Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 8344

  • Tổng 4.134.854

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương sau kỳ họp thứ V, Quốc hội khoá XV

Post date: 22/09/2023

Font size : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương sau kỳ họp thứ V, Quốc hội khoá XV

 

1. Cử tri xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch phản ánh, trước đây do việc đo đạc địa chính bị sai lệch nên gần 100 ha đất của xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch chuyển thành đất của phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn. Sau khi phát hiện sai lệch này, Nhân dân xã Quảng Xuân đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền yêu cầu điều chỉnh lại. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thị xã Ba Đồn giao lại phần đất chênh lệch nói trên về cho UBND huyện Quảng Trạch quản lý và trả về cho xã Quảng Xuân; đồng thời, yêu cầu UBND các cấp liên quan chỉ đạo tổ chức cắm mốc phân định ranh giới địa giới cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, đến nay, 100 ha đất nói trên vẫn chưa được chỉnh lý trên bản đồ địa chính; chưa có quyết định công nhận thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện Quảng Trạch; đồng nghĩa với việc chưa được trả về cho xã Quảng Xuân. Cử tri đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành và địa phương liên quan phối hợp giải quyết dứt điểm vấn đề này.

 

Trả lời

 

- Về ý kiến: “đo đạc địa chính bị sai lệch nên gần 100 ha đất xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch chuyển thành đất của Phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn” là không đúng. Bản đồ địa chính xã Quảng Xuân được Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Miền Nam đo vẽ tháng 10/2010 và được Sở Tài nguyên và môi trường ký duyệt ngày 14/12/2011. Tuyến địa giới hành chính thể hiện trên bản đồ địa chính hoàn toàn đúng theo hồ sơ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) (gọi tắt là hồ sơ địa giới 364) hiện đang quản lý tại địa phương. Quá trình đo đạc đã tuân thủ theo đúng các quy định về đo đạc và bản đồ. Bản đồ trước khi ký duyệt đã được công khai tại UBND xã, ranh giới hành chính giữa xã Quảng Xuân và phường Quảng Long đã được UBND hai xã ký xác nhận tại biên bản xác nhận thể hiện địa giới hành chính ngày 09/01/2010 (Phụ lục 9 tại Quyết định 08/2008/QĐ-BTNMT ngày 10/11/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). - Về ý kiến “chỉnh lý lại tuyến địa giới hành chính trên bản đồ địa chính”: Vừa qua, đoạn tuyến địa giới giữa xã Quảng Xuân và phường Quảng Long (khu vực xã Quảng Xuân đề nghị điều chỉnh lại địa giới) đã được các bên thống nhất lại ngoài thực 2 địa theo tình hình thực tiễn, việc thống nhất lại theo thực tế đã dẫn đến có sai khác so với hồ sơ địa giới 364 hiện đang quản lý. Tuy việc thống nhất lại tuyến địa giới hành chính mới đã được UBND cấp xã các bên, UBND cấp huyện và UBND cấp tỉnh ký duyệt, nhưng để được công nhận chính thức thì hồ sơ địa giới mới (được lập theo Quyết định 513/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ) đang được trình Bộ Nội vụ thẩm định để trình cơ quan có thẩm quyền ký duyệt nhằm thay thế hồ sơ địa giới 364 hiện nay đang quản lý. Vì vậy, việc chỉnh lý lại tuyến địa giới hành chính (do các bên thống nhất) trên bản đồ địa chính là chưa có căn cứ. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ điều chỉnh lại bản đồ địa chính theo đúng quy định khi đã có căn cứ đầy đủ.

 

(Công văn số 171/BC-STNMT, ngày 09/8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 5, QH khóa XV)

 

2. Cử tri xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch phản ánh, việc quy hoạch đất khu vực địa bàn xã Quảng Xuân chưa hợp lý, quá trình xây dựng quy hoạch không thông qua khu dân cư và cán bộ cơ sở nên có một số vị trí bị chồng lấn và sai lệch như: Khu đất nghĩa địa của thôn Xuân Kiều và thôn Thanh Lương; khu dân cư phía tây Quốc lộ 1A thuộc thôn Xuân Kiều; khu Trung tâm văn hoá thôn Thanh Bình. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xem xét, kiểm tra thực địa và  hồ sơ quy hoạch đất các khu vực nói trên để có sự điều chỉnh kịp thời những điểm chưa hợp lý.

 

Trả lời

 

