Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 11938

  • Tổng 4.099.044

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Ninh sau kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh khóa XVIII

Post date: 18/10/2023

Font size : A- A A+

 

Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Quảng Ninh sau kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026

 

1. Hiện nay trên địa phận vùng biển thuộc xã Hải Ninh có nhiều tàu dạ cào ở các địa phương khác đến để cào thủy, hải sản, các tàu dạ càohoạt động gần bờ (cách bờ chưa đầy 01 hải lý, có tàu cào gần bờ cách mặt nước 2 đến 3 sải) sai với quy định, đồng thời làm mất tài sản của ngư dân xã Hải Ninh, hơn nữa các tàu dạ cào này còn dùng nguồn điện 3 pha để kích điện khi cào, làm hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản tại tầng đáy, tình trạng này xảy ra đã lâu, tuy nhiên các cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn. Đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền và xử lý nghiêm tình trạng này để người dân xã Hải Ninh và các xã vùng biển yên tâm lao động sản xuất (cử tri xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh và cử tri phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới).

 

 Trả lời:

 

Nội dung phản ánh của cử tri là đúng và phù hợp với thông tin Sở đã nắm được, tại vùng biển ven bờ trên toàn tỉnh (trong đó có xã Hải Ninh huyện Quảng Ninh và phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới) vẫn còn tình trạng tàu giã cào (tiếng địa phương gọi là dạ cào) khai thác thuỷ sản trái phép, chủ yếu là tàu giã cào đơn của một số địa phương trên địa bàn tỉnh, chủ yếu thuộc xã Quang Phú, Bảo Ninh của TP. Đồng Hới, Đức Trạch của huyện Bố Trạch, xã Cảnh Dương của huyện Quảng Trạch,.. (các tàu này có sử dụng xung điện để khai thác thủy sản). Hành vi này đã vi phạm quy định tại Luật Thuỷ sản 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, đến công tác chống khai thác IUU, tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu trên địa bàn tỉnh.

 

Theo Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND ngày 16/4/2020 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản tại vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa tỉnh Quảng Bình, hoạt động khai thác thuỷ sản tại vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa đã phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý, do vậy đề nghị ngư dân khi phát hiện tàu giã cào ở các địa phương khác đến để cào thủy, hải sản làm mất mát tài sản thì kịp thời thông báo cho lực lượng Biên phòng, UBND Hải Ninh để phối hợp thực hiện điều tra, xử lý theo đúng quy định.

 

Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các UBND cấp huyện, lực lượng Biên phòng để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đánh bắt thuỷ sản trái phép.

 

(Công văn số 2398/SNN-KHTC ngày 30/8/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn v/v giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri  sau kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XVIII)

 

2. Trên địa bàn xã Trường Xuân hiện có 5 Công ty khai thác vật liệu xây dựng và nấu nhựa đường với quy mô, công suất ngày càng lớn, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể, việc khai khác vật liệu xây dựng của các Công ty đã làm thay đổi dòng chảy các dòng suối, gây ô nhiễm môi trường nước; làm sạt lở, vùi lấp đất sản xuất của người dân; do ô nhiễm khói bụi trong thời gian dài đã làm xuất hiện một số bệnh liên quan đến hô hấp, viêm mũi, suy thận, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, nhất là người dân bản Khe Dây…Tình trạng này xảy ra đã lâu, tuy nhiên, các công ty, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp khắc phục cũng như thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đối với các Công ty này; đồng thời, đề nghị các Công ty trích một phần kinh phí để hỗ trợ, thăm hỏi người dân bị ảnh hưởng; định kỳ tổ chức khám sức khỏe cho bà con Nhân dân để kịp thời sớm phát hiện bệnh có liên quan; hỗ trợ cho bản Khe Dây xây dựng các giếng khoan để có nước sạch sử dụng; đẩy nhanh tiến độ đưa nước sạch từ hồ Rào Đá về cho dân.

