Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 2840

  • Tổng 5.726.542

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Post date: 26/09/2024

Font size : A- A A+

 

 

1. Cử tri xã Phú Định, huyện Bố Trạch phản ánh, hiện tại hai bên tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam, đoạn đi qua xã Phú Định có diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng khá lớn nhưng không có đường dân sinh để phục vụ Nhân dân đi lại sản xuất, khai thác sản phẩm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tiến hành khảo sát thực địa tình hình; nếu đúng như cử tri phản ánh thì cần nghiên cứu để sớm có phương án mở các tuyến đường gom dân sinh phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại sản xuất, khai thác.

 

Trả lời

 

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua xã Phú Định mà cử tri đề cập ở trên thuộc phạm vi Gói thầu XL01, Dự án thành phần đoạn Bùng - Vạn Ninh do Ban QLDA 6 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư, hiện dự án đang triển khai thực hiện. Sau khi nhận được ý kiến của cử tri, Sở GTVT đã có Văn bản số 2429/SGTVT- KHTH ngày 07/8/2024 gửi Ban QLDA 6 - Bộ GTVT đề nghị tổ chức kiểm tra và có văn bản phúc đáp theo nội dung kiến nghị của cử tri. Ngày 14/8/2024, Ban QLDA 6 - Bộ GTVT đã có Văn bản số 1360/BQLDA6-BĐHB-VN trả lời kiến nghị của cử tri theo đề nghị của Sở GTVT. Theo đó, trong quá trình triển khai thi công Gói thầu XL01 Dự án thành phần đoạn Bùng - Vạn Ninh, Ban QLDA 6 đã tiếp nhận thông tin và phản ánh của thôn Sơn Định, xã Phú Định về nội dung nêu trên. Ngày 08/4/2024, Ban QLDA 6 đã mời Sở GTVT Quảng Bình, UBND huyện Bố Trạch, UBND xã Phú Định, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát kiểm tra hiện trường; các bên đã thống nhất bổ sung đường gom và đường phục vụ sản xuất các đoạn Km626+900 - Km627+378 (trái tuyến), Km627+378 - Km627+557 (phải tuyến), Km628+366,84 - Km628+553,29 (hai bên), Km628+823,9 - Km629+050 (phải tuyến) và Km630+140 - Km 60+400 (phải tuyến); ngoài ra, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, đoạn tuyến qua thôn Sơn Định, xã Phú Định đã được bố trí hầm chui dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã có Văn bản số 966/UBND-KT ngày 28/5/2024 gửi Bộ GTVT; trong đó có nội dung đề nghị bổ sung đường gom phục vụ nhu cầu đi lại, đảm bảo sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương trên các đoạn tuyến qua địa phận xã Phú Định, huyện Bố Trạch và Bộ GTVT đã có Văn bản số 5845/BGTVT-CQLXD ngay 03/6/2024 chỉ đạo Ban QLDA 6 kiểm tra, rà soát để giải quyết kiến nghị của cử tri địa phương. Hiện nay, Tư vấn thiết kế đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật đường gom đoạn qua xã Phú Định trình Chủ đầu tư phê duyệt để triển khai thi công (có Văn bản số 1360/BQLDA6 BĐH B-VN của Ban QLDA 6 - Bộ GTVT kèm theo).

 

(Công văn số số 2579/SGTVT-KHTH ngày 21/8/2024 của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình trả lời KNCT sau Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV và Công văn số 1360/BQLDA6-BĐHB-VN ngày 14/8/2024 của Ban Quản lý Dự án 6, Bộ Giao thông -Vận tải)

 

2. Cử tri huyện Tuyên Hóa phản ánh, tuyến đường liên xã Kim Hóa - Thuận Hóa được Nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2019, quy mô thiết kế 01 làn xe, nhưng ở hai đầu tuyến không có biển báo tải trọng của đường và cầu. Do vậy, nhiều xe quá khổ, quá tải (trên 30 tấn) thường xuyên lưu thông làm hư hỏng cầu và đường, đồng thời, mất an toàn giao thông trên tuyến. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra thực địa tình hình; nếu đúng như phản ánh của cử tri thì cần sớm có biện pháp khắc phục nhằm bảo vệ chất lượng cầu, đường và bảo đảm an toàn giao thông tại tuyến đường nêu trên.