Sau khi nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả như sau: Qua kiểm tra, rà soát xác định nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La của Khu kinh tế Quảng Bình đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 851/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2012. + Liên quan đến nội dung kiến nghị khi lập quy hoạch không thông qua khu dân cư và cán bộ cơ sở nên một số vị trí chồng lấn và sai lệch: trước đây khi lập Quy hoạch cụm công nghiệp cửa ngõ phía Tây Nam tại xã Quảng Xuân, trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La đã thông qua ý kiến khu dân cư, cũng như cán bộ cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi sử dụng đất của người dân tại thôn Xuân Kiều và thôn Thanh Lương như quy hoạch cụm công nghiệp trên khu vực đất nghĩa địa và khu dân cư phía Tây Quốc lộ 1A thuộc 2 thôn. 2 Hiện nay, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La tỉnh Quảng Bình đến năm 2040 đã tổ chức hội nghị để lấy ý kiến địa phương và nhân dân trong xã tham gia kiến ý vào điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La tỉnh Quảng Bình đến năm 2040 theo quy định. Theo ý kiến góp ý Khu kinh tế Quảng Bình cũng đã điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp phía Tây Nam Khu kinh tế tại xã Quảng Xuân phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, chủ yếu tập trung nhưng khu vực đã có các nhà máy sản xuất hiện hữu. Vừa qua Ban quản lý khu kinh tế Quảng Bình đã văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp (SKN) phía Tây Nam Khu kinh tế tại xã Quảng Xuân sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (SKC) trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Quảng Trạch (được phê duyệt tại Quyết định số 407/QĐUBND ngày 01/03/2023). Tuy nhiên, hiện nay UBND tỉnh chưa thống nhất chủ trương điều chỉnh. + Liên quan đến nội dung quy hoạch Khu Trung tâm Văn Hoá thôn Thanh Bình nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La: Hiện nay, theo ý kiến của nhân dân đã được Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình tiếp thu và điều chỉnh phù hợp theo đề xuất của địa phương và nhân dân. Theo điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Quảng Trạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 407/QĐ-UBND ngày 01/03/2023 đã phù hợp với thực tế cũng như trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La tỉnh Quảng Bình đến năm 2040 do Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình lập điều chỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Bình đang trình Bộ xây dựng, Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt.

 

(Báo cáo số 291/BC-UBND ngày 20/8/2023 của UBND huyện Quảng Trạch có  về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 5, QH khóa XV)

 

3. Cử tri xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh, trên dòng sông Gianh, đoạn thuộc địa bàn huyện Tuyên Hóa hoạt động khai thác cát, sạn diễn ra thường xuyên cả đêm lẫn ngày. Tuy đa số các doanh nghiệp khai thác cát sạn này đã được cơ quan chức năng cấp mỏ và giấy phép hoạt động, nhưng quá trình khai thác đã tận dụng triệt để thời gian và khối lượng, đặc biệt là khai thác cả đêm gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân 02 bên khu vực sông; mặt khác, việc khai thác đã tận dụng khoét sâu dưới lòng sông gây sạt lở ven bờ, lấn sâu vào đất canh tác, làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, mất đất sản xuất của người dân. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra trữ lượng cát, sạn trên sông Gianh tại các mỏ đã được cấp trong thời gian qua, đề nghị không cấp lại giấy phép khai thác cát, sạn để tránh gây sạt lở; hạn chế khai thác về đêm gây tiếng ồn ảnh hưởng sinh hoạt của Nhân dân.

 

Trả lời

 

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở ngành liên quan và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản trên địa bàn nhất là đối với khai thác cát, sỏi lòng sông. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa và UBND huyện Quảng Trạch trong công tác bảo vệ tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời phối hợp với các ngành và địa phương kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động khai thác trái phép, khai thác không chấp hành các nội dung quy định trong giấy phép, cụ thể Sở đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh thành lập 03 Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác quản lý, hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung kiểm tra trữ lượng cát, sạn trên sông Gianh tại các mỏ đã được cấp trong thời gian qua. Qua kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị được cấp phép phải đăng ký, đăng kiểm, quản lý tốt các tàu thuyền của đơn vị, khai thác đúng vị trí và công suất cho phép; chấp hành nghiêm việc lập báo cáo hoạt động khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản hàng năm theo đúng thực tế khai thác. Đồng thời, đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung vào giấy phép khai thác như quy định thời gian khai thác trong ngày từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác vào ban đêm. 3 Trường hợp các đơn vị được cấp phép khai thác ngoài khung giờ nêu trên là không chấp hành các quy định của pháp luật, nếu phát hiện thì cần xử lý nghiêm. Về nội dung việc khai thác đã tận dụng khoét sâu dưới lòng sông gây sạt lỡ ven bờ, lấn sâu vào đất canh tác, làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, mất đất sản xuất của người dân: Theo kết quả kiểm tra trong thời gian qua thì việc sạt lỡ hai bên bờ sông Gianh là có thực tế, và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa, UBND các xã dọc 2 bên bờ sông Gianh tăng cường công tác kiểm tra để ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát trái phép; đồng thời giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác cát của các đơn vị được cấp phép để phát hiện và kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác như khai thác vượt diện tích, trữ lượng; khai thác không đúng giờ ghi trong giấy phép… Về nội dung cử tri đề nghị không cấp lại giấy phép khai thác cát sạn để tránh gây sạt lỡ: Về nội dung này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu không tham mưu UBND tỉnh quy hoạch mới và cấp phép tại các vị trí có nguy cơ sạt lỡ bờ sông đoạn qua địa bàn huyện Tuyên Hóa như đề nghị của cử tri. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức được cấp phép khai thác trên địa bàn, sẽ xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng pháp luật, đồng thời sẽ trình UBND tỉnh thu hồi giấy phép đối với các trường hợp cố tình vi phạm và gây sạt lỡ bờ sông.

