Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 2705

  • Tổng 4.103.237

Nhu cầu đổi mới về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh

Post date: 23/11/2021

Font size : A- A A+

 

Trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, mọi nhu cầu trong cuộc sống xã hội ngày càng gia tăng đòi hỏi chính quyền mỗi địa phương (trong đó có vai trò quan trọng của HĐND) ngày càng phải năng động, sáng tạo, không ngừng đổi mới để phát triển, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh xuất phát từ các nhu cầu đó là:

 

Xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội 

 

HĐND là cơ quan đại diện nhân dân thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Mặt khác, chính quyền cấp tỉnh là cầu nối giữa chính quyền trung ương với địa phương, là cấp có đủ khả năng và nguồn lực để giải quyết các vấn đề của địa phương trong điều kiện mở rộng phân cấp, phân quyền, tăng quyền tự chủ. Với vị trí và vai trò đó, HĐND tỉnh cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước nhân dân về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

 

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ từ trung ương, trong những năm qua tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương vẫn còn là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển và có nguy cơ tụt hậu. Riêng tỉnh Quảng Bình có gần 85% dân số sống ở nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm số đông, thu nhập thấp, lượng lớn lao động phải tìm kiếm việc làm tại các tỉnh miền Nam. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp chủ yếu vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu nên sức cạnh tranh thấp. Sản xuất nông nghiệp manh mún, tự cung, tự cấp. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được hơn một phần ba chi ngân sách hằng năm.

 

Nhân dân nói chung và người dân Quảng Bình nói riêng vốn có truyền thống cách mạng, trong kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất đất nước một lòng đi theo Đảng, sẳn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình cho lợi ích quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay trong thời bình thì hoàn toàn khác, người dân không thể mãi cam chịu nghèo khổ. Khát vọng thay đổi tạo động lực để phát triển kinh tế, tạo việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống là nguyện vọng đau đáu trong mỗi người dân. Bên cạnh những khó khăn, thách thức mỗi địa phương đều có lợi thế riêng trong phát triển kinh tế. Nhu cầu cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nhất là chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, khuyến khích thu hút đầu tư thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đặt ra ngày càng cấp thiết. Sự phát triển của kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi chính quyền địa phương phải năng động, sáng tạo hơn mới bắt kịp nhịp độ phát triển chung. Không chỉ phát triển kinh tế địa phương mà nhu cầu thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân là đòi hỏi đặt ra cho HĐND cấp tỉnh.

 

Xuất phát từ yêu cầu phát huy quyền làm chủ của nhân dân

 

Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, phương tiện thông tin, truyền thông ngày càng đa dạng và nhanh nhạy, trình độ dân trí từng bước được cao thì cùng với phát triển kinh tế, nhu cầu về dân chủ trong đời sống xã hội ngày càng cao và cần được đáp ứng. Trước hết, chính quyền địa phương phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và công bằng xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong phát triển xã hội từ xưa đến nay và là mãi mãi. Việc mở rộng dân chủ, bảo đảm dân chủ thực chất trong tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương là yếu tố tạo sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của HĐND. Thực hiện công khai, minh bạch, tạo cơ chế cho người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền địa phương là giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền; tạo được sự cộng đồng trách nhiệm giữa chính quyền và người dân là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Điều này đòi hỏi các đại biểu HĐND phải tăng cường tiếp xúc cử tri, tiếp công dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến kiến nghị đóng góp trí tuệ cho những quyết sách của HĐND. Quá trình soạn thảo các dự thảo nghị quyết của HĐND phải chú trọng việc công khai lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân; không chỉ thu thập ý kiến của đối tượng chịu sự tác động mà cần mở rộng, tạo cơ hội tiếp cận cho càng nhiều thành phần, tầng lớp nhân dân càng tốt. Trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để xứng đáng với vị trí, vai trò của mình thì việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh là vấn đề đặt ra vừa mang tính lâu dài, vừa cấp thiết, nhất là trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

 

Xuất phát từ yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN

 

Nhà nước pháp quyền là một trong những thành tựu lớn của nhân loại, vì vậy trong Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và hiện nay là Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Trong nhà nước pháp quyền thì pháp luật là tối thượng, cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân đều phải tuân thủ pháp luật; người dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những gì pháp luật quy định (trao thẩm quyền). Nhà nước pháp quyền phải có một hệ thống pháp luật hoàn thiện, nhất là các quy định về cơ cấu tổ chức, vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước. Trong nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải phân định rõ thẩm quyền giữa trung ương với địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước phải rõ ràng cùng với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Để xây dựng nhà nước pháp quyền trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, biện pháp cải cách bộ máy nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Do đó, việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, bảo đảm sự kiểm soát quyền lực của nhân dân. HĐND cấp tỉnh phải kịp thời ban hành các nghị quyết để quy định cụ thể các nội dung được giao trong luật và các nghị định của Chính phủ phù hợp với tình hình thực tế và nguồn lực của mỗi địa phương. Việc ban hành các nghị quyết của HĐND phải bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật. HĐND phải thực hiện tốt chức năng giám sát việc triển khai thực hiện Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của HĐND tại địa phương, bảo đảm cho các quy định của Hiến pháp và pháp luật đi vào cuộc sống.

 

Xuất phát từ yêu cầu khắc phục những hạn chế trong tổ chức, hoạt động của HĐND

 

Từ thực tế, hoạt động của HĐND các tỉnh nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa ngang tầm với vị trí, vai trò mà Hiến pháp và pháp luật quy định. Tổ chức và hoạt động của HĐND vẫn còn mang tính hình thức, là cơ quan quyền lực nhưng không thực quyền. Hoạt động giám sát chưa sâu, chất lượng và tính khả thi của các nghị quyết còn phụ thuộc nhiều vào năng lực của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các Ban của HĐND. Vai trò của các đại biểu HĐND trong việc thảo luận, góp ý vào chương trình ban hành nghị quyết cũng như đối với nội dung các dự thảo nghị quyết chưa được phát huy nên chưa huy động được trí tuệ tập thể của thiết chế HĐND. Vẫn chưa đề ra được các chủ trương, biện pháp quan trọng để thu hút đầu tư, khuyến khích mở rộng sản xuất kinh doanh nên tốc độ phát triển kinh tế chưa cao và chưa bền vững; đời sống vật chất, tinh thần, chính sách an sinh, xã hội chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ. Do đó, nhiều người dân vẫn chưa quan tâm đúng mức với việc bầu cử đại biểu HĐND cũng như hoạt động của HĐND, nhất là hoạt động tiếp xúc cử tri (vẫn chủ yếu là cử tri đại diện).

 

Đổi mới, phát triển là xu thế chung, tất yếu của xã hội. Từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền; từ những hạn chế trong tổ chức, hoạt động trong thời gian qua đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới về tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh nói chung và HĐND tỉnh Quảng Bình nói riêng nhằm khẳng định vị trí, vai trò trong bộ máy nhà nước, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân./.

                                                                       

  Phạm Thái Quý

More