Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 10004

  • Tổng 4.136.515

Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Post date: 30/10/2022

Font size : A- A A+

 

Tiếp tục tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã góp ý đối với một số nội dung sau:

 

1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)


Dự thảo Luật có quy định về “Cộng đồng dân cư” như là một chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (ví dụ như quy định tại Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23…). Tuy nhiên, tại Điều 1. Phạm vi điều chỉnh thì không có nội dung nào liên quan đến “Cộng đồng dân cư”.


Ngoài ra, tại Điều 1 vừa quy định cả phạm vi điều chỉnh lẫn đối tượng áp dụng là không phù hợp và không rõ ràng. Đề nghị đổ sung thêm 01 Điều luật quy định về “Đối tượng áp dụng” của Luật và bổ sung thêm vào phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng phần nội dung có liên quan đến “Cộng đồng dân cư”.


2. Về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 8)


Dự thảo Luật quy định một điều riêng (Điều 8) về 05 biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, cụ thể là: (1) Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. (2) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. (3) Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. (4) Kịp thời phát hiện, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát hiện hành vi vi phạm và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. (5) Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện, kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số.


Mặc dù những biện pháp trên đây là cần thiết, có tính khả thi, tuy nhiên, cần quy định cụ thể và chi tiết hơn về nội dung các biện pháp, nhất là gắn biện pháp thực hiện với nội dung Nhân dân “thụ hưởng” theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.


3. Về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn


Dự thảo Luật quy định 14 nội dung chính quyền cấp xã phải công khai, hình thức công khai bao gồm 9 hình thức cơ bản đảm bảo đầy đủ, khả thi.


Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định một hoặc một số hình thức công khai mang tính bắt buộc để bảo đảm người dân có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng. Vì trong một số trường hợp theo tính chất, mức độ ảnh hưởng của thông tin nếu không mang tính bắt buộc, có thể việc áp dụng một số hình thức công khai thông tin sẽ không đến được với người dân và đối với những địa bàn có tính chất đặc thù hoặc đặc biệt khó khăn. 


4. Về nội dung Nhân dân bàn và quyết định


Tại khoản 3 Điều 16 quy định: “Công dân cư trú tại thôn, tổ dân phố có sáng kiến đề xuất nội dung quy định tại Điều 15 của Luật này để Nhân dân bàn, quyết định và được ít nhất là 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi đề xuất đến Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định...” 


Đề nghị nâng tỷ lệ 10% lên 30% để mang tính cộng đồng, vì ở cơ sở có một thực tế là có sự liên kết gia tộc, dòng họ nên giới hạn 10% đôi khi chưa đại diện cho đa số các thành phần dân cư trong thôn hoặc tổ dân phố mà chỉ đại diện cho một nhóm nhỏ trong gia đình, dòng họ. 


5. Về Thanh tra nhân dân


Tại khoản 1 Điều 38 (Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn), khoản 1 Điều 61 (Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị), khoản 1 Điều 80 (Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động), đều quy định Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên lại chưa có quy định cụ thể việc kiểm tra, giám sát được thực hiện theo phương thức nào. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định này để thống nhất trong hoạt động./.


Phòng CTQH

More