 

(Công văn số 171/BC-STNMT, ngày 09/8/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời KNCT sau kỳ họp 5, QH khóa XV)

 

4. Cử tri xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch phản ánh, kè chắn sóng đoạn từ thôn Thanh Xuân qua Lăng Ngư Ông ra khu vực hồ tôm từ lâu đã bị sạt lở nghiêm trọng; tuyến kè chống sạt lở dọc sông Thanh Ba (từ Cống quai đê Thanh Ba đến Hải đội II Biên Phòng, xã Thanh Trạch) bị hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa mưa bão sắp đến. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương liên quan kiểm tra thực tế, đồng thời có giải pháp khắc phục các điểm có nguy cơ sạt lở cao trước mùa mưa lũ để các hộ dân sống quanh khu vực nguy cơ sạt lở được yên tâm.

 

Trả lời

 

1. Về kè chắn sóng đoạn từ thôn Thanh Xuân qua Lăng Ngư Ông ra khu vực hồ tôm từ lâu đã bị sạt lở nghiêm trọng: Qua kiểm tra hiện trường tuyến kè theo phản ánh của cử tri nhận thấy đoạn điểm đầu tuyến tiếp giáp với tuyến kè chắn sóng biển thuộc thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (thuộc dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR), tỉnh Quảng Bình do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư, đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2023), điểm cuối ở khu vực hồ tôm tiếp giáp với biển, tổng chiều dài khoảng 1,0 km. Hiện trạng khu vực này chưa được xây dựng kè bảo vệ, dân cư sống thưa thớt. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, triều cường gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong vùng. Ghi nhận kiến nghị của cử tri, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổng hợp, đưa vào danh mục đầu tư toàn tỉnh để kiến nghị UBND tỉnh và các Bộ ngành trung ương quan tâm, xem xét xây dựng tuyến kè. 2. Tuyến bờ hữu sông Thanh Ba đoạn từ cầu Thanh Ba đến cảng Gianh với tổng chiều dài khoảng 2,0 km, được chia thành 02 đoạn: đoạn qua dân cư có chiều dài khoảng 1,1 km, khu vực này chưa được gia cố kè bảo vệ, ảnh hưởng trực tiếp cho hơn 50 hộ dân sát bờ sông và các công trình hạ tầng kinh tế quan trọng; đoạn tiếp giáp khu dân cư đến Cống quai đê Thanh Ba tổng chiều dài khoảng 0,9 km, khu vực này có tuyến đê, kè tạm bằng đất, chống lũ, ngăn mặn bảo vệ trực tiếp cho 52 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân, hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng xói lở khu vực bờ sông Thanh Ba, Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 140/TTHĐND ngày 24/05/2016 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt bờ sông cửa Thanh Ba đoạn qua xã Thanh Trạch; đồng thời giao cho UBND huyện Bố Trạch làm chủ đầu tư triển khai dự án. UBND huyện Bố Trạch đã triển khai các bước lập dự án đầu tư và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3494/QĐ-UBND ngày 28/10/2016. Tuy nhiên sau khi dự án được phê duyệt do không có nguồn vốn bố trí, UBND huyện Bố Trạch đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành trung ương bố trí kinh phí nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn vốn, do đó dự án không triển khai khởi công xây dựng được. Ghi nhận ý kiến của cử tri, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập hợp, đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí tiếp nguồn vốn để triển khai thực hiện.

 

(Công văn số 2183/SNN-TL ngày 11/8/2023 của Sở NN và PTNT trả lời KNCT sau kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV)

 

5. Cử tri xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh, tuyến kè tại thôn Bàu, xã Tiến Hóa mới xây dựng được 3 năm nhưng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp những điểm có nguy cơ hỏng nặng và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho đời sống, sinh hoạt của Nhân dân trong khu vực chịu ảnh hưởng, nhất là vào mùa mưa lũ.

 

Trả lời

 

Sau khi tiếp nhận phản ánh của cử tri xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa, UBND xã Tiến Hóa tiến hành kiểm tra thực tế đoạn kè thôn Bàu, xã Tiến Hóa và có ý kiến như sau: Cuối năm 2011, UBND huyện Tuyên Hóa được UBND tỉnh giao làm Chủ đầu tư thực hiện Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Gianh đoạn qua các xã Mai HóaTiến Hóa, tổng chiều dài của dự án 5.228m, đoạn đi qua xã Tiến Hóa có chiều dài dài 2.337m. Đến năm 2017, dự án hoàn thành 930/5.228m kè, trong đó đoạn đi qua thôn Bàu xã Tiến Hóa đã thi công hoàn thành 880m, từ đó đến nay dự án đã dừng triển khai thực hiện. Ghi nhận ý kiến của cử tri, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa báo cáo UBND tỉnh xem xét tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thành dự án.

