Quan điểm đổi mới về tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp
Nhu cầu thực hiện việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND là vấn đề cần thiết luôn luôn đặt ra như đã đề cập ở bài viết trước. Tuy nhiên việc đổi mới không phải tùy nghi mà phải triển khai thực hiện trên cơ sở các quan điểm nhất định. Các quan điểm về đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp đó là:
Bảo đảm phát huy dân chủ, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Trong xu thế phát triển của xã hội, bản chất xã hội (tính xã hội) của nhà nước ngày càng được phát huy. Nhà nước không còn là tổ chức cai trị mà trở thành tổ chức phục vụ nhân dân. Trong chế độ lập hiến, hiến pháp là bản khế ước mà nhân dân trao quyền cho nhà nước để thực hiện quản lý xã hội. Trong hiến pháp nhân dân quyết định mô hình tổ chức bộ máy và trao quyền cho từng cơ quan nhà nước ở trung ương và hệ thống chính quyền địa phương. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì hiến pháp và pháp luật quy định, những vấn đề nhân dân không ủy quyền thì nhân dân tự thực hiện thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp. Thông qua bầu cử nhân dân lập ra Quốc hội, HĐND; Quốc hội lập ra Chính phủ, HĐND lập ra UBND các cấp (cơ quan phái sinh) là cơ quan chấp hành để triển khai thực hiện pháp luật, quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Các nhà nước không được hình thành bằng con đường bầu cử từ lá phiếu của nhân dân thì khó có thể tồn tại lâu trong giai đoạn hiện nay.
Chínhquyền địa phương là cấp trực tiếp thực hiện pháp luật, quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Do đó, chính quyền phải thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Là cơ quan đại diện nhân dân thực hiện quyền lực công, giải quyết những vấn đề của cộng đồng dân cư, HĐND phải thực sự do chính nhân dân lựa chọn đại biểu của mình lập ra. Việc hình thành chính quyền mà không thực sự của nhân dân, do nhân dân thì chính quyền đó sẽ không vì nhân dân. Khi đó nhân dân sẽ thờ ơ đối với hoạt động của chính quyền, không mặn mà với kết quả bầu cử, ai trúng cử đời sống của họ cũng không có gì thay đổi. Phải có cơ chế để bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của đại biểu HĐND và bãi nhiệm những đại biểu không còn xứng đáng.
Là cơ quan dân cử đại diện cho các tầng lớp nhân dân nên các quyết sách của HĐND phải bảo đảm việc thực thi các quyền con người, quyền công dân. Trong hoạt động giám sát, quyết định chủ trương, biện pháp quan trọng của địa phương, HĐND phải bảo vệ, bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền công dân về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
Do đó, trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND cũng như triển khai thực hiện phải bảo đảm phát huy dân chủ, thực hiện quyền lực nhân dân; bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Bảo đảm song hành với việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường
Đảng và Nhà nước ta đã thừa nhận, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền. Trong nền kinh tế thị trường phải tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan; trong nhà nước pháp quyền phải bảo đảm thực hiện quyền lực nhân dân và kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện và cơ chế bảo đảm thực hiện pháp luật có hiệu quả.
Là bộ phận quan trọng cấu thành chính quyền địa phương nên việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND phải trong hệ quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo đảm các đặc trưng của nhà nước pháp quyền. Việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND phải xác đinh rõ tính chất, vị trí, vai trò của HĐND; phải xác định và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp. Cùng với việc phân định rõ thẩm quyền giữa trung ương với địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp, giữa HĐND với UBND thì cần có cơ chế đảm bảo sự phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cấp và các cơ quan nhà nước. Không chỉ HĐND thực hiện quyền giám sát hoạt động của TAND mà ngược lại TAND phải có quyền kiểm soát hoạt động của HĐND. Cần giao cho TAND thẩm quyền xem xét, kiến nghị xử lý đối với các văn bản áp dụng pháp luật và văn bản QPPL của HĐND trái với hiến pháp và pháp luật. Mặt khác, một trong những chức năng, nhiệm vụ của HĐND đó là bảo đảm triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật tại địa phương nên HĐND phải thực quyền, tránh tình trạng các tổ chức chính trị tác động trái pháp luật, áp đặt ý chí, điều khiển hoạt động của HĐND.
Thực tiễn chứng minh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân không có con đường nào khác là phải vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Là cơ quan quyết định chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, HĐND phải có giải pháp chuyển nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Để có được những quyết sách đúng đắn thúc đẩy kinh tế phát triển đòi hỏi đại biểu HĐND phải nắm bắt được các thông tin, hiểu biết quy luật kinh tế thị trường. Phải nâng cao hiệu quả giám sát, kịp thời phát hiện những bất cập trong quy định pháp luật và nghị quyết của HĐND để kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung tháo gỡ những rào cản phát triển kinh tế - xã hội. Chính sự năng động của khu vực tư nhân - thị trường sẽ tác động thúc đẩy, buộc HĐND phải đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động nếu không muốn trở thành một thiết chế mang tính hình thức.
Như vậy, đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển kinh tế thị trường; ngược lại, sự vận hành của nhà nước pháp quyền và sự phát triển kinh tế thị trường sẽ là động lực cho việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Vì vậy, đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh phải bảo đảm song hành cùng với việc xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường.