 

Trả lời:

 

2.1. Về tình hình hoạt động của 05 Công ty khai thác và chế biến đá gây ô nhiễm môi trường.

 

Hiện nay, trên địa xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh có 05 đơn vị hoạt động khai thác và chế biến đá gồm: Công ty TNHH Vận tải và thương mại Hòa Phát, Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Bình Lợi, Công ty TNHH Thục Linh, Công ty TNHH Tổng công ty Thế Thịnh và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Bảo Ninh.

 

Trong những năm trước đây, hoạt động chế biến đá của các mỏ đá có phát sinh bụi và quá trình vận chuyển đá đi tiêu thụ đã làm lún, vỡ mặt đường tuyến đường liên xã Trường Xuân - Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (đoạn đi qua các mỏ đá), gây bụi cuốn theo phương tiện vận tải, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và sức khỏe, đời sống của người dân sống hai bên đường vận chuyển, vấn đề này đã được cử tri và báo chí phản ánh nhiều lần. Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần kiểm tra yêu cầu các đơn vị thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đặc biệt là phun nước làm ẩm tại khu vực bãi chế biến và tuyến đường vận chuyển để hạn chế bụi cuốn theo phương tiện phát tán vào dân cư.

 

Tuy nhiên, biện pháp này không khắc phục được triệt để và căn cơ vấn đề. Để giải quyết có tính lâu dài, theo đề xuất của UBND huyện Quảng Ninh và Sở Giao thông vận tải, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2499/QĐ-UBND về phê duyệt thiết kế thi công và dự toán xây dựng công trình đường tránh sau khu du lịch Núi Thần Đinh xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh do UBND huyện Quảng Ninh làm chủ đầu tư, đến nay tuyến đường này đã thi công hoàn thiện đưa vào sử dụng, các đơn vị khai thác đá đã sử dụng tuyến đường tránh này để vận chuyển đá, không vận chuyển qua khu dân cư như trước đây, nên đã phần nào khắc phục được tình trạng ô nhiễm bụi tại khu vực dân cư.

 

Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường liên xã Trường Xuân, Trường Sơn đoạn từ UBND xã Trường Xuân đến mỏ đá của Công ty TNHH VT và TM Hòa Phát chưa được cải tạo, nâng cấp hoàn thiện, nên tình trang ô nhiễm bụi cuốn do xe vận chuyển trên đoạn đường này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Để hạn chế bụi cuốn, các Công ty khai thác đá trên địa bàn xã Trường Xuân đã cam kết chỉ vận chuyển trong giờ hành chính, kết hợp với phun ẩm hạn chế bụi cuốn và thực hiện việc tu sửa những đoạn đường hư hỏng do xe vận chuyển gây ra. Trên thực tế một số cơ sở thỉnh thoảng vẫn có hoạt động vận chuyển đá giữa trưa và ban đêm (ngoài giờ hành chính như đã cam kết) mà không thực hiện phun ẩm nên vẫn gây tình trạng bụi ở một số thời điểm như kiến nghị của cử tri.

 

2.2. Về nội dung kiến nghị việc khai thác vật liệu xây dựng của các Công ty làm thay đổi dòng chảy của suối, gây ô nhiễm môi trường nước.

 

Theo báo cáo, thời gian qua hoạt động khai thác và chế biến đá của Công ty TNHH Tổng Công ty Thế Thịnh và Công ty TNHH Thục Linh có những thời điểm do tác động của nước mưa chảy tràn cuốn trôi đất đá xuống suối Khe Ngang - Khe Dây, gây cản trở dòng chảy của suối. Tuy nhiên, sau khi có kiến nghị của người dân bản Khe Dây, các Công ty đã thực hiện khắc phục nạo vét, trả lại dòng chảy tự nhiên của suối.

 

2.3. Về hỗ trợ cho Bản Khe Dây giếng khoan để cấp nước cho các hộ dân sử dụng và đẩy nhanh tiến độ đưa nước sạch từ hồ Rào Đá về cho dân bản.