 

(Công văn số 2183/SNN-TL ngày 11/8/2023 của Sở NN và PTNT trả lời KNCT sau kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV)

 

6. Cử tri là công nhân, người lao động làm việc tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đồng Hới phản ánh, hiện tại vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động đang gặp nhiều khó khăn, phần lớn phải đi thuê trong các khu nhà trọ xuống cấp, điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo. Theo đó, cử tri đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, kết hợp đầu tư xây dựng các trường học, nhà trẻ, khu vui chơi, giải trí… để giúp công nhân, người lao động tháo gỡ khó khăn về nhà ở và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Trả lời

 

Sở Xây dựng trả lời như sau: Phát triển nhà ở xã hội (trong đó bao gồm nhà ở công nhân), nhà ở cho người thu nhập thấp là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong công tác an sinh xã hội. Trong những năm qua, UBND tỉnh luôn sát sao chỉ đạo việc lập kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ để phát triển nhà ở xã hội, cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tại Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh theo các giai đoạn và Kế hoạch thực hiện theo từng năm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó nguyên nhân chính là một số khó khăn, bất cập về chính sách của Nhà nước về ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút được nhà đầu tư quan tâm. Vì vậy, cho đến nay, tỉnh ta chưa có dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng. Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, chỉ tiêu nhà ở xã hội giai đoạn từ 2021-2025 dự kiến kêu gọi phát triển mới và hoàn thành đưa vào sử dụng 1.366 căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2026-2030 dự kiến kêu gọi phát triển mới và hoàn thành đưa vào sử dụng 1.658 căn nhà ở xã hội. Để thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các khu vực để xây dựng dự án nhà ở xã hội độc lập và dành 20% phần quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có diện tích từ 5 ha trở lên trên địa bàn thành phố Đồng Hới để xây dựng nhà ở xã hội. Đối với nhà V/v trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV 2 ở công nhân, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các khu hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào các khu công nghiệp, trong đó bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, đảm bảo đáp ứng quy mô của các khu công nghiệp và nhu cầu nhà ở công nhân trong tương lai. Hiện tại, đã có một số nhà đầu tư quan tâm, đề xuất các dự án nhà ở xã hội (Khu nhà ở xã hội tại xã Lộc Ninh; Quỹ đất nhà ở xã hội trong các dự án khu nhà ở thương mại: Khu đô thị Bảo Ninh 1; Khu đô thị Bảo Ninh 2; Khu nhà ở thương mại phía Tây Nam đường Lý Thánh Tông, đoạn từ đường F325 đến đường Trương Phúc Phấn; Khu nhà ở phục vụ cán bộ công nhân Hòn La Suites& Residence; Nhà ở phục vụ cán bộ công nhân tại Khu kinh tế Hòn La; Khu nhà ở xã hội Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới (giai đoạn 1)). Thực hiện Quyết định số 338/QĐ-CP ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Đến nay, Sở Xây dựng đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án, UBND tỉnh đang lấy ý kiến các Ủy viên UBND tỉnh để hoàn thiện Dự thảo; sẽ sớm ban hành và tập trung triển khai có hiệu quả Đề án. (Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội được giao tại Đề án: - Giai đoạn 2023-2025: Hoàn thành 3.700 căn nhà ở xã hội; - Giai đoạn 2026-2030: Hoàn thành 11.300 căn nhà ở xã hội; Tổng 2 giai đoạn (2023-2030): Hoàn thành 15.000 căn nhà ở xã hội.) Để giải quyết những khó khăn về thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030”, tỉnh Quảng Bình cũng đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu các quy định về ưu đãi đầu tư đối với nhà ở xã hội, ban hành chính sách đặc thù của tỉnh về ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi tối đa theo quy định, nhằm thu hút đầu tư. Ngày 13/10/2022, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội tại xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới (Quyết định số 2875/QĐUBND ngày 13/10/2022) với quy mô 9,6 ha, dự kiến tạo ra 691 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội là 70.069 m2. Hiện nay, dự án đang triển khai lựa chọn nhà đầu tư thực hiện (Quyết định số 2164/QĐ-UBND ngày 02/8/2023 về việc phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư), Như vậy, dự kiến trong 2-3 năm tới, các dự án nhà ở xã hội tại xã Lộc Ninh, dự án nhà ở ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại: Khu đô thị Bảo Ninh 1; Khu đô thị Bảo Ninh 2; Khu nhà ở thương mại phía Tây Nam đường Lý Thánh Tông, đoạn từ đường F325 đến đường Trương Phúc Phấn, Khu 3 nhà ở phục vụ cán bộ công nhân Hòn La Suites& Residence, Nhà ở phục vụ cán bộ công nhân tại Khu kinh tế Hòn La, Khu nhà ở xã hội Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới (giai đoạn 1)… sẽ triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo ra quỹ nhà ở xã hội khoảng 3.000 – 4.000 căn, đáp ứng được một phần nhu cầu cho người thu nhập thấp, người lao động tại thành phố Đồng Hới, công nhân khu công nghiệp và các đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định.

 

(Công văn số 2048/SNSXD-QLN ngày 07/8/2023 của Sở Xây dựng trả lời KNCT sau kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV)

 

7. Cử tri Trần Khánh Vũ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh phản ánh, ông và vợ là bà Dương Thị Tuế làm hồ sơ đề nghị tặng thưởng Huân, Huy chương cho người có công trong kháng chiến chống Mỹ từ tháng 7/2022; tuy vậy, đến nay đã gần 01 năm nhưng vẫn chưa có kết quả nhưng cũng không nhận được thông tin gì từ phía các cơ quan chức năng. Đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo cơ quan chức năng quan tâm giải quyết, nếu có vấn đề gì còn vướng mắc hoặc chưa đủ cơ sở để giải quyết thì hướng dẫn hoặc trả lời để cử tri được biết.

