Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV
Nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV
I. LĨNH VỰC MÔI TRƯỜNG, GIAO THÔNG, THỦY LỢI
1. Cử tri phản ánh, Dự án đường cứu hộ, cứu nạn từ Quốc lộ 1A đến Di tích lịch sử chiến thắng Xuân Bồ, kết nối Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng từ năm 2018; tuy vậy, đến năm 2020, Dự án hết thời hạn giải ngân nhưng không hoàn thành được do nhiều nguyên nhân (nhất là ảnh hưởng của trận lũ lụt lịch sử vào tháng 10/2020) nên thi công nửa chừng thì phải tạm dừng. Đây là tuyến đường quan trọng kết nối Quốc lộ 1A vào khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phục vụ nhu cầu giao thương hàng hóa, sản xuất, sinh hoạt, cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp trong mùa mưa lũ nên Nhân dân địa phương mong đợi Dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; tuy nhiên, quá trình tạm dừng thi công quá lâu; thêm vào đó, hiện trạng công trình thi công dang dở đã làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây khó khăn cho việc đi lại của Nhân dân. Từ bất cập trên, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét có phương án tiếp tục đầu tư và chỉ đạo tiếp tục triển khai thi công, sớm hoàn thiện tuyến đường để đưa vào sử dụng (Cử tri Lê Thuận Sơn, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy).
Trả lời:
Tại Quyết định số 1873/QĐ-TTg ngày 30/12/2018, Thủ tướng Chính phủ giao nguồn dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ thực hiện 02 dự án quan trọng, cấp bách của tỉnh Quảng Bình, trong đó có 80 tỷ đồng thực hiện Dự án Đường cứu hộ, cứu nạn từ Quốc lộ 1A đến di tích lịch sử chiến thắng Xuân Bồ kết nối khu du lịch và khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giai đoạn 1).
Dự án được phê duyệt báo cáo Nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2755/QĐ-UBND ngày 07/8/2020; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và Dự toán công trình tại Quyết định số 4460/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 với tổng dự toán được phê duyệt là 80 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ 2019-2020. Cuối tháng 12/2020, thủ tục lựa chọn nhà thầu mới được phê duyệt theo quy định. Theo báo cáo của tỉnh, do một số nguyên nhân khách quan (như covid-19, lũ lụt, vướng mắc trong kiểm kê đền bù, giải phóng mặt bằng...) nên đến ngày 30/12/2020, Dự án chỉ giải ngân được 44,774 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa giải ngân là 35,225 tỷ đồng.
Trong quá trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn dự phòng NSTW năm 2018, các dự án được tỉnh báo cáo đều là dự án cấp bách cần bố trí vốn để triển khai thực hiện ngay, vì vậy tại Quyết định giao vốn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh được hỗ trợ chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số vốn được NSTW hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật, chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án, bảo đảm hiệu quả đầu tư; Đồng thời dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết năm 2020 và không được cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang các năm sau. Hiện nay, Quốc hội đã phê chuẩn kết quả quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 (tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, tháng 6/2022). Để bảo đàm hoàn thành đúng mục tiêu của Dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, đề nghị tỉnh Quảng Bình chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định giao kếhoạch vốn dự phòng NSTW năm 2018.
(Công văn số 6660/BKHĐT-TH ngày 19/9/2022 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 3)
IV. LĨNH VỰC CHÍNH SÁCH, LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM
1. Cử tri phản ánh, theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 thì huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình chỉ có xã Lâm Hóa thuộc xã đặc biệt khó khăn. Trên thực tế, hiện tại ở địa bàn huyện Tuyên Hóa còn nhiều xã rất khó khăn, cuộc sống của Nhân dân hết sức vất vả, thiếu thốn, có thể nói là đặc biệt khó khăn không kém gì xã Lâm Hóa nhưng do không đảm bảo tiêu chí đủ 15% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên không thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu ban hành chính sách hợp lý để hỗ trợ Nhân dân các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có dưới 15% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn (Cử tri huyện Tuyên Hóa).
