Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 4437

  • Tổng 4.026.824

Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Post date: 28/07/2023

Font size : A- A A+

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, với 475 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,15%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".

Theo đó, Nghị quyết đã ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, sự đồng lòng của Nhân dân trong cả nước; vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp cho công cuộc phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở trong phòng, chống dịch.

Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng thủ dân sự và tình trạng khẩn cấp; khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý các tồn đọng, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế...

Cụ thể: để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tương tự, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 455/BC-ĐGS ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Đoàn giám sát.

Đồng thời, Quốc hội yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật về thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng và tình trạng khẩn cấp. Xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế, hóa chất bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu và Luật Giá. 

Khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại và ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền để xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó tập trung xử lý: Việc thanh toán, quyết toán chi phí dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo khối lượng thực tế phát sinh đối với dịch vụ xét nghiệm theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có đơn giá đặt hàng hoặc chưa có hợp đồng đặt hàng. 

Việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế và hàng hóa khác với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, phát sinh; việc sử dụng số thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế đã mua từ ngân sách nhà nước cho khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 mà người bệnh không phải trả tiền chuyển sang khám bệnh, chữa bệnh thông thường do người bệnh hoặc quỹ bảo hiểm y tế chi trả theo quy định hiện hành; vướng mắc trong thanh toán, quyết toán đối với việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động và tiếp nhận tài trợ, viện trợ từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022...

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch, bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhất là trong sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị trong nước; bảo đảm thuốc, vắc-xin, thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; bố trí ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong cả nước; tăng cường năng lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong việc ứng phó với dịch bệnh; nghiên cứu xây dựng đề án thành lập cơ quan Kiểm soát bệnh tật Trung ương.

Tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân; nghiên cứu mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả tương ứng với mức tăng bảo hiểm y tế. Giải quyết triệt để những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch và về y tế cơ sở, y tế dự phòng; khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; xây dựng tiêu chí và thực hiện thường xuyên việc thống kê, quản lý dữ liệu về y tế thống nhất trong cả nước; xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và các hành vi vi phạm.

Quốc hội cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra. Đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Xem toàn văn Nghị quyết tại đây.

Xem toàn văn Báo cáo số 455/BC-ĐGS ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Đoàn giám sát Quốc hội tại đây.

Phòng Công tác Quốc hội

More