Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 4527

  • Tổng 4.026.914

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

Post date: 09/11/2022

Font size : A- A A+

 

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp.

 

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật:


1. Về giải thích từ ngữ (Điều 4)


Đề nghị bổ sung khái niệm về "giá trị phi thị trường" vào nội dung của Luật vì trong Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá vẫn đang có Tiêu chuẩn về cơ sở giá trị này. Hiện nay, các hệ thống quy định về giá tính thuế đều đang sử dụng cơ sở hình thành giá trị phi thị trường nhưng chưa được thừa nhận như: xác định giá trị còn lại của ô tô đã qua sử dụng làm căn cứ tính thuế chuyển nhượng; giá trị nhà tính lệ phí trước bạ; bảng giá đất làm căn cứ xác định các nghĩa vụ tài chính về đất đai như tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (chưa bao gồm thuế chuyển nhượng đất)… không căn cứ vào giá trị cụ thể của tài sản mà áp dụng đồng loạt theo năm sản xuất với ô tô, theo diện tích (m2) với nhà đất.


2. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7)


Điểm c, khoản 2, quy định đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh: "c) Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý;"


Đề nghị cần làm rõ thế nào là "bất hợp lý" hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết thế nào là “bất hợp lý” để làm cơ sở cho việc áp dụng luật, tránh tình trạng quy định mang tính "định tính" gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Mặt khác, do hiện nay không có quy định về lợi nhuận định mức ngành và nguyên tắc cung cầu, cơ hội đầu tư; do đó không thể áp dụng văn bản luật ngành để can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào quan hệ thị trường trong khi không thể cung cấp số liệu thống kê về lợi nhuận định mức ngành để khống chế việc tăng giá, nhất là việc tăng giá không phải là mặt hàng thiết yếu trong những thời điểm nhất định.


3. Về nội dung quản lý nhà nước về giá (Điều 12), đề nghị bổ sung nội dung “Ứng dụng công nghệ thông tin về giá, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về giá” cho phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 13 và khoản 9 Điều 14, khoản 9 Điều 15, khoản 5 Điều 17, khoản 3 Điều 18. 


Đồng thời đề nghị quy định thống nhất trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về giá tại các điều luật nêu trên. Trong đó, để đảm bảo thực hiện Chính phủ số, Chính phủ điện tử, đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện việc quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về giá nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng, tránh tình trạng Trung ương cũng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, địa phương cũng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, gây khó khăn, lãng phí trong quá trình thực hiện.


4. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (Điều 16)


Dự thảo Luật quy định: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân có ý kiến về Quyết định giá hàng hóa dịch vụ trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình xin ý kiến theo quy định của pháp luật”.


Đề nghị quy định rõ những loại giá hàng hóa, dịch vụ cụ thể hoặc những trường hợp cụ thể cần phải có ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh để thuận lợi trong quá trình triển khai thi hành Luật. Đồng thời, bổ sung quy định về nhiệm vụ giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện quy định pháp luật về giá. Cụ thể: “Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về giá”.


5. Về Quỹ bình ổn giá (Điều 22): Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi một số hàng hóa theo quy định của luật có biến động bất thường; khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề lớn, quan trọng, vì vậy, đề nghị quy định ngay trong luật việc quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá để áp dụng thống nhất, không giao cho Chính phủ quy định như trong dự thảo.


6. Về Hội đồng thẩm định giá (Điều 63)


Đề nghị bổ sung nội dung quy định rõ các thành viên tham gia Hội đồng thẩm định giá liên quan đến tài sản cần định giá và liên quan đến việc quyết định giá.


7. Về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá (Chương VII)


Hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá là một trong những nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá. Vì vậy đề nghị bỏ Chương VII và bố trí 01 khoản tại Điều 12 quy định giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá./.


Phòng CTQH
 

More