 

Trả lời

 

Tuyến đường liên xã Kim Hóa - Thuận Hóa được đầu tư với quy mô thiết kế đường GTNT loại B, 01 làn xe, theo Tiêu chuẩn TCVN 10380:2014. Ngày 03/02/2020, công trình được nghiệm thu hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng bao gồm có các hệ thống cọc tiêu, biển báo, cột Km, cột thủy chí, được thiết kế theo Quy chuẩn Quốc gia về Báo hiệu đường bộ QCQG41: 2016/BGTVT. Quá trình đưa vào sử dụng, một số cọc tiêu, biển báo hiệu hư hỏng, mất tác dụng, biển báo hiệu tải trọng bị mất. UBND huyện đã chỉ đạo kiểm tra và sẽ tiến hành duy tu, bổ sung các loại biển báo hiệu trong năm 2024.

(Công văn số 1440/UBND-VP của UBND huyện Tuyên Hóa trả lời KNCT sau kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV)

 

3. Cử tri thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa phản ánh, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua trung tâm thị trấn Đồng Lê, chia cắt thị trấn thành 02 khu vực Đông và Tây nên việc đi lại qua đường sắt của người dân gặp nhiều khó khăn, vừa mất an toàn giao thông vừa làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với ngành đường sắt khảo sát thực địa các đường ngang, lối mở trên tuyến đường sắt đoạn qua thị trấn Đồng Lê để sớm có phương án xử lý phù hợp; đặc biệt là quan tâm, đầu tư xây dựng một số cầu vượt qua đường sắt để bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân và tạo điều kiện để thị trấn phát triển kính tế - xã hội.

 

Trả lời

 

Tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Quảng Bình có chiều dài 174,5km (từ Km405+00 - Km 579+500) qua nhiều loại địa hình phức tạp, nhiều khu vực tập trung đông dân cư từ các đô thị đến khu vực nông thôn đồng bằng, miền núi của 42 xã phường, thị trấn thuộc 06 huyện, thị xã, thành phố (Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Ba Đồn và Đồng Hới); vì vậy, công tác bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc quản lý đối với hệ thống đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt. Để tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT và tạo thuận điều kiện lợi cho hoạt động đi lại của người dân sinh sống hai bên tuyến đường sắt, Sở GTVT đã phối hợp với Cục Đường sắt, các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1772/KH-UBND ngày 30/9/2020 về thực hiện lộ trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ năm 2020 - 2025 (theo đó xây dựng, nâng cấp hệ thống đường gom và đường ngang hợp pháp phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn quy định để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn và thuận lợi cho nhân dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường sắt; trong đó, trên địa bàn thị trấn Đồng Lê dự kiến sẽ đóng 2 vị trí đường ngang, 12 lối đi tự mở, nâng cấp 1 lối đi tự mở thành đường ngang và xây dựng mới 1,9km đường gom); kết quả thực hiện từ năm 2020 đến nay trên địa bàn thị trấn Đồng Lê đã triển khai đóng được 9 lối đi tự mở và xây dựng mới 620m đường gom trong đoạn lý trình từ Km437+980 - Km438+600. Hiện tại, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam sớm triển khai xây dựng mới 42 đường ngang, hầm chui còn lại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và địa bàn thị trấn Đồng Lê nói riêng theo Kế hoạch số 1772/KH-UBND ngày 30/9/2020 của UBND tỉnh; đồng thời, nghiên cứu đề xuất Chính phủ hỗ trợ địa phương về nguồn vốn để thực hiện 22,2km đường gom theo Kế hoạch làm cơ sở đóng 121 lối đi tự mở còn lại trên địa bàn tỉnh.