 

Để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho dân bản, thời gian qua UBND huyện Quảng Ninh đã bố trí nguồn kinh phí và giao cho UBND xã Trường Xuân thực hiện khoan 05 giếng để cung cấp nước cho người dân sinh hoạt (Bản Khe Ngang 02 giếng và Bản Khe Dây 3 giếng). Tuy nhiên,có 01 giếngtại Bản Khe Dây nước có hiện tượng đổi màu bạc nên người dân không sử dụng). Ngoài ra, Công ty TNHH Tổng Công ty Thế Thịnh đã hỗ trợ khoan 01 giếng cho bản Khe Dây cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

 

Theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 24/11/2022 của Hội đồng nhân dân huyện Quảng Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình, dự án sử dụng ngân sách huyện (giai đoạn 2023 - 2025), sẽ đầu tư công trình “Cấp nước sinh hoạt thôn Rào Trù, bản Khe Ngang, Khe Dây” từ nguồn nước hồ Rào Đá với kinh phí dự kiến 4 tỷ đồng.

 

2.4. Về hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

 

Theo báo cáo, hàng năm Công ty TNHH VT và TM Hòa Phát có hỗ trợ kinh phí cho người dân bản Khe Ngang và Công ty TNHH Tổng Công ty Thế Thịnh có hỗ trợ kinh phí cho người dân bản Khe Dây có liên quan. Ngoài ra, các Công ty cũng đã hỗ trợ người dân đá để nâng cấp, sửa đường. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các Công ty hoạt động còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân.

 

2.5. Từ thực tế nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có một số kiến nghị, đề xuất:

 

*Đề nghị UBND huyện Quảng Ninh:

 

- Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường giao thông từ UBND xã Trường Xuân đến đường tránh núi Thần Đinh; có kế hoạch triển khai xây dựng đoạn đường từ đường tránh vào đến mỏ đá Công ty Hòa Phát nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường do bụi cuốn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân theo nội dung Thông báo số 576-TB/HU ngày 16/8/2022 của Huyện ủy Quảng Ninh về kết luận của đồng chí Bí thư Huyện ủy tại Hội nghị đối thoại với nhân dân xã Trường Xuân.

 

- Sớm bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình “Cấp nước sinh hoạt thôn Rào Trù, bản Khe Ngang, Khe Dây” đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân sinh hoạt theo tinh thần của Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 24/11/2022 của Hội đồng nhân dân huyện Quảng Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình, dự án sử dụng ngân sách huyện (giai đoạn 2023 - 2025).

 

* Đề nghị UBND xã Trường Xuân: rà soát lại nhu cầu sử dụng nước của người dân hai bản Khe Ngang và Khe Dây, trường hợp nguồn nước không đủ và đảm bảo cho người dân sử dụng để sinh hoạt thì kiến nghị đề xuất UBND huyện xem xét trước mắt bố trí kinh phí khoan thêm giếng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

 

* Đề nghị các Công ty khai thác và chế biến đá trên địa bàn xã Trường Xuân:

 

- Trong quá trình hoạt động, phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng các quy định pháp luật, nội dung cam kết bảo vệ môi trường theo hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường/cam kết bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt/xác nhận; vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý môi trường, đảm bảo các nguồn chất thải thải phải được thu gom, xử lý đạt QCVN cho phép trước khi thải ra môi trường, quản lý chất thải thông thường, CTNH đúng theo quy định.

 

- Tăng cường các biện pháp phun ẩm thường xuyên để giảm thiểu việc phát tán bụi trong hoạt động khai thác, chế biến đá và vận chuyển đá đi tiêu thụ; chấm dứt tình trạng vận chuyển đá giữa trưa hoặc ban đêm để tránh gây ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh.

 

- Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để có giải pháp sửa chữa các đoạn đường bị hư hỏng do quá trình vận chuyển đá gây ra, đảm bảo an toàn giao thông đi lại cho người dân trong khu vực.

 

- Có biện pháp quản lý sản xuất phù hợp, tránh tình trạng để đất đá rơi xuống suối gây cản trở dòng chảy; trường hợp xảy ra sự cố đất đá rơi cản trở dòng chảy phải kịp thời khắc phục nạo vét, trả lại dòng chảy tự nhiên cho suối.