 

Trả lời

 

Ngày 25/8/2022, UBND huyện Quảng Ninh có Tờ trình số 238/UBND-VP về việc đề nghị khen thưởng thành tích thám gia kháng chiến cho ông Trần Khánh Vũ và bà Dương Thị Như Tuế. Ngày 17/5/2023, Chủ tịch nước đã ban hành quyết định số 495/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhất cho ông Trần Khánh Vũ và bà Dương Thị Như Tuế.

 

Ngày 26/7/2023, UBND huyện đã trao quyết định có tên ông Trần Khánh Vũ. Riêng đối với bà Dương Thị Như Tuế do có chút sai lệnh về thông tin tại bằng huy chương từ bà - ông (quyết định nội dung đúng) nên Sở Nội vụ đã làm tờ trình đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương cấp đổi lại cho bà Dương Thị Như Tuế. UBND huyện đã thông báo cho cá nhân bà Dương Thị Như Tuế được biết và đến nhận hiện vật sau khi được cấp đổi.

 

(Báo cáo số 232/BC-UBND ngày 10/8/2023 của UBND huyện Quảng Ninh về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 5, QH khóa XV)

 

8. Cử tri phản ánh, hiện tại người lao động làm việc trong nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được tuyên truyền đầy đủ các quy định pháp luật về chế độ, chính sách đối với người lao động, như: Chế độ nghỉ hưu trước tuổi; danh mục các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu trước tuổi và các chế độ khác theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản liên quan; theo đó, một số doanh nghiệp áp dụng chưa đúng hoặc chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề này nhưng người lao động cũng không biết để đòi hỏi quyền lợi. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp nói riêng; đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

 

Trả lời

 

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời nội dung kiến nghị về thực hiện pháp luật lao động trong doanh nghiệp như sau: Trong những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho người sử dụng lao động và người lao động thực hiện pháp luật lao động nói chung và chế độ bảo hiểm xã hội nói riêng được chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện với nhiều hình thức và phương pháp đa dạng, phong phú giúp người lao động dễ dàng tiếp cận. Đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tính riêng trong năm 2022 đã tổ chức 05 hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động với sự tham gia của hơn 250 đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, in ấn tờ rơi, pa nô, áp phích tuyên truyền về Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động, phối hợp với Đài truyền hình Quảng Bình tổ chức chương trình đối thoại về quy định, chính sách liên quan đến công tác An toàn vệ sinh lao động; Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tổ chức tập huấn về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ làm công tác công đoàn của các doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Bên cạnh đó, thực hiện chức năng chuyên môn, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng thường xuyên triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội thông qua các hình thức như xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phát hành các ấn phẩm truyền thông, đăng tải tin bài trên các trang thông tin điện tử, tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh ở khu dân cư, lắp đặt hệ thống pano, băng rôn tuyên truyền… Công tác thanh tra, kiểm tra về chấp hành pháp luật lao động, luật BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động cũng được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm của người sử dụng lao động và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động trong doanh nghiệp, tổ chức. Trong năm 2022, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện kiểm tra việc chấp hành Bộ luật Lao động tại 07 doanh nghiệp, chấp hành luật Bảo hiểm xã hội tại 03 doanh nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động tại 5 doanh nghiệp; Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại 52 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và nhận thức, hiểu biết của người lao động về các chế độ, chính sách, quyền lợi chính đáng khi tham gia quan hệ lao động, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong thực hiện giám sát, kiểm tra, tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; đồng thời, các tổ chức đại diện người lao động và bản thân người lao động chủ động tìm hiểu, nắm bắt chính sách, quy định hiện hành về pháp luật lao động liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, hợp tác với cơ quan chức năng trong việc tố giác, kiến nghị các hành vi vi phạm pháp luật lao động của chủ sử dụng lao động và chủ động tiếp cận thông tin pháp luật trước khi thực hiện hợp đồng lao động. Cuối cùng, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm bố trí kinh phí để đẩy mạnh hơn nữa và đang dạng hoá hình thức tuyên truyền pháp luật lao động đến người sử dụng lao động và người lao động và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật an toàn vệ sinh lao động trong thời gian tới.

 

(Công văn số 1218/SLĐTBXH-LĐVLDN ngày 09/8/2023 của Sở Lao động - Thương binh và xã hội trả lời KNCT sau kỳ họp thứ 5, QH khóa XV)

 

9. Cử tri phản ánh, hiện nay, vấn đề khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe đối với công nhân lao động đã được pháp luật quy định cụ thể; tuy nhiên trong thực tế nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm vấn đề này hoặc không thực hiện đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về chăm sóc sức khỏe đối với người lao động tại các doanh nghiệp; yêu cầu quan tâm thực hiện nghiêm túc, đồng thời xử phạt nghiêm những doanh nghiệp không thực hiện hoặc có vi phạm trong việc thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động.