 

(Công văn số 2579/SGTVT-KHTH ngày 21/8/2024 của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình trả lời KNCT sau kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV)

 

4. Cử tri Trần Văn Quang và cử tri Trần Thanh Long, cùng thường trú tại thôn Tây Định, xã Phú Định, huyện Bố Trạch phản ánh, mặc dù gia đình 02 ông không thuộc diện phải di dời để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc- Nam nhưng do nằm sát khu vực hành lang đường bộ nên vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng; đặc biệt, khi thi công dự án, nhà ở của các ông bị rung lắc, đất lở vào sát tường nhà rất nguy hiểm; đồng thời, bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị được di dời về khu tái định cư để ổn định cuộc sống lâu dài. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan xem xét giải quyết; nếu không thể giải quyết theo nguyện vọng, kiến nghị của cử tri cũng cần sớm có văn bản trả lời để cử tri được biết.

 

Trả lời

 

 Sau khi nghe phản ảnh của Ban Quản lý dự án 6 và đơn vị thi công về việc có 02 hộ dân là hộ ông Quang có nhà ở trên thửa đất số 144 thuộc tờ bản đồ số 6 xã Phú định và hộ ông Long có nhà ở trên thửa đất số 116 thuộc tờ bản đồ số 6 xã Phú định cản trở không cho thi công dự án Xây dựng đường bộ Cao tốc Bắc - Nam. Ngày 29/3/2024 UBND huyện đã tổ chức buổi làm việc kiểm tra hiện trường, do đồng chí Bùi Quốc Thanh - Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì, tham dự có đại diện Ban quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông Vận tải; Đại diện các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây Dựng, Giao thông Vận tải; Đại diện lãnh đạo UBND xã Phú Định. Tại buổi làm việc, qua kiểm tra hiện trường nhận thấy hiện trạng của 02 hộ dân nói trên được xây dựng khá lâu, kết cấu nhà xây gạch, mái lợp ngói, nhà ở nằm sát mốc GPMB (thửa đất không bị thu hồi khi GPMB dự án đường Cao tốc Bắc - Nam, nhưng nằm hoàn toàn trong hành lang an toàn giao thông). Trong quá trình triển khai thi công lu lèn thì nhà ở và các công trình xây dựng của 02 nhà dân bị rung lắc mạnh, có nguy cơ nứt nẻ, ảnh hưởng đến kết cấu công trình, tính mạng và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Do đó, ngày 16/4/2024 UBND huyện Bố Trạch đã ban hành Công văn số 731/UBND về việc nhà ở của các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam kính gửi Ban quản lý dự án 6 - Bộ Giao thông Vận tải xem xét giải quyết theo quy định. Ngày 30/7/2024, Ban quản lý dự án 6 đã chủ trì, phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây Dựng, Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, UBND xã Phú Định và 2 hộ dân bị ảnh hưởng tiến hành kiểm tra, đo đạc ngoài thực tế hiện trường về nhà ở, vật kiến trúc trên đất và đất ở của các hộ gia đình. Sau khi kiểm tra, đánh giá hiện trường, các thành phần tham gia cùng thống nhất hiện trạng toàn bộ nhà ở và đất của 02 hộ dân trên đều nằm trong hành lang an toàn đường bộ, thống nhất đề nghị Ban quản lý dự án 6 báo cáo Bộ Giao 2 thông Vận tải có văn bản trả lời để UBND huyện có cơ sở xem xét thực hiện thu hồi đất theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 56 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chỉnh phủ. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Bố Trạch vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Bộ Giao thông Vận tải và Ban quản lý dự án 6 nên chưa có cơ sở giải quyết kiến nghị người dân theo quy định.