 

- Tiếp tục quan tâm, tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn, tạo mối quan hệ lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp với người dân.

 

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử trixã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh để tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã.

 

(Công văn số 2641 /STNMT-TTr ngày 31/8/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường  v/v giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri  sau kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XVIII)

 

3. Cử tri Nguyễn Văn Hoàn, xã Hải Ninh phản ánh, ông nhập ngũ năm 1977, tham gia chiến đấu và bị thương tại chiến trường biên giới Campuchia năm 1978. Năm 2014, ông đã làm hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ thương binh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị Tỉnh có ý kiến với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và trả lời cho ông được biết.

 

Trả lời:

 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra hồ sơ quản lý nhưng không có hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thương binh của ông Nguyễn Văn Hoàn nên đã có Công văn số 1377/SLĐTBXH-NCC ngày 25/8/2023 đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra, trả lời cử tri. Theo phúc đáp tại Công văn số 4275/BCH-CT ngày 28/8/2023, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chưa tiếp nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thương binh của ông Nguyễn Văn Hoàn, trú tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, việc giải quyết chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, người khi bị thương thuộc quân đội, công an quản lý được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Đề nghị cử tri liên hệ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Ninh hoặc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình để được xem xét, hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục theo quy định hiện hành

 

(Công văn số 1413/SLĐTBXH-NCC ngày 30/8/2023 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội v/v giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri  sau kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XVIII)

 

4. Hiện nay mương thoát nước ở phía Tây Quốc lộ 1A, đoạn từ Ngã tư đường rẽ về phía xã Hàm Ninh, thôn Trúc Ly đến Chợ cũ xã Võ Ninh đã bị hư hỏng, sập nhiều đoạn, mương thoát nước đã bị cát sạn lấp đầy nên bị tắc không thoát nước được; vì vậy, mỗi khi trời mưa nước chảy tràn trên mặt bê tông, gây ngập úng, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của các hộ dân. Vấn đề này cử tri đã kiến nghị trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII nhưng UBND huyện Quảng Ninh trả lời vấn đề này thuộc thẩm quyền  củaCục quản lý đường bộ II quản lý. Đề nghị Tỉnh có ý kiến với Cục quản lý đường bộ II quan tâm, xem xét sửa chữa tuyến mương thoát nước nói trên để bảo đảm an toàn giao thông và sinh hoạt của nhân dân (cử tri xã Võ Ninh). 

 

Trả lời:

 

Theo phân cấp đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Quảng Bình do Văn phòng Quản lý đường bộ II.4 là cơ quan quản lý khu vực của Khu Quản lý đường bộ II chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì. Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, Sở GTVT đã có Công văn số 2808/SGTVT-KHTH ngày 25/8/2023 gửi Văn phòng Quản lý đường bộ II.4 đề nghị kiểm tra, xem xét. Theo báo cáo của Văn phòng Quản lý đường bộ  II.4, rãnh thoát nước mặt hiện trạng được xây dựng đã lâu, có kích thước (30x30)cm, thấp hơn mặt đường bê tông nhựa khoảng 10cm; Văn phòng Quản lý đường bộ II.4 đã yêu cầu đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ nạo vét lòng rãnh và thay thế các tấm đan bị hư hỏng để đảm bảo thoát nước và an toàn giao thông. Về lâu dài, Văn phòng Quản lý đường bộ II.4 sẽ báo cáo Khu Quản lý đường bộ II, Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, đưa vào kế hoạch sửa chữa, bảo trì hàng năm để thay thế bằng hệ thống rãnh thoát nước có kích  hước lớn hơn nhằm đảm bảo đồng bộ trên tuyến.

 

(Công văn số 2825/GTVT-KHTH ngày 28/8/2023 của Sở Giao thông vận tải  v/v giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri  sau kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XVIII)

 

More