp luật liên quan theo hướng giảm tuổi nghỉ hưu cho công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, với nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi (như trước đây); đồng thời, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm xuống đủ 15 năm để phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế về sức khỏe và việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp (có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là đa số người lao động trong các doanh nghiệp là lao động phổ thông, làm công việc chân tay nặng nhọc, ở độ tuổi cao sẽ không đủ sức khỏe để hoàn thành công việc, chất lượng, hiệu quả lao động giảm sút; theo đó, doanh nghiệp cũng không mặn mà trong việc sử dụng người lao động cao tuổi và có xu hướng sa thải để tuyển lao động trẻ, tạo áp lực tâm lý, tinh thần cho người lao động cao tuổi).

 

Mặt khác, cử tri đề nghị xem xét sửa đổi quy định về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại hoặc nặng nhọc, độc hại theo hướng linh hoạt, phù hợp hơn với thực tế. Theo cử tri, quy định hiện hành thì người lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành) thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, nhưng không quá 05 tuổi so với độ tuổi nghỉ hưu bình thường là còn cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tế và cần phải nghiên cứu để có quy định phù hợp, linh hoạt hơn.

 

Ngoài ra, cử tri cũng phản ánh, theo quy định trước đây thì khi người lao động nghỉ hưu trước tuổi nghỉ hưu mỗi năm chỉ bị trừ 1%, còn quy định hiện nay mỗi năm nghĩ hưu trước tuổi nghỉ hưu bị trừ 2% và số năm đóng bảo hiểm xã hội lại tăng, rất thiệt thòi cho người lao động; theo đó, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh quy định trên phù hợp hơn để tránh thiệt thòi cho người lao động.

 

Trả lời:

 

 

Nội dung này được  ngày 26/9/2023, Bộ LĐTB và XH có Công văn số 4027 về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV  (cử tri xem nội dung trả lời tại đây) 

 

2. Cử tri cho rằng, việc tính lương hưu hiện nay theo phương pháp cộng toàn bộ lương trong quá trình tham gia bảo hiểm rồi chia bình quân và không tính tới hệ số trượt giá là không đảm bảo công bằng cho các đối tượng nghĩ hưu trong các thời kỳ; đặc biệt, đối với các đối tượng người lao động có thời gian công tác từ đủ 35 năm trở lên, khi nghỉ hưu sẽ có mức lương thấp hơn so với người lao động nghỉ trước năm 2018 do thay đổi cách tính lương hưu mới. Theo đó, cử tri đề nghị Chính phủ cần xem xét lại, khi tính lương hưu cần tính tới hệ số trượt giá giống như tính bảo hiểm xã hội 1 lần để đảm bảo cân đối mức lương hưu giữa hai thời kỳ, đảm bảo mức sống ổn định cho người lao động khi nghỉ hưu.

 

Trả lời:

 

Ngày 26/9/2023, Bộ LĐTB và XH có Công văn số 4030 về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV (cử tri xem nội dung trả lời tại đây) 

 

3. Cử tri phản ánh, mức lương hiện hành của nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước (theo Bảng lương số 4) quá thấp so với mặt bằng chung và điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, không đảm bảo trang trải cuộc sống tối thiểu cho người lao động để tái tạo sức lao động chứ chưa nói đến việc tích lũy cá nhân hoặc nuôi con nhỏ. nhất là đối với các đối tượng như nhân viên đánh máy, bảo vệ, văn thư, phục vụ… Theo đó, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét, sớm điều chỉnh mức lương cho các đối tượng này phù hợp với mặt bằng chung và điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay nhằm đảm bảo đời sống, sinh hoạt hoặc áp dụng trả lương theo mức tiền cụ thể cho từng vị trí việc làm phù hợp với mức thu nhập trung bình chung.

 

Trả lời:

 

Ngày 21/9/2023, Bộ Nội vụ có Công văn số 5414 về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV  (cử tri xem nội dung trả lời tại đây) 

 

4. Cử tri phản ánh, Quốc lộ 12B là tuyến đường kết nối lưu thông hàng hóa từ Cửa khẩu Cha Lo về Cảng Vũng Áng, lưu lượng xe qua lại rất nhiều, nhất là xe đầu kéo, xe có trọng tải lớn; tuy nhiên, hiện tại trên tuyến đường này có khoảng 3 km đi qua trung tâm thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa không đảm bảo an toàn giao thông. Tuyến Quốc lộ 12A, đoạn từ xã Mai Hoá đến cầu Văn Hoá và đoạn từ ngã ba xã Hương Hoá về cầu Đò Vàng, xã Kim Hoá, huyện Tuyên Hóa đã bị xuống cấp nghiêm trọng và không có lề đường nên rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, nắm bắt tình hình, đúng như cử tri phản ánh cần kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 12B, đoạn qua trung tâm thị trấn Đồng Lê và sớm có kế hoạch đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đoạn đường bị xuống cấp trên tuyến QL 12A nói trên.

 

Trả lời:

 

Ngày 06/10/2023, Bộ Giao thông - Vận tải có Công văn số 11289 về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV (cử tri xem nội dung trả lời tại đây) 

 

5. Cử tri phản ánh, chế độ thương binh và chế độ chất độc da cam đối với thương binh 4/4 rất thấp, không đủ các chi phí tối thiểu cho cuộc sống. Trong lúc đó, các đối tượng này nay tuổi đã cao, do ảnh hưởng của vết thương và hậu quả của chất độc da cam nên thường xuyên đau ốm, mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ về bảo hiểm y tế nhưng chi phí cho việc đi lại khám chữa bệnh rất tốn kém. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, tham mưu Chính phủ tăng mức trợ cấp cho các đối tượng nói trên để hỗ trợ họ phần nào trang trải cuộc sống và chi phí khám chữa bệnh.

 

Trả lời:

 

Ngày 21/9/2023, Bộ LĐTB và XH có Công văn số 3884/LĐTBXH-VP về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV  (cử tri xem nội dung trả lời tại đây) 

 

6. Cử tri phản ánh, hiện nay nhà nước chưa có chế độ, chính sách đặc thù nào dành cho lực lượng nhân viên bảo vệ rừng; trong khi đó đối với lực lượng này công việc hết sức vất vả. Thời gian làm việc trong ngày của nhân viên bảo vệ rừng không phải là 8 giờ hành chính thông thường mà tuần tra, kiểm soát, nắm thông tin cả ngày đêm (Ban ngày tuần tra, ban đêm nhiều nơi phải tổ chức các điểm trực). Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay do tỉnh giản biên chế nên đa số các đơn vị đều thiếu người, địa bàn quản lý lại rộng, công tác quản lý rất khó khăn, phức tạp nên một tháng nhân viên bảo vệ rừng chỉ nghỉ được 04 ngày nhưng thời gian làm thêm (04 ngày/tháng và làm thêm trong ngày) không được thanh toán do không có kinh phí. Mặt khác, do các trạm bảo vệ rừng thường xa trung tâm, một số trạm không có đường giao thông, không có điện sáng, nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh... nên về đời sống, sinh hoạt cũng hết sức khó khăn, thiếu thốn. Theo đó, cử tri đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung nghề bảo vệ rừng vào danh mục các ngành nghề nặng nhọc, độc hại để họ được nghỉ hưu sớm trước tuổi nghỉ hưu bình thường; đồng thời quan tâm tham mưu Chính phủ có chế độ hỗ trợ đặc thù đối với người lao động là nhân viên bảo vệ rừng.

 

Trả lời:

 

Ngày 26/9/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Công văn số 6857/NNPTNT-VP về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV (cử tri xem nội dung trả lời tại đây) 

 

More