 

(Công văn số 1822/UBND ngày 30/8/2024 của UBND huyện Bố Trạch trả lời KNCT sau Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV)

 

5. Cử tri xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh, ngày 28/12/2023, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3835/QĐ-UBND về việc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Đại Phúc Quảng Bình, đồng thời đề nghị Công ty phải chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi khu vực mỏ và thực hiện việc đóng cửa mỏ, khôi phục môi trường, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn sử dụng bến bãi, nhà kho để làm địa điểm trung chuyển vật liệu khoáng sản từ các địa phương khác về để chuyển đi tiêu thụ với số lượng lớn. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra tình hình thực tế, nếu đúng như cử tri phản ánh thì cần sớm có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

Trả lời

 

Công ty Cổ phần Xây dựng Đại Phúc Quảng Bình được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 3789/GP-UBND ngày 28/12/2015 để khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại lèn Hung Ba Tâm, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình (do nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình), diện tích 7,63 ha, thời hạn khai thác: Đến ngày 25/4/2030; được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cho thuê đất tại Quyết định số 1810/QĐ-UBND ngày 16/6/2016, diện tích 97.926,0 m2 (bao gồm: 76.321,0 m2 diện tích đất khai thác mỏ và 21.605,0 m2 diện tích đất làm bãi chế biến); thời hạn sử dụng đất: Đến ngày 06/02/2022. Ngày 28/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 3835/QĐ-UBND về việc thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản số 3789/GP UBND ngày 28/12/2015 do Công ty không thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các khoản nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai năm 2024, Nhà nước thu hồi đất đối với đất được Nhà nước cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn sử dụng đất. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, Sở Tài nguyên và Môi 2 trường đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2407/QĐ UBND ngày 22/8/2024 thu hồi toàn bộ diện tích 97.926,0 m2 đất đã cho thuê đất tại Quyết định số 1810/QĐ-UBND ngày 16/6/2016 (bao gồm: 76.321,0 m2 diện tích đất khai thác mỏ và 21.605,0 m2 diện tích đất làm bãi chế biến) theo quy định. Đối với phần diện tích 9.882,7 m2 đất tại xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa được Ủy ban nhân dân tỉnh cho Công ty Cổ phần Xây dựng Đại Phúc Quảng Bình thuê đất tại Quyết định số 3576/QĐ-UBND ngày 23/9/2019 để mở rộng bãi chế biến khoáng sản; thời hạn sử dụng đất đến ngày 25/4/2030. Hiện nay, thửa đất đang còn trong thời hạn sử dụng đất. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản và môi trường của Công ty Cổ phần Xây dựng Đại Phúc Quảng Bình trong quá trình sử dụng đất. Trường hợp nếu có vi phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật

 

(Công văn số 180/BC-STNMT ngày 26/8/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình trả lời KNCT sau kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV)

 

6. Cử tri xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa phản ánh, hiện nay hệ thống nước tưới tiêu và nước sinh hoạt trên địa bàn xã Sơn Hóa chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; cuộc sống và sản xuất của người dân còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước sạch để sinh hoạt và nước tưới tiêu, trong khi đó nguồn nước tự nhiên khá dồi dào. Theo đó, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan quan tâm khảo sát và có kế hoạch hỗ trợ kinh phí xây dựng đập Rậy Cộ nhằm tích trữ nước, cấp nước tưới tiêu và nước sinh hoạt cho Nhân dân xã Sơn Hóa.

 

Trả lời

 