Trả lời:
Ủy ban Dân tộc xin trả lời như sau: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 về phê duyệt danh sách các xã khu vực I, khu vực II, khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 về phê duyệt thôn đặc biệt khó khăn; Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng báo cáo đánh giá tác động và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại Tờ trình số 1601/TTr-ƯBDT ngày 20/10/2021. Trong đó tập trung vào một số chính sách như: Chính sách bảo hiểm y tế đối với người dân tộc thiểu số; chính sách đối với cán bộ công chức theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ người dạy, người học trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn; chính sách tín dụng ưu đãi và một số chính sách có liên quan khác.
Ngày 30/10/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 7957/VPCP-QHĐP; trong đó giao các Bộ, ngành Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với 12 chính sách có liên quan; các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành đang tiếp tục phối hợp tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các chính sách (giáo dục, y tế, cán bộ...) đã ban hành áp dụng tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 nay không còn nằm trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó có các xã còn nhiều khó khăn không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 do không đảm bảo tiêu chí đủ 15% số hộ dân tộc thiểu số như vấn đề cử tri phản ánh trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Trên đây là trả lời của Uỷ ban Dân tộc đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đoàn đại biếu Quốc hội tỉnh Quảng Bình để Ủy ban Dân tộc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
(Công văn số 1486/UBDT-CSDT ngày 09/9/2022 của Ủy ban Dân tộc về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 3)
2. Cử tri phản ánh, sau giải phóng miền Nam 1975, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Sư đoàn Thanh niên xung phong được thành lập thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế, trong đó có Sư đoàn xây dựng công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Lực lượng này đã có những đóng góp, hi sinh to lớn cho sự nghiệp cách mạng; đến nay, nhiều người đã chết, số còn lại tuổi cũng đã cao nhưng vẫn chưa được hưởng các chế độ, chính sách người có công với cách mạng. Vấn đề này cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết thấu đáo; vì vậy, cử tri tiếp tục đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu tham mưu Chính phủ xem xét, có quy định bổ sung cho đối tượng này được hưởng chính sách người có công với cách mạng để họ không bị thiệt thòi (Cử tri xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh).
Trả lời:
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thể chế hóa tại Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với CM (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14). Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng. Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ đã quy định chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn để công nhận 12 diện đối tượng là người có công với cách mạng. Theo đó, những trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh và Nghị định đều được xem xét, công nhận là người có công với cách mạng bao gồm tất cả các lực lượng, trong đó có lực lượng Thanh niên xung phong.
Về chính sách đối với TNXP, theo Điều 38 Luật Thanh niên, Điều 1, Nghị định 34/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng QLNN về Thanh niên, bao gồm cả TNXP. Thực hiện chức năng theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật về chế độ trợ cấp đối với TNXP như: Nghị định số 112/NĐ-CP ngày 06/10/2017 quy định về chế độ, chính sách đối với TNXP cơ sở ở Miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975; Nghị định số 17/2021/NĐ-CP ngày 09/3/2021 của Chính phủ quy định về chính sách đối với TNXP, Thanh niên tình nguyện…
Ngày 12/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định 34/2017/NĐ-CP nêu trên vẫn giao chức năng quản lý nhà nước về Thanh niên cho Bộ Nội vụ. Do đó, kiến nghị về bổ sung chế độ, chính sách đối với TNXP thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ. Bộ LĐ-TB và Xã hội chuyển kiến nghị đến Bộ Nội vụ để trả lời theo thẩm quyền.