 

Trả lời

 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời nội dung kiến nghị về kiểm tra thực hiện các quy định pháp luật về chăm sóc sức khỏe đối với người lao động tại các doanh nghiệp như sau: Trong những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm triển khai thực hiện, trong đó hoạt động kiểm tra, thanh tra tại các doanh nghiệp về thực hiện pháp luật an toàn, vệ sinh lao động được tăng cường. Hàng năm UBND tỉnh đều ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và Hội đồng an toàn vệ sinh lao động tỉnh hàng năm cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, theo đó các sở ban, ngành, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã thực hiện kiểm tra, thanh tra theo chuyên môn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ danh sách các doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Trung tâm kiểm soát bệnh thuộc Sở Y tế ban hành Kế hoạch và tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp (năm 2022 kiểm tra tại 05 doanh nghiệp, năm 2023 kiểm tra tại 8 doanh nghiệp), trong đó có kiểm tra việc thực hiện các quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Qua kiểm tra, đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định về xây dựng, thành lập tổ chức bộ máy thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động; quan trắc môi trường lao động; hồ sơ quản lý sức khỏe và bệnh nghề nghiệp của người lao động (gồm: Khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ và quản lý sức khỏe người bị bệnh mạn tính, khám bệnh nghề nghiệp và quản lý sức khỏe người bị bệnh nghề nghiệp); huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; bồi dưỡng bằng hiện vật; công tác tự kiểm tra và báo cáo định kỳ về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp..., đã thực hiện lập Biên bản vi phạm hành chính và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp không thực hiện khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Mặt khác, Sở đã chủ trì thành lập đoàn thanh tra liên ngành tổ chức thanh tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó thực hiện chức năng chuyên môn, Sở Y tế hàng năm đã ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh (năm 2022 kiểm tra 13 đơn vị, năm 2023 kiểm tra 24 đơn vị). Thời gian tới, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt để người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động nói chung, chế độ liên quan đến chăm sóc sức khỏe đối với người lao động nói riêng, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan đến chính sách pháp luật như: Bộ luật Lao động, Luật An toàn Vệ sinh Lao động, Luật Công đoàn, các Luật Bảo hiểm Y tế, Khám chữa bệnh, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng chống HIV/AIDS, …, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong thực hiện giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách pháp luật trên tại các doanh nghiệp trên địa bàn; tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; đồng thời các tổ chức đại diện người lao động và bản thân người lao động phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt chính sách, quy định hiện hành về liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh tăng số lượng doanh nghiệp được phê duyệt kiểm tra, thanh tra hàng năm, nhất là các doanh nghiệp có quy mô số lượng lao động nhiều và hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng lao động của người lao động; bố trí kinh phí ngân sách tỉnh để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.

 

(Công văn số 1231/SLĐTBXH-LĐVLDN ngày 10/8/2023 của Sở Lao động - Thương binh và xã hội trả lời KNCT sau kỳ họp thứ 5, QH khóa XV)

 

10.  Cử tri phản ánh, công nhân trên địa bàn tỉnh hiện tại chủ yếu làm thuê cho các doanh nghiệp gia công, có quy mô nhỏ, doanh thu cũng hạn chế nên mức thu nhập thấp, không đáp ứng nhu cầu cuộc sống gia đình. Theo đó, cử tri đề nghị UBND tỉnh tăng cường nghiên cứu để có các chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào Quảng Bình; đồng thời, chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề mở các khóa đào tạo các ngành nghề công nghệ cao, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và có cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân, giúp họ sau khi được đào tạo nghề có cơ hội làm việc ở các doanh nghiệp lớn để nâng cao mức thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

Trả lời

 