Xã Sơn Hóa có 132,2 ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 59,2 ha. Trên địa bàn xã Sơn Hóa hiện có 05 đập dâng đang đảm nhận tưới cho 33,4 ha lúa nước của người dân trong vùng, còn lại 26,8 ha lúa nước đang sử dụng nguồn nước trời; về cấp nước sinh hoạt, hiện tại trên địa bàn xã Sơn Hóa chưa có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Đập Rậy Cộ thực chất là 1 khe nước xuất phát từ trong rừng sâu chảy ra có tên gọi là Rậy Cộ ở Thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Cuối nguồn có đập Đá Bàn hiện tại đang cung cấp nước tưới thủy lợi cho 8,6 ha lúa (02 vụ) của thôn Bắc Sơn 5 ha và thôn Tân Sơn 3,6 ha. Hiện nay, đập Đá Bàn đã hư hỏng, xuống cấp, tuyến kênh nằm dưới lòng khe Rậy Cộ thường xuyên bị hư hỏng, bồi lấp sau các mùa mưa lũ. Việc nâng cấp đập Đá Bàn trên khe Rậy Cộ là cần thiết để đảm bảo tích trữ, cấp nước tưới tiêu chủ động cho 21,07 ha lúa (thôn Tân Sơn 8,97 ha; thôn Bắc Sơn 12,1 ha) và nước sinh hoạt cho 195 hộ dân (thôn Tân Sơn 120 hộ, thôn Bắc Sơn 75 hộ). Phản ánh của cử tri là chính đáng, kính đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí đầu tư đập Đá Bàn trên khe Rậy Cộ để đảm bảo nhu cầu cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho người dân xã Sơn Hóa.

 

(Công văn số 2257/SNN-KHTC ngày 16/8/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình trả lời KNCT sau kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV)

 

7. Cử tri xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch phản ánh, đa số hộ dân sinh sống tại các thôn Bồng Lai 1, Bồng Lai 2 không có đất rừng sản xuất nên phải nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng từ Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình (Công ty) và đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm làm việc với Công ty để bóc tách thêm phần diện tích đất rừng giao cho dân sử dụng để sản xuất. Mặt khác, cử tri cũng phản ánh về tỷ lệ ăn chia giữa người dân với Công ty hiện tại được chia làm 3 mức: 50%/50%, 70%/30% và 80%/20% là chưa hợp lý (Đặc biệt, với tỷ lệ 80%/20%, dù người dân được hưởng 80%, Công ty chỉ hưởng 20% nhưng người dân phải bỏ ra toàn bộ chi phí sản xuất từ đầu vào đến đầu ra, gồm từ giống đến chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và chỉ trồng được mỗi giống cây keo với thời hạn sau 5 năm mới có thu hoạch nên không đủ chi phí sản xuất; trong khi đó, Công ty chỉ có đất rừng nhưng cũng được hưởng lợi 20%). Theo đó, cử tri đề nghị tỉnh quan tâm làm việc với Công ty để thống nhất một mức khoán hợp lý; nếu đưa ra mức khoán chung theo tỷ lệ 80%/20% thì Công ty cần hỗ trợ thêm cho người dân về giống để bảo đảm có thu nhập sau thu hoạch. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, tổ chức làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình để có phương án, giái pháp phù hợp nhằm đáp ứng nguyện vọng, kiến nghị trên của cử tri nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

 

Trả lời

 

Công ty TNHH TV CN Bắc Quảng Bình (Công ty) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100 vốn điều lệ, được Nhà nước cho thuê đất để sản xuất, trồng rừng bằng nguồn vốn của Công ty nhằm tạo nguồn thu cho Công ty, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn có công việc làm, tăng thu nhập, Công ty đã thực hiện hợp tác trồng rừng với người dân trên địa bàn xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch theo các hình thức: (1) Hợp tác đầu tư trồng rừng nguyên liệu; (2) Khoán đất trồng rừng sản xuất theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ; (3) Giao khoán đất trồng rừng sản xuất theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ (tại địa bàn xã Hưng Trạch, đối với hình thức giao khoán đất trồng rừng sản xuất theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, Công ty chỉ thực hiện đối với đối tượng là cán bộ, công nhân, viên chức đang làm việc cho Công ty). Đối với các hình thức hợp tác đầu tư trồng rừng nguyên liệu và khoán đất trồng rừng sản xuất theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ thì việc quy định tỷ lệ ăn chia (phân chia lợi ích) giữa Công ty TNHH TV CN Bắc Quảng Bình (bên khoán) với người nhận khoán đất rừng sản xuất hoặc người hợp tác đầu tư trồng rừng sản xuất (bên nhận khoán) là nội dung thỏa thuận tự nguyện dân sự giữa các bên đã được ghi trong Hợp đồng. Hợp đồng hợp tác theo tỷ lệ 20:80, Theo báo cáo của Công ty thì Công ty được hưởng 20 khối lượng sản ph m cây đứng trên lô (tương ứng với giá trị đầu tư là nộp tiền thuê đất; đo đạc lập hồ sơ thiết kế trồng rừng, hồ sơ hợp tác; hướng 3 dẫn kỹ thuật; giám sát, quản lý chung). Phần hộ dân được hưởng 80 khối lượng sản ph m cây đứng trên lô (tương ứng với giá trị đầu tư phần còn lại). Hiện nay, Đoàn Thanh tra theo Quyết định số 282/QĐ-TTr ngày 16/4/2024 của Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Bình đang thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất rừng sản xuất của Công ty TNHH TV CN Bắc Quảng Bình trên địa bàn huyện Bố Trạch, trong đó có liên quan đến các nội dung mà cử tri xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch phản ánh trên. Sau khi có kết luận thanh tra, cơ quan chức năng sẽ sớm phản hồi để cử tri được biết.