(Công văn số 3782/LĐTBXH-VP ngày 27/9/2022 của Bộ LĐTB và XH trả lời KNCT sau kỳ họp 3, QH khóa XV)
III. LĨNH VỰC KHÁC
1. Cử tri phản ánh, tại Khoản 3, Điều 12, Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định nhiệm kỳ của Trưởng thôn và Tổ trưởng tổ dân phố chỉ hai năm rưỡi là chưa phù hợp với thực tế. Cử tri cho rằng, với thời gian hai năm rưỡi các Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, nhất là người mới tham gia lần đầu về cơ bản chỉ mới bắt đầu thích ứng làm quen công việc, và cũng chỉ mới đủ thời gian để biết các hộ gia đình, thậm chí có người chỉ mới nắm bắt đầy đủ hoàn cảnh từng gia đình thì đã hết nhiệm kỳ. Từ thực tế trên, cử tri đề nghị Bộ Nội vụ xem xét tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu có chủ trương tăng nhiệm kỳ của Trưởng thôn và Tổ trưởng tổ dân phố lên 5 năm để các chức danh này có đủ thời gian yên tâm cống hiến, phát huy được vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo triển khai các hoạt động, đóng góp được nhiều hơn, thiết thực, hiệu quả hơn; mặt khác, để phù hợp với tình hình cụ thể ở cơ sở, hạn chế gây xáo trộn và giảm thiểu việc bầu cử các chức danh Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố (Cử tri Lê Văn Thiết, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy).
Trả lời:
Bộ Nội vụ trả lời như sau: Theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT- BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có nhiệm kỳ là 2,5 năm (hai năm rưỡi) hoặc 05 năm (năm năm) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thống nhất và phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương. Theo đó, việc quy định về thời gian nhiệm kỳ của Trưởng thôn và Tổ trưởng tổ dân phố ở địa phương thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.
(Công văn số 4785/BNV ngày 25/9/2022 của Bộ Nội vụ trả lời KNCT sau kỳ hop 3 Quốc hội khóa XV)
2. Cử tri phản ánh, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bảo hiểm vận động, kêu gọi được nhiều người dân tham gia đóng bảo hiểm; đồng thời, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật liên quan cũng đã có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân khi tham gia đóng bảo hiểm thì dễ, nhận được nhiều hứa hẹn; nhưng khi xảy ra ốm đau, bệnh tật, rủi ro, tai nạn, hoặc đến hạn hưởng lại gặp rất nhiều khó khăn, phiền phức trong việc chi trả từ các doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, nhất là việc chi trả, thanh toán các hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm (Cử tri Đỗ Thị Kim Ngân, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới).
Trả lời:
Bộ Tài chính xin trả lời như sau: Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QHXV được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, trong đó có các quy định để bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Trong quá trình quản lý, giám sát, Bộ Tài chính thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về kinh doanh bảo hiểm nhăm bảo đảm thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững và bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, cụ thế:
Về công tác thanh tra, kiểm tra: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật. Các sai phạm phát hiện đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải có trách nhiệm, chủ động xây dựng quy trình quy chế và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm thực hiện cam kết với khách hàng tại hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
- Xây dựng, triển khai, bố trí nhân sự kiểm soát thực hiện các quy chế, quy trình về hoạt động nghiệp vụ, kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ nhằm bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính có công văn đôn đốc các doanh nghiệp bảo hiểm:
Công bố các sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai. Tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc chung trong hoạt động, trong đó lưu ý nguyên tắc trung thực, công khai và minh bạch, tránh đế khách hàng hiểu sai về sản phấm, dịch vụ do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp.
Thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm đế tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiếm, phối hợp với các tổ chức tín dụng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiếm (nếu có);
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung ủy quyền tại hợp đồng đại lý của các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động, an toàn tài chính của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm;
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia bảo hiểm về các sản phấm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm thông qua các tố chức tín dụng;
Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm; trường hợp từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản giải thích lý do từ chối.
Về công tác tuyên truyền: Bộ Tài chính thực hiện đấy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm và thị trường bảo hiểm bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó tăng cường tần suất tuyên truyền về bảo hiểm, cụ thể:
Tuyên truyền theo kế hoạch hàng năm thông qua Thời báo Tài chính Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Bản tin thị trường bảo hiểm toàn câu, Công thông tin điện tử của Bộ Tài chính, trang thông tin điện tử của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.Tuyên truyền qua 5 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương (Báo Nhân dân, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Thông tân xã Việt Nam, Công Thông tin điện tử của Chính phủ).
Tuyên truyền qua một số cơ quan thông tấn báo chí khác (VTC, VOV, báo chí địa phương....
(Công văn số 9401/BTC-QLBH ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính về việc trả lời KNCT sau kỳ họp 3)