a) Đề nghị có các chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào Quảng Bình: Để thu hút đầu tư, trong những năm qua, ngoài chính sách ưu đãi của Chính phủ, Tỉnh Quảng Bình đã ban hành một số chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh tại các Nghị quyết số: 19/2017/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; 58/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tỉnh đã trích một phần ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ nói trên cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp… trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, để thu hút các doanh nghiệp quan tâm và đến đầu tư tại tỉnh, tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh như: Kế hoạch số 968/KH-UBND ngày 11/06/2021 về việc triển khai các cam kết tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021; Kế hoạch hành động số 356/KH-UBND ngày 14/03/2022 thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Kế hoạch số 1278/KH-UBND ngày 15/7/2022 về nâng cao chỉ số năng lực cạnh 2 tranh cấp tỉnh năm 2022; Kế hoạch số 1940/KH-UBND ngày 18/10/2022 về việc tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá, giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022; Kế hoạch số 1017/KH-UBND ngày 29/5/2023 về việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Bình năm 2023… Việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư cũng là một hình thức hiện thực hóa giải pháp thu hút đầu tư. Kết quả, từ năm 2021 đến 30/6/2023, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 147 dự án với tổng vốn đầu tư 28.076 tỷ đồng trong đó 134 dự án của nhà đầu tư có đề nghị Nhà nước cho thuê đất (bao gồm phạm vi trong và ngoài các khu kinh tế, khu công nghiệp) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 10.576 tỷ đồng và 13 dự án có nhà ở, đất ở với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 17.500 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án trọng điểm đã hoàn thành, đi vào hoạt động và đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh, đồng thời mang lại nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương, cụ thể như: Cụm trang trại điện gió B&T công suất 252MW tại huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy của Công ty cổ phần Điện gió B&T; Trang trại điện mặt trời Dohwa công suất 49,5MW tại huyện Lệ Thủy của Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa… Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư và đầu tư tại tỉnh. b) Chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề mở các khóa đào tạo các ngành nghề công nghệ cao, hiện đại, có cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân: - Về chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề mở các khóa đào tạo nghề: Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại công văn số 1221/SLĐTBXHLĐVLDN ngày 09/8/2023, Sở đã tập trung triển khai một số giải pháp như: tham mưu đầu tư cơ sở, vật chất, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cho các cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động gắn kết với với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng; phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, cấp độ ASEAN và cấp độ quốc tế: Nghề Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ ô tô, Công nghệ Hàn, Nông nghiệp công nghệ cao, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Điện công nghiệp, Thú y, Nuôi trồng thủy sản, May công nghiệp, Kỹ thuật chế biến món ăn... ; tổ chức nhiều hoạt động, phương thức tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức của người lao động, học sinh tham gia học nghề, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp đối với vấn đề đào tạo phát triển nhân lực và tạo điều kiện cho người lao động được tham gia đào tạo lại để bồi dưỡng, nâng cao tay nghề. Trong thời gian tới đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và xã hội tiếp tục có các giải pháp cụ thể trong việc phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn để tiếp tục đào tạo các ngành nghề công nghệ cao và các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường. - Hiện tại, tỉnh đang thực hiện các cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của Chính phủ và của tỉnh, bao gồm: (i) Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 3 28/9/2015 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; (ii) Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện; (iii)Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; (iv) Thông tư số 32/2018/TTBLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; (v) Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022 - 2025.

 

(Công văn số 2333/SKHĐT-QLĐT ngày 18/8/2023 của Sở Kế hoạch – Đầu tư trả lời KNCT sau kỳ họp thứ 5, QH khóa XV)

 

 11. Cử tri phản ánh, Công ty Cổ phần Cảng Quảng Bình là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 90% cổ phần chi phối; hiện tại Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, không có nguồn vốn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng; mặt khác, luồng Cảng Gianh đã bị bồi lắng từ cơn bão số 4 năm 2019 đến nay chưa được nạo vét, khai thông, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến việc công nhân, người lao động không có việc làm, không có thu nhập. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan xem xét có phương án hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để ổn định tình hình, nhất là việc làm và thu nhập cho người lao động.

 

Trả lời

 

- Công ty cổ phần cảng Quảng Bình là doanh nghiệp có vốn nhà nước đóng trên địa bàn do Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Do đó, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước sẽ theo dõi, quản lý và giám sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong đó có việc cho ý kiến về việc đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị…của doanh nghiệp. - Luồng Cảng Gianh chưa được nạo vét, khai thông, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Theo ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2190/BC-SNN ngày 11/8/2023, do đặc điểm vị trí địa lý đặc thù, chịu ảnh hưởng của thời tiết cùng chế độ dòng chảy phức tạp, các cửa sông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và cửa sông Gianh nói riêng hàng năm bị bồi lấp mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến thoát lũ trên sông cũng như việc ra, vào các cửa sông của tàu, thuyền. Đối với cửa sông Gianh, năm 2019 đã được tiến hành nạo vét, tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa, bão và gió mùa hiện nay sông tiếp tục bị bồi lấp mạnh, gây nhiều khó khăn cho tàu, thuyền ra vào cửa sông. Việc nạo vét cửa sông Gianh là hết sức cần thiết, tuy nhiên việc nạo vét này phải tiến hành hàng năm hoặc xây dựng các công trình chỉnh trị quy mô lớn và các giải pháp này đều cần nguồn kinh phí lớn để thực hiện. Mặt khác, tuyến Luồng cảng Gianh thuộc Sở Giao thông Vận tải và Cảng vụ Hàng hải tỉnh Quảng Bình quản lý và thực hiện nạo vét định kỳ, do đó, trong thời gian tới đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình xây dựng các phương án nạo vét dòng chảy phù hợp. - Tình hình sản xuất kinh doanh cũng như chế độ liên quan đến người lao động tại Công ty cổ phần cảng Quảng Bình: Theo báo cáo của Công ty, từ năm 2019 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đang trong giai đoạn cầm cự để cắt lỗ, nguồn lực tài chính không đủ mạnh để đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị có giá trị lớn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Để giải quyết các khó 4 khăn trong sản xuất kinh doanh và công tác quản lý, Công ty đề xuất UBND tỉnh có Văn bản gửi Cục hàng hải Việt Nam về nạo vét luồng cửa Gianh và hoàn thành việc chuyển đổi chủ sở hữu từ Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước sang Tân cảng Sài Gòn quản lý. Đối với nội dung này, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Bình nghiên cứu cụ thể để tham mưu hướng xử lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

(Công văn số 2333/SKHĐT-QLĐT ngày 18/8/2023 của Sở Kế hoạch – Đầu tư trả lời KNCT sau kỳ họp thứ 5, QH khóa XV)