 

(Công văn số 2257/SNN-KHTC ngày 16/8/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình trả lời KNCT sau kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV)

 

 8. Cử tri xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa phản ánh, hiện tại Tổ tự quản Cầu Ròong có 42 hộ dân nhưng chỉ có 18 hộ có đất sản xuất, 24 hộ còn lại không có đất sản xuất. Vì không có đất sản xuất và cũng không có việc làm khác nên cuộc sống của 24 hộ dân trên không ổn định, hết sức khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan sớm kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng việc giao đất, giao rừng và tình hình đời sống, việc làm của các hộ dân tại Tổ tự quản Cầu Ròong để có phương án giao đất sản xuất cho các hộ dân hoặc có biện pháp hỗ trợ thích đáng giúp họ có thu nhập, ổn định cuộc sống.

 

 Trả lời

 

Thứ nhất: Tổ tự quản Cầu Roòng, xã Hồng Hóa hiện nay gồm 37 hộ dân 146 nhân khẩu đang sinh sống trên địa bàn. Trong đó: tại thời điểm thành lập có 18 hộ; Các hộ phát sinh 19 hộ.

       

Thứ hai: Về thực trạng giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp Số hộ đã được giao đất sản xuất: Đến nay có 25 hộ đã có đất sản xuất với tổng diện tích 81 ha. Trong đó: có 18 hộ được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn 2007-2009 và có 7 hộ gia đình được giao đất năm 2013. Số hộ hiện tại chưa được giao đất sản xuất: 12 hộ. Tuy nhiên có 06 hộ đã có đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở.

         

Nguyên nhân các hộ chưa được giao đất:  Một số hộ dân của Tổ tự quản Cầu Ròong sau khi được giao đất đã chuyển nhượng cho các hộ khác. Các hộ phát sinh sau thời điểm giao đất (các hộ phát sinh từ địa phương khác chuyển đến, tách ra từ hộ bố mẹ), các hộ được tách ra từ hộ bố, mẹ tại thời điểm giao đất hộ gia đình đã được tính theo khẩu có cả khẩu của con cái. Các hộ phát sinh sau không còn quỹ đất sản xuất để giao. Hiện nay, các hộ ra riêng, phát sinh mới trên toàn xã Hồng Hóa rất lớn vì vậy không thể đáp ứng hết nhu cầu về đất đai của người dân.

       

Qua rà soát, hiện nay quỹ đất sản xuất trên địa bàn xã Hồng Hóa không còn, chỉ có đất rừng tự nhiên sản xuất do UBND xã quản lý. Theo quy định của Luật Đất đai thì hộ gia đình, cá nhân không thuộc đối tượng được giao đất rừng tự nhiên sản xuất.

