Nghiên cứu xây dựng đạo luật quy định các vấn đề đối với người chưa thành niên
Ngày 21/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tham gia thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại phiên họp ngày 21/11.
Theo đó, đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Theo đại biểu, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội (KT-XH) còn nhiều khó khăn, các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật xuất hiện nhiều hơn, song Chính phủ đã cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, giải pháp, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH và đối ngoại của đất nước.
Bên cạnh đó, ý kiến đại biểu cũng chỉ rõ những vấn đề đáng quan tâm như tội phạm tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra; tội phạm xâm hại trẻ em tăng (tăng 41,88% so với năm 2022); xảy ra nhiều vụ việc người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng xâm hại thân thể, tính mạng, xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc dư luận... Đáng chú ý thời gian qua, đã có sự gia tăng đáng kể cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của các vụ bạo lực học đường (tính từ tháng 9/2021 đến tháng 11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh). Ý kiến bày tỏ sự lo ngại về việc bạo lực học đường xảy ra không chỉ giữa học sinh với học sinh mà nghiêm trọng hơn, còn xảy ra giữa thầy, cô giáo với học sinh và lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản…
Mặc dù Quốc hội đã ban hành nghị quyết riêng về phòng, chống xâm hại trẻ em từ năm 2020; pháp luật Việt Nam đã có các quy định rõ ràng nhằm ngăn chặn và xử lý tình trạng bạo lực học đường; các luật liên quan cũng quy định cụ thể, song theo đại biểu, công tác bảo vệ người chưa thành niên thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập; tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bị xâm hại vẫn còn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng; pháp luật về tư pháp người chưa thành niên còn nhiều bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên cả về hành chính và hình sự còn phân tán ở nhiều đạo luật, khó thực thi.
Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng thực tế này đặt ra một yêu cầu cấp thiết, đó là cần sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành một đạo luật riêng, chuyên biệt quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề đối với người chưa thành niên; từ các biện pháp bảo vệ người chưa thành niên đến các nội dung về tư pháp người chưa thành niên. Theo đại biểu, việc bảo vệ người chưa thành niên cần cách tiếp cận riêng biệt, cơ chế pháp lý đặc thù, phù hợp với đặc điểm thể chất, tinh thần, tâm sinh lý ở lứa tuổi này.
Đối với vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, internet, mặc dù thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, thương mại điện tử; thực hiện các biện pháp cấp bách tăng cường bảo vệ an ninh mạng trong tình hình mới song số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực này đang gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn.
Theo đại biểu, trong bối cảnh công nghệ số toàn cầu, các ứng dụng trên nền tảng số ngày càng phát triển, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự báo các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng sẽ ngày càng gia tăng. Để bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin của người dùng, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng; chuẩn hóa các thông tin thuê bao di động, loại bỏ hoàn toàn “sim rác”; Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường triệt phá các loại tội phạm lừa đảo qua app mà điển hình là những cuộc gọi mạo danh…
Về thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, để tránh tình trạng bức cung, nhục hình, bảo đảm tính khách quan trong hoạt động điều tra, truy tố, góp phần hạn chế oan sai trong giải quyết các vụ án hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”.
Nghị quyết số 41, ngày 20/6/2017 của Quốc hội và Thông tư liên tịch số 03 của Bộ Công an-Viện Kiểm sát nhân dân tối cao-Tòa án nhân dân tối cao-Bộ Quốc phòng, ngày 1/2/2018 quy định: “Chậm nhất đến ngày 1/1/2020 thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử trên phạm vi toàn quốc”.
Ngày 11/9/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1172/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can. Bộ Công an cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ.
Nhấn mạnh các văn bản để triển khai thực hiện cơ bản đã đầy đủ, đến nay đã 8 năm kể từ khi ban hành Luật Tố tụng Hình sự, gần 3 năm thời hạn đề ra trong Thông tư liên tịch số 03, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đặt câu hỏi, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử đã được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc hay chưa? Do báo cáo Chính phủ chưa đánh giá và làm rõ nội dung này nên đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá một cách thẳng thắn quy định này, theo đó cần tiến hành sơ kết việc thực hiện để chỉ ra được tồn tại, nguyên nhân (nếu có), từ đó đề ra giải pháp và lộ trình thực hiện để báo cáo Quốc hội được rõ.
Phòng Công tác Quốc hội
- Triển khai thực hiện chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội (25/11/2023)
- Đại biểu Quốc hội biểu quyết và thảo luận về các dự án luật (11/11/2023)
- Hoàn thiện hệ thống tòa án phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân (10/11/2023)
- Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật (10/11/2023)
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Tham gia chất vấn 4 nhóm vấn đề (08/11/2023)
- Đại biểu Quốc hội chất vấn các bộ trưởng (07/11/2023)
- Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (04/11/2023)
- Đại biểu Quốc hội thảo luận các vấn đề "nóng" thuộc lĩnh vực giáo dục và phòng cháy, chữa cháy (04/11/2023)
- Cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực (02/11/2023)
- Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (02/11/2023)