Phải đặt trong tổng thể công cuộc cải cách hệ thống chính trị, cải cách hành chính nhà nước
Nhà nước là công cụ chủ yếu và hữu hiệu nhất để thực hiện quyền lực nhân dân. Do đó, chính quyền địa phương trong đó HĐND là thiết chế quan trọng, trụ cột chủ yếu để thực hiện quyền lực của nhân dân. Tuy nhiên, ngoài HĐND ra các tầng lớp nhân dân còn thực hiện quyền lực của mình thông qua các tổ chức chính trị, xã hội mà cụ thể đó là cấp ủy đảng; Ủy ban MTTQVN; Liên đoàn Lao động; Đoàn Thanh niên; Hội liên hiệp Phụ nữ; Hội Nông dân; Hội Cựu chiến binh và các hội khác mà người dân là hội viên. Giữa nhà nước và các thiết chế chính trị luôn có mối quan hệ tác động lẫn nhau trong thực hiện quyền lực nhân dân. Vì vậy, việc đổi mới tổ chức, hoạt động của HĐND phải đặt trong cuộc cải cách, đổi mới hệ thống chính trị ở địa phương mà trọng tâm là đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị; mối quan hệ phối hợp, chế ước giữa nhà nước và các thiết chế chính trị đó.
Quản lý nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hoàn toàn khác với quản lý nhà nước trong thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp. Trong cơ chế kinh tế thị trường phải giảm bớt sự can thiệp chủ quan của nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng chỉ tập trung hoạch định chính sách, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật. Nhà nước là “người lái thuyền chứ không phải là người chèo thuyền”. Do đó, yêu cầu đặt ra phải đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục phiền hà, nâng cao trình độ, năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thông suốt, nhanh nhạy giữa chính quyền các cấp. Là cơ quan quyết định chủ trương, biện pháp quan trọng của địa phương, HĐND có vai trò quan trọng trong việc đưa ra giải pháp và giám sát hoạt động cải cách hành chính ở địa phương.
Là thiết chế quan trọng trong thực hiện quyền lực chính trị, do đó việc thực hiện cải cách hệ thống chính trị, cải cách hành chính sẽ thúc đẩy việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Ngược lại, việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt đồng của HĐND sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới hệ thống chính trị và cải cách hành chính nhà nước.
Bảo đảm sự đồng bộ với việc phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương - địa phương, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương
Bộ máy nhà nước được tổ chức theo cấp hành chính trung ương, tỉnh, huyện, xã. Cấp chính quyền trung ương chủ yếu tập trung giải quyết những vấn đề chính trị, quốc phòng, ngoại giao, ban hành hệ thống pháp luật, hoạch định chính sách và điều tiết kinh tế ở tầm vĩ mô. Cấp chính quyền địa phương là nơi triển khai thực hiện pháp luật, đáp ứng các nhu cầu nội bộ của cộng đồng dân cư như giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh, trật tự… Do đó ở bất kỳ ở quốc gia nào, việc phân quyền không chỉ đặt ra giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp mà phân quyền, phân cấp quản lý còn đặt ra giữa trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.
Việc thiết lập cơ cấu, tổ chức chính quyền địa phương phải bảo đảm thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; mặt khác nội dung, phạm vi phân quyền, phân cấp quản lý là cơ sở để tổ chức bộ máy chính quyền địa phương phù hợp. Do vậy, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước luôn đi đôi với hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh phân cấp, giao quyền chủ động cho chính quyền địa phương, nhất là trong việc quyết định về tài chính, đầu tư. Bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp và tổ chức hợp lý chính quyền địa phương. Việc phân cấp quản lý luôn phải xét đến điều kiện và khả năng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phân công nhiệm vụ luôn phải gắn với quyền hạn và nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ.
Trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương đòi hỏi HĐND phải đổi mới tổ chức, hoạt động có hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn. Việc phân cấp quản lý nhiều hơn cho chính quyền địa phương, HĐND tỉnh sẽ phải quyết định nhiều hơn các chủ trương, biện pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao. Để tự giải quyết tốt các vấn đề của địa phương, đòi hỏi HĐND phải tăng cường và nâng cao chất lượng giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn. Đi đôi với tăng cường phân cấp quản lý, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương hạn chế tình trạng vì lợi ích địa phương mà ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Việc vận dụng đúng và đầy đủ các nguyên tắc, quan điểm về đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp sẽ tránh được những sai lầm, chệch hướng trong quá trình thực hiện; là cơ sở để đưa ra các giải pháp đổi mới phù hợp và có tính khả thi./.
Phạm Thái Quý
- Nhu cầu đổi mới về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh (23/11/2021)
- Quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND cấp tỉnh (12/11/2021)
- Chung sức, đồng lòng, hẹn ngày chiến thắng (25/11/2021)
- Trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân (26/10/2021)
- Đặc điểm và các nhân tố tác động đến tổ chức, hoạt động của HĐND các cấp (27/10/2021)
- Vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (26/10/2021)
- Vị trí, tính chất, chức năng của Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước (14/10/2021)
- Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Hội đồng nhân dân các cấp (14/10/2021)
- Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (27/09/2021)
- Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (27/09/2021)