 

12. Cử tri Hoàng Trọng Quân, xã Tiến Hóa (có trên 19 năm làm Công an xã, trong đó có 5 năm 9 tháng làm Phó trưởng Công an xã) và cử tri Cao Đức Toàn, xã Thạch Hóa,  huyện Tuyên Hóa (có 13 năm 7 tháng làm công an xã Nam Hóa) cùng phản ánh về 01 nội dung: Khi thực hiện chủ trương đưa lực lượng công an chính quy về thay thế, các ông được cấp ủy, chính quyền xã gặp gỡ trao đổi, động viên và cho nghỉ công tác. Tuy nhiên, kể từ khi nghỉ công tác đến nay các ông chưa nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc nghỉ công tác (như thông báo hoặc quyết định nghỉ việc) của cấp có thẩm quyền và không được hưởng bất kỳ chế độ gì. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, đảm bảo đầy đủ chế độ theo quy định và trả lời bằng văn bản để các cử tri trên được biết.

 

Trả lời

 

1. Trường hợp ông Hoàng Trọng Quân, nguyên Phó Trưởng Công an xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hoá: Trên cơ sở Tờ trình số 34/TTr-UBND và báo cáo nhu cầu kinh phí hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã thôi việc do dôi dư khi sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 62/2019/NQ-HĐND , trong đó đề nghị hỗ trợ cho ông Hoàng Trọng Quân là 21.605.000 đồng. Ngày 06/7/2022, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện ban hành Công văn số 644/TC-KH về việc cân đối nguồn kinh phí tiền lương năm 2021, giao các địa phương cân đối ngân sách để chi trả. Tuy nhiên, trong năm 2021 - 2022 là năm cao điểm của dịch Covid-19 nên mọi 1 Tờ trình số 34/TTr-UBND ngày 08/6/2020 UBND xã Tiến Hóa về việc đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách do dôi dư 2 Nghị quyết số 62/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã thôi việc do dôi dư khi sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 2 nguồn lực tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Cân đối ngân sách trên địa bàn xã không đạt so với kế hoạch đề ra nên không có nguồn để chi trả. Thời gian tới, UBND huyện Tuyên Hoá sẽ chỉ đạo UBND xã Tiến Hóa, các đơn vị có liên quan cân đối ngân sách để chi trả hỗ trợ cho ông Hoàng Trọng Quân theo đúng quy định. 2. Đối với trường hợp ông Cao Đức Toàn, nguyên Công an viên thôn Đồng Lực, xã Nam Hóa (nay là xã Thạch Hoá), huyện Tuyên Hoá: Ông Cao Đức Toàn công tác trong lực lượng công an xã được 13 năm 7 tháng và nghỉ từ năm 2018 do sáp nhập thôn Đồng Lực vào thôn Đồng Tâm theo Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh Quảng Bình. Không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp một lần theo quy định tại khoản 4 điều 7 Nghị định số 73/2009/ NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã (Phó trưởng Công an xã và Công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân phụ cấp hiện hưởng). Mặt khác, chủ trương đưa công an chính quy về xã Thạch Hóa được thực hiện từ ngày 01/3/2020 (ông Cao Đức Toàn nghỉ việc năm 2018) nên không thuộc đối tượng hỗ trợ tại Nghị quyết số 62/2019/NQ-HĐND.

 

(Công văn số 1482/SNV-CBCCVCngày 10/8/2023 của Sở Nội vụ trả lời KNCT sau kỳ họp thứ 5, QH khóa XV)

 

13. Cử tri xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch phản ánh, kinh phí hoạt động của các ngành, hội, đoàn thể và chi thường xuyên cho cấp xã loại 2 với khoảng trên 300 triệu đồng/năm là quá thấp (phải thực hiện chi tiết kiệm 10%), còn lại là quỹ hoạt động của xã phải tổ chức nhiều hội nghị, như sơ kết, tổng kết năm, văn phòng phẩm, sơ kết giữa nhiệm kỳ, Đại hội hết nhiệm kỳ, tọa đàm, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao, diễn tập quốc phòng, ngày 27/7, hỗ trợ các hội xã hội và nhiều sự kiện khác. Cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho các hội, đoàn thể cấp xã, phụ cấp cho bán chuyên trách và thôn bản.

 

Trả lời

 

Chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị xã hội; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp được phân bổ trên cơ sở định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên quy định tại Nghị quyết 14/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND cấp tỉnh về việc ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022. Theo đó định mức phân bổ đối với đơn vị hành chính cấp xã: Xã đặc biệt khó khăn: 600 triệu đồng/1 xã/1 năm; các xã còn lại: 350 triệu đồng/1 xã/1 năm. Định mức trên được áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh cho thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025. Riêng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn và tổ dân phố đã được điều chỉnh tăng theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố. Sở Tài chính sẽ phối hợp với các ngành sớm tham mưu ban hành Nghị quyết cụ thể để thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đề nghị UBND xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, căn cứ khả năng cân đối để chủ động điều hành ngân sách trong phạm vi dự toán được giao với tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định đồng thời đảm bảo duy trì hoạt động của bộ máy quản lý , các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội

 

More