       

Thứ ba: Vấn đề giải quyết việc làm Trên địa bàn Tổ tự quản Cầu Roòng có 02 công ty đang hoạt động cũng đã tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân. Hiện nay, đang có Công ty đầu tư về lĩnh vực chăn nuôi đang hoàn thiện thủ tục đầu tư tại Tổ tự quản Cầu Roòng, phía Công ty cam kết ưu tiên nhận các lao động tại chỗ, giải quyết việc làm cho bà con tại Tổ tự quản Cầu Roòng. Khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết được việc làm cho bà con Nhân dân toàn xã nói chung và Tổ tự quản Cầu Roòng nói riêng. Bên canh đó, một số hộ dân được UBND huyện, UBND xã hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi… có 36 hộ được hỗ trợ.

 

(Công văn số 628/UBND ngày 26/8/2024 của UBND huyện Minh Hóa trả lời KNCT sau Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV)

 

9. Cử tri thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa phản ánh, Trạm cung cấp nước sạch tại xã Thuận Hóa do Công ty TNHH nước sạch Quảng Bình quản lý cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân thị trấn Đồng Lê và các xã lân cận. Tuy nhiên, địa điểm của Trạm lại nằm ở khu vực hạ lưu, gần các dòng nước thải sinh hoạt của thị trấn Đồng Lê và xã Lê Hóa nên không đảm bảo vệ sinh nguồn nước. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tiến hành khảo sát thực địa; nếu đúng như phản ánh của cử tri thì cần sớm có biện pháp khắc phục, xử lý ô nhiễm nguồn nước hoặc đầu tư di dời Trạm tới khu vực khác bảo đảm an toàn.

 

Trả lời

 

Trạm Cấp nước sạch xã Thuận Hóa có công suất 1.000m3/ngày đêm được khai thác sử dụng từ năm 1998 cấp nước sinh hoạt cho gần 1000 hộ khách hàng địa bàn thị trấn Đồng Lê và các xã phụ cận, nguồn nước khai thác từ sông Đồng Lào qua xã Thuận Hóa. Trong quá trình xây dựng, phát triển thị trấn Đồng Lê quy hoạch chi tiết điều chỉnh việc thug om nước mưa, nước thải sinh hoạt được đổ về khu vực Cầu Khe Trề, dẫn đến nơi tiếp nhận nước mưa, nước xả nằm ở phí thượng nguồn so với công trình thu của nhà máy nước như cử tri phản ánh là đúng sự thật.

 

Trước thực trạng trên, trong quá trình khai thác, xử lý cấp nước sinh hoạt, Công ty luôn quan trắc, giám sát định kỳ các chỉ tiêu nguồn nước nguyên liệu cũng như chất lượng nước sau xử lý; kết quả giám sát đều cho kết quả đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hiện hành (cụ thể: Nguồn nước nguyên liệu đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về chất lượng nước mặt QCVN 08:2003/BTNMT; chất lượng nước thành phẩm sau xử lý đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN01; 2008/BYT và QCĐP 01: 2023/QB). Mặt khác, về vị trí điểm xả thải từ dân cư đối chiếu với Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước thì vị trí điểm xả nói trên nằm ngoài vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

 

Vì vậy, trước mắt ngoài việc thường xuyên quan trắc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, Công ty sẽ vẫn tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thông tin cho nhân dân trên địa bàn được biết để yên tâm sử dụng do trạm nước xã Thuận Hóa cung cấp. Để đảm bảo chất lượng nguồn nước về lâu dài khi nguồn xả thải tăng theo tốc độ phát triển đô thị và dân cư, Công ty sẽ làm việc với UBND huyện Tuyên Hóa và các cơ quan liên quan để xây dựng lộ trình đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước mới về phía thượng nguồn của xả thải hiện nay.

 

(Công văn số 302/CV-NQB ngày 14/8/2024 của Công ty cổ phần cấp nước Quảng Bình trả lời KNCT sau Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV)

                